Chúng ta có thể yêu thương người lân cận
CÂU chuyện ví dụ của Giê-su Christ về người Sa-ma-ri cho thấy lòng yêu thương chân thật đối với người lân cận có nghĩa thật sự là gì (Lu-ca 10:25-37). Giê-su cũng dạy: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều- răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều-răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình” (Ma-thi-ơ 22:37-39).
Giống như nhiều người, phải chăng bạn thấy khó yêu thương người lân cận khác chủng tộc với bạn? Lý do có lẽ là vì bạn đã nghe nói về sự kỳ thị chủng tộc và bất công hoặc chính bạn đã trải qua những chuyện đó. Phải chăng bạn hoặc những người thân yêu của bạn có thể đã bị những người khác chủng tộc hành hung hoặc đối xử tàn nhẫn?
Chúng ta có thể vượt qua được những cảm xúc mạnh mẽ đó vì Chúa Giê-su cho biết một trong các điều răn của Đức Chúa Trời là chúng ta phải yêu thương người lân cận. Bí quyết để làm điều đó là chúng ta xem người khác theo quan điểm của Đức Chúa Trời và đấng Christ. Về phương diện này chúng ta hãy xem xét gương của Giê-su và các tín đồ đấng Christ thời ban đầu.
Gương tốt của Giê-su
Vào thế kỷ thứ nhất, dân Do Thái không ưa người Sa-ma-ri, là một dân tộc sống trong vùng giữa Giu-đa và Ga-li-lê. Vào một dịp nọ, những người Do Thái chống Giê-su ngạo mạn hỏi ngài: “Chúng tôi nói thầy là người Sa-ma-ri, và bị quỉ ám, há không phải sao?” (Giăng 8:48). Người Do Thái không ưa người Sa-ma-ri đến độ một số người Do Thái rủa sả người Sa-ma-ri công khai trong nhà hội và hàng ngày cầu xin Đức Chúa Trời đừng cho dân Sa-ma-ri được sống đời đời.
Vì biết được sự căm ghét sâu xa này nên Giê-su cho lời ví dụ về người Sa-ma-ri nọ đã tỏ ra là người láng giềng thật sự khi ông chăm sóc người Do Thái bị bọn cướp đánh bị thương. Khi một người Do Thái thông thạo về Luật pháp của Môi-se hỏi: “Ai là người lân cận tôi” thì Chúa Giê-su đã có thể trả lời thế nào? (Lu-ca 10:29). Giê-su đã có thể trả lời trực tiếp: “Người lân cận của ngươi không những gồm người Do Thái mà còn gồm người khác, ngay cả người Sa-ma-ri nữa”. Tuy nhiên, người Do Thái có thể khó chấp nhận được điều này. Vì thế ngài kể một câu chuyện ví dụ về một người Sa-ma-ri tỏ lòng thương xót đối với một người Do Thái. Như vậy, Giê-su đã giúp những người Do Thái đang nghe ngài đi đến kết luận là việc thật sự yêu thương người lân cận bao gồm cả những người không phải là người Do Thái.
Giê-su không có ác cảm gì đối với người Sa-ma-ri cả. Vào một dịp nọ, khi đi ngang qua xứ Sa-ma-ri, ngài tạm dừng chân bên cạnh một cái giếng trong khi các môn đồ đi đến một thành phố gần đó để mua đồ ăn. Khi một người đàn bà Sa-ma-ri đến lấy nước, ngài nói: “Hãy cho ta uống”. Vì dân Do Thái chẳng hề giao thiệp với dân Sa-ma-ri, nên bà hỏi: “Ủa kìa! Ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đờn-bà Sa-ma-ri sao?” Rồi Giê-su làm chứng cho bà, ngay cả nói thẳng cho bà biết ngài là đấng Mê-si. Bà hưởng ứng bằng cách đi vào thành và gọi những người khác đến và lắng nghe ngài. Kết quả là gì? “Có nhiều người Sa-ma-ri ở thành đó tin Ngài”. Vì Giê-su không để thái độ thịnh hành của những người Do Thái đương thời ràng buộc ngài nên kết quả thật tốt biết bao! (Giăng 4:4-42).
Đức Chúa Trời không thiên vị
Đức Chúa Trời muốn Giê-su rao giảng đặc biệt cho người Do Thái, tức “các con chiên lạc-mất của nhà Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 15:24). Vì thế, các môn đồ đầu tiên của ngài là những người gốc Do Thái. Nhưng chỉ ba năm sau khi thánh linh được đổ ra vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, Đức Giê-hô-va cho biết rõ là Ngài muốn những tín đồ gốc Do Thái nới rộng công việc đào tạo môn đồ cho cả dân ngoại.
Đối với đầu óc của người Do Thái, việc yêu thương người Sa-ma-ri như thể yêu mình là một điều rất khó khăn. Việc bày tỏ lòng yêu thương người dân ngoại không cắt bì có thể lại còn khó hơn nữa, vì so với dân Sa-ma-ri thì người dân ngoại khác người Do Thái nhiều hơn. Khi bình luận về thái độ của người Do Thái đối với dân ngoại, cuốn “Bách khoa Tự điển Kinh-thánh Tiêu chuẩn Quốc tế” (The International Standard Bible Encyclopaedia) viết: “Vào thời Tân Ước được viết ra, chúng tôi thấy người ta có những ác cảm khinh bỉ và căm ghét cực đoan nhất. Họ [dân ngoại] bị coi là người ô uế, và người ta không được phép giao thiệp thân mật với họ. Họ là kẻ thù của Đức Chúa Trời và dân Ngài. Họ không được phép biết về Đức Chúa Trời trừ khi họ nhập đạo, và dù vậy họ không thể được chấp nhận là một tín hữu thực thụ, giống như thời xưa vậy. Dân Do Thái không được phép khuyên bảo người ngoại và nếu họ hỏi về những điều liên quan đến Đức Chúa Trời thì phải rủa sả họ”.
