Các nữ tín đồ Đấng Christ đáng được quí trọng
“Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn;... phải kính-nể họ” (I PHI-E-RƠ 3:7).
1, 2. a) Việc Giê-su nói chuyện với một người đàn bà Sa-ma-ri gần cái giếng gợi lên sự quan tâm nào, và tại sao? (Xem thêm cước chú). b) Giê-su cho thấy điều gì qua việc rao giảng cho người đàn bà Sa-ma-ri?
TẠI cái giếng xưa gần thành Si-kha vào một buổi trưa gần cuối năm 30 công nguyên, Giê-su cho biết ngài nghĩ sao về cách phái nữ nên được đối xử. Ngài đi vất vả cả buổi sáng qua xứ Sa-ma-ri là vùng có nhiều đồi và khi đến cái giếng thì ngài đã mỏi mệt, đói và khát. Khi ngài ngồi gần bên giếng, có một bà Sa-ma-ri đến để múc nước. Ngài nói “Hãy cho ta uống”. Người đàn bà hẳn ngạc nhiên nhìn ngài. Bà hỏi: “Ủa kìa! ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đờn-bà Sa-ma-ri sao?” Một lúc sau, khi môn đồ ngài mua đồ ăn trở lại, họ sửng sốt, thắc mắc tại sao Giê-su lại “nói với một người đờn-bà” (Giăng 4:4-9, 27).
2 Điều gì đã khiến người đàn bà này thắc mắc và làm các môn đồ quan tâm? Bà là người Sa-ma-ri và người Do Thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri (Giăng 8:48). Nhưng hiển nhiên cũng có lý do khác để quan tâm. Vào thời đó, truyền thống của người ra-bi ngăn cản đàn ông nói chuyện với đàn bà giữa công chúng.a Tuy nhiên, Giê-su công khai rao giảng cho người đàn bà thành thật này, ngay cả tiết lộ cho bà biết rằng ngài là đấng Mê-si (Giăng 4:25, 26). Do đó Giê-su chứng tỏ ngài không bị hạn chế bởi những truyền thống không theo Kinh-thánh, kể cả truyền thống khinh thường phái nữ (Mác 7:9-13). Ngược lại, qua những gì ngài làm và những điều ngài dạy, Giê-su cho thấy là phụ nữ cần được quí trọng.
Cách Giê-su đối xử với phụ nữ
3, 4. a) Giê-su đáp lại người đàn bà rờ áo ngài ra sao? b) Giê-su làm gương tốt như thế nào cho các nam tín đồ đấng Christ, đặc biệt các giám thị?
3 Cách Giê-su đối xử với phụ nữ phản ảnh lòng nhân từ của ngài. Vào một lần nọ, có một người đàn bà bị bệnh mất huyết đã 12 năm, tìm đến Giê-su trong đám đông. Theo nghi thức thì bệnh này làm bà ô uế, cho nên bà đã không nên có mặt ở đó (Lê-vi Ký 15:25-27). Nhưng vì cảm thấy quá tuyệt vọng nên bà lẻn tới sau lưng ngài. Khi rờ áo ngài, bà được lành bịnh ngay lập tức! Mặc dù ngài đang trên đường đi tới nhà Giai-ru là người có con gái bị bệnh nặng, Giê-su đã ngừng lại. Cảm thấy sức mạnh đi ra từ mình, ngài nhìn xung quanh xem ai đã rờ ngài. Cuối cùng, người đàn bà tiến đến và run sợ gieo mình dưới chân ngài. Liệu Giê-su sẽ quở trách bà đã vào giữa đám đông hoặc đã vô phép rờ áo ngài không? Ngược lại, bà thấy ngài rất nồng hậu và có lòng tốt. Ngài nói “Hỡi con gái ta, đức-tin con đã cứu con”. Đây là lần duy nhất Giê-su gọi thẳng một người đàn bà là “con gái”. Từ ngữ đó hẳn đã an ủi bà làm sao! (Ma-thi-ơ 9:18-22; Mác 5:21-34).
