Ngày đáng sợ của Đức Giê-hô-va gần kề
“Một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài” (MA-LA-CHI 3:16).
1, 2. Ma-la-chi báo trước về ngày đáng sợ nào?
ĐÁNG SỢ THAY! Vào rạng đông ngày 6-8-1945, cả một thành phố lớn bị tàn phá chỉ trong giây phút. Khoảng 80.000 người chết! Hàng chục ngàn người bị tử thương! Lửa cháy ngút trời! Quả bom nguyên tử đã gây tai họa khủng khiếp. Còn về tình trạng của Nhân-chứng Giê-hô-va trong thảm họa đó thì sao? Lúc đó chỉ có một Nhân-chứng duy nhất tại Hiroshima—anh bị giam trong tù có tường kiên cố vì anh trung thành với đạo đấng Christ. Nhà tù sập xuống, nhưng anh không bị thương. Anh nói rằng quả bom nguyên tử đã cứu anh ra khỏi tù—có lẽ đó là điều tốt duy nhất mà quả bom đã thực hiện.
2 Dù cho vụ bom nổ đó có đáng sợ thật, nó trở nên vô nghĩa khi so sánh với “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va” sắp đến (Ma-la-chi 4:5). Thật vậy, đã có những ngày đáng sợ trong quá khứ, nhưng ngày của Đức Giê-hô-va sẽ vượt xa tất cả các ngày đó (Mác 13:19).
3. Trước trận Nước Lụt, có sự khác biệt gì giữa “hết thảy xác-thịt” và gia đình ông Nô-ê?
3 Vào thời Nô-ê, “hết thảy xác-thịt làm cho đường mình trên đất phải bại-hoại”, và Đức Chúa Trời tuyên bố: “Vì cớ loài người mà đất phải đầy-dẫy điều hung-hăng; vậy ta sẽ diệt-trừ họ cùng đất” (Sáng-thế Ký 6:12, 13). Như ghi nơi Ma-thi-ơ 24:39, Giê-su nói người ta “không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”. Nhưng người trung thành Nô-ê, “thầy giảng đạo công-bình”, đã sống sót qua trận Nước Lụt cùng với gia quyến ông vì họ biết kính sợ Đức Chúa Trời (II Phi-e-rơ 2:5).
4. Trường hợp của Sô-đôm và Gô-mô-rơ cảnh cáo chúng ta về điều gì?
4 Giu-đe 7 tường thuật: “Lại như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cùng các thành lân-cận cũng buông theo sự dâm-dục và sắc lạ, thì đã chịu hình-phạt bằng lửa đời đời, làm gương để trước mặt chúng ta”. Những kẻ không tin kính Đức Chúa Trời đã chết vì lối sống tồi bại đáng ghê tởm của họ. Ngày nay, các cộng đồng ưa thích sự dâm dục hãy coi lời này như một sự cảnh cáo! Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng người biết kính sợ Đức Chúa Trời là Lót và hai con gái được cứu sống khỏi tai họa ấy, y như các người thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ được che chở trong hoạn nạn lớn đang nhanh chóng tiến gần (II Phi-e-rơ 2:6-9).
5. Chúng ta có thể học được gì qua các cuộc phán xét thành Giê-ru-sa-lem?
5 Rồi hãy xem xét những gương mà Đức Giê-hô-va cung cấp để cảnh cáo chúng ta khi Ngài dùng quân binh xâm chiếm tàn phá Giê-ru-sa-lem, thành lộng lẫy trước kia là “sự vui-vẻ của cả thế-gian” (Thi-thiên 48:2). Những tai biến này xảy ra lần thứ nhất vào năm 607 trước công nguyên, và một lần nữa vào năm 70 công nguyên, vì dân tự xưng thuộc về Đức Chúa Trời đã từ bỏ sự thờ phượng thật. Đáng mừng thay, những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã sống sót. Thảm họa xảy ra năm 70 công nguyên (hình vẽ dưới đây) được tả như một hoạn nạn khủng khiếp “đến nỗi từ ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất cho đến bây giờ chưa hề có như vậy”. Biến cố đó đã dứt khoát dẹp bỏ hệ thống bội đạo của người Do Thái, và chắc chắn về phương diện này thì nó “sẽ chẳng hề có nữa” (Mác 13:19). Nhưng ngay cả trận hủy diệt này, khi Đức Chúa Trời phán xét dân Do Thái, chỉ là hình bóng của “cơn đại-nạn” đang đe dọa cả hệ thống mọi sự (Khải-huyền 7:14).
6. Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép những thảm họa xảy ra?
6 Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép những thảm họa khủng khiếp như thế xảy ra, với hàng bao nhiêu người mất mạng? Trong trường hợp Nô-ê, Sô-đôm và Gô-mô-rơ và Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét đối với những kẻ làm cho đường mình bại hoại trên đất, làm ô nhiễm hành tinh đẹp đẽ này theo nghĩa đen và bằng lối sống vô luân đồi trụy của họ, và những kẻ bội đạo, từ bỏ sự thờ phượng thật. Ngày nay chúng ta sắp sửa chứng kiến một cuộc phán xét tổng kết bao hàm cả thế giới (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9).
“Trong những ngày sau-rốt”
7. a) Các cuộc phán xét thời xưa do tay Đức Chúa Trời làm hình bóng tiên tri cho điều gì? b) Chúng ta có triển vọng huy hoàng nào trước mắt?
7 Những cuộc hủy diệt thời xưa làm hình bóng tiên tri cho hoạn nạn lớn đáng sợ mô tả nơi II Phi-e-rơ 3:3-13. Sứ đồ nói: “Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt, ở theo tình-dục riêng của mình”. Rồi Phi-e-rơ chú tâm đến ngày của Nô-ê và viết: “Thế-gian bấy giờ cũng bị hủy-phá như vậy, là bị chìm-đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác”. Sau hoạn nạn lớn nhất từng xảy ra, Nước Trời của đấng Mê-si mà người ta đã chờ đợi từ lâu nay sẽ cầm quyền trên một bình diện mới mẽ—“trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”. Thật là một triển vọng vui mừng hớn hở!
8. Các biến cố thế giới đang dần dần tiến tới cực điểm như thế nào?
8 Trong thế kỷ 20 này, những biến cố thế giới đã dần dần tiến đến cực điểm. Dù sự tàn phá thành phố Hiroshima không phải do tay Đức Chúa Trời, chúng ta có thể kể nó trong số “những điềm lạ kinh-khiếp” mà Giê-su tiên tri sẽ xảy ra vào thời cuối cùng (Lu-ca 21:11). Nó khởi đầu một mối đe dọa hạch tâm vẫn còn che phủ loài người như một đám mây đen tối. Thành thử một hàng tít trong báo The New York Times, ngày 29-11-1993 nói: “Có lẽ súng ống bị sét rỉ một chút nhưng vũ khí hạch tâm thì vẫn còn đánh bóng”. Trong khi đó những cuộc chiến tranh giữa các nước, chủng tộc và bộ lạc tiếp tục gây tai hại khủng khiếp. Trong quá khứ thì đại đa số những nạn nhân chiến tranh là lính tráng. Ngày nay, người ta báo cáo rằng 80% nạn nhân chiến tranh là thường dân, không kể đến hàng triệu người phải bỏ quê hương đi tị nạn.
9. Các lãnh tụ tôn giáo chứng tỏ họ làm bạn với thế gian bằng cách nào?
9 Trong quá khứ cũng như ngày nay, các lãnh tụ tôn giáo thường cho thấy họ “làm bạn với thế-gian” bằng cách tích cực tham gia vào các chiến tranh và cách mạng đẫm máu (Gia-cơ 4:4). Một số lãnh tụ tôn giáo đã hợp tác với các tài phiệt tham lam của giới kinh doanh trong việc sản xuất đại quy mô vũ khí và dựng nên những vương nghiệp ma túy. Thí dụ, tờ báo The New York Times báo cáo về vụ ám sát một vua ma túy ở Nam Mỹ như sau: “Ông che giấu việc buôn bán ma túy bằng cách tự xưng mình có tiền tài nhờ thương mại hợp pháp và ra vẻ như mình là một ân nhân. Ông có chương trình phát thanh riêng và thường được các linh mục đạo Công giáo La Mã tháp tùng đi theo”. Tờ báo The Wall Street Journal báo cáo rằng ngoài việc phá hại đời sống của hàng triệu người bị nghiện ngập ma túy, vua ma túy này đích thân ra lệnh giết hàng ngàn người. Tờ báo The Times ở Luân-đôn ghi nhận: “Những kẻ giết người thường trả tiền cho một lễ Mixa đặc biệt để cảm tạ... cùng lúc với lễ mixa cho đám tang của nạn nhân đang diễn ra ở một nơi khác”. Thật gian ác biết bao!
