Tín đồ Đấng Christ đối phó ra sao trước sự chê trách
BẠN cảm thấy ra sao khi người nào trách mắng bạn hay đồn đãi sai lầm về bạn? Tất nhiên bạn sẽ cảm thấy bị xúc phạm nặng. Nhân-chứng Giê-hô-va trải qua kinh nghiệm tương tự như vậy mỗi khi họ trở thành mục tiêu của những tin xuyên tạc hay không chính xác trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng như Giê-su nói nơi Ma-thi-ơ 5:11, 12, họ vẫn có lý do để vui mừng.
Thí dụ, một ấn phẩm Công giáo ở Đức nói là “mỗi Nhân-chứng bị bắt buộc phải đóng từ 17 và 28 phần trăm tiền kiếm được cho trụ sở trung ương của giáo phái”. Tuy nhiên, Nhân-chứng Giê-hô-va không phải là một giáo phái, và công việc của họ được tài trợ hoàn toàn bằng sự đóng góp tình nguyện. Nhiều độc giả bị tin tức sai lầm này đánh lừa, một điều mà Nhân-chứng Giê-hô-va cảm thấy đáng tiếc. Nhưng tín đồ thật của đấng Christ nên phản ứng thế nào trước sự gièm pha trong các phương tiện truyền thông đại chúng?
Một gương cho tín đồ đấng Christ noi theo
Ma-thi-ơ đoạn 23 mô tả sống động cách Giê-su lên án những người thuộc tôn giáo đã chống đối ngài vì tính đạo đức giả và sự lừa đảo của họ. Đây có phải là cách mà tín đồ đấng Christ ngày nay đối phó với những người chỉ trích không? Thật ra thì không. Con của Đức Chúa Trời lên án những người chống đối vì ngài có uy quyền đặc biệt và sự hiểu biết sâu sắc, ngài làm thế để giúp ích đám đông đang lắng nghe.
Ma-thi-ơ 15:1-11 kể lại là Giê-su bị chỉ trích vì người ta nói là môn đồ ngài không làm theo truyền thống Do thái. Giê-su phản ứng ra sao? Ngài giữ vững lập trường. Có những lần Giê-su thẳng thắn tranh luận với những người chỉ trích ngài, bác quan điểm sai lầm của họ. Nói chung, tín đồ đấng Christ ngày nay không phải là sai khi cố gắng sửa sai những lời xuyên tạc về công việc và sự dạy dỗ của họ, cố gắng làm sáng tỏ vấn đề một cách hợp lý và đúng sự thật. Họ làm thế để giúp những người thành thật nhận ra rằng lời chỉ trích Nhân-chứng Giê-hô-va là vô căn cứ và có ý nói xấu.
Nhưng hãy chú ý Giê-su phản ứng ra sao không mấy lâu sau khi các môn đồ lưu ý ngài: “Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng?” Những người Pha-ri-si này “phiền giận”—họ không chỉ bực tức mà còn trở thành kẻ thù vô phương cứu chữa và bị ngài bác bỏ. Vì thế ngài trả lời: “Hãy để vậy: đó là những kẻ mù làm người dẫn-đưa”. Thảo luận thêm với những kẻ đối nghịch đầy thù hằn như thế chỉ vô ích thôi, chẳng có lợi cho ai, và chỉ đưa đến một cuộc tranh luận không kết quả (Ma-thi-ơ 7:6; 15:12-14; so sánh 27:11-14). Câu trả lời của Giê-su cho thấy là có “kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra” (Truyền-đạo 3:7).
Nhân-chứng Giê-hô-va không mong đợi tất cả mọi người nói tốt về họ. Họ để tâm lời Giê-su nói: “Khốn cho các ngươi, khi mọi người sẽ khen các ngươi, vì tổ-phụ họ cũng xử với các tiên-tri giả như vậy” (Lu-ca 6:26). C. T. Russell, chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh, có lần được hỏi là tại sao ông không tự biện hộ khi bị vu khống. Ông trả lời: “Nếu bạn ngừng lại để đá mỗi con chó sủa mình thì bạn chẳng bao giờ đi xa được mấy”.