4 Giê-su không chỉ chú ý vào hình thức của Luật pháp. Ngài hiểu tinh thần của Luật pháp và việc cần có lòng thương xót và trắc ẩn (So sánh Ma-thi-ơ 23:23). Giê-su chú ý đến tình thế cùng cực của người đàn bà bệnh hoạn và lưu ý đến sự kiện là bà đã được đức tin thúc đẩy. Do đó ngài làm gương tốt cho các nam tín đồ đấng Christ, đặc biệt các giám thị. Nếu một chị tín đồ đấng Christ phải đối phó với những vấn đề riêng hay với một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc thử thách, trưởng lão nên cố gắng nhìn xa hơn ngoài các lời nói hay hành động tức thời và lưu ý đến hoàn cảnh cùng động cơ. Sự sáng suốt đó có thể cho thấy cần đến sự kiên nhẫn, hiểu biết và lòng trắc ẩn thay vì khuyên bảo và sửa trị (Châm-ngôn 10:19; 16:23; 19:11).
5. a) Phụ nữ bị truyền thống của người ra-bi hạn chế trong phương diện nào? (Xem cước chú). b) Ai là những người đầu tiên được thấy và làm chứng về việc Giê-su được sống lại?
5 Bị giam hãm bởi truyền thống của người ra-bi, phụ nữ sống trong thời Giê-su ở trên đất không được làm chứng trên pháp lý.b Hãy chú ý việc gì đã xảy ra ít lâu sau khi Giê-su được sống lại vào sáng ngày 16 Nisan, năm 33 công nguyên. Ai sẽ là người đầu tiên được thấy Giê-su sau khi ngài sống lại và được làm chứng cho các môn đồ khác rằng Chúa của họ đã sống lại? Đó hóa ra là những người đàn bà đã ở lại gần nơi Giê-su bị đóng đinh cho tới khi ngài tắt thở (Ma-thi-ơ 27:55, 56, 61).
6, 7. a) Giê-su nói gì với những người nữ đến mộ? b) Ban đầu các nam môn đồ của Giê-su phản ứng ra sao về lời chứng của các người nữ, và chúng ta có thể học được điều gì từ việc này?
6 Sáng sớm vào ngày đầu tuần, Ma-ri Ma-đơ-len và những người đàn bà khác mang thuốc thơm đến mộ để xức xác Giê-su. Khi thấy mộ trống không, Ma-ri chạy đi để báo cho Phi-e-rơ và Giăng biết. Những người đàn bà khác thì ở lại. Chẳng bao lâu, một thiên sứ hiện ra cùng họ và cho họ biết là Giê-su đã sống lại. Vị thiên sứ bảo họ “hãy đi mau nói cho môn-đồ Ngài hay”. Trong lúc những người đàn bà này vội vã đi báo tin thì chính Giê-su hiện ra cùng họ. Ngài phán rằng: “Hãy đi bảo cho anh em ta” (Ma-thi-ơ 28:1-10; Mác 16:1, 2; Giăng 20:1, 2). Vì không biết là thiên sứ đã viếng thăm và vì mòn mỏi đau buồn, Ma-ri Ma-đơ-len trở lại ngôi mộ trống không. Nơi đó Giê-su hiện ra cùng bà và sau khi bà cuối cùng nhận ra ngài, ngài nói: “Hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Giăng 20:11-18; so sánh Ma-thi-ơ 28:9, 10).
7 Giê-su đã có thể hiện ra trước tiên cùng Phi-e-rơ, Giăng, hoặc một trong những môn đồ nam khác. Thay vì thế, ngài đã chọn ưu đãi những người nữ này bằng cách cho họ làm chứng nhân đầu tiên về việc ngài được sống lại và bằng cách giao cho họ nhiệm vụ làm chứng về việc này cho các nam môn đồ. Ban đầu những người đàn ông này phản ứng ra sao? Lời ghi chép nói: “Các sứ-đồ không tin, cho lời ấy như là hư-không” (Lu-ca 24:11). Phải chăng họ thấy lời chứng này khó chấp nhận vì đến từ những người đàn bà? Nếu là thế, thì cuối cùng họ có được nhiều bằng chứng là Giê-su đã sống lại từ kẻ chết (Lu-ca 24:13-46; I Cô-rinh-tô 15:3-8). Ngày nay, các nam tín đồ đấng Christ hành động khôn ngoan khi họ lưu tâm tới những nhận xét của các chị thiêng liêng. (So sánh Sáng-thế Ký 21:12).
