Giữ mình về hình tượng thuộc mọi loại
“Có thể nào hiệp đền-thờ của Đức Chúa Trời lại với hình-tượng tà-thần?” (II CÔ-RINH-TÔ 6:16).
1. Lều tạm của Y-sơ-ra-ên và các đền thờ tượng trưng cho cái gì?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA có một đền thờ không chứa đựng hình tượng. Thời xưa có lều tạm của Y-sơ-ra-ên do Môi-se dựng lên và sau này những đền thờ xây cất tại Giê-ru-sa-lem đã được dùng để tượng trưng “đền-tạm thật”, tức đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va (Hê-bơ-rơ 8:1-5). Đền thờ này là sự sắp đặt để đến gần Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng căn cứ trên sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su Christ (Hê-bơ-rơ 9:2-10, 23).
2. Ai trở thành những trụ của đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Chúa Trời, và đám đông vô số người có được vị thế nào?
2 Mỗi tín đồ đấng Christ được xức dầu trở thành một “trụ trong đền Đức Chúa Trời” và nhận được một chỗ trên trời. “Đám đông vô số người” khác thờ phượng Đức Giê-hô-va và “hầu việc Ngài” trong nơi tượng trưng bởi sân dành cho người ngoại tại đền thờ do Hê-rốt xây cất lại. Nhờ có đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su, họ có một vị thế công bình và do đó sẽ được gìn giữ qua khỏi “cơn đại-nạn” (Khải-huyền 3:12; 7:9-15).
3, 4. Hội thánh những tín đồ đấng Christ được xức dầu trên đất được so sánh với cái gì, và hội thánh ấy phải giữ khỏi mọi sự ô uế nào?
3 Hội thánh của các tín đồ đấng Christ được xức dầu trên đất cũng được so sánh một cách tượng trưng với một đền thờ khác không có sự thờ hình tượng. Sứ đồ Phao-lô nói với những người “được ấn-chứng bằng Đức Thánh-Linh” như thể ấy: “Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ-đồ cùng các đấng tiên-tri, chính Đức Chúa Jêsus-Christ là đá góc nhà, cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp-đặt cách hẳn-hoi, để làm nên một đền-thờ thánh trong Chúa. Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh-Linh” (Ê-phê-sô 1:13; 2:20-22). Số 144.000 người được đóng ấn này là những hòn “đá sống được xây nên nhà thiêng-liêng, làm chức tế-lễ thánh” (I Phi-e-rơ 2:5; Khải-huyền 7:4; 14:1).
4 Bởi vì những thầy tế lễ phó này là “nhà của Đức Chúa Trời xây”, Ngài không cho phép đền thờ này bị ô uế (I Cô-rinh-tô 3:9, 16, 17). Phao-lô cảnh cáo: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công-bình với gian-ác có hội-hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông-đồng nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa-hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin? Có thể nào hiệp đền-thờ Đức Chúa Trời lại với hình-tượng tà-thần?” Những tín đồ đấng Christ được xức dầu và thuộc về “Đức Giê-hô-va Đấng Toàn-Năng” phải tránh khỏi sự thờ hình tượng (II Cô-rinh-tô 6:14-18). Những người thuộc đám đông cũng cần phải tránh khỏi sự thờ hình tượng thuộc mọi loại.
5. Tín đồ thật của đấng Christ làm gì khi biết rằng Đức Giê-hô-va đáng được thờ phượng cách chuyên độc?
5 Có hai hình thức về sự thờ hình tượng, lộ liễu và tinh tế. Không, sự thờ hình tượng không chỉ giới hạn trong sự thờ phượng những thần thánh giả, nam và nữ. Nhưng đó là sự thờ phượng bất cứ cái gì hay bất cứ ai ngoài Đức Giê-hô-va. Với tư cách là Đấng Thống trị Hoàn vũ, Ngài có lý do chính đáng để đòi hỏi một sự thờ phượng chuyên độc và Ngài đáng được như thế (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:24). Biết thế nên các tín đồ thật của đấng Christ nghe theo lời Kinh-thánh cảnh cáo chống mọi sự thờ hình tượng (I Cô-rinh-tô 10:7). Chúng ta hãy xem xét một số hình thức thờ hình tượng mà các tôi tớ của Đức Giê-hô-va cần phải tránh.