Vì thế chúng ta không nên để lời phê bình của những kẻ kiên quyết đối nghịch làm chúng ta xao lãng thánh chức (Thi-thiên 119:69). Chúng ta hãy tập trung tâm trí vào công việc của tín đồ thật của đấng Christ, đó là việc rao giảng tin mừng. Kết quả tự nhiên là chúng ta sẽ có cơ hội để trả lời những câu hỏi và giải thích về thực chất của việc chúng ta làm, như là nâng cao đạo đức của người ta và dạy dỗ họ về Lời Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20).
Có nên đáp lại lời chỉ trích không?
Giê-su nói về môn đồ ngài: “Các ngươi không thuộc về thế-gian... bởi cớ đó người đời ghét các ngươi (Giăng 15:19). Nhiều bài báo có đầy lời gièm pha Nhân-chứng Giê-hô-va, điều này biểu lộ sự ghét bỏ đó, và chúng ta không nên để ý đến. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đại chúng có lẽ đôi khi trình bày tin tức cho thấy sự thiếu hiểu biết về Nhân-chứng, hoặc là họ bóp méo và hiểu sai sự việc nào đó. Một vài nhà báo có lẽ lấy tin từ các nguồn thiên vị. Sự việc chúng ta lờ đi tin tức sai lầm của họ hay là bênh vực lẽ thật theo cách thích hợp thì tùy thuộc vào trường hợp, người xúi giục sự chỉ trích và mục đích của người ấy.
Đôi khi có thể chỉnh lại sự kiện bằng cách viết một lá thư đến người chủ bút nếu lá thư được đăng nguyên bản. Nhưng một lá thư như vậy có thể có hiệu quả ngược lại điều mong muốn. Như thế nào? Điều sai lầm đầu tiên có thể nhờ đó càng được thiên hạ biết đến, hoặc là những người chống đối có thể được thêm cơ hội để cho đăng lời nói dối và nói xấu. Trong phần lớn các trường hợp, tốt nhất là để các trưởng lão quyết định có nên viết thư hay không. Nếu một bài báo tiêu cực khiến người ta có thành kiến thì văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh có thể cung cấp tài liệu cho các hội thánh trong xứ ấy, do đó giúp tất cả những người công bố có thể giải thích đầy đủ khi có người hỏi.
Cá nhân bạn có cần dính líu tí nào đến những lời tuyên bố xuyên tạc như thế không? Lời Giê-su khuyên là “hãy để vậy” tức là lờ đi, rõ ràng áp dụng cho nhóm đối phương này. Tín đồ trung thành của đấng Christ có lý do căn cứ trên Kinh-thánh để tránh xa những kẻ bội đạo và quan điểm của họ (I Cô-rinh-tô 5:11-13; Tít 3:10, 11; I Giăng 2:19; II Giăng 10, 11). Nếu một người thành thật muốn biết xem lời chỉ trích Nhân-chứng là đúng hay sai thì sự hiểu biết có căn bản tốt của riêng bạn thường là đủ để trả lời (Hãy xem Tháp Canh ngày 1 tháng 12, 1986, trang 9 và 10).
Nếu bạn gặp những tin xuyên tạc của báo chí thì hãy nghe theo lời khuyên ở Châm-ngôn 14:15: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. Ở Thụy Sĩ, nhiều người phẫn nộ khi một bản báo cáo gây xúc động nói là một Nhân-chứng trẻ chết bởi vì người nhà cô từ chối không cho nhân viên y khoa truyền máu. Tuy nhiên, chuyện có thật sự xảy ra như vậy không? Không. Bệnh nhân đã từ chối không nhận truyền máu vì lý do tôn giáo, nhưng cô đã đồng ý nhận phương pháp trị liệu không dùng máu. Nhà thương đã có thể bắt đầu việc điều trị này mà không chần chừ gì thêm và rất có thể đã cứu được cô. Tuy nhiên, nhà thương đã trì hoãn sự điều trị một cách không cần thiết cho đến khi quá trễ. Bản báo cáo không đề cập đến những sự kiện này.
Vì thế, hãy cân nhắc cẩn thận xem những bản báo cáo như thế chứa bao nhiêu điều thật. Khi có người hỏi, chúng ta có thể giải thích là các trưởng lão địa phương chăm lo những việc này một cách yêu thương và đúng với đường lối của Kinh-thánh. Đi sát nguyên tắc khi trả lời giúp chúng ta tránh đi đến kết luận một cách vội vã (Châm-ngôn 18:13).