8. Giê-su cho thấy điều gì qua cách ngài đối xử với phụ nữ?
8 Thật ấm lòng khi nhận thấy cách Giê-su đối xử với phái nữ. Luôn luôn thương xót và hoàn toàn thăng bằng khi đối xử với phái nữ, ngài không đề cao cũng không coi nhẹ phái nữ (Giăng 2:3-5). Ngài bác bỏ những truyền thống của người ra-bi đã tước đi phẩm giá của phụ nữ và làm cho Lời của Đức Chúa Trời mất hiệu lực (So sánh Ma-thi-ơ 15:3-9). Qua sự quí trọng phụ nữ khi đối xử với họ, Giê-su cho thấy chính quan điểm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời về cách phụ nữ nên được đối xử (Giăng 5:19). Giê-su cũng làm một gương tuyệt vời cho các nam tín đồ đấng Christ noi theo (I Phi-e-rơ 2:21).
Sự dạy dỗ của Giê-su liên quan đến phụ nữ
9, 10. Giê-su đã bác truyền thống của người ra-bi về phụ nữ như thế nào, và ngài nói gì sau khi người Pha-ri-si nêu lên câu hỏi về sự ly dị?
9 Giê-su bác truyền thống của người ra-bi và đem lại phẩm giá cho phụ nữ không chỉ qua hành động mà còn qua sự dạy dỗ của ngài. Thí dụ hãy chú ý những gì ngài dạy về sự ly dị và ngoại tình.
10 Liên quan đến sự ly dị, người ta hỏi Giê-su câu này: “Không cứ vì cớ gì người ta có phép để vợ mình chăng?” Theo lời tường thuật của Mác, Giê-su nói: “Ai để vợ mình [không phải vì cớ ngoại-tình] mà cưới vợ khác, thì phạm tội tà-dâm với người, còn nếu người đờn-bà bỏ chồng mình mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội tà-dâm” (Mác 10:10-12; Ma-thi-ơ 19:3, 9). Những lời đơn giản đó đã bày tỏ sự tôn trọng phẩm giá phụ nữ. Như thế nào?
11. Qua câu “không phải vì cớ ngoại tình”, Giê-su cho thấy điều gì về mối liên lạc hôn nhân?
11 Trước hết, qua câu “không phải vì cớ ngoại-tình” (lời tường thuật trong phúc âm theo Ma-thi-ơ), Giê-su cho thấy rằng chúng ta không được coi thường hay dễ dàng cắt đứt mối liên lạc hôn nhân. Sự dạy dỗ phổ biến của người ra-bi cho phép ly dị vì những lý do không quan trọng như là người vợ làm hỏng một món ăn hay là nói chuyện với một người đàn ông lạ. Sao, thậm chí người chồng còn được phép ly dị nếu ông tìm được một người đàn bà ông nghĩ là đẹp hơn! Một học giả Kinh-thánh ghi nhận: “Khi Giê-su nói những gì ngài đã nói, ngài... đang ủng hộ phụ nữ bằng cách cố gắng phục hồi lại địa vị chính đáng của hôn nhân”. Thật vậy, hôn nhân phải là một sự phối hợp lâu bền mà người phụ nữ có thể cảm thấy bảo đảm (Mác 10:6-9).
