“Hãy giữ mình cẩn-thận về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê”
KHI Giê-su Christ nói lên những lời này cách đây hơn 19 thế kỷ, ngài đang cảnh cáo môn đồ về những sự dạy dỗ và thực hành độc hại về mặt tôn giáo (Ma-thi-ơ 16:6, 12). Lời tường thuật nơi Mác 8:15 nói rõ rệt: “Hãy giữ mình cẩn-thận về men người Pha-ri-si, và men đảng Hê-rốt”. Tại sao ngài lại nói đến Hê-rốt? Vì một số người Sa-đu-sê thuộc đảng chính trị theo Hê-rốt.
Tại sao lại cần phải có lời cảnh cáo đặc biệt này? Phải chăng cả người Pha-ri-si lẫn Sa-đu-sê đều chống đối Chúa Giê-su một cách trắng trợn? (Ma-thi-ơ 16:21; Giăng 11:45-50). Đúng vậy. Tuy nhiên, sau này một số người trong vòng họ đã chấp nhận đạo đấng Christ và rồi cố ép buộc hội thánh tín đồ đấng Christ phải nghe theo ý kiến riêng của họ (Công-vụ các Sứ-đồ 15:5).
Một mối nguy hiểm khác là chính các môn đồ có thể bắt chước những lãnh tụ tôn giáo đó, vì họ đã lớn lên dưới ảnh hưởng của những người này. Đôi khi một quá trình tôn giáo như thế đã gây trở ngại khiến họ khó hiểu đúng ý nghĩa của những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su.
Tại sao đạo của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê lại nguy hiểm đến thế? Nhìn qua tình trạng tôn giáo trong thời Giê-su sẽ giúp chúng ta ít nhiều để trả lời câu hỏi này.
Sự bất đồng về tôn giáo
Sử gia Max Radin viết về cộng đồng người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất: “Sự độc lập của mỗi hội thánh Do Thái là điều có thật, và người ta còn đòi phải như thế... Rất thường, khi sự kính trọng đối với đền thờ và thành thánh được nhấn mạnh quá nhiều, dân chúng có thể bày tỏ sự khinh bỉ mãnh liệt đối với nhà cầm quyền trong tổ quốc lúc đó”.
Thật là một tình trạng thiêng liêng đáng buồn! Một số yếu tố đưa đến hậu quả này là gì? Không phải tất cả người Do Thái đều sống ở Pha-lê-tin. Ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, không xem các thầy tế lễ là những người dẫn đầu trong cộng đồng, đã có tác động ngầm phá sự kính trọng đối với sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về các thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:29; 40:12-15). Và chúng ta không nên quên những người thường dân và các thầy thông giáo có học vấn cao.
Người Pha-ri-si
Danh Pha-ri-si, hoặc Peru·shimʹ, có lẽ có nghĩa “những người được tách riêng ra”. Người Pha-ri-si tự coi mình là môn đồ của Môi-se. Họ lập hội đồng hoặc liên đoàn riêng của họ (chavu·rahʹ trong tiếng Hê-bơ-rơ). Nếu ai muốn được nhận vào, họ phải hứa nguyện trước ba thành viên của liên đoàn rằng họ sẽ nghiêm nhặt giữ sự tinh sạch của người Lê-vi, tránh giao thiệp thân thiết với những người ʽam-ha·ʼaʹrets (đám đông dân chúng ít học), và kỹ lưỡng nộp thuế thập phân. Mác 2:16 nói về “các thầy thông-giáo thuộc phe Pha-ri-si”. Một số trong phe này làm thầy thông giáo và thầy giáo chuyên nghiệp, trong khi đó người khác thì thuộc giới thế tục (Ma-thi-ơ 23:1-7).
Người Pha-ri-si tin ở một Đức Chúa Trời có mặt khắp nơi. Họ lập luận rằng vì “Đức Chúa Trời hiện hữu ở khắp mọi nơi, người ta có thể thờ phượng Ngài cả bên trong và bên ngoài Đền thờ, và có thể cầu khẩn Ngài mà không cần phải dâng của-lễ. Như vậy họ khuyến khích việc dùng nhà hội như một nơi để thờ phượng, học hỏi và cầu nguyện, và họ nâng nó lên một địa vị chính yếu và quan trọng trong đời sống của dân chúng, một địa vị cạnh tranh với Đền thờ” (Encyclopaedia Judaica).