10. Chúng ta nên xem sự suy đồi của các tình trạng thế giới ra sao?
10 Nào ai biết được những kẻ bị ma quỉ quyến rũ còn sẽ gây tai hại đến độ nào trên trái đất? Như I Giăng 5:19 viết: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”, tức Sa-tan. Ngày nay “khốn-nạn cho đất và biển! vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:12). Nhưng đáng mừng thay, Rô-ma 10:13 cam đoan chúng ta rằng “ai kêu-cầu danh Chúa [Đức Giê-hô-va] thì sẽ được cứu”.
Đức Chúa Trời đến gần để phán xét
11. Những tình trạng nào trong xứ Y-sơ-ra-ên đã khiến Ma-la-chi nói tiên tri?
11 Nói về tương lai gần đây của nhân loại, lời tiên tri của Ma-la-chi cho thấy rõ điều gì sắp xảy ra. Ma-la-chi là người cuối cùng trong số nhiều nhà tiên tri Hê-bơ-rơ thời xưa. Dù dân Y-sơ-ra-ên đã chứng kiến thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 607 trước công nguyên, 70 năm sau đó, Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng nhân từ đầy thương xót bằng cách cho dân đó trở về quê hương của họ. Tuy vậy, chỉ trong vòng một trăm năm sau đó, dân Y-sơ-ra-ên lại rơi vào con đường gian ác và bội đạo. Dân chúng làm hoen ố danh Đức Giê-hô-va, lờ đi các luật pháp công bình của Ngài và làm ô uế đền thờ bằng cách đem những con thú đui mù, tàn tật và bệnh hoạn để dâng làm của-lễ. Họ ly dị vợ cưới lúc còn trẻ để lấy đàn bà ngoại quốc (Ma-la-chi 1:6-8; 2:13-16).
12, 13. a) Nhóm người được xức dầu làm thầy tế lễ cần được tẩy sạch như thế nào? b) Đám đông vô số người được lợi ích qua việc tẩy sạch như thế nào?
12 Cần phải có một công việc tẩy sạch, như Ma-la-chi 3:1-4 cho thấy rõ. Như dân Y-sơ-ra-ên xưa, các Nhân-chứng thời nay của Đức Giê-hô-va cần được lọc sạch, vậy công việc tẩy sạch mà Ma-la-chi mô tả có thể áp dụng cho họ. Khi thế chiến thứ nhất sắp sửa chấm dứt, một số Học viên Kinh-thánh, tên trước đây của Nhân-chứng, đã không giữ vị thế trung lập triệt để liên quan đến các vấn đề thế giới. Vào năm 1918, Đức Giê-hô-va sai “thiên-sứ của sự giao-ước”, Giê-su Christ, đến viếng đền thờ thiêng liêng mà Ngài đã sắp đặt đặng tẩy sạch nhóm nhỏ người thờ phượng Ngài khỏi những vết dơ bẩn của thế gian. Đức Giê-hô-va đặt câu hỏi có tính cách tiên tri: “Nhưng ai sẽ đương nổi ngày [sứ giả] đến, và ai đứng được khi Ngài hiện ra? Vì Ngài giống như lửa của thợ luyện, như tro thợ giặt. Ngài sẽ ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch; Ngài sẽ chùi các con trai Lê-vi [nhóm thầy tế lễ được xức dầu], làm cho chúng nó sạch như vàng và bạc; chúng nó sẽ dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công-bình”. Với tư cách là một dân được luyện sạch, họ đã làm y như thế!
13 Chỉ có 144.000 người được xức dầu làm thầy tế lễ mà thôi (Khải-huyền 7:4-8; 14:1, 3). Nhưng về phần các tín đồ đấng Christ khác đã dâng mình ngày nay thì sao? Giờ đây họ đã gia tăng đến hàng triệu người, và họ họp thành một đám đông “vô-số người” cũng phải được tẩy sạch khỏi các đường lối thế gian, ‘giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con’ (Khải-huyền 7:9, 14). Vậy, họ có thể gìn giữ địa vị trong sạch trước mặt Đức Giê-hô-va bằng cách thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chiên Con, Giê-su Christ. Họ được hứa rằng họ sẽ sống sót qua suốt hoạn nạn lớn, ngày đáng sợ của Đức Giê-hô-va (Sô-phô-ni 2:2, 3).