12. Qua nhóm từ “phạm tội tà-dâm với người”, Giê-su đưa ra ý niệm nào?
12 Thứ hai, qua nhóm từ “phạm tội tà-dâm với người”, Giê-su đưa ra một quan điểm không được tòa án người ra-bi chấp nhận—ý niệm về người chồng phạm tội tà dâm với vợ. The Expositor’s Bible Commentary giải thích: “Trong Do Thái giáo của người ra-bi, một người đàn bà vì không chung thủy có thể phạm tội tà dâm với chồng; và người đàn ông ăn nằm với vợ của người khác có thể phạm tội tà dâm với người đàn ông đó. Nhưng người đàn ông không thể nào phạm tội tà dâm với vợ mình, bất kể ông làm gì. Qua việc buộc người chồng theo cùng một luật pháp luân lý như người vợ, Giê-su nâng cao địa vị và phẩm giá của phụ nữ”.
13. Liên quan đến vấn đề ly dị, bằng cách nào Giê-su cho thấy rằng chỉ có một tiêu chuẩn cho cả nam và nữ trong hệ thống đạo đấng Christ?
13 Thứ ba, qua nhóm từ “bỏ chồng mình”, Giê-su thừa nhận rằng người đàn bà có quyền ly dị người chồng không chung thủy—một thực hành hình như được biết đến nhưng không phổ thông trong luật Do Thái giáo vào thời đó.c Có lời nói rằng “người đàn bà có thể bị ly dị bất kể bà muốn hay không, nhưng người đàn ông chỉ có thể bị ly dị nếu ông muốn”. Tuy nhiên, theo Giê-su, trong hệ thống đạo đấng Christ thì một tiêu chuẩn sẽ áp dụng cho cả đàn ông và đàn bà.
14. Giê-su phản ảnh điều gì qua sự dạy dỗ của ngài?
14 Sự dạy dỗ của Giê-su rõ ràng cho thấy ngài quan tâm sâu xa đến hạnh phúc của giới nữ. Vì thế, chúng ta hiểu được tại sao một số người nữ cảm thấy yêu thương Giê-su đến đỗi họ chăm lo cho các nhu cầu của ngài bằng của cải của riêng họ (Lu-ca 8:1-3). Giê-su nói “đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến” (Giăng 7:16). Qua những gì ngài dạy, Giê-su phản ảnh sự quan tâm tế nhị của chính Đức Giê-hô-va đối với phụ nữ.
“Phải kính-nể họ”
15. Sứ đồ Phi-e-rơ viết gì về cách người chồng nên đối xử với vợ?
15 Sứ đồ Phi-e-rơ chứng kiến tận mắt cách Giê-su đối xử với phụ nữ. Khoảng 30 năm sau, Phi-e-rơ trìu mến khuyên bảo những người trong vai trò làm vợ và tiếp theo đó ông viết: “Hỡi người chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính-nể họ, hầu cho không điều gì làm rối-loạn sự cầu-nguyện của anh em” (I Phi-e-rơ 3:7). Phi-e-rơ muốn nói gì khi bảo “phải kính-nể họ”?
16. a) Danh từ Hy Lạp được dịch là “kính-nể” có nghĩa gì? b) Đức Giê-hô-va đã ban vinh dự cho Giê-su như thế nào khi Giê-su hóa hình, và chúng ta học được gì từ việc này?
16 Theo nhà tự điển học, chữ Hy Lạp được dịch ra là “kính nể” (ti·meʹ) có nghĩa là “giá, giá trị, danh dự, sự tôn trọng”. Các dạng khác của chữ Hy Lạp này được dịch là “quà” và “quí” (Công-vụ các Sứ-đồ 28:10, NW; I Phi-e-rơ 2:7). Chúng ta hiểu rõ ý Phi-e-rơ muốn nói gì về vấn đề kính nể người nào đó nếu chúng ta xem xét cách ông dùng một dạng khác của chữ này trong II Phi-e-rơ 1:17. Nơi câu này, ông nói về sự hóa hình của Giê-su: “Ngài đã nhận-lãnh sự tôn-trọng vinh-hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha Ngài, khi Đấng tôn-nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: ‘Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường’ ”. Lúc Giê-su hóa hình, Đức Giê-hô-va ban vinh dự cho Con Ngài bằng cách nói rằng Ngài chấp nhận Giê-su, và những người khác nghe Ngài nói thế (Ma-thi-ơ 17:1-5). Khi người chồng tôn trọng vợ, thì anh không hạ nhục hoặc hạ thấp vợ. Trái lại, anh tỏ lòng quí mến vợ bằng lời nói và việc làm, trong lúc chỉ có hai người và trước mặt người khác (Châm-ngôn 31:28-30).