Người Pha-ri-si thiếu lòng quí trọng đối với đền thờ Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể thấy điều này qua lời của Giê-su: “Khốn cho các ngươi, là kẻ mù dẫn đường, các ngươi nói rằng: Nếu người nào chỉ đền-thờ mà thề, thì không can chi; song chỉ vàng của đền-thờ mà thề, thì phải mắc lời thề ấy. Hỡi kẻ dại và mù, vàng, và đền-thờ làm cho vàng nên thánh, cái nào trọng hơn? Lại các ngươi nói rằng: Nếu người nào chỉ bàn-thờ mà thề, thì không can chi; song chỉ của-lễ trên bàn-thờ mà thề, thì phải mắc lời thề ấy. Hỡi kẻ mù kia, của-lễ, và bàn-thờ làm cho của-lễ nên thánh, cái nào trọng hơn? Vậy thì người nào chỉ bàn-thờ mà thề, là chỉ bàn-thờ và cả của-lễ trên bàn-thờ mà thề” (Ma-thi-ơ 23:16-20).
Làm sao người Pha-ri-si có thể đi đến chỗ suy luận một cách sai lầm đến thế? Họ đã không nhận thấy điều gì? Hãy lưu ý Giê-su nói gì kế tiếp: “Người nào chỉ đền-thờ mà thề, là chỉ đền-thờ và Đấng ngự nơi đền-thờ mà thề” (Ma-thi-ơ 23:21). Học giả E. P. Sanders nhận xét về câu này: “Đền thờ là thánh không chỉ vì Đức Chúa Trời thánh được thờ phượng nơi đó, nhưng cũng vì Ngài có mặt tại đó” (Judaism: Practice and Belief, 63 BCE—66 CE). Tuy nhiên, sự hiện diện đặc biệt của Đức Giê-hô-va sẽ không có ý nghĩa gì nhiều đối với những người tin rằng Ngài hiện hữu ở khắp mọi nơi.
Người Pha-ri-si cũng tin một phần nơi sự tiền định và một phần nơi sự tự do lựa chọn. Nói cách khác, “mọi điều được tiền định, tuy vậy mọi người đều được ban cho sự tự do lựa chọn”. Tuy nhiên, họ tin rằng A-đam và Ê-va được tiền định là sẽ phạm tội và ngay cả một người bị đứt tay cũng là do tiền định.
Có lẽ Giê-su đang nghĩ đến những ý kiến sai lầm ấy khi nói về một tháp bị sụp đổ, làm 18 người mất mạng. Ngài hỏi: “Các ngươi tưởng [các nạn nhân] có tội-lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giê-ru-sa-lem sao?” (Lu-ca 13:4). Như trong trường hợp của phần lớn các tai nạn, đây là hậu quả của “thời thế và chuyện bất ngờ”, chứ không phải của số mệnh như người Pha-ri-si dạy (Truyền-đạo 9:11, NW). Những người tự cho có nhiều kiến thức này đã xem các điều răn trong Kinh-thánh như thế nào?
Họ là những người cải cách tôn giáo
Người Pha-ri-si tin rằng các thầy ra-bi cần phải lý giải các điều răn trong Kinh-thánh theo các tư tưởng tiên tiến của mỗi thế hệ. Vì vậy, Encyclopaedia Judaica (Bách khoa tự điển Do Thái) nói rằng họ “đã không thấy khó khăn gì lắm để dung hòa các dạy dỗ trong sách Torah với những tư tưởng tiên tiến của họ, hoặc tìm thấy các tư tưởng của họ được ám chỉ trong các lời của sách Torah”.
Về Ngày lễ Chuộc tội hằng năm, họ chuyển quyền chuộc tội thuộc thầy tế lễ thượng phẩm sang chính ngày lễ ấy (Lê-vi Ký 16:30, 33). Vào ngày Lễ Vượt qua, họ chú tâm nhiều hơn đến việc kể lại các bài học rút từ lời tường thuật trong Xuất Ê-díp-tô Ký trong khi ăn bánh uống rượu thay vì chú tâm đến chiên con của Lễ Vượt qua.
Với thời gian, người Pha-ri-si bắt đầu có uy tín tại đền thờ. Rồi họ sắp đặt cho một đoàn người xách nước từ ao Si-lô-ê và lập phong tục rót nước ra vào Lễ Mùa gặt, cũng như đập cành cây liễu trên bàn thờ khi lễ kết thúc và cầu nguyện đều đặn hằng ngày, tuy điều này không có căn cứ trên Luật pháp.
“Bách khoa tự điển Do Thái” nói rằng “những cải cách của người Pha-ri-si liên quan đến ngày Sa-bát đặc biệt đáng kể”. Họ đòi hỏi người vợ phải đón mừng ngày Sa-bát bằng cách thắp đèn. Người Pha-ri-si cấm bất cứ sinh hoạt nào có vẻ sẽ khiến người ta làm việc, điều mà luật pháp không cho phép. Họ còn đi đến chỗ quy định phương pháp trị bệnh và tỏ ra khó chịu trước các phép lạ chữa bệnh của Giê-su vào ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 12:9-14; Giăng 5:1-16). Tuy nhiên, những người cải cách tôn giáo này đã không chỉ thiết lập những tục lệ để cố gắng tạo một hàng rào nhằm bảo vệ các luật lệ trong Kinh-thánh, mà họ còn đi xa hơn nữa.
