Sống phù hợp với lời hứa nguyện hôn nhân!
NGÀY cưới là một ngày vui. Đó cũng là một dịp rất trang trọng. Cô dâu và chú rể nghiêm trang hứa một điều mà sẽ ảnh hưởng đến cả đời họ. Những người khách có mặt tại lễ cưới làm chứng về lời hứa hẹn nghiêm trang này, nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mới là Đấng làm chứng chủ yếu.
Kinh-thánh không đòi hỏi phải thi hành một thể thức nhất định hoặc một nghi lễ hôn nhân đặc biệt nào. Tuy nhiên, để nhìn nhận sự kiện Đức Chúa Trời sáng lập hôn nhân, hôn nhân thường được cử hành trịnh trọng dùng lời hứa nguyện hôn nhân trong một nghi lễ tôn giáo. Trong nhiều năm qua Nhân-chứng Giê-hô-va dùng lời hứa nguyện hôn nhân như sau: “Anh (Em) —— xin nhận —— làm (vợ / chồng), nguyện sẽ yêu thương và quý mến (Cô dâu: và kính trọng sâu xa) thể theo luật pháp của Đức Chúa Trời ghi trong Kinh-thánh cho các người (chồng / vợ) tín đồ đấng Christ, và cùng sống với nhau đến trọn đời thể theo sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về hôn nhân”.a
Nên nghĩ đến điều này
Nếu bạn dự định kết hôn, điều thật hữu ích là bạn nên nghĩ đến tầm quan trọng và ý nghĩa của lời hứa nguyện này trước ngày cưới. Vua Sa-lô-môn nói: “Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật-đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời” (Truyền-đạo 5:2). Nếu bạn đã lập gia đình rồi thì sao? Thì bạn cũng được lợi ích khi suy gẫm về tầm quan trọng của lời hứa trang nghiêm mà bạn đã hứa trước mặt Đức Giê-hô-va. Bạn có sống phù hợp với lời hứa đó không? Các tín đồ đấng Christ coi trọng lời hứa của họ. Sa-lô-môn nói tiếp: “Khá trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn-hứa, hơn là khấn-hứa mà lại không trả. Đừng cho miệng ngươi làm cho xác-thịt mình phạm tội, và chớ nói trước mặt sứ-giả của Đức Chúa Trời rằng ấy là lầm-lỗi” (Truyền-đạo 5:4-6).
Xem xét từng nhóm từ một của lời hứa nguyện hôn nhân chắc chắn sẽ bồi bổ sự hiểu biết của bạn về lời hứa trang trọng này.
“Anh (Em) xin nhận em (anh)”: Đây là những lời mở đầu của lời hứa nguyện. Những lời này nhấn mạnh rằng chính bạn nhận trách nhiệm về quyết định kết hôn của mình.
Theo sự sắp đặt của đạo đấng Christ, Kinh-thánh không bắt buộc ai phải kết hôn. Chính Giê-su đã không lập gia đình và đề nghị những ai “lãnh nổi lời ấy” nên sống độc thân (Ma-thi-ơ 19:10-12). Mặt khác, đa số các sứ đồ của Giê-su đều có gia đình (Lu-ca 4:38; I Cô-rinh-tô 9:5). Quyết định lập gia đình rõ ràng tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Không một ai có thẩm quyền dựa theo Kinh-thánh để ép người khác phải lập gia đình.
Do đó, bạn phải chịu trách nhiệm cho việc quyết định lập gia đình. Rất có thể là bạn chọn người mà bạn kết hôn. Khi hứa nguyện hôn nhân: ‘Anh (Em) xin nhận ——’, bạn lấy hoặc nhận người đó với các đức tính tốt—nhưng cũng với các khuyết điểm của họ.