Việc thờ hình tượng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã được hình dung trước
6. Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy những sự gớm ghiếc nào trong sự hiện thấy?
6 Trong khi bị lưu đày tại Ba-by-lôn vào năm 612 trước công nguyên, nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên đã có một sự hiện thấy về các điều gớm ghiếc mà những người Do-thái bội đạo đã làm tại đền thờ của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem. Ê-xê-chi-ên nhìn thấy một “hình-tượng của sự ghen-tương”. Bảy mươi trưởng lão dâng hương trong đền thờ. Những người đàn bà thì khóc một thần giả. Và 25 người đàn ông thờ phượng mặt trời. Những hành động bội đạo này có tầm quan trọng nào?
7, 8. “Hình-tượng của sự ghen-tương” có thể là cái gì, và tại sao nó khiến Đức Giê-hô-va ghen tuông?
7 Những điều gớm ghiếc mà Ê-xê-chi-ên đã nhìn trong sự hiện thấy hình dung trước việc thờ hình tượng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Thí dụ, ông nói: “Vậy, ta ngước mắt về phía bắc, và nầy, nơi phía bắc cửa bàn-thờ, chỗ lối vào, có hình-tượng của sự ghen-tương. Ngài [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] lại phán cùng ta rằng: Hỡi con người, ngươi có thấy sự những kẻ nầy làm, tức là những sự gớm-ghiếc lớn mà nhà Y-sơ-ra-ên đã phạm tại đây, đặng làm cho ta xa nơi thánh ta chăng?” (Ê-xê-chi-ên 8:1-6).
8 Cái hình tượng của sự ghen tương này có thể là một trụ thánh tượng trưng cho nữ thần giả mà người Ca-na-an xem như vợ của thần Ba-anh. Bất kể biểu tượng này là gì đi nữa, nó cũng khiến cho Đức Giê-hô-va ghen tương bởi vì nó chia rẽ sự thờ phượng chuyên độc của Y-sơ-ra-ên đối với Ngài, chống lại điều răn: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi... Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình-tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ-tà” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2-5).
9. Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã khiêu khích Đức Chúa Trời đến ghen tương như thế nào?
9 Việc thờ hình tượng của sự ghen tương trong đền thờ của Đức Chúa Trời là một trong những điều gớm ghiếc lớn mà những người Y-sơ-ra-ên bội đạo thời xưa đã làm. Tương tự thế, các nhà thờ tự xưng theo đấng Christ ngày nay bị ô uế bởi những hình tượng và ảnh tượng làm ô danh Đức Chúa Trời vì chúng chia rẽ sự thờ phượng chuyên độc mà họ nói là dâng lên Đấng mà họ phụng sự. Đức Chúa Trời cũng bị khiêu khích đến ghen tương bởi vì các giới chức giáo phẩm từ bỏ nước của Ngài như hy vọng duy nhất của nhân loại và thần thánh hóa Liên Hiệp Quốc—“sự gớm-ghiếc... lập ra trong nơi thánh” là nơi đáng lý nó không được đứng (Ma-thi-ơ 24:15, 16; Mác 13:14).
10. Ê-xê-chi-ên nhìn thấy gì trong đền thờ và điều này tương tự thế nào với những gì xảy ra nơi các nước tự xưng theo đấng Christ?
