Can đảm bước đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va
“Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường-lối Ngài!” (THI-THIÊN 128:1).
1, 2. Những câu chuyện trong Kinh-thánh về lời nói và hành động của các nhân chứng Đức Giê-hô-va thời ban đầu giúp chúng ta như thế nào?
LỜI Thánh của Đức Giê-hô-va chứa đầy những câu chuyện về những thử thách và niềm vui của các tôi tớ trung thành của Ngài. Kinh nghiệm của Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra, Giô-suê, Đê-bô-ra, Ba-rác, Đa-vít, và những người khác vô cùng sống động. Họ là những người có thật, có chung một điểm đặc biệt nào đó. Họ có đức tin nơi Đức Chúa Trời và can đảm bước đi trong đường lối Ngài.
2 Lời nói và hành động của các nhân chứng thời ban đầu của Đức Giê-hô-va có thể là nguồn khích lệ cho chúng ta khi chúng ta cố gắng bước đi trong đường lối của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chúng ta sẽ được hạnh phúc khi tôn kính Đức Chúa Trời và sợ làm buồn lòng Ngài. Điều này là đúng dù chúng ta gặp phải thử thách trong đời, vì người được soi dẫn viết Thi-thiên hát: “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường-lối Ngài!” (Thi-thiên 128:1).
Can đảm là gì?
3. Can đảm là gì?
3 Để bước đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải can đảm. Thật vậy, Kinh-thánh bảo dân sự Đức Chúa Trời phải biểu lộ đức tính này. Thí dụ, người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Hỡi những người trông-cậy nơi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng [can đảm, NW] bền chí” (Thi-thiên 31:24). Can đảm được định nghĩa là “sức mạnh tinh thần và luân lý để bền chí hành động, và đứng vững không sợ nguy hiểm hoặc khó khăn” (Webster’s Ninth New Collegiate Dictionary). Một người can đảm là một người mạnh mẽ, dạn dĩ, dũng cảm. Việc Đức Giê-hô-va ban cho tôi tớ Ngài sự can đảm được thấy rõ trong lời của sứ đồ Phao-lô cho người bạn đồng hành Ti-mô-thê: “Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm-thần nhút-nhát, bèn là tâm-thần mạnh-mẽ có tình thương-yêu và giè-giữ” (II Ti-mô-thê 1:7).
4. Chúng ta có được sự can đảm qua cách nào?
4 Một cách để nhận được sự can đảm từ Đức Giê-hô-va là suy ngẫm Lời Ngài, tức Kinh-thánh. Nhiều lời tường thuật trong Kinh-thánh có thể giúp chúng ta trở nên can đảm hơn. Cho nên, trước hết chúng ta hãy xem chúng ta có thể học được gì từ lời tường thuật trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ về một số người đã can đảm bước đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va.
Can đảm tuyên bố thông điệp của Đức Chúa Trời
5. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va thời nay được lợi ích qua lòng can đảm của Hê-nóc như thế nào?
5 Sự can đảm của Hê-nóc có thể giúp tôi tớ của Đức Giê-hô-va thời nay nói lên thông điệp của Ngài một cách can đảm. Trước khi Hê-nóc ra đời, “người ta bắt đầu cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va”. Một số học giả nói rằng người ta “bắt đầu bất kính” gọi danh Đức Giê-hô-va (Sáng-thế Ký 4:25, 26; 5:3, 6). Danh của Đức Chúa Trời có thể được dùng cho người và ngay cả cho hình tượng nữa. Bởi thế, lúc Hê-nóc ra đời vào năm 3404 TCN, thì tôn giáo giả đã nảy nở. Thật thế, dường như chỉ có mình Hê-nóc “đồng đi cùng Đức Chúa Trời”, theo đuổi con đường công bình phù hợp với lẽ thật mà Đức Giê-hô-va đã tiết lộ (Sáng-thế Ký 5:18, 24).