Với thời gian, có lẽ bạn sẽ khám phá ra những nét không ngờ trong cá tính của người hôn phối. Sẽ có những lúc bạn thấy thất vọng. Kinh-thánh nói: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Vì thế bạn có thể cần phải thay đổi để hòa hợp với người hôn phối. Điều này có thể là khó và đôi khi bạn có thể cảm thấy như muốn chịu thua. Nhưng nên nhớ, bạn đã hứa nguyện trước mặt Đức Giê-hô-va. Ngài có thể giúp bạn thành công.
“Làm (vợ / chồng)”: Tại lễ cưới đầu tiên, khi Ê-va được gả cho A-đam, Giê-hô-va Đức Chúa Trời nói: “Cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng-thế Ký 2:24; Ma-thi-ơ 19:4-6). Vì thế, hôn nhân là mối quan hệ mật thiết nhất có thể có được giữa hai người. Hôn nhân tạo mối quan hệ thân tộc mới. Bạn nhận một người nào đó “làm vợ” hoặc “làm chồng”. Điều này không giống như bất cứ mối quan hệ nào khác. Có những hành động chỉ gây tổn hại chút ít trong các mối quan hệ khác nhưng lại có thể gây ra tổn thương sâu xa trong nếp sống hôn nhân.
Thí dụ, hãy xem lời khuyên trong Kinh-thánh nơi Ê-phê-sô 4:26. Nơi đó Kinh-thánh nói: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn”. Có lẽ bạn không luôn giải quyết các vấn đề với bà con và bạn bè một cách nhanh chóng theo như bạn nên làm. Nhưng người hôn phối thì gần hơn bất cứ người bà con hay người bạn nào khác của bạn. Không giải quyết vấn đề nhanh chóng với người hôn phối có thể gây nguy hại đến mối quan hệ thân tộc đặc biệt giữa hai người.
Bạn có để cho sự bất đồng ý kiến giữa mình và người hôn phối trở nên một lý do để mình cứ luôn phiền muộn và lo âu không? Những sự hiểu lầm và tình trạng bối rối có kéo dài qua nhiều ngày không? Nếu muốn sống phù hợp với lời hứa nguyện, thì khi gặp khó khăn, bạn đừng để một ngày qua đi mà không làm hòa với người hôn phối. Điều này có nghĩa là tha thứ và bỏ qua chuyện va chạm đồng thời cũng nhận những khuyết điểm và lỗi lầm của chính mình (Thi-thiên 51:5; Lu-ca 17:3, 4).
“Nguyện sẽ yêu thương”: Người sắp làm chồng hứa nguyện “sẽ yêu thương và quý mến” cô dâu. Tình yêu thương này bao hàm tình yêu lãng mạn mà rất có thể đã kết hợp họ. Nhưng chỉ có tình yêu lãng mạn thì không đủ. Tình yêu mà một tín đồ đấng Christ hứa nguyện với người hôn phối thì sâu đậm và bao quát hơn.
Nơi Ê-phê-sô 5:25 nói: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh”. Tình yêu thương của Giê-su đối với hội thánh thì chắc chắn không giống như loại tình yêu lãng mạn giữa hai người khác phái. Từ ngữ “yêu” và “đã yêu” dùng trong câu Kinh-thánh này đến từ chữ a·gaʹpe, chữ này nói đến tình yêu dựa trên nguyên tắc. Ở đây Kinh-thánh răn những người làm chồng phải bày tỏ tình yêu thương không ngớt, không lay chuyển và nhẫn nhục đối với vợ mình.
Tình yêu này không chỉ là loại tình cảm “anh yêu em vì em yêu em”. Người chồng mưu cầu hạnh phúc cho vợ trước cả hạnh phúc cho chính mình, và vợ cũng yêu chồng cùng thể ấy (Phi-líp 2:4). Vun trồng tình yêu thương sâu đậm đối với người hôn phối sẽ giúp bạn sống phù hợp với lời hứa nguyện hôn nhân.