10 Ê-xê-chi-ên kể tiếp khi vào trong đền thờ: “Và nầy, có mọi thứ hình-tượng côn-trùng và thú-vật gớm-ghiếc, mọi thần-tượng của nhà Y-sơ-ra-ên đã vẽ trên chung-quanh tường. Trước mặt các thần-tượng ấy đứng bảy mươi trưởng-lão của nhà Y-sơ-ra-ên... mỗi người tay cầm lư-hương, khói thơm bay lên như ngút”. Hãy thử nghĩ! Những trưởng lão của Y-sơ-ra-ên ở trong đền thờ Đức Giê-hô-va, dâng hương lên cho các thần thánh giả tượng trưng bởi các hình vẽ gớm ghiếc trên tường (Ê-xê-chi-ên 8:10-12). Tương tự thế, ngày nay người ta dùng những loại chim và thú rừng để biểu tượng các nước tự xưng theo đấng Christ và người ta sùng bái các biểu tượng đó. Ngoài ra, nhiều người trong giới chức giáo phẩm mắc tội vì giúp tay vào việc lừa dối dân chúng bằng cách hủng hộ thuyết sai lầm cho rằng loài người tiến hóa từ thú vật thấp kém thay vì đề cao sự tường thuật chân thật của Kinh-thánh về sự sáng tạo bởi Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 17:24-28).
11. Tại sao những người đàn bà Y-sơ-ra-ên bội đạo khóc thần Tham-mu?
11 Nơi lối vào cửa nhà Đức Giê-hô-va, Ê-xê-chi-ên trông thấy những người đàn bà Y-sơ-ra-ên bội đạo ngồi khóc thần Tham-mu (Ê-xê-chi-ên 8:13, 14). Người Ba-by-lôn và người Si-ri xem Tham-mu như vị thần của cây cỏ mọc trong mùa mưa và chết trong mùa khô. Cây cỏ chết tượng trưng sự chết của thần Tham-mu và hàng năm những kẻ thờ phượng thần ấy khóc lóc vào lúc mùa nóng nhất. Và khi cây cỏ lại xuất hiện trong mùa mưa thì người ta cho rằng thần Tham-mu trở lại từ nơi âm phủ. Tham-mu được tiêu biểu bởi chữ đầu tiên của tên hắn, tức chữ tau, cũng là một hình dạng của thập tự giá. Điều này có lẽ làm chúng ta nhớ đến sự sùng bái thập tự giá của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ.
12. Ê-xê-chi-ên nhìn thấy 25 người Y-sơ-ra-ên bội đạo làm gì, và có hành động tương tự nào xảy ra trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ?
12 Nơi hành lang phía trong của đền thờ, Ê-xê-chi-ên kế đó nhìn thấy 25 người đàn ông Y-sơ-ra-ên bội đạo đang thờ lạy mặt trời—vi phạm điều răn của Đức Giê-hô-va chống lại sự thờ hình tượng như thế (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:15-19). Những kẻ thờ hình tượng này lại còn lấy một nhánh cây tục tĩu để lên gần mũi của Đức Giê-hô-va, có lẽ nhánh cây này tượng trưng bộ phận sinh dục của người đàn ông. Không lạ gì Đức Chúa Trời chẳng đáp lời cầu nguyện của chúng, cũng như khi các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ tìm kiếm sự trợ giúp của Ngài trong ngày “hoạn-nạn lớn”, nhưng vô ích (Ma-thi-ơ 24:21). Cũng như những người Y-sơ-ra-ên bội đạo đã thờ phượng mặt trời chiếu sáng, quay lưng lại đền thờ của Đức Giê-hô-va, thì các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ cũng quay lưng lại ánh sáng đến từ Đức Chúa Trời, dạy dỗ những giáo lý sai lầm, thần thánh hóa sự khôn ngoan của thế gian, và làm ngơ trước sự vô luân (Ê-xê-chi-ên 8:15-18).
13. Bằng những cách nào Nhân-chứng Giê-hô-va tránh các hình thức của sự thờ hình tượng nhìn thấy trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên?