Bãi bỏ
Người Pha-ri-si cho rằng mình có quyền đình chỉ hoặc bãi bỏ những luật lệ trong Kinh-thánh. Cách lập luận của họ được phản ảnh qua một tục ngữ trong sách Talmud: “Thà bãi bỏ một điều luật duy nhất hơn là quên đi nguyên cuốn Torah”. Một thí dụ điển hình là họ bãi bỏ luật về năm hân hỉ vì họ cho rằng khi đến gần thời kỳ đó, không ai sẽ cho người nghèo mượn tiền vì sợ bị mất của (Lê-vi Ký, đoạn 25).
Một số thí dụ khác là họ bãi bỏ việc xét xử người đàn bà bị nghi đã phạm tội ngoại tình và đình chỉ thủ tục chuộc tội trong vụ giết người chưa được giải quyết (Dân-số Ký 5:11-31; Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:1-9). Không lạ gì là với thời gian họ cũng bãi bỏ lệnh trong Kinh-thánh về việc cung cấp cho cha mẹ thiếu thốn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; Ma-thi-ơ 15:3-6).
Chúa Giê-su cảnh cáo: “Hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si, là sự giả-hình” (Lu-ca 12:1). Đạo của người Pha-ri-si, với những thái độ nghịch lại thể thức thần quyền, tất nhiên phải là giả hình—một điều chắc chắn không nên đem vào hội thánh tín đồ đấng Christ. Tuy nhiên, những tác phẩm khảo cứu Do Thái nói tốt về người Pha-ri-si hơn là người Sa-đu-sê. Chúng ta hãy xem xét nhóm này lại còn bảo thủ hơn nữa.
Người Sa-đu-sê
Danh Sa-đu-sê có lẽ đến từ tên Xa-đốc, thầy tế lễ thượng phẩm vào thời Sa-lô-môn (I Các Vua 2:35). Người Sa-đu-sê họp thành một đảng bảo thủ đại diện cho quyền lợi của đền thờ và hàng tế lễ. Khác với người Pha-ri-si tự xưng mình có quyền hành nhờ trình độ học vấn và lòng mộ đạo, người Sa-đu-sê lấy tổ tông và địa vị làm căn cứ cho đặc quyền của họ. Họ chống đối các cải cách của người Pha-ri-si cho đến khi đền thờ bị hủy phá vào năm 70 công nguyên.
Ngoài việc bác bỏ ý niệm về sự tiền định, người Sa-đu-sê từ chối chấp nhận bất cứ sự dạy dỗ nào không được nêu ra rõ ràng trong Ngũ thư, ngay dù Lời Đức Chúa Trời có dạy điều đó ở một nơi nào khác. Thật ra, họ “xem là một đức hạnh để tranh luận” về những vấn đề đó (Bách khoa tự điển Do Thái). Điều này nhắc chúng ta nhớ đến lần họ thách thức Giê-su về sự sống lại.
Dùng ví dụ về một bà bị góa bảy lần, người Sa-đu-sê hỏi: “Lúc sống lại, đờn-bà đó sẽ làm vợ ai trong bảy người?” Dĩ nhiên, bà góa trong giả thuyết của họ cũng có thể có 14 hoặc 21 chồng; con số đó không quan trọng chút nào. Giê-su giải thích: “Đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng” (Ma-thi-ơ 22:23-30).
Vì Giê-su biết rằng người Sa-đu-sê không chấp nhận bất cứ người viết Kinh-thánh nào được soi dẫn ngoài Môi-se, ngài chứng minh lý lẽ mình bằng cách trích từ Ngũ thư. Ngài nói: “Còn về những người chết được sống lại, thì trong sách Môi-se có chép lời Đức Chúa Trời phán cùng người trong bụi gai rằng: Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, các ngươi há chưa đọc đến sao? Ngài chẳng phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, mà là của kẻ sống” (Mác 12:26, 27).
Kẻ bắt bớ Giê-su và môn đồ ngài
Người Sa-đu-sê đặt tin cậy nơi tài năng của nhà chính trị trong việc bang giao với các nước thay vì chờ đợi đấng Mê-si—có thể họ ngay cả không tin ngài sẽ đến. Theo hiệp ước ký với Rô-ma, họ được chỉ định quản lý đền thờ và không muốn một Mê-si nào xuất hiện để làm rối loạn tình thế. Vì họ xem Giê-su như một mối đe dọa cho địa vị của họ, họ hợp lực với người Pha-ri-si để lập mưu giết ngài (Ma-thi-ơ 26:59-66; Giăng 11:45-50).
