Họ làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va
Một phụ nữ khôn ngoan ngăn được tai họa
MỘT phụ nữ khôn ngoan lấy một kẻ vô dụng—đó là tình cảnh của A-bi-ga-in và Na-banh. A-bi-ga-in “thông-minh tốt-đẹp”. Trái lại, Na-banh thì “cứng-cỏi hung-ác” (I Sa-mu-ên 25:3). Câu chuyện về cặp vợ chồng không xứng đôi vừa lứa này đã lưu tên họ lại trong lịch sử Kinh-thánh. Chúng ta hãy xem như thế nào.
Coi thường việc làm ơn
Đó là vào thế kỷ 11 TCN. Đa-vít đã được xức dầu để làm vua tương lai của nước Y-sơ-ra-ên, nhưng thay vì cai trị ông phải đào tẩu. Vua đương kim là Sau-lơ nhất quyết giết cho được Đa-vít. Vì thế Đa-vít buộc phải trốn tránh. Ông cùng với khoảng 600 bạn hữu cuối cùng ẩn náu trong đồng vắng Pha-ran, ở phía nam Giu-đa và về hướng đồng vắng Si-na-i (I Sa-mu-ên 23:13; 25:1).
Tại đó, họ gặp những người chăn chiên cho một người tên là Na-banh. Người đàn ông giàu có này là con cháu của Ca-lép. Ông có 3.000 chiên và 1.000 dê, và ông xén lông cừu tại Cạt-mên, một thành phố ở phía nam Hếp-rôn và có lẽ cách Pha-ran chỉ khoảng 40 cây số.a Đa-vít và thuộc hạ của ông đã giúp những người chăn chiên cho Na-banh giữ gìn bầy khỏi bị những người đi lang thang trong đồng vắng trộm cắp (I Sa-mu-ên 25:14-16).
Trong lúc đó, mùa xén lông cừu đã bắt đầu ở Cạt-mên. Đây là một dịp vui nhộn, giống như mùa gặt của nông dân. Đó cũng là dịp cho người ta tỏ lòng rộng rãi, dịp mà các chủ nhân thưởng cho những người làm công. Do đó Đa-vít không tự phụ khi phái mười người đến thành Cạt-mên yêu cầu Na-banh cấp lương thực để trả công họ đã che chở bầy chiên của ông (I Sa-mu-ên 25:4-9).
Phản ứng của Na-banh chẳng có chút gì là rộng rãi cả. Ông cười nhạo: “Ai là Đa-vít?” Rồi ám chỉ Đa-vít và thuộc hạ của ông chỉ là những đầy tớ chạy trốn, ông hỏi: “Lẽ nào ta sẽ lấy bánh, nước, và thịt ta dọn sẵn cho các thợ hớt lông chiên mà cho những kẻ chẳng biết ở đâu đến sao?” Khi nghe điều này, Đa-vít nói với các thuộc hạ: “Mỗi người trong chúng ta hãy đeo gươm mình”. Khoảng 400 người sửa soạn đi đánh trận (I Sa-mu-ên 25:10-13).
A-bi-ga-in hành động khôn ngoan
Những lời nói lăng mạ của Na-banh đã đến tai vợ ông là A-bi-ga-in. Có thể đây không phải là lần đầu tiên bà phải can thiệp để giảng hòa cho Na-banh. Dù sao đi nữa, A-bi-ga-in hành động ngay lập tức. Không cho Na-banh biết, bà thu góp lương thực—kể cả năm con chiên và nhiều thức ăn—rồi đi gặp Đa-vít nơi đồng vắng (I Sa-mu-ên 25:18-20).
Khi trông thấy Đa-vít, A-bi-ga-in vội sấp mình xuống trước mặt ông. Bà nài xin: “Xin đức ông đừng quan tâm đến kẻ vô loài ấy, đến tên Nabal ấy... Của lễ tớ nữ của ngài đem đến, xin để làm quà cho các tráng niên dõi theo chân đức ông”. Bà nói thêm: “Ắt ngài sẽ không ân hận và bị lương tâm đức ông sẽ không áy náy về [chuyện Nabal]”. Chữ Hê-bơ-rơ được dịch ở đây là “áy náy” có ngụ ý sự cắn rứt lương tâm. Vì vậy A-bi-ga-in cảnh giác Đa-vít đừng hành động hấp tấp để không hối hận sau này (I Sa-mu-ên 25:23-31, Nguyễn thế Thuấn).
Đa-vít nghe theo lời A-bi-ga-in. Ông nói với bà: “Phúc cho sự khôn ngoan của bà và phúc cho bà, vì bà đã ngăn ngừa được tôi hôm nay khỏi sa vào việc đổ máu... Nếu bà đã không vội đến gặp tôi, thì chắc chắn trước tảng sáng sẽ không còn gì chừa lại cho Nabal, dẫu một đứa đái vách tường cũng không”b (I Sa-mu-ên 25:32-34, Nguyễn thế Thuấn).
Bài học cho chúng ta
Lời tường thuật này trong Kinh-thánh cho thấy rằng không có gì sai nếu một người đàn bà tin kính chủ động một cách thích hợp khi cần. A-bi-ga-in đã hành động ngược lại ý muốn của chồng bà là Na-banh, nhưng Kinh-thánh không khiển trách bà về điều này. Trái lại, Kinh-thánh khen ngợi bà là người khôn ngoan và biết điều. Bằng cách chủ động trong tình thế nguy ngập này, A-bi-ga-in đã cứu mạng nhiều người.
Mặc dù nói chung một người vợ phải biểu lộ một tinh thần vâng phục theo ý Đức Chúa Trời, bà có thể đúng lý không đồng ý với chồng bà khi những tiêu chuẩn công bình bị thử thách. Dĩ nhiên, bà nên cố gắng giữ tinh thần “dịu-dàng im-lặng” và không nên hành động độc lập chỉ vì ác ý, kiêu ngạo hoặc chống đối (I Phi-e-rơ 3:4). Tuy nhiên, một người vợ tin kính không nên cảm thấy bị bắt buộc làm điều gì mà bà biết là hết sức dại dột hoặc vi phạm những nguyên tắc Kinh-thánh. Thật vậy, câu chuyện về A-bi-ga-in đưa ra một lý lẽ vững chắc phản đối những người khăng khăng cho rằng Kinh-thánh miêu tả người đàn bà như đầy tớ.
Lời tường thuật này cũng dạy chúng ta về tính tự chủ. Có lúc Đa-vít biểu lộ đức tính này một cách trọn vẹn. Thí dụ, ông đã từ chối không giết Vua Sau-lơ đầy thù hằn, mặc dù ông có nhiều cơ hội để làm thế và ông sẽ được bình yên khi Sau-lơ chết (I Sa-mu-ên 24:2-7). Ngược lại, khi Na-banh khinh miệt ông, vì thiếu cảnh giác nên Đa-vít thề trả thù. Đây là lời cảnh cáo rõ ràng cho tín đồ đấng Christ, là những người cố gắng “chớ lấy ác trả ác cho ai”. Trong mọi trường hợp, họ nên làm theo lời khuyên giục của Phao-lô: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:17-19).
[Chú thích]
a Người ta nói rằng đồng vắng Pha-ran trải dài về phía bắc đến Bê-e-Sê-ba. Phần đất này có đồng cỏ rất lớn.
b Câu “đứa đái vách tường” là một thành ngữ Hê-bơ-rơ chỉ người đàn ông, rõ ràng đây là một câu khinh miệt. (So sánh I Các Vua 14:10).
[Hình nơi trang 15]
A-bi-ga-in mang quà đến cho Đa-vít