“Quý mến”: Theo một tự điển, “quý mến” có nghĩa là ‘yêu chuộng, nâng niu’. Bạn phải biểu lộ tình yêu thương qua cả lời nói lẫn hành động! Đặc biệt người vợ cần được chồng luôn bày tỏ tình yêu thương. Người chồng có thể chăm lo đầy đủ về nhu cầu vật chất của vợ, nhưng điều này chưa đủ. Có những bà vợ có đầy đủ thức ăn và nhà ở thoải mái nhưng rất khổ sở, bởi vì họ bị người hôn phối bỏ bê hoặc thờ ơ.
Mặt khác, một người vợ nào biết rằng mình được yêu và quý mến thì có mọi lý do để thấy hạnh phúc. Dĩ nhiên, cũng có thể nói tương tự như thế đối với người chồng. Tình yêu thương chân thật được nổi bật hơn nữa qua những lời trìu mến chân thành. Trong bài ca của Sa-lô-môn, người chăn chiên đang yêu kêu lên: “Hỡi em gái ta, tân-phụ ta ơi, ái-tình mình đẹp là dường nào! Ái-tình mình ngon hơn rượu, và mùi thơm của dầu mình tốt hơn các thức hương!” (Nhã-ca 4:10).
“Và kính trọng sâu xa”: Trải qua nhiều thế kỷ một số đàn ông đã từng ngược đãi và hạ phẩm giá đàn bà. Theo báo World Health, ngay cả ngày nay “việc đàn bà bị hành hung xảy ra ở mọi nước và trong mọi tầng lớp xã hội và kinh tế. Trong nhiều văn hóa, đánh đập vợ được xem như là quyền của đàn ông”. Đành rằng đa số đàn ông có thể không cư xử như thế. Tuy nhiên, dường như nhiều ông không tỏ mình thật sự chú ý đến những vấn đề mà phụ nữ quan tâm đến. Hậu quả là nhiều đàn bà đã có thái độ tiêu cực về đàn ông. Người ta từng nghe một số người vợ nói: “Tôi yêu chồng tôi, nhưng không thể nào kính trọng anh ấy!”
Tuy nhiên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời xem trọng những người đàn bà gắng sức kính trọng chồng mình—ngay dù đôi khi ông không được như bà mong đợi. Bà nhận biết là ông có nhiệm vụ, hoặc địa vị do Đức Chúa Trời giao cho (I Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 5:23). Vì vậy, kính trọng chồng một cách sâu xa là một phần của sự thờ phượng và vâng phục của người vợ đối với Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời không quên sự vâng lời của những người đàn bà tin kính. (Ê-phê-sô 5:33; I Phi-e-rơ 3:1-6; so sánh Hê-bơ-rơ 6:10).
Trong hôn nhân phải có sự kính trọng lẫn nhau, và thay vì chỉ trông đợi hay đòi hỏi được tôn trọng, một người phải chinh phục lòng kính trọng của người kia. Thí dụ, chúng ta không nên có những lời nói châm chọc hoặc công kích trong nếp sống hôn nhân. Nói những lời phê phán xúc phạm đến chồng hoặc vợ là tỏ ra không yêu thương và kính trọng. Chúng ta không được ích lợi gì khi đi nói với người khác hoặc nói giữa công chúng về những khuyết điểm của người hôn phối. Ngay cả khi đùa giỡn, một người cũng có thể tỏ ra hết sức thiếu kính trọng về phương diện này. Những lời nơi Ê-phê-sô 4:29, 32 áp dụng cho cả chồng lẫn vợ. Nơi đó Kinh-thánh nói: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến... Hãy ở với nhau cách nhơn-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót”.
“Thể theo luật pháp của Đức Chúa Trời ghi trong Kinh-thánh”: Đức Chúa Trời muốn chúng ta được tự do lựa chọn và hành động. Ngài không muốn chúng ta phải nặng gánh bởi vô số các luật lệ qui định cho đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, vì lợi ích của chúng ta, ngài đã nêu ra một số lời hướng dẫn.