Trong khi nhiều người có quan điểm này, Đức Giê-hô-va ban cho sứ đồ Phi-e-rơ một sự hiện thấy và Ngài nói với ông: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ gọi là dơ dáy”. Rồi Đức Chúa Trời chỉ cho ông đến nhà của Cọt-nây, một người dân ngoại. Phi-e-rơ làm chứng về đấng Christ cho Cọt-nây, gia đình ông và những người dân ngoại khác. Phi-e-rơ nói: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề thiên vị ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình thì nấy được đẹp lòng Ngài”. Trong khi Phi-e-rơ còn đang rao giảng, thánh linh giáng trên mọi người mới tin đạo. Rồi họ làm báp têm và trở thành những người dân ngoại đầu tiên theo đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ, đoạn 10, NW).
Những môn đồ gốc Do Thái chấp nhận sự kiện này vì biết rằng chỉ thị của Giê-su là “đào tạo môn đồ trong khắp muôn dân” không phải chỉ dành riêng cho dân Do Thái ở mọi xứ mà thôi nhưng còn cho cả dân ngoại nữa (Ma-thi-ơ 28:19, 20, NW; Công-vụ các Sứ-đồ 11:18). Họ khắc phục được bất cứ khuynh hướng nào chống dân ngoại mà có lẽ họ đã có trong quá khứ và sốt sắng tổ chức một chiến dịch rao giảng để đào tạo môn đồ trong mọi dân. Gần 30 năm sau, người ta có thể nói là tin mừng đã được rao giảng “giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Cô-lô-se 1:23).
Người dẫn đầu công việc rao giảng này là sứ đồ Phao-lô, chính ông là một tín đồ đấng Christ gốc Do Thái. Trước khi trở thành môn đồ đấng Christ, ông là một tín đồ hăng hái của giáo phái người Pha-ri-si. Họ không những coi thường người dân ngoại mà còn cả người thường dân cùng nòi giống với họ nữa (Lu-ca 18:11, 12). Nhưng Phao-lô không để các quan điểm đó ngăn cản ông bày tỏ lòng yêu thương người lân cận đối với những người khác. Thay vì thế, ông trở thành “sứ-đồ cho dân ngoại”, hiến dâng đời sống của mình cho công việc đào tạo môn đồ khắp các xứ ở vùng Địa Trung Hải (Rô-ma 11:13).
Trong khi thi hành công việc thánh chức, Phao-lô bị ném đá, đánh đập và bị bỏ tù (Công-vụ các Sứ-đồ 14:19; 16:22, 23). Phải chăng vì bị cư xử ác nghiệt nên ông trở nên cay đắng và kết luận rằng ông chỉ hoài công vô ích với những dân tộc và những nhóm thuộc sắc tộc nào đó? Không phải như vậy. Vào thời đó, ông biết là có những người thành tâm ở rải rác trong khắp các nhóm thuộc những sắc tộc khác nhau.
Khi Phao-lô thấy những người dân ngoại muốn học về đường lối của Đức Chúa Trời, ông đâm ra yêu thương họ. Chẳng hạn ông viết cho tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Chúng tôi đã ăn-ở nhu-mì giữa anh em, như một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng vậy. Vậy, vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những Tin-lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8). Những lời chân thành này cho thấy Phao-lô thật sự yêu thương tín đồ gốc dân ngoại tại thành Tê-sa-lô-ni-ca và ông không để bất cứ điều gì cướp đi niềm vui của ông nhờ có được mối liên lạc mật thiết với họ.
Lòng yêu thương người lân cận thể hiện qua hành động
Cũng như vào thế kỷ thứ nhất, ngày nay những ai kết hợp với hội thánh tín đồ đấng Christ đều vun trồng lòng yêu thương người lân cận đối với những người thuộc các sắc tộc khác nhau. Nhờ cố gắng xem người khác giống như Đức Chúa Trời xem họ và nhờ chia xẻ tin mừng về Nước Trời với họ, các tín đồ thật của đấng Christ đã mở rộng tầm hiểu biết về những dân khác mà họ có thể không bao giờ biết đến. Họ còn yêu thương những người đó như anh em của mình (Giăng 13:34, 35). Chính bạn cũng có thể nếm được niềm vui này.
Người ta thấy tình yêu thương đó thể hiện giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va, tuy họ sống trong 229 nước và đại diện “mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng” (Khải-huyền 7:9). Với danh nghĩa là một hiệp hội anh em trên toàn thế giới, họ hợp nhất trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va, từ chối không tham dự vào những cuộc xung đột và ganh đua về chủng tộc, và bác bỏ những thành kiến làm người ta mất đi mối liên lạc thân mật với người đồng loại.
Hãy kết hợp với Nhân-chứng Giê-hô-va, và bạn sẽ thấy cách những người thuộc mọi chủng tộc khác nhau thi hành ý định của Đức Chúa Trời. Bạn sẽ thấy lòng yêu thương người lân cận được thể hiện qua hành động trong khi họ rao giảng tin mừng về Nước Trời. Đúng vậy, và trong các hội thánh bạn sẽ gặp những người thành tâm và tử tế, và họ cho thấy là họ đã thật sự học yêu thương người lân cận qua cách sống của mình.
[Nguồn tư liệu nơi trang 4]
Người Sa-ma-ri nhân từ tới quán trọ/The Doré Bible Illustrations/Dover Publications, Inc.
[Hình nơi trang 6]
Trong hội thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va, bạn sẽ thấy những người vui vẻ thuộc mọi chủng tộc