13 Nhân-chứng Giê-hô-va tránh mọi hình thức của sự thờ hình tượng như thực hành trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ mà Giê-ru-sa-lem xưa đã làm hình bóng, như Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy trước. Chúng ta không thần thánh hóa những biểu tượng làm ô danh Đức Chúa Trời. Dù chúng ta tỏ kính trọng đối với nhà “cầm quyền”, sự vâng phục của chúng ta đối với họ là tương đối (Rô-ma 13:1-7; Mác 12:17; Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Chúng ta dành trọn lòng thành tâm cho Đức Chúa Trời và Nước của Ngài. Chúng ta không lấy thuyết tiến hóa để thay thế Đấng Tạo hóa và sự sáng tạo của Ngài (Khải-huyền 4:11). Chúng ta không bao giờ tôn sùng thập tự giá hay thần thánh hóa thuyết duy lý, triết lý, hoặc các loại khác của sự khôn ngoan thế gian (I Ti-mô-thê 6:20, 21). Chúng ta cũng giữ mình khỏi tất cả các hình thức khác của sự thờ hình tượng. Một số các hình thức này là gì?
Các loại khác của sự thờ hình tượng
14. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va có lập trường nào liên quan đến “con thú” của Khải-huyền 13:1?
14 Tín đồ đấng Christ không tham dự cùng nhân loại trong việc thần thánh hóa một “con thú” tượng trưng. Sứ đồ Giăng viết: “Tôi thấy ở dưới biển lên một con thú có mười sừng bảy đầu, trên những sừng có mười cái mão triều-thiên... Hết thảy những dân-sự trên đất đều thờ-lạy nó” (Khải-huyền 13:1, 8). Các con thú có thể tượng trưng cho các “vua” hay cường quốc chính trị (Đa-ni-ên 7:17; 8:3-8, 20-25). Như vậy, bảy đầu của con thú tượng trưng có nghĩa là các cường quốc thế giới—Ê-díp-tô, A-si-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi Phe-rơ-sơ, Hy-lạp, La-mã, và cường quốc đôi hợp lại là Anh-quốc và Hoa-kỳ. Giới chức giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ tỏ ra rất vô lễ đối với Đức Chúa Trời và đấng Christ bằng cách dẫn đầu nhân loại trong việc thần thánh hóa hệ thống chính trị của “vua-chúa của thế-gian nầy” là Sa-tan (Giăng 12:31). Tuy nhiên, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va, với tư cách là tín đồ đấng Christ giữ sự trung lập và cổ võ cho Nước Trời, từ bỏ sự thờ hình tượng như thế (Gia-cơ 1:27).
15. Dân sự Đức Giê-hô-va coi các minh tinh thế gian như thế nào, và một Nhân-chứng đã nói gì liên quan đến điều này?
15 Dân sự Đức Chúa Trời cũng không thần thánh hóa các minh tinh ngành giải trí và thể thao của thế giới này. Sau khi trở thành một Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va, một nhạc sĩ đã nói: “Âm nhạc để giải trí và để nhảy múa có thể gợi lên những ham muốn xấu... Người ca sĩ hát về hạnh phúc và sự âu yếm làm nhiều người nghe cảm thấy rằng người hôn phối của họ không có các thứ đó. Người nghệ sĩ thường được người ta đồng hóa với cái gì người đó hát. Tôi biết nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp vì lý do đó trở thành những người được đàn bà rất ưa mến. Một khi người ta chìm đắm trong thế giới ảo tưởng đó, thì có thể đi đến việc thần thánh hóa người nghệ sĩ. Việc này có thể bắt đầu một cách vô hại như là xin chữ ký để làm kỷ niệm. Nhưng rồi nhiều người đi đến chỗ xem người nghệ sĩ như là mẫu người lý tưởng của họ và rồi đặt người đó lên bục cao, làm người đó trở thành một thần tượng. Họ có thể treo hình của minh tinh đó lên tường và bắt đầu ăn mặc chải chuốt giống như người đó. Tín đồ đấng Christ cần phải ghi nhớ rằng một sự tôn sùng như thế chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời mà thôi”.
16. Điều gì chứng tỏ rằng các thiên sứ công bình từ bỏ sự thờ hình tượng?
