Ai đang đi theo sự sáng của thế gian?
“Anh em... chiếu sáng như đuốc trong thế gian” (PHI-LÍP 2:15).
1. Kinh-thánh nói gì về các ánh sáng giả tạo của tôn giáo?
KINH-THÁNH chỉ rõ Giê-su là “sự sáng lớn”, “sự sáng của thế-gian” (Ê-sai 9:1; Giăng 8:12). Tuy nhiên, tương đối có ít người đi theo Giê-su khi ngài ở trên đất. Đa số chọn đi theo những sự sáng giả tạo, trên thực tế đó là những kẻ mang sự tối tăm. Lời Đức Chúa Trời nói về những kẻ này: “Mấy người như vậy là sứ-đồ giả, là kẻ làm công lừa-dối, mạo chức sứ-đồ của Đấng Christ. Nào có ai lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên-sứ sáng-láng. Vậy thì những kẻ giúp việc nó mạo làm kẻ giúp việc công-bình cũng chẳng lạ gì; nhưng sự cuối-cùng họ sẽ y theo việc làm” (II Cô-rinh-tô 11:13-15).
2. Giê-su nói điều gì sẽ là căn bản để xét đoán người ta?
2 Vậy thì mặc dù sự sáng là tuyệt diệu nhưng không phải tất cả đều muốn sự sáng. Giê-su nói: “Vả, sự đoán-xét đó là như vầy: sự sáng đã đến thế-gian, mà người ta ưa sự tối-tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu-xa. Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công-việc của mình phải trách-móc chăng” (Giăng 3:19, 20).
Những kẻ ưa sự tối tăm
3, 4. Những người lãnh đạo tôn giáo vào thời của Giê-su cho thấy họ không muốn theo sự sáng như thế nào?
3 Một trường hợp điển hình là khi Giê-su ở trên đất, Đức Chúa Trời đã ban cho ngài nhiều quyền năng làm những phép lạ ly kỳ và đó là một cách để chứng tỏ Giê-su chính là đấng Mê-si. Thí dụ, có lần vào ngày Sa-bát, Giê-su chữa lành mắt cho một người bị mù từ thuở mới sanh. Đó thật là một hành động tuyệt diệu đầy nhân từ thương xót! Người ấy biết ơn khôn xiết! Lần đầu tiên trong đời ông ta có thể nhìn thấy ánh sáng! Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã phản ứng thế nào? Giăng 9:16 thuật lại: “Có mấy kẻ trong những người Pha-ri-si bèn nói [về Giê-su] rằng: Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát”. Lòng của họ thật là bại hoại làm sao! Thay vì mừng rỡ khi thấy một sự chữa lành tuyệt diệu như vậy và biết ơn đấng chữa lành, họ đã lên án Giê-su! Vậy là họ đã phạm tội cùng sự thể hiện của thánh linh Đức Chúa Trời, một tội không thể tha thứ được (Ma-thi-ơ 12:31, 32).
4 Sau đó, khi các kẻ giả hình này chất vấn người đã hết bị mù về Giê-su, người đó đáp lại: “Người [Giê-su] đã mở mắt tôi, mà các ông chẳng biết người bởi đâu đến, ấy là sự lạ lắm! Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội, mà nếu ai kính-sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý-muốn Ngài, thì Ngài nhậm lời. Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra. Nếu người nầy [Giê-su] chẳng phải đến từ Đức Chúa Trời, thì không làm gì được hết”. Các nhà lãnh đạo tôn giáo phản ứng thế nào? “Chúng trả lời rằng: Cả mình ngươi sanh ra trong tội-lỗi, lại muốn dạy-dỗ chúng ta sao! Đoạn, họ đuổi người ra ngoài”. Thật là họ thiếu lòng trắc ẩn! Họ có lòng dạ chai đá. Bởi vậy Giê-su nói với họ rằng dù có mắt họ thật ra bị mù về phương diện thiêng liêng (Giăng 9:30-41).