17. a) Tại sao người vợ tín đồ đấng Christ đáng được tôn trọng? b) Tại sao một người nam không nên cảm thấy Đức Chúa Trời trọng mình hơn người nữ?
17 Phi-e-rơ nói người chồng phải có sự tôn trọng này đối với vợ. Khi làm thế, không phải vì anh tử tế mà là vì vợ đáng được tôn trọng. Tại sao người vợ đáng được sự tôn trọng như thế? Bởi vì Phi-e-rơ giải thích “họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống”. Vào thế kỷ thứ nhất, những người nam và nữ nhận thư của Phi-e-rơ đều là những người được kêu gọi để đồng kế tự với đấng Christ (Rô-ma 8:16, 17; Ga-la-ti 3:28) Họ không có cùng một trách nhiệm trong hội thánh, nhưng cuối cùng họ sẽ được cai trị với Giê-su ở trên trời (Khải-huyền 20:6). Ngày nay cũng thế, trong khi phần lớn dân tộc Đức Chúa Trời đều có hy vọng sống trên đất, nếu một tín đồ đấng Christ nào nghĩ rằng vì anh có đặc ân trong hội thánh tức là Đức Chúa Trời xem anh đáng trọng hơn những người đàn bà thì rất là sai lầm. (So sánh Lu-ca 17:10). Cả hai phái nam và nữ đều có địa vị ngang nhau trước mắt Đức Chúa Trời về mặt thiêng liêng, vì sự chết làm của-lễ hy sinh của Giê-su mở ra cùng một cơ hội cho cả hai phái để họ được thoát khỏi án phạt của tội lỗi và sự chết để có triển vọng sống đời đời (Rô-ma 6:23).
18. Phi-e-rơ nêu ra lý do bắt buộc nào mà người chồng nên tôn trọng vợ?
18 Phi-e-rơ nêu ra một lý do bắt buộc khác cho biết tại sao chồng nên tôn trọng vợ, đó là “hầu cho không điều gì làm rối-loạn sự cầu-nguyện của anh em”. Từ ngữ “làm rối-loạn” đến từ một động từ Hy Lạp (en·koʹpto) có nghĩa đen là “cắt vào”. Theo một tự điển của ông Vine (Expository Dictionary of New Testament Words), chữ này “được dùng để cản người ta bằng cách phá đường hoặc bằng cách đặt một chướng ngại vật trên đường đi”. Vì vậy, một người chồng không tôn trọng vợ có thể thấy có một chướng ngại cản trở lời cầu nguyện của anh đến tai Đức Chúa Trời. Anh có thể cảm thấy không xứng đáng để đến gần Đức Chúa Trời, hoặc Đức Giê-hô-va có lẽ không muốn nghe anh. Rõ ràng là Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến cách đàn ông đối xử với đàn bà (So sánh Ca-thương 3:44).