16 Đúng vậy, chỉ một mình Đức Chúa Trời đáng được tôn sùng và thờ phượng. Khi Giăng “sấp mình xuống dưới chơn thiên-sứ... để thờ-lạy” vì thiên sứ đã cho ông xem những điều tuyệt diệu, tạo vật thần linh ấy đã từ chối không muốn được tôn sùng bằng bất cứ cách nào, và nói: “Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi-tớ với ngươi, với anh em ngươi, là các đấng tiên-tri, và với những kẻ giữ các lời trong sách nầy. Hãy thờ-phượng Đức Chúa Trời!” (Khải-huyền 22:8, 9). Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, hay sự tôn kính sâu xa đối với Ngài, khiến chúng ta thờ phượng chỉ một mình Ngài mà thôi (Khải-huyền 14:7). Vậy, sự tin kính thật sự đối với Đức Chúa Trời che chở chúng ta khỏi sự thờ hình tượng (I Ti-mô-thê 4:8).
17. Làm sao chúng ta có thể giữ mình khỏi tình dục vô luân giống sự thờ hình tượng?
17 Sự vô luân là một khía cạnh khác của sự thờ hình tượng mà các tôi tớ của Đức Giê-hô-va từ bỏ. Họ biết rằng “kẻ gian-dâm, ô-uế, tham-lam, tức là kẻ thờ hình-tượng, không một kẻ nào được dự phần kế-nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 5:5). Việc này liên quan đến sự thờ hình tượng vì sự thèm thuồng thú vui bất chính trở nên một điều để tôn sùng. Những ham muốn tình dục không chính đáng có thể làm nguy hại đến các đức tính của người tin kính. Nếu người để mắt và tai vào những tài liệu khiêu dâm thì người có thể làm nguy hại mối liên lạc của người với Đấng Thánh, Đức Chúa Trời Giê-hô-va (Ê-sai 6:3). Vậy, để giữ mình khỏi sự thờ hình tượng như thế, các tôi tớ của Đức Chúa Trời phải tránh các tài liệu khiêu dâm và loại nhạc dâm đãng. Họ cần phải nắm chặt những giá trị thiêng liêng vững chắc căn cứ theo Kinh-thánh, và họ phải giữ luôn “người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:22-24).
Tránh sự tham lam và thèm thuồng
18, 19. a) Sự tham lam và thèm thuồng là gì? b) Làm sao chúng ta có thể giữ mình khỏi sự tham lam và thèm thuồng giống sự thờ hình tượng?
18 Tín đồ đấng Christ phải giữ mình khỏi sự tham lam và thèm thuồng, là những hình thức gần giống nhau của sự thờ hình tượng. Sự tham lam là ham muốn quá lố hoặc vô độ, và sự thèm thuồng là tham lam bất cứ cái gì thuộc về người khác. Chúa Giê-su cảnh cáo chống lại sự thèm thuồng và nói về một người giàu có thèm thuồng kia đã không hưởng được sự giàu có lúc chết và ở trong tình trạng bất hạnh là “không giàu-có nơi Đức Chúa Trời” (Lu-ca 12:15-21). Phao-lô có lời khuyên thích đáng cho anh em cùng đạo: “Hãy làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới, tức là... tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng” (Cô-lô-se 3:5).
19 Ai bị ám ảnh bởi sự ham mê tiền bạc, ham ăn uống quá độ, hay bởi tham vọng quyền thế thì để cho những sự thèm muốn như thế trở thành những thần tượng của mình. Như Phao-lô cho thấy, một người tham lam là một người thờ hình tượng và sẽ không hưởng được Nước Trời (I Cô-rinh-tô 6:9, 10; Ê-phê-sô 5:5). Do đó, ai đã làm báp têm mà còn thực hành sự thờ hình tượng như người tham lam thì có thể bị khai trừ khỏi hội thánh tín đồ đấng Christ. Tuy nhiên, nếu áp dụng Kinh-thánh và nhiệt tâm cầu nguyện, chúng ta có thể tránh được tính tham lam. Châm-ngôn 30:7-9 viết: “Tôi có cầu Chúa hai điều; xin chớ từ-chối trước khi tôi thác. Xin dan xa khỏi tôi sự lường-gạt và lời dối-trá; chớ cho tôi nghèo-khổ, hoặc sự giàu-sang; hãy nuôi tôi đủ vật-thực cần-dùng, e khi no đủ, tôi từ-chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo-khổ, ăn trộm-cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng”. Một tinh thần như thế có thể giúp chúng ta giữ mình khỏi sự tham lam và thèm thuồng là một loại của sự thờ hình tượng.