6. a) Hê-nóc tuyên bố thông điệp mạnh mẽ nào? b) Chúng ta có thể tin chắc điều gì?
6 Hê-nóc can đảm rao thông điệp của Đức Chúa Trời, rất có thể là bằng cách rao giảng (Hê-bơ-rơ 11:5; so sánh II Phi-e-rơ 2:5). Người nhân chứng đơn độc này tuyên bố: “Nầy, Chúa ngự đến với muôn-vàn thánh, đặng phán-xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin-kính về mọi việc không tin-kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ-hổ mà những kẻ có tội không tin-kính đó đã nói nghịch cùng Ngài” (Giu-đe 14, 15). Hê-nóc đã can đảm dùng danh của Đức Giê-hô-va khi rao thông điệp kết án những kẻ không tin kính. Và như Đức Giê-hô-va đã ban cho Hê-nóc lòng can đảm để tuyên bố thông điệp mạnh mẽ đó, thì Ngài cũng ban năng lực cho các Nhân-chứng của Ngài thời nay để nói Lời Ngài một cách dạn dĩ trong thánh chức, ở trường học hoặc ở bất cứ nơi nào. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 4:29-31).
Can đảm khi bị thử thách
7. Nô-ê nêu gương can đảm nào?
7 Gương của Nô-ê có thể giúp chúng ta can đảm làm việc công bình khi gặp thử thách. Với đức tin và lòng can đảm, ông đã hành động theo lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời về trận nước lụt toàn cầu, và “đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình”. Bằng cách vâng lời và làm những việc công bình, Nô-ê đã kết án thế gian không tin kính về các việc làm gian ác của nó và chứng tỏ nó đáng bị hủy diệt (Hê-bơ-rơ 11:7; Sáng-thế Ký 6:13-22; 7:16). Suy ngẫm về lối sống của Nô-ê có thể giúp các tôi tớ Đức Giê-hô-va thời nay can đảm dấn thân vào những việc công bình như thánh chức rao giảng của tín đồ đấng Christ.
8. a)Với tư cách là “thầy giảng đạo công-bình”, Nô-ê phải đương đầu với điều gì? b) Đức Giê-hô-va sẽ làm gì cho chúng ta nếu chúng ta là người can đảm giảng đạo công bình?
8 Nếu chúng ta đang theo đuổi một lối sống công bình nhưng không biết đối phó ra sao với một thử thách nào đó, thì hãy cầu xin sự khôn ngoan để đương đầu với vấn đề đó (Gia-cơ 1:5-8). Việc Nô-ê trung thành với Đức Chúa Trời trong cơn thử thách cho thấy một người có thể can đảm và trung thành đương đầu với thử thách. Ông đã đứng vững trước áp lực của thế gian hung ác, và các thiên sứ mặc hình người cùng con cái lai giống của chúng. Đúng vậy, Nô-ê đã can đảm làm “thầy giảng đạo công-bình” giữa một “thế-gian xưa” đi đến sự hủy diệt (II Phi-e-rơ 2:4, 5; Sáng-thế Ký 6:1-9). Mặc dù ông nói một cách dạn dĩ với tư cách một người rao báo sự cảnh cáo của Đức Chúa Trời cho những người trước thời Nước Lụt, nhưng “người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy” (Ma-thi-ơ 24:36-39). Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, dù bị bắt bớ và phần lớn người ta từ chối thông điệp dựa trên Kinh-thánh, nếu chúng ta biểu lộ đức tin và sự can đảm giống như Nô-ê với tư cách là người giảng đạo công bình, thì Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ chúng ta như Ngài đã nâng đỡ Nô-ê vậy.
Can đảm vâng lời Đức Chúa Trời
9, 10. Áp-ra-ham, Sa-ra và Y-sác đã can đảm vâng lời qua những phương diện nào?
9 Áp-ra-ham, “bạn Đức Chúa Trời”, là một gương tốt về việc can đảm vâng lời Đức Chúa Trời (Gia-cơ 2:23). Áp-ra-ham cần có đức tin và lòng can đảm để vâng lời Đức Giê-hô-va mà rời U-rơ xứ Canh-đê, một thành phố giàu có về vật chất. Ông tin lời hứa của Đức Chúa Trời là “các chi-tộc nơi thế-gian” sẽ nhờ ông mà được phước và dòng dõi ông sẽ nhận được đất (Sáng-thế Ký 12:1-9; 15:18-21). Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã “kiều-ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại-quốc” và trông chờ “thành có nền vững-chắc”—Nước của Đức Chúa Trời ở trên trời, và dưới sự cai trị của Nước đó ông sẽ được sống lại trên đất (Hê-bơ-rơ 11:8-16).
10 Sa-ra, vợ Áp-ra-ham, có đức tin và lòng can đảm để mà rời U-rơ, theo chồng đến xứ lạ quê người, và chịu đựng bất cứ khó khăn nào mà họ gặp phải tại đó. Vì can đảm vâng lời Đức Chúa Trời, bà đã được thưởng dồi dào biết bao! Mặc dù không thể sinh con cho tới khoảng 90 tuổi và “dẫu có tuổi”, Sa-ra được “sức sanh con-cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình đều đó là thành-tín”. Rồi bà đã sanh Y-sác (Hê-bơ-rơ 11:11, 12; Sáng-thế Ký 17:15-17; 18:11; 21:1-7). Nhiều năm sau đó, Áp-ra-ham đã can đảm vâng lời Đức Chúa Trời đến độ “dâng Y-sác”. Thiên sứ đã dừng tay ông, và tộc trưởng nhận lại được người con can đảm và vâng lời ‘giống như từ trong kẻ chết’. Bởi thế, ông và Y-sác mang hình bóng tiên tri về việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ cung cấp Con Ngài là Chúa Giê-su Christ làm giá chuộc hầu cho những ai thực hành đức tin nơi ngài có thể nhận được sự sống đời đời (Hê-bơ-rơ 11:17-19; Sáng-thế Ký 22:1-19; Giăng 3:16). Chắc chắn việc Áp-ra-ham, Sa-ra, và Y-sác đã can đảm vâng lời Đức Giê-hô-va phải thúc đẩy chúng ta vâng lời Ngài và luôn luôn làm theo ý muốn Ngài.
Can đảm đứng về phía dân Đức Chúa Trời
11, 12. a) Môi-se đã tỏ lòng can đảm đối với dân Đức Giê-hô-va như thế nào? b) Vì Môi-se đã can đảm, chúng ta có thể đặt câu hỏi nào?
11 Môi-se đã can đảm đứng về phía dân bị áp bức của Đức Chúa Trời. Vào thế kỷ 16 TCN, chính cha mẹ Môi-se đã tỏ ra can đảm. Dù vua ra lệnh giết các bé trai sơ sinh Hê-bơ-rơ, họ không hề sợ và đem Môi-se đi giấu, để con trẻ trong một cái thúng rồi thả ra giữa đám sậy dựa mé bờ sông Ni-lơ. Con gái Pha-ra-ôn vớt được và nuôi nấng Môi-se như con trai của bà, nhưng ông nhận được sự huấn luyện về thiêng liêng trước nhất tại nhà cha mẹ ông. Là một phần tử của gia đình Pha-ra-ôn, Môi-se “được học cả sự khôn-ngoan của người Ê-díp-tô” và ‘có tài-năng trong lời nói và việc làm’, mạnh mẽ về tinh thần lẫn thể chất (Công-vụ các Sứ-đồ 7:20-22; Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1-10; 6:20).
12 Dù được lợi thế về vật chất ở hoàng cung, Môi-se đã can đảm chọn đứng về phía những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, lúc đó đang làm nô lệ cho người Ê-díp-tô. Để bênh vực một người Y-sơ-ra-ên, ông đã giết một người Ê-díp-tô rồi chạy trốn sang xứ Ma-đi-an (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11-15). Khoảng 40 năm sau đó, Đức Chúa Trời dùng ông để dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vòng nô lệ. Rồi Môi-se đã “lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận”. Vua dọa giết ông vì đại diện Đức Giê-hô-va cho người Y-sơ-ra-ên. Môi-se đứng vững như thấy “Đấng không thấy được” là Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:23-29; Xuất Ê-díp-tô Ký 10:28). Bạn có đức tin và lòng can đảm như vậy để đứng về phía Đức Giê-hô-va và dân Ngài bất chấp khó khăn và bắt bớ không?
Can đảm “hết lòng theo Đức Giê-hô-va”
13. Giô-suê và Ca-lép cung cấp cho chúng ta gương can đảm nào?
13 Những người can đảm như Giô-suê và Ca-lép là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể bước theo đường lối của Đức Chúa Trời. Họ đã “hết lòng theo Đức Giê-hô-va” (Dân-số Ký 32:12, NW). Giô-suê và Ca-lép ở trong số 12 người được phái đi do thám Đất Hứa. Vì sợ dân xứ đó, mười người do thám đã cố làm dân Y-sơ-ra-ên bỏ ý định vào xứ Ca-na-an. Tuy nhiên, Giô-suê và Ca-lép can đảm nói: “Nếu Đức Giê-hô-va đẹp lòng cùng chúng ta ắt sẽ đem chúng ta vào xứ nầy mà ban cho; ấy là một xứ đượm sữa và mật. Chỉ các ngươi chớ dấy loạn cùng Đức Giê-hô-va, và đừng sợ dân của xứ, vì dân đó sẽ là đồ nuôi chúng ta, bóng che-chở họ đã rút đi khỏi họ rồi, và Đức Giê-hô-va ở cùng ta. Chớ sợ chi” (Dân-số Ký 14:8, 9). Vì thiếu đức tin và can đảm, những người Y-sơ-ra-ên thuộc thế hệ đó không hề vào được đất hứa. Nhưng Giô-suê và Ca-lép cùng với thế hệ mới đã vào được nơi đó.
14, 15. a) Khi Giô-suê làm theo những lời ghi nơi Giô-suê 1:7, 8, ông và dân Y-sơ-ra-ên có được kinh nghiệm nào? b) Chúng ta học được bài học nào qua lòng can đảm của Giô-suê và Ca-lép?
14 Đức Chúa Trời nói với Giô-suê: “Hãy vững lòng bền chí, và cẩn-thận làm theo hết thảy luật-pháp mà Môi-se, tôi-tớ ta, đã truyền cho ngươi; chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả, để hễ ngươi đi đâu cũng đều được thạnh-vượng. Quyển sách luật-pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi đều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may-mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:7, 8).
15 Khi Giô-suê làm theo những lời này thì thành Giê-ri-cô và các thành khác rơi vào tay của dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã làm cho ngay cả mặt trời dừng lại để tiếp tục chiếu sáng cho tới khi dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng tại Ga-ba-ôn (Giô-suê 10:6-14). Khi gặp nguy hiểm vì lực lượng quân thù hợp lại, “một dân đông vô-số, như cát nơi bờ biển”, Giô-suê vẫn can đảm hành động, và Đức Chúa Trời làm cho dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng một lần nữa (Giô-suê 11:1-9). Mặc dù chúng ta là những người bất toàn giống như Giô-suê và Ca-lép, chúng ta có thể hết lòng theo Đức Giê-hô-va, và Ngài có thể ban cho chúng ta sức mạnh để can đảm bước theo đường lối Ngài.
Can đảm tin cậy nơi Đức Giê-hô-va
16. Đê-bô-ra, Ba-rác, và Gia-ên biểu lộ lòng can đảm qua cách nào?
16 Can đảm tin cậy nơi Đức Giê-hô-va đem lại phần thưởng như chúng ta thấy qua các biến cố trong thời các quan xét Y-sơ-ra-ên khi họ thi hành công lý (Ru-tơ 1:1). Chẳng hạn, Quan Xét Ba-rác và nữ tiên tri Đê-bô-ra đã can đảm tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Vua Gia-bin của Ca-na-an đã áp bức dân Y-sơ-ra-ên 20 năm. Khi Đức Giê-hô-va phái Đê-bô-ra đi gọi Ba-rác nhóm lại 10.000 người đàn ông tại Núi Tha-bô. Tướng của Gia-bin là Si-sê-ra vội kéo quân đến trũng Ki-sôn, yên trí rằng trên đất bằng phẳng đó lực lượng bộ binh của Y-sơ-ra-ên không thấm gì với quân lực của ông và với 900 cỗ xe ngựa có gắn lưới hái bằng sắt bên bánh xe. Khi dân Y-sơ-ra-ên hành quân đến thung lũng, Đức Giê-hô-va đã hành động để giúp họ, và một trận nước lũ chớp nhoáng biến bãi chiến trường thành vùng đất lầy lội, làm cho các cỗ xe ngựa của Si-sê-ra mắc kẹt. Quân của Ba-rác chiến thắng đến độ “cả đạo binh Si-sê-ra bị gươm giết, không còn lại một người”. Si-sê-ra chạy trốn đến trại Gia-ên, và trong lúc ông ngủ, bà đã can đảm giết ông bằng cách lấy cây nọc trại đóng thủng màng tang ông. Đúng như lời tiên tri của Đê-bô-ra nói với Ba-rác, “sự vinh-hiển” của chiến thắng này thuộc về một người nữ. Vì Đê-bô-ra, Ba-rác, và Gia-ên can đảm tin cậy nơi Đức Chúa Trời, nên dân Y-sơ-ra-ên “được hòa-bình trong bốn mươi năm” (Các Quan Xét 4:1-22; 5:31).
17. Quan Xét Ghê-đê-ôn cho chúng ta gương can đảm nào về việc tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?
17 Quan Xét Ghê-đê-ôn đã can đảm tin cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời khi dân Ma-đi-an và các dân khác xâm chiếm nước Y-sơ-ra-ên. Mặc dù lực lượng xâm lăng đông đảo khoảng 135.000 người, Y-sơ-ra-ên với lực lượng 32.000 người vẫn có thể có khuynh hướng coi chiến thắng mà Đức Chúa Trời ban cho là do sức mình. Do đó, theo lời chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va, Ghê-đê-ôn đã giảm bớt quân số xuống thành ba nhóm, mỗi nhóm 100 người (Các Quan Xét 7:1-7, 16; 8:10). Khi 300 người bao vây trại quân Ma-đi-an vào ban đêm, mỗi người có một cây kèn, một bình không với đuốc ở trong. Theo hiệu lệnh, họ thổi kèn, đập bể bình, giơ cao đuốc, và reo lên: “Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn!” (Các Quan Xét 7:20). Đạo binh Ma-đi-an kinh hoàng bỏ chạy và bị chinh phục. Những biến cố như thế nên thúc đẩy chúng ta tin tưởng rằng ngày nay sự can đảm tin cậy nơi Đức Chúa Trời cũng đem lại phần thưởng.
Can đảm tôn vinh Đức Giê-hô-va và đẩy mạnh sự thờ phượng thật
18. Khi giết hạ Gô-li-át, Đa-vít đã can đảm làm gì?
18 Một số gương trong Kinh-thánh làm tăng thêm lòng can đảm để tôn vinh Đức Giê-hô-va và đẩy mạnh sự thờ phượng thật. Người trẻ Đa-vít, từng bạo dạn cứu chiên của cha ông, đã tỏ ra can đảm khi đứng trước người Phi-li-tin khổng lồ là Gô-li-át. Đa-vít nói: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhơn danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo-binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ-nhục. Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta, ta sẽ giết ngươi, cắt đầu ngươi... Khắp thế-gian sẽ biết rằng Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời; và quân-lính nầy sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải-cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến-trận” (I Sa-mu-ên 17:32-37, 45-47). Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, Đa-vít đã can đảm tôn vinh Đức Giê-hô-va, giết hạ Gô-li-át, và do đó, đóng một vai trò quan trọng trong việc dẹp bỏ sự đe dọa của người Phi-li-tin đối với sự thờ phượng thật.
19. Sa-lô-môn cần có sự can đảm trong công việc nào, và cách hành động của ông có thể áp dụng cho thời chúng ta như thế nào?
19 Khi Sa-lô-môn, con trai của Vua Đa-vít, sắp xây đền thờ của Đức Chúa Trời thì người cha già kêu gọi: “Hãy vững lòng bền chí mà làm; chớ sợ-sệt, chớ kinh-hãi chi, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Trời của cha, vẫn ở cùng con; Ngài chẳng hề từ-bỏ con, cũng chẳng hề lìa khỏi con cho đến chừng các công-việc cất đền của Đức Giê-hô-va được xong” (I Sử-ký 28:20). Vì can đảm hành động, Sa-lô-môn đã thành công trong việc hoàn tất đền thờ. Ngày nay, khi một chương trình xây cất thần quyền gặp khó khăn, chúng ta hãy nhớ lời của Đa-vít: “Hãy vững lòng bền chí mà làm”. Đây quả là một cách tốt lành để tôn vinh Đức Giê-hô-va và đẩy mạnh sự thờ phượng thật!
20. Vua A-sa đã can đảm hành động trong phương diện nào?
20 Vì muốn tôn vinh Đức Giê-hô-va và đẩy mạnh sự thờ phượng thật, Vua A-sa dẹp bỏ những hình tượng và những người đàn ông mãi dâm ở đền thờ khỏi xứ Giu-đa. Ông cũng cách đi chức thái hậu của bà nội bội đạo và đốt “hình-tượng [gớm ghiếc, NW]” của bà (I Các Vua 15:11-13). Đúng vậy, A-sa đã “giục lòng mạnh-mẽ, bèn trừ-bỏ những thần-tượng gớm-ghiếc khỏi cả đất Giu-đa và Bên-gia-min, cùng khỏi các thành người đã đoạt lấy trên miền núi Ép-ra-im; người tu-bổ lại bàn-thờ của Đức Giê-hô-va ở trước hiên-cửa Đức Giê-hô-va” (II Sử-ký 15:8). Bạn có can đảm khước từ sự bội đạo và đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch không? Bạn có đang dùng của cải vật chất để xúc tiến quyền lợi Nước Trời không? Và bạn có đang cố gắng tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách tham gia đều đặn vào việc công bố tin mừng với tư cách là Nhân-chứng của Ngài không?
21. a) Lời tường thuật về những người giữ trung kiên sống trước thời đấng Christ giúp chúng ta như thế nào? b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
21 Chúng ta thật biết ơn Đức Chúa Trời khi Ngài bảo tồn những lời tường thuật trong Kinh-thánh về những người sống trước thời đấng Christ đã can đảm giữ lòng trung thành! Chắc hẳn gương tốt của họ có thể giúp chúng ta hầu việc Đức Giê-hô-va với lòng can đảm, kính sợ và khâm phục (Hê-bơ-rơ 12:28). Tuy nhiên, Kinh-thánh phần tiếng Hy lạp cũng chứa đựng những gương can đảm sống động. Những lời tường thuật này có thể giúp chúng ta can đảm bước đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va như thế nào?
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Can đảm là gì?
◻ Hê-nóc và Nô-ê biểu lộ lòng can đảm như thế nào?
◻ Áp-ra-ham, Sa-ra, và Y-sác hành động một cách can đảm trong những phương diện nào?
◻ Môi-se, Giô-suê, và Ca-lép đã nêu gương can đảm nào?
◻ Những người khác cho thấy họ can đảm tin cậy nơi Đức Chúa Trời như thế nào?