19. Các người nam và nữ trong hội thánh có thể lấy lòng kính trọng nhau mà phục vụ như thế nào?
19 Bổn phận tỏ lòng tôn trọng không phải chỉ dành riêng cho các người chồng. Trong khi chồng nên tôn trọng vợ bằng cách đối xử yêu thương và xem trọng phẩm cách của vợ, thì vợ phải tôn trọng chồng bằng cách vâng phục chồng và tỏ lòng kính trọng sâu xa (I Phi-e-rơ 3:1-6). Hơn nữa, Phao-lô khuyên tín đồ đấng Christ ‘kính-nhường nhau’ (Rô-ma 12:10). Đây là lời kêu gọi các người nam và nữ trong hội thánh lấy lòng kính trọng lẫn nhau mà phụng sự Đức Chúa Trời. Khi có tinh thần như thế, các nữ tín đồ đấng Christ sẽ không nói thẳng với tính cách làm hạ quyền hành của những người dẫn đầu trong hội thánh. Trái lại, họ sẽ ủng hộ các trưởng lão và hợp tác với các anh ấy (I Cô-rinh-tô 14:34, 35; Hê-bơ-rơ 13:17). Về phần các giám thị tín đồ đấng Christ, họ phải đối xử “đờn-bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu-nữ như chị em, mà phải lấy cách thanh-sạch trọn-vẹn” (I Ti-mô-thê 5:1, 2). Các trưởng lão nên khôn ngoan chú ý đến lời của các chị trong hội thánh. Vì thế, khi một chị tỏ ra tôn trọng việc dẫn đầu trong tổ chức thần quyền và lễ độ hỏi một điều gì hoặc đưa ra một vấn đề cần được lưu ý đến, các trưởng lão sẽ vui lòng xem xét câu hỏi hoặc vấn đề của chị.
20. Theo lời ghi chép trong Kinh-thánh, phụ nữ nên được đối xử ra sao?
20 Từ khi bắt đầu có tội lỗi trong vườn Ê-đen, nữ giới trong nhiều nền văn hóa bị hạ xuống địa vị thấp kém, không được tôn trọng. Nhưng ban đầu Đức Giê-hô-va không có ý cho họ phải chịu những sự đối xử tệ bạc đó. Dù cho nhiều người thuộc mọi văn hóa nghĩ thế nào về phái nữ, cả hai phần Kinh-thánh, phần tiếng Hê-bơ-rơ và phần tiếng Hy Lạp đều cho chúng ta thấy rõ là cần phải quí trọng các phụ nữ tin kính. Họ đáng được sự quí trọng mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ.
[Chú thích]
a The International Standard Bible Encyclopedia (Bách khoa Tự điển về Kinh-thánh Tiêu chuẩn Quốc tế) giải thích: “Phái nữ không ăn chung với khách phái nam, và đàn ông phải tránh nói chuyện với đàn bà... Nói chuyện với phái nữ giữa công chúng đặc biệt là điều gây tai tiếng. Cuốn Mishnah của người Do Thái là một tập sách giáo huấn của người ra-bi có khuyên: “Đừng nói nhiều với nữ giới... Người nam nào nói chuyện nhiều với nữ giới mang tai họa đến cho mình và sao lãng việc học Luật pháp và cuối cùng sẽ đi đến Ghê-hen-na” (Aboth 1:5).
b Cuốn sách Palestine in the Time of Christ nói: “Trong một vài trường hợp, phụ nữ gần như bị xếp ngang hàng với nô lệ. Thí dụ, ngoài việc chứng nhận cái chết của chồng, phụ nữ không được làm chứng trước tòa án”. Bàn đến Lê-vi Ký 5:1, sách The Mishnah giải thích: “[Luật pháp về] ‘lời tuyên thệ’ áp dụng cho đàn ông chứ không cho đàn bà” (Shebuoth 4:I).
c Sử gia Do Thái vào thế kỷ thứ nhất là Josephus cho biết là chị của Vua Hê-rốt là Sa-lô-mê gửi chồng “một văn kiện kết thúc hôn nhân của họ. Đó là một việc không theo đúng luật Do Thái. Vì (chỉ) có người đàn ông mới được phép làm việc này” (Jewish Antiquities, XV, 259 [vii, 10]).
Bạn trả lời thế nào?
◻ Những trường hợp nào cho thấy Giê-su quí trọng phụ nữ khi đối xử với họ?
◻ Sự dạy dỗ của Giê-su bày tỏ sự tôn trọng phẩm giá phụ nữ như thế nào?
◻ Tại sao người chồng nên tôn trọng người vợ tín đồ đấng Christ của mình?
◻ Tất cả các tín đồ đấng Christ có bổn phận gì về việc tôn trọng nhau?
[Hình nơi trang 17]
Những người nữ tin kính vui sướng được làm những người đầu tiên thấy được Giê-su sau khi ngài được sống lại và ngài bảo họ làm chứng cho các anh em ngài