14. Ngày nay dân sự Đức Chúa Trời phải vâng theo lời nào trong khi họ tiếp tục vun trồng nhân cách mới?
14 Cùng với nhóm người còn sót lại thuộc nhóm thầy tế lễ, đám đông này phải vâng theo các lời kế tiếp của Đức Chúa Trời: “Ta sẽ đến gần các ngươi đặng làm sự đoán-xét, và ta sẽ vội-vàng làm chứng nghịch cùng những kẻ đồng-bóng, tà-dâm, những kẻ thề dối, những kẻ gạt tiền-công của người làm thuê, hiếp-đáp kẻ góa-bụa và kẻ mồ-côi, những kẻ làm hại người khách lạ, và những kẻ không kính-sợ ta... Vì ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi” (Ma-la-chi 3:5, 6). Không, các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va không hề thay đổi. Vậy, vì kính sợ Đức Giê-hô-va, ngày nay dân sự Ngài phải tránh sự thờ hình tượng dưới mọi hình thức, phải nói sự thật, tỏ mình lương thiện và có lòng rộng rãi trong khi họ tiếp tục vun trồng nhân cách của tín đồ đấng Christ (Cô-lô-se 3:9-14).
15. a) Đức Giê-hô-va có lời mời đầy thương xót nào? b) Chúng ta có thể tránh “ăn trộm” Đức Giê-hô-va như thế nào?
15 Đức Giê-hô-va mời những ai đã xây bỏ đường lối công bình của Ngài: “Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi”. Nếu họ hỏi: “Bởi đâu chúng tôi sẽ trở lại?”, thì Ngài sẽ trả lời: “Các ngươi ăn trộm ta”. Và để trả lời câu hỏi tới: “Chúng tôi ăn trộm Chúa ở đâu?”, Đức Giê-hô-va nói rằng họ ăn trộm Ngài vì không đem của-lễ tốt nhất đặng dâng cho Ngài trong đền thờ (Ma-la-chi 3:7, 8). Vì chúng ta thuộc dân sự Đức Giê-hô-va, chúng ta phải thật sự muốn dâng phần tốt nhất của năng lực, tài năng và tài sản chúng ta để phụng sự Đức Giê-hô-va. Như vậy, thay vì ăn trộm Đức Chúa Trời, chúng ta ‘tiếp tục tìm-kiếm trước hết Nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài’ (Ma-thi-ơ 6:33).
16. Chúng ta tìm thấy sự khích lệ nào nơi Ma-la-chi 3:10-12?
16 Như Ma-la-chi 3:10-12 cho thấy, những ai từ bỏ lối sống tự mãn và duy vật của thế gian sẽ được ban thưởng dồi dào: “Khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán, xem ta có mở các cửa-sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng”. Đức Giê-hô-va hứa sẽ ban sự thịnh vượng và thành công về thiêng liêng cho những người có lòng biết ơn. Ngài nói thêm: “Mọi nước sẽ xưng các ngươi là có phước, vì các ngươi sẽ là đất vui-thích”. Chúng ta chứng thật điều này trong vòng hàng triệu người thuộc dân biết ơn của Đức Chúa Trời trên đất ngày nay, phải không?
Những người giữ sự trung kiên được ghi trong sách sự sống
17-19. a) Sự hỗn loạn ở Rwanda đã ảnh hưởng các anh chị của chúng ta như thế nào? b) Các anh chị trung thành đã tiến tới với niềm tin vững chắc nào?
17 Nơi đây, chúng ta có thể phát biểu về lòng trung kiên của anh chị em chúng ta ở Rwanda. Họ đã luôn luôn dâng của-lễ thiêng liêng tốt nhất tại nhà thờ phượng thiêng liêng của Đức Giê-hô-va. Thí dụ, vào tháng 12 năm 1993 tại hội nghị địa hạt “Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời”, do công lao khó nhọc của 2.080 người công bố về Nước Trời, có tổng cộng 4.075 người đến dự. Có 230 Nhân-chứng mới làm báp têm, và trong số này, 150 người nộp đơn xin làm công việc tiên phong phụ trợ vào tháng sau đó.