Tin tức mắt thấy tai nghe là tối quan trọng
Trong thế kỷ thứ nhất, người ta đồn đãi sai lầm về Giê-su Christ để làm tổn thương thanh danh ngài, thậm chí một số người còn nói ngài là kẻ phản nghịch (Lu-ca 7:34; 23:2; so sánh Ma-thi-ơ 22:21). Sau đó, hội thánh tín đồ đấng Christ lúc còn mới đã gặp phải nhiều sự chống đối bởi các thành phần tôn giáo lẫn thế gian. Bởi vì “Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế-gian”, cho nên nhiều người khinh bỉ tôi tớ của Ngài (I Cô-rinh-tô 1:22-29). Tín đồ thật của đấng Christ ngày nay phải đối phó với sự gièm pha vì đó là một hình thức của sự ngược đãi (Giăng 15:20).
Tuy nhiên, Nhân-chứng Giê-hô-va thích được nói chuyện với một người không thiên vị và có cùng thái độ với một số người thăm viếng Phao-lô ở Rô-ma khi họ tuyên bố: “Chúng tôi muốn biết anh nghĩ làm sao; vì về phần đạo nầy, chúng tôi biết người ta hay chống-nghịch khắp mọi nơi” (Công-vụ các Sứ-đồ 28:22).
Hãy giải thích cho những người hiểu lầm biết sự thật, làm việc này một cách mềm mại (Rô-ma 12:14; so sánh II Ti-mô-thê 2:25). Hãy mời họ tiếp xúc trực tiếp với Nhân-chứng Giê-hô-va để biết rõ sự kiện, điều này giúp họ thấy rõ bản chất những lời buộc tội sai lầm. Bạn cũng có thể dùng những lời giải thích mà Hội Tháp Canh đăng, cho biết chi tiết về tổ chức, lịch sử và sự dạy dỗ của Hội.a Phi-líp có lần trả lời Na-tha-na-ên bằng một câu đơn giản: “Hãy đến xem” (Giăng 1:46). Chúng ta cũng có thể làm như vậy. Bất cứ ai muốn đến thăm viếng đều được niềm nở tiếp đón tại Phòng Nước Trời địa phương để tự quan sát xem Nhân-chứng Giê-hô-va là những người như thế nào và họ tin điều gì.
Đừng sợ kẻ chống đối
Thật là khích lệ để biết là lời gièm pha không ngăn cản người ta trở thành Nhân-chứng! Trong một chương trình nói chuyện trên đài truyền hình ở nước Đức, kẻ bội đạo thêu dệt nhiều lời nói dối về Nhân-chứng. Một người xem nhận ra lời thêm thắt bội đạo là chuyện bịa đặt và người ấy được cảm kích để học lại Kinh-thánh với Nhân-chứng. Đúng thế, sự gièm pha đôi khi đưa đến những kết quả tích cực. (So sánh Phi-líp 1:12, 13).
Sứ đồ Phao-lô biết là một số người sẽ chú ý đến “chuyện huyễn” hơn là sự thật. Do đó, ông viết: “Phải tiết-độ trong mọi sự, hãy chịu cực-khổ, làm việc của người giảng Tin-lành, mọi phận-sự về chức-vụ con phải làm cho đầy-đủ” (II Ti-mô-thê 4:3-5). Vì thế đừng để ai làm cho bạn xao lãng, và ‘chẳng để cho kẻ thù-nghịch ngăm-dọa mình’ (Phi-líp 1:27). Hãy bình tĩnh và điềm đạm, và vui mừng rao giảng tin mừng thì bạn sẽ đối phó với sự gièm pha một cách kiên định. Đúng vậy, hãy nhớ lời Giê-su hứa: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt-bớ các đấng tiên-tri trước các ngươi như vậy” (Ma-thi-ơ 5:11, 12).
[Chú thích]
a Hãy xem các sách Nhân-chứng Giê-hô-va hợp nhất làm theo ý định Đức Chúa Trời trên khắp thế giới, Jehovah’s Witnesses in the Twentieth Century (Nhân-chứng Giê-hô-va trong thế kỷ 20), và Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân-chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời).
[Hình nơi trang 27]
Khi đương đầu với kẻ chống đối Giê-su bảo môn đồ ngài: “Hãy để vậy”. Ngài có ý nói gì?
[Hình nơi trang 29]
“Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước” (Ma-thi-ơ 5:11).