Đề phòng chống lại sự thờ phượng chính mình
20, 21. Làm sao dân sự của Đức Giê-hô-va đề phòng chống lại sự tôn thờ chính mình?
20 Dân sự của Đức Giê-hô-va cũng đề phòng chống lại sự thờ phượng chính mình. Trong thế gian ngày nay người ta thường tôn sùng chính mình và ý muốn riêng của mình. Vì ham muốn danh vọng và vinh quang mà nhiều người hành động theo những đường lối không ngay thẳng. Họ muốn thực hiện ý muốn của mình, không phải ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta không thể có mối liên lạc tốt với Đức Chúa Trời nếu chúng ta không chống lại sự thờ phượng chính mình bằng cách hành động không ngay thẳng hầu đạt được ý muốn của riêng mình và kiếm cách quản trị người khác (Châm-ngôn 3:32; Ma-thi-ơ 20:20-28; I Phi-e-rơ 5:2, 3). Chúng ta là tín đồ đấng Christ thì đã từ bỏ những điều mờ ám của thế gian này rồi (II Cô-rinh-tô 4:1, 2).
21 Thay vì tìm kiếm danh vọng, dân sự của Đức Chúa Trời nghe theo lời khuyên của Phao-lô: “Anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31). Chúng ta là tôi tớ Đức Giê-hô-va thì chẳng cố tâm làm theo ý riêng mình nhưng vui vẻ làm theo ý định của Đức Chúa Trời, nhận sự hướng dẫn của lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và hợp tác hết lòng với tổ chức của Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 24:45-47).
Hãy đề phòng!
22, 23. Bằng cách nào chúng ta tiếp tục giữ mình khỏi sự thờ hình tượng thuộc mọi loại?
22 Chúng ta là dân sự của Đức Giê-hô-va thì không cúi mình thờ lạy các hình tượng vật chất. Chúng ta cũng giữ mình khỏi những hình thức tinh vi của sự thờ hình tượng. Thật ra, chúng ta phải tiếp tục tránh sự thờ hình tượng thuộc mọi loại. Thế nên, chúng ta nghe theo lời khuyên của Giăng: “Hãy giữ mình về hình-tượng!” (I Giăng 5:21).
23 Nếu bạn là một tôi tớ của Đức Giê-hô-va, hãy luôn luôn dùng lương tâm và khả năng suy xét của bạn đã được Kinh-thánh huấn luyện (Hê-bơ-rơ 5:14). Thế thì bạn sẽ không bị tinh thần thờ hình tượng của thế gian này làm cho ô nhiễm, nhưng bạn sẽ giống như ba người Hê-bơ-rơ trung thành và những tín đồ đấng Christ trung tín thuở ban đầu. Bạn sẽ dành cho Đức Giê-hô-va một sự thờ phượng chuyên độc, và Ngài sẽ giúp bạn tiếp tục giữ mình khỏi sự thờ hình tượng thuộc mọi loại.
Bạn có ý kiến gì?
◻ Làm sao Nhân-chứng Giê-hô-va tránh các hình thức thờ hình tượng như trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên?
◻ “Con thú” trong Khải-huyền 13:1 là gì, và tôi tớ Đức Giê-hô-va có lập trường nào đối với “con thú” ấy?
◻ Tại sao đề phòng chống việc thần tượng hóa các minh tinh ngành giải trí và thể thao?
◻ Làm sao chúng ta có thể đề phòng chống sự thờ phượng chính mình?
◻ Tại sao tiếp tục giữ mình khỏi sự thờ hình tượng thuộc mọi loại?
[Các hình nơi trang 20]
Bạn có biết làm sao mà các điều gớm ghiếc trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên làm hình bóng cho sự thờ hình tượng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ không?
[Nguồn tư liệu]
Hình vẽ (phía trên, bên trái) căn cứ theo hình ảnh do Ralph Crane/Bardo Museum