5, 6. Những người lãnh đạo tôn giáo ở thế kỷ thứ nhất đã làm gì cho thấy họ ưa thích sự tối tăm?
5 Các nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình này một lần khác lại phạm tội cùng thánh linh Đức Chúa Trời khi Giê-su đã làm cho La-xa-rơ được sống lại. Phép lạ này khiến nhiều người tin nơi Giê-su. Nhưng hãy chú ý xem các nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm gì. “Các thầy tế-lễ cả và người Pha-ri-si nhóm tòa công-luận, bàn rằng: Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên-hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa” (Giăng 11:47, 48). Họ chỉ nghĩ đến địa vị cao trọng của họ, và bằng mọi giá họ muốn làm vui lòng người La-mã, chứ không phải Đức Chúa Trời. Vậy họ đã làm gì? “Từ ngày đó, chúng lập mưu giết ngài [Giê-su]” (Giăng 11:53).
6 Thế đã hết chưa? Chưa! Những việc họ làm kế đó cho thấy họ ưa thích sự tối tăm đến độ nào. “Các thầy tế-lễ cả bèn định giết luôn La-xa-rơ nữa, vì có nhiều người Giu-đa nhơn cớ người mà chia-rẽ họ và tin theo Đức Chúa Giê-su” (Giăng 12:10, 11). Họ thật là độc ác không thể tưởng! Dù họ đã làm tất cả những điều này để cố giữ địa vị của họ, nhưng việc gì đã xảy ra? Chính trong thế hệ đó, họ nổi loạn chống lại người La-mã và vào năm 70 công nguyên, quân đội La-mã đã kéo đến cướp mất hết địa vị, quốc gia và cả mạng sống của họ nữa! (Ê-sai 5:20; Lu-ca 19:41-44).
Lòng trắc ẩn của Giê-su
7. Tại sao những người yêu thích lẽ thật lũ lượt đến với Giê-su?
7 Trong thời kỳ chúng ta ngày nay cũng vậy, không phải tất cả mọi người đều muốn được soi sáng về thiêng liêng. Chỉ những ai yêu chuộng lẽ thật mới muốn đến với sự sáng. Họ muốn Đức Chúa Trời làm Đấng Thống trị của họ và họ sẵn lòng đến với Giê-su là đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến để giải thích sự sáng là gì và họ đi theo ngài. Những người khiêm nhường đã làm như thế lúc Giê-su còn ở trên đất. Họ lũ lượt đến với ngài. Ngay cả những người Pha-ri-si cũng phải nhìn nhận điều đó, khi họ than: “Cả thiên-hạ đều chạy theo người!” (Giăng 12:19). Những người khiêm nhường giống như chiên yêu mến Giê-su bởi vì ngài khác hẳn các nhà lãnh đạo tôn giáo đầy lòng ích kỷ, kiêu ngạo và khao khát quyền thế. Giê-su nói về họ: “Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào. Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy” (Ma-thi-ơ 23:4, 5).
8. Ngược lại bọn giả hình, Giê-su có thái độ nào?
8 Ngược lại, hãy chú ý thái độ thương xót của Giê-su: “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Và Giê-su đã làm gì? Ngài nói với những người bị hệ thống của Sa-tan bóc lột: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30). Giê-su làm những gì đã được tiên tri về ngài nơi Ê-sai 61:1, 2, viết như sau: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin-lành cho kẻ khiêm-nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu-tù được tự-do, kẻ cầm tù được ra khỏi ngục; đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo-thù của Đức Chúa Trời chúng ta; đặng yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu”.
Thu nhóm những người mang sự sáng
9. Những biến cố quan trọng nào xảy ra năm 1914?
9 Sau khi lên trời, Giê-su phải đợi đến thời điểm Đức Chúa Trời ban cho ngài quyền hành trong Nước Trời. Rồi ngài sẽ chia “chiên” và “dê” ra (Ma-thi-ơ 25:31-33; Thi-thiên 110:1, 2). Thời điểm đó đến khi “những ngày sau-rốt” bắt đầu vào năm 1914 (II Ti-mô-thê 3:1-5). Với quyền hành làm Vua của Nước Đức Chúa Trời, Giê-su bắt đầu thu nhóm những người muốn theo sự sáng, đặt họ bên tay hữu ngài, tức là địa vị ân phước. Sau Thế chiến thứ nhất, công việc thu nhóm tiếp tục trên đà gia tăng.