Ngày nay có thật nhiều tài liệu về hôn nhân được xuất bản, và nhiều người có triết lý riêng của họ. Nhưng hãy thận trọng! Trong đề tài về hôn nhân, có nhiều tài liệu được lưu hành thì trái ngược với Kinh-thánh.
Cũng hãy nhận biết rằng hoàn cảnh của mỗi cặp vợ chồng đều khác nhau. Ở một mức nào đó, đôi vợ chồng cũng giống như các bông tuyết; chúng có thể giống nhau khi nhìn từ xa, nhưng trên thực tế mỗi cặp là độc nhất, khác hẳn với những cặp khác. Sự kết hợp giữa cá tính của bạn và của người hôn phối không giống bất cứ cặp vợ chồng nào khác trên thế giới. Thế nên đừng vội vã chấp nhận quan điểm cá nhân nào của những người khác. Không có một phương thức nào do loài người tạo ra lại áp dụng cho mọi cặp vợ chồng!
Ngược lại, tất cả lời răn bảo của Kinh-thánh là đúng và thích hợp. Sứ đồ Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị” (II Ti-mô-thê 3:16; Thi-thiên 119:151). Nếu bạn đọc Kinh-thánh và để cho sự dạy dỗ của Kinh-thánh hướng dẫn bạn trong cuộc sống hằng ngày, bạn sẽ có thể sống phù hợp với lời hứa nguyện hôn nhân (Thi-thiên 119:105).
“Và cùng sống với nhau đến trọn đời”: Điều này muốn nói đến sự chung sống lâu dài. Đức Chúa Trời răn bảo rằng “người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình” (Sáng-thế Ký 2:24). Đức Giê-hô-va muốn bạn ở cùng nhau. Hãy cùng nhau phụng sự Đức Chúa Trời. Cùng nhau học Lời ngài. Dành thì giờ đi tảng bộ cùng nhau, cùng nhau ngồi, cùng nhau ăn. Cùng nhau vui hưởng đời sống!
Một vài cặp vợ chồng cố dành thì giờ mỗi ngày chỉ để nói chuyện với nhau. Ngay cả sau nhiều năm chung sống, sự gần gũi này là thiết yếu cho hạnh phúc hôn nhân.
“Theo sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về hôn nhân”: Hôn nhân là sự ban cho từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng sáng lập sự sắp đặt của hôn nhân (Châm-ngôn 19:14). Nếu không đi theo sự sắp đặt của ngài, thì chẳng những hạnh phúc hôn nhân mà cả mối quan hệ đối với Đấng Tạo hóa của chúng ta cũng sẽ bị đe dọa. Mặt khác, khi vợ chồng vun trồng mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va, biểu lộ bằng cách vâng phục sự sắp đặt của ngài, họ sẽ có mối quan hệ hòa thuận với người khác, và cả giữa vợ chồng nữa (Châm-ngôn 16:7).
Chớ nên quên rằng Đức Giê-hô-va là Đấng làm chứng chính yếu cho lời hứa nguyện hôn nhân của bạn. Hãy tiếp tục sống phù hợp với lời hứa trang nghiêm này, và hôn nhân của bạn sẽ là nguồn mang lại sự ngợi khen và vinh hiển cho Đức Giê-hô-va!
[Chú thích]
a Tại vài nơi có lẽ cần phải sửa đổi lời hứa nguyện này để phù hợp với luật pháp địa phương (Ma-thi-ơ 22:21). Tuy nhiên, trong đa số các nước những tín đồ đấng Christ sắp lấy nhau đều dùng lời hứa nguyện trên.
[Câu nổi bật nơi trang 22]
Ở một mức nào đó, cặp vợ chồng giống như những bông tuyết. Tất cả đều giống nhau khi nhìn từ xa, nhưng trên thực tế mỗi cặp vợ chồng đều khác nhau một cách đặc biệt
[Nguồn tư liệu]
Các tinh thể tuyết / Dover