Vì người Sa-đu-sê có đầu óc hướng về chính trị, không lạ gì là họ muốn tỏ mình trung thành đối với La Mã và hoan hô: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi” (Giăng 19:6, 12-15). Sau khi Giê-su chết và sống lại, chính người Sa-đu-sê dẫn đầu trong việc cố gắng ngăn chận sự bành trướng của đạo đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 4:1-23; 5:17-42; 9:14). Sau khi đền thờ bị tiêu hủy vào năm 70 công nguyên, nhóm này không còn nữa.
Cần phải cảnh giác đề phòng
Lời cảnh cáo của Giê-su tỏ ra hợp thời biết bao! Đúng vậy, chúng ta phải “giữ mình cẩn-thận về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê”. Chúng ta chỉ cần xem xét hậu quả tai hại của nó trong cả Do Thái giáo lẫn các đạo tự xưng theo đấng Christ ngày nay.
Tuy nhiên, ngược lại, các trưởng lão tín đồ đấng Christ có khả năng trong hơn 75.500 hội thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới ‘luôn giữ chính mình và sự dạy-dỗ của mình’ (I Ti-mô-thê 4:16). Họ chấp nhận rằng Đức Chúa Trời đã soi dẫn cả cuốn Kinh-thánh (II Ti-mô-thê 3:16). Thay vì cải cách và cổ võ những thực hành tôn giáo của riêng mình, họ một ý làm việc dưới sự hướng dẫn của một tổ chức dựa trên Kinh-thánh, tổ chức dùng tạp chí này như công cụ chính yếu để dạy dỗ (Ma-thi-ơ 24:45-47).
Kết quả là gì? Hàng triệu người trên khắp đất đang được nâng cao về mặt thiêng liêng khi họ có sự hiểu biết về Kinh-thánh, áp dụng Kinh-thánh trong đời sống họ và dạy Kinh-thánh cho người khác. Nếu bạn muốn xem điều này đang được thực hiện thế nào, mời bạn đến hội thánh Nhân-chứng Giê-hô-va gần nhà bạn hoặc viết cho nhà xuất bản tạp chí này.
[Khung nơi trang 26]
GIÊ-SU CHÚ TÂM ĐẾN CỬ TỌA
GIÊ-SU CHRIST dạy dỗ một cách rõ ràng, quan tâm đến ý kiến của cử tọa. Thí dụ, ngài đã làm thế khi nói chuyện với người Pha-ri-si là Ni-cô-đem về sự “sanh lại”. Ni-cô-đem hỏi: “Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao?” (Giăng 3:1-5). Tại sao Ni-cô-đem lại thấy khó hiểu đến thế, vì người Pha-ri-si tin rằng những người đổi đạo để theo Do Thái giáo đều phải được sanh lại, và một tục ngữ của các thầy ra-bi so sánh người cải đạo với một “em bé sơ sinh”?
Cuốn sách bình luận về Tân Ước (A Commentary on the New Testament From the Talmud and Hebraica) của John Lightfoot cho lời giải thích sau đây: “Người Pha-ri-si này vẫn có quan điểm phổ thông của người Do Thái về điều kiện làm người Y-sơ-ra-ên in sâu trong tâm trí mình”, và ông khó “loại bỏ thành kiến ban đầu... : ‘Trong khi người Do Thái... có quyền vào nước của đấng Mê-si, phải chăng thầy muốn nói qua lời của thầy, rằng người ấy phải trở vào lòng mẹ lần thứ nhì để trở thành một người Y-sơ-ra-ên một lần nữa hay sao?’ ” (So sánh Ma-thi-ơ 3:9).
Trong khi công nhận rằng những người cải đạo phải được sanh lại, Ni-cô-đem xem điều này như không thể nào xảy ra cho người Do Thái xác thịt—tương đương với việc chui vào lòng mẹ một lần nữa.
Vào một dịp khác, nhiều người bị vấp phạm khi Giê-su nói về việc ‘ăn thịt và uống huyết ngài’ (Giăng 6:48-55). Tuy nhiên, ông Lightfoot cho thấy rằng việc “dùng câu ‘ăn và uống’ theo nghĩa bóng là điều rất thông thường trong các phái của người Do Thái”. Ông cũng nhận xét rằng cuốn Talmud đề cập đến việc “ăn đấng Mê-si”.
Như vậy, quan điểm của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên lối suy nghĩ của người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất. Tuy nhiên, Giê-su luôn luôn chú trọng đến tầm hiểu biết và kinh nghiệm đời của những người nghe ngài. Đây là một trong nhiều yếu tố khiến ngài là Thầy Dạy lớn.