Hãy hằng có tình yêu thương anh em!
“Hãy hằng có tình yêu-thương anh em” (HÊ-BƠ-RƠ 13:1).
1. Bạn phải làm gì để giữ ngọn lửa tiếp tục cháy vào một đêm lạnh lẽo, và tất cả chúng ta có trách nhiệm tương tự nào?
BÊN ngoài thời tiết lạnh buốt đến mức nguy hiểm, và nhiệt độ đang tụt dần. Nguồn sưởi ấm duy nhất trong nhà bạn là ngọn lửa đang nổ lách tách trong lò sưởi. Bạn sống được là nhờ vào việc bạn giữ ngọn lửa này cháy. Liệu bạn có ngồi nhìn ngọn lửa tắt đi và những cục than đỏ rực tàn dần thành đống tro màu xám không? Dĩ nhiên là không. Bạn không ngừng bỏ nhiên liệu vào lò sưởi để giữ cho nó cháy mãi. Cũng vậy, mỗi người chúng ta có một công việc tương tự như thế khi nói về một “ngọn lửa” còn quan trọng hơn nhiều—một ngọn lửa phải cháy trong lòng chúng ta—đó là tình yêu thương.
2. a) Tại sao có thể nói rằng tình yêu thương đang nguội dần trong những ngày sau rốt? b) Tình yêu thương quan trọng như thế nào đối với tín đồ thật của đấng Christ?
2 Như Chúa Giê-su tiên tri cách đây đã lâu, chúng ta đang sống vào một thời kỳ mà tình yêu thương giữa những người tự xưng là tín đồ đấng Christ trên khắp thế giới đang nguội dần (Ma-thi-ơ 24:12). Chúa Giê-su muốn nói về tình yêu thương quan trọng nhất, tình yêu thương đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Lời ngài, đó là Kinh-thánh. Những tình yêu thương khác cũng đang suy giảm. Kinh-thánh đã báo trước rằng trong “ngày sau-rốt”, nhiều người sẽ “vô-tình” (II Ti-mô-thê 3:1-5). Điều này thật đúng làm sao! Gia đình phải là một nơi có tình yêu thương tự nhiên, nhưng ngay trong gia đình, sự hung bạo và hành hạ—đôi khi tàn bạo đến đáng sợ—đã trở thành chuyện thông thường. Tuy nhiên, trong bầu không khí lạnh nhạt của thế gian này, tín đồ đấng Christ được lệnh không những phải yêu thương nhau mà còn phải yêu thương với tinh thần hy sinh, đặt quyền lợi người khác lên trên quyền lợi mình. Chúng ta phải biểu lộ tình yêu thương này một cách rõ ràng đến nỗi mọi người đều nhìn thấy, và nó trở thành dấu hiệu để nhận ra hội thánh thật của đấng Christ (Giăng 13:34, 35).
3. Tình yêu thương anh em là gì, và câu hãy hằng có tình yêu thương anh em có nghĩa gì?
3 Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để khuyên bảo: “Hãy hằng có tình yêu-thương anh em” (Hê-bơ-rơ 13:1). Theo một tác phẩm học thuật, từ ngữ Hy Lạp được dịch ở đây là “tình yêu-thương anh em” (phi·la·del·phiʹa) “chỉ về tình yêu thương trìu mến, bày tỏ sự tử tế, lòng thông cảm, sẵn sàng giúp đỡ”. Và sứ đồ Phao-lô có ý nói gì khi ông nói rằng chúng ta hãy hằng có tình yêu thương anh em mình? Tác phẩm này nhận xét: “Tình yêu thương không bao giờ trở nên lạnh nhạt”. Vậy thì cảm thấy yêu mến anh em thôi thì chưa đủ; chúng ta phải biểu lộ nó. Hơn nữa, chúng ta phải làm cho tình yêu thương này tồn tại lâu dài, đừng bao giờ để nó trở nên lạnh nhạt. Điều này có khó khăn không? Có, nhưng thánh linh Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta vun trồng và giữ được tình thương anh em. Chúng ta hãy xem xét ba cách để hun đốt ngọn lửa của tình thương này trong lòng chúng ta.
Bày tỏ lòng thông cảm
4. Lòng thông cảm là gì?
4 Nếu bạn muốn có lòng yêu thương nhiều hơn đối với những anