Si-chem—Thành nằm trong thung lũng
THÀNH Si-chem nằm sâu trong nội địa của xứ mà Đức Chúa Trời đã chọn cho dân ngài, nằm khuất giữa núi Ê-banh và núi Ga-ri-xim. Tại nơi này—gần bốn ngàn năm trước đây—Đức Giê-hô-va hứa với Áp-ra-ham: “Ta sẽ ban cho dòng-dõi ngươi đất này” (Sáng-thế Ký 12:6, 7).
Phù hợp với lời hứa này, cháu nội của Áp-ra-ham là Gia-cốp đã đóng trại tại Si-chem và lập một bàn thờ mà ông gọi là “Đức Chúa Trời là Chúa của Y-sơ-ra-ên”. Có lẽ Gia-cốp đã đào một cái giếng trong vùng này để cung cấp nước cho gia đình và bầy chiên của ông, cái giếng mà hàng bao thế kỷ sau này được gọi là “cái giếng Gia-cốp” (Sáng-thế Ký 33:18-20, cước chú; Giăng 4:5, 6, 12).
Tuy nhiên, không phải mọi người trong gia đình Gia-cốp đều sốt sắng đối với sự thờ phượng thật. Con gái ông là Đi-na đã làm quen với các cô con gái Ca-na-an ở thành Si-chem. Lúc đó Đi-na còn trẻ. Nàng rời khu trại an toàn của gia đình và bắt đầu thăm viếng thành kế cận ấy và kết bạn ở đó.
Những thanh niên trong thành đó đã nghĩ gì về cô gái trẻ trinh trắng đều đặn tới lui thành của họ mà dường như lại không có ai đi cùng? Con trai của một quan trưởng “thấy nàng, thì cướp đi, nằm với nàng và làm điếm-nhục nàng”. Tại sao Đi-na lại giao du với những người Ca-na-an vô luân để phải chuốc lấy nguy hiểm? Có phải vì nàng cảm thấy mình cần có bạn cùng lứa tuổi không? Có phải vì nàng cũng cứng đầu và độc lập như vài người anh của nàng không? Hãy đọc lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký, và cố gắng thấu hiểu nỗi đau buồn và hổ thẹn mà Gia-cốp và Lê-a hẳn đã cảm thấy vì hậu quả thảm hại của việc con gái mình tới lui thành Si-chem (Sáng-thế Ký 34:1-31; 49:5-7; cũng xem Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 15-6-1985, trang 31).
Gần 300 năm sau, hậu quả của việc coi thường lời hướng dẫn thần quyền được thấy rõ một lần nữa. Tại Si-chem, Giô-suê đã tổ chức một cuộc họp đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta hãy tưởng tượng quang cảnh tại thung lũng này. Có hơn một triệu người—đàn ông, đàn bà và trẻ con—thuộc sáu chi phái Y-sơ-ra-ên đứng trước núi Ga-ri-xim. Bên kia thung lũng cũng có khoảng bấy nhiêu đó người thuộc sáu chi phái khác đứng trước núi Ê-banha. Và ở phía dưới, có các thầy tế lễ và Giô-suê đứng kế bên hòm giao ước và ở giữa hai đám đông dân Y-sơ-ra-ên. Thật là một quang cảnh gây ấn tượng mạnh mẽ làm sao! (Giô-suê 8:30-33).
Nhô cao khỏi đám người đông đảo này, hai hòn núi cho người ta thấy sự tương phản rõ rệt giữa vẻ đẹp và sự cằn cỗi. Sườn núi Ga-ri-xim phía trên thì trông có vẻ xanh tươi và màu mỡ trong khi đó phần lớn sườn núi Ê-banh thì xám sặm và cằn cỗi. Bạn có thể tưởng tượng bầu không khí sôi nổi khi dân Y-sơ-ra-ên đang chờ giây phút Giô-suê bắt đầu nói không? Mọi âm thanh đều vang dội trong giảng đường thiên nhiên này.
Dân chúng cũng tham dự khi Giô-suê đọc ‘sách luật-pháp của Môi-se’ trong bốn đến sáu tiếng đồng hồ (Giô-suê 8:34, 35). Hình như những người Y-sơ-ra-ên đứng trước núi Ga-ri-xim nói A-men! sau mỗi lời chúc phước, trong khi lời A-men! của những người đứng trước núi Ê-banh thì nhấn mạnh mỗi lời rủa sả. Có lẽ vẻ cằn cỗi của núi Ê-banh có tác dụng nhắc nhở dân chúng về hậu quả tai hại của việc không vâng lời.
Giô-suê cảnh cáo: “Đáng rủa-sả thay người nào khinh-bỉ cha mẹ mình!” Hơn một triệu người đồng thanh đáp lại: “A-men!” Giô-suê đợi cho lời đáp vang dội này lắng xuống trước khi nói tiếp: “Đáng rủa-sả thay người nào dời mộc-giới của kẻ lân-cận mình!” Một lần nữa cả sáu chi phái cùng với nhiều người ngoại bang đồng thanh cất tiếng nói lớn: “A-men!” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:16, 17). Giả sử bạn đã có mặt tại đó, bạn có bao giờ quên được buổi họp ở giữa hai hòn núi đó không? Chẳng phải là việc cần phải vâng lời sẽ là điều được in sâu vào tâm trí bạn hay sao?
Ít lâu trước khi ông chết, khoảng 20 năm sau, một lần nữa Giô-suê kêu gọi dân chúng cùng họp mặt tại Si-chem để củng cố lòng quyết tâm của họ. Ông đặt trước mặt họ một vấn đề mà mỗi người phải quyết định. Ông nói: “Ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục-sự... nhưng ta và nhà ta sẽ phục-sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:1, 15). Rõ ràng, những cuộc họp nhằm khích động đức tin tại Si-chem đã gây ấn tượng mạnh. Trong suốt nhiều năm sau khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên đã noi theo gương trung thành của ông (Giô-suê 24:31).
Khoảng 15 thế kỷ sau đó, khi Chúa Giê-su đang nghỉ ngơi dưới bóng mát của núi Ga-ri-xim, thì có một cuộc đối thoại rất khích lệ đã diễn ra. Vì mỏi mệt sau cuộc hành trình dài, Chúa Giê-su đang ngồi bên giếng nước Gia-cốp thì có một người đàn bà Sa-ma-ri đi đến với một bình nước. Bà này thật ngạc nhiên khi ngài hỏi xin bà nước uống, vì người Do Thái không nói chuyện với người Sa-ma-ri, chứ đừng nói đến việc uống từ bình nước của họ (Giăng 4:5-9). Lời nói tiếp theo của Chúa Giê-su càng làm bà ngạc nhiên hơn nữa.
“Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:13, 14). Hãy tưởng tượng bà ấy chú ý đến lời hứa đó đến độ nào, vì lấy nước từ giếng sâu này là một công việc khó nhọc. Chúa Giê-su giải thích tiếp rằng bất kể tầm quan trọng lịch sử của thành Giê-ru-sa-lem và núi Ga-ri-xim, người ta không nhất thiết phải tới hai nơi này để đến với Đức Chúa Trời. Không phải địa điểm nhưng thái độ ở trong lòng và hạnh kiểm mới là điều quan trọng. Ngài nói: “Những kẻ thờ-phượng thật lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ-phượng mà Cha ưa-thích vậy” (Giăng 4:23). Những lời này thật an ủi biết bao! Thêm một lần nữa thung lũng này trở thành nơi mà người ta được khuyến giục phụng sự Đức Giê-hô-va.
Ngày nay thành Nablus nằm dọc theo thành Si-chem hoang phế cổ xưa. Núi Ga-ri-xim và núi Ê-banh vẫn đứng sừng sững trong thung lũng và lặng lẽ trơ mình làm chứng về những biến cố đã qua. Người ta vẫn còn có thể đến thăm giếng Gia-cốp nằm ngay dưới chân của những núi này. Khi chúng ta suy gẫm về những biến cố đã xảy ra tại đó, chúng ta được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc ủng hộ sự thờ phượng thật, giống như Giô-suê và Chúa Giê-su đã dạy chúng ta làm. (So sánh Ê-sai 2:2, 3).
[Chú thích]
a Sáu chi phái đứng trước núi Ga-ri-xim là Si-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, Y-sa-ca, Giô-sép và Bên-gia-min. Sáu chi phái đứng trước núi Ê-banh là Ru-bên, Gát, A-se, Sa-bu-lôn, Đan, Nép-ta-li (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:12, 13).
[Hình nơi trang 31]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.