18 Vào tháng 4 năm 1994, khi sự căm thù về chủng tộc bộc phát, ít nhất 180 nhân-chứng, kể cả anh giám thị thành phố ở Kigali, thủ đô xứ Rwanda, cùng với cả gia đình anh bị giết chết. Sáu thông dịch viên tại văn phòng của Hội Tháp Canh ở Kigali, gồm bốn người Hutu và hai người Tutsi, tiếp tục làm việc trong vòng vài tuần dù bị đe dọa nghiêm trọng, đến khi hai người Tutsi phải chạy trốn, nhưng lại bị giết ở một trạm kiểm soát. Rốt cuộc, tay cầm dụng cụ còn lại của máy vi tính, bốn người còn lại chạy trốn đến Goma, xứ Zaire. Nơi đó họ tiếp tục dịch tạp chí Tháp Canh ra tiếng Kinyarwanda (Ê-sai 54:17).
19 Các Nhân-chứng tị nạn đó, dù gặp những tình cảnh thiếu thốn cùng cực, luôn luôn xin đồ ăn thiêng liêng trước đồ vật chất. Các anh em đầy yêu thương trong một vài xứ đã hy sinh rất nhiều để chuyển đồ cứu trợ đến cho họ. Qua lời nói miệng và tính nết trật tự của họ trong những tình trạng căng thẳng, các anh chị tị nạn đã làm chứng một cách tuyệt vời. Họ thật sự tiếp tục đem của-lễ tốt nhất để dâng cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ bày tỏ niềm tin vững chắc giống Phao-lô, như Rô-ma 14:8 có diễn tả: “Nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả”.
20, 21. a) Ai không có tên biên trong sách ghi nhớ của Đức Giê-hô-va? b) Ai có tên trong sách ấy, và tại sao?
20 Đức Giê-hô-va ghi nhớ tất cả những ai trung thành phụng sự Ngài. Lời tiên tri của Ma-la-chi nói tiếp: “Bấy giờ những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài” (Ma-la-chi 3:16).
21 Ngày nay sự kiện chúng ta bày tỏ sự kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh danh Đức Giê-hô-va là quan trọng biết bao! Làm thế, chúng ta sẽ không bị kết án như những kẻ ủng hộ các hệ thống của thế gian này với lòng khâm phục. Khải-huyền 17:8 cho biết rằng họ “không có tên ghi trong sách sự sống”. Điều hợp lý là danh xuất sắc nhất ghi trong sách sự sống của Đức Giê-hô-va là danh của Chúa sự sống, chính Con của Đức Chúa Trời, Giê-su Christ. Ma-thi-ơ 12:21 tuyên bố: “Dân ngoại sẽ trông-cậy danh người”. Sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su bảo đảm sự sống đời đời cho tất cả những người đặt đức tin nơi giá chuộc. Thật là một đặc ân nếu tên riêng của chúng ta được thêm vào cuốn sách ấy với danh của Giê-su!
22. Khi Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét, chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt nào?
22 Tôi tớ của Đức Chúa Trời sẽ ra sao trong kỳ phán xét? Đức Giê-hô-va trả lời nơi Ma-la-chi 3:17, 18: “Ta sẽ tiếc chúng nó như một người tiếc con trai mình hầu-việc mình. Bấy giờ các ngươi sẽ trở lại và sẽ phân-biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác, giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài”. Mọi người sẽ thấy rõ ràng sự khác biệt: người gian ác, biệt riêng ra để bị hủy diệt đời đời, và người công bình, được chấp nhận để sống đời đời trong lãnh thổ của Nước Trời (Ma-thi-ơ 25:31-46). Như vậy, một đám đông vô số người giống như chiên sẽ sống sót qua ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va.
Bạn có nhớ không?
◻ Đức Giê-hô-va thi hành những sự phán xét nào trong thời Kinh-thánh được viết ra?
◻ Tình trạng ngày nay giống tình trạng thời xưa như thế nào?
◻ Có công việc tẩy sạch nào được thực hiện để làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ma-la-chi?
◻ Ai có tên biên trong sách ghi nhớ của Đức Chúa Trời?