10. Chúng ta có thể nêu lên câu hỏi nào về những người Giê-su dùng trong công việc thu nhóm?
10 Dưới quyền lãnh đạo của Giê-su Christ, công việc thu nhóm đạt được nhiều thành quả lớn. Trong suốt lịch sử chưa bao giờ có nhiều người như thế đến từ mọi nước để kết hợp trong sự thờ phượng thật được soi sáng. Ngày nay, ai là những người đang theo sự sáng tỏa ra từ Đức Chúa Trời và đấng Christ? Ai là những người “chiếu sáng như đuốc trong thế-gian”, như Phi-líp 2:15 nói và mời người khác ‘đến nhận lấy nước sự sống miễn phí’? (Khải-huyền 22:17, NW).
11. Vị thế của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ là gì liên quan đến sự sáng thiêng liêng?
11 Các đạo tự xưng theo đấng Christ có làm như thế không? Các đạo tự xưng theo đấng Christ gồm có nhiều đạo đầy chia rẽ chắc chắn không chiếu sáng như đuốc. Thật ra, hàng giáo phẩm giống những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời Giê-su. Họ không phản chiếu sự sáng thật của Đức Chúa Trời và đấng Christ. Tờ báo “Thần học ngày nay” (Theology Today) đã viết trước đây 33 năm: “Chúng ta rất tiếc mà phải công nhận rằng sự sáng không chiếu rạng trong Nhà thờ... Nhà thờ càng ngày càng trở thành giống như các cộng đồng ở chung quanh. Nhà thờ không phải là sự sáng của thế gian nhưng thật ra chỉ phản chiếu những ánh sáng của thế gian mà thôi”. Và ngày nay tình trạng của các đạo tự xưng theo đấng Christ còn tệ hơn nữa. Cái được gọi là “ánh sáng” từ thế gian mà nhà thờ phản chiếu thật ra là sự tối tăm bởi vì Sa-tan và thế gian này chỉ là mờ tối mà thôi. Không, sự sáng của lẽ thật không thể đến từ các đạo tự xưng theo đấng Christ đầy tranh cạnh và hoàn toàn theo thế gian.
12. Ngày nay ai hợp thành tổ chức thật mang sự sáng?
12 Ngày nay chúng ta có thể tự tin nói rằng xã hội thế giới mới của các Nhân-chứng Giê-hô-va là một tổ chức thật, mang sự sáng trên khắp thế giới. Tất cả những người sống trong xã hội này—đàn ông, đàn bà cũng như các người trẻ—đều hợp nhất để sự sáng mà họ nhận được từ Đức Giê-hô-va và đấng Christ chiếu sáng ra cho cả nhân loại. Năm ngoái, gần 70.000 hội thánh của các Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp đất đã có hơn bốn triệu người mang sự sáng, tích cực thông báo về Đức Chúa Trời và ý định của Ngài. Và mỗi năm chúng ta thấy tiếp tục có sự thu nhóm rất đông những người muốn được soi sáng về thiêng liêng. Hàng trăm ngàn người đã làm báp têm sau khi học hỏi Kinh-thánh và có được sự hiểu biết chính xác về lẽ thật. Đúng là Đức Chúa Trời “muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4).
13. Chúng ta có thể so sánh ánh sáng đến từ Đức Giê-hô-va với gì?
13 Chúng ta có thể so sánh sự soi sáng đến từ Đức Giê-hô-va ngày nay với điều đã xảy ra khi dân Y-sơ-ra-ên thời xưa rời khỏi xứ Ê-díp-tô: “Đức Giê-hô-va đi trước dân-sự, ban ngày ở trong một trụ mây, để dẫn đường đi; ban đêm trong một trụ lửa, để soi sáng cho chúng, hầu cho được đi luôn ngày và đêm” (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:21, 22). Đức Chúa Trời dùng trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm để dẫn dắt dân sự, và những vật này cũng đáng tin cậy như mặt trời mà Ngài đã tạo ra để chiếu sáng cho chúng ta vậy. Cũng thế, chúng ta có thể tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục soi sáng về thiêng liêng cho những người tìm kiếm lẽ thật trong những ngày sau rốt đầy khó khăn này. Châm-ngôn 4:18 bảo đảm với chúng ta: “Con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu-rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”.
Phản chiếu ánh sáng Nước Trời
14. Mục đích chính của những người mang sự sáng phải là gì?
14 Trong khi Đức Giê-hô-va là Nguồn của sự soi sáng, và đấng Christ là đấng chính yếu phản chiếu sự sáng đó, các môn đồ của Giê-su cũng phải phản chiếu sự sáng nữa. Giê-su nói về họ: “Các ngươi là sự sáng của thế-gian... Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:14, 16). Và đề tài chính của sự sáng này mà các môn đồ phải soi trước mặt người ta là gì vậy? Họ phải dạy gì vào thời kỳ tột cùng này của lịch sử nhân loại? Giê-su không nói các môn đồ sẽ rao giảng về các chủ nghĩa chính trị như dân chủ, độc tài, liên hiệp giáo hội và nhà nước hoặc bất cứ lý tưởng nào khác của thế gian này. Thay vì thế, nơi Ma-thi-ơ 24:14 Giê-su nói tiên tri rằng mặc dầu thế gian có chống đối đi nữa, “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. Bởi vậy, ngày nay những người mang sự sáng nói với mọi người về Nước Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thế gian hung ác này của Sa-tan và đem lại một thế giới mới công bình (I Phi-e-rơ 2:9).
15. Những người muốn có sự sáng sẽ hướng về đâu?
15 Những người yêu chuộng sự sáng sẽ không để những lời hô hào và mục tiêu của thế gian này đánh lạc hướng. Tất cả các lời hô hào và mục tiêu đó sắp tan thành mây khói, vì thế gian này gần bị hủy diệt. Trái lại, những người yêu chuộng sự công bình sẽ muốn hướng về tin mừng đang được những người phản chiếu sự sáng của Nước Trời rao báo cho đến tận cùng trái đất. Chính những người này là những người mà Khải-huyền 7:9, 10 miêu tả: “Sự ấy đoạn, tôi nhìn-xem, thấy vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi [của Đức Chúa Trời] và trước Chiên Con [đấng Christ]...cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con”. Câu 14 nói tiếp: “Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại-nạn”. Đúng vậy, họ sẽ sống sót qua sự kết liễu của thế gian này và bước vào một thế giới mới vô tận dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời.
Thế giới mới được soi sáng
16. Điều gì sẽ xảy ra cho thế gian của Sa-tan trong hoạn nạn lớn?
16 Thế giới mới đó sẽ chan hòa ánh sáng rực rỡ của lẽ thật. Chúng ta hãy thử xem tình trạng thế giới sẽ ra sao sau khi Đức Chúa Trời hủy diệt hệ thống gian ác của Sa-tan. Lúc đó sẽ không còn Sa-tan, các quỉ, và các hệ thống chính trị, thương mại, tôn giáo của hắn—tất cả sẽ bị loại trừ! Cả guồng máy tuyên truyền của Sa-tan cũng sẽ không còn nữa. Vậy thì sau hoạn nạn lớn sẽ không bao giờ có bất cứ một tờ báo nào, một sách lớn, sách nhỏ nào hay giấy nhỏ nào được in ra để ủng hộ thế gian hung ác này. Sẽ không còn ảnh hưởng bại hoại của các đài vô tuyến truyền thanh hay truyền hình. Cả cái môi trường độc hại của thế gian theo Sa-tan sẽ bị quét sạch! (Ma-thi-ơ 24:21; Khải-huyền 7:14; 16:14-16; 19:11-21).
17, 18. Bạn miêu tả ra sao về tình trạng thiêng liêng sau khi thế gian của Sa-tan bị kết liễu?
17 Lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy khoan khoái biết mấy! Từ đó trở đi chỉ còn toàn là sự sáng thiêng liêng lành mạnh, khích lệ đến từ Đức Giê-hô-va và Nước Trời để hướng dẫn loài người. Ê-sai 54:13 nói tiên tri: “Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ, và sự bình-an của con-cái ngươi sẽ lớn”. Với sự cai trị của Đức Chúa Trời trên toàn thể trái đất, Ngài hứa nơi Ê-sai 26:9 rằng “dân-cư của thế-gian đều [sẽ] học sự công-bình”.
18 Toàn thể tình trạng tâm thần và thiêng liêng sẽ đổi mới tốt hơn một cách nhanh chóng. Hàng ngày chúng ta sẽ thấy những điều khích lệ thay vì những chuyện buồn nản, vô luân đầy dẫy như ngày nay. Mỗi người sống lúc đó sẽ được dạy dỗ lẽ thật về Đức Chúa Trời và những ý định của Ngài. Lời tiên tri nơi Ê-sai 11:9 lúc đó sẽ thực hiện cách trọn vẹn: “Thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.
Khẩn cấp đi theo sự sáng
19, 20. Tại sao những người muốn theo sự sáng cần phải cảnh giác đề phòng?
19 Giờ đây trong những năm chót của hệ thống gian ác này, chúng ta phải khẩn cấp đi theo sự sáng của thế gian. Và chúng ta phải cẩn thận đề phòng, vì có một sự tranh chiến dữ dội nhằm ngăn cản chúng ta đi trong sự sáng. Sự chống đối này là do các quyền lực của sự tối tăm: Sa-tan, các quỉ và tổ chức của hắn trên đất. Bởi thế cho nên sứ đồ Phi-e-rơ cảnh giác chúng ta: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8).
20 Sa-tan sẽ gây mọi sự trở ngại cho những người đang đến gần sự sáng vì hắn muốn họ tiếp tục ở trong sự tối tăm. Hắn có thể dùng những người thân trong gia đình hay bạn bè cũ chống đối lẽ thật để gây áp lực. Hắn có thể gieo rắc sự nghi ngờ đối với Kinh-thánh và dùng những sự dạy dỗ sai lầm của tôn giáo giả hay lời tuyên truyền của những kẻ vô thần và theo thuyết lý trí hữu hạn không đức tin để làm mù lòng người ta. Cũng có thể chính các khuynh hướng xác thịt tội lỗi của mình cản trở khiến cho khó theo nổi những gì mà Đức Chúa Trời đòi hỏi.
21. Tất cả những người muốn sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời phải làm gì?
21 Dù có sự cản trở nào đi nữa, bạn có muốn vui hưởng sự sống trong một thế giới mới không có sự nghèo khổ, tội ác, bất công và chiến tranh không? Bạn có muốn được một sức khỏe hoàn toàn và sống đời đời trong địa-đàng trên đất không? Vậy thì hãy tiếp nhận và đi theo Giê-su như là sự sáng của thế gian và hãy lắng nghe thông điệp của những người đang “giữ lấy đạo sự sống” và đang “chiếu sáng như đuốc trong thế-gian” (Phi-líp 2:15).
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Những người lãnh đạo tôn giáo cho thấy họ ưa thích sự tối tăm như thế nào?
◻ Giê-su có thái độ nào đối với dân chúng?
◻ Công việc thu nhóm những người mang sự sáng đã tiến hành ra sao?
◻ Có những thay đổi quan trọng nào sắp sửa diễn ra?
◻ Tại sao ngày nay việc đi theo sự sáng của thế gian là khẩn cấp?
[Hình nơi trang 14, 15]
Các người Pha-ri-si cứng lòng đuổi người được Giê-su làm sáng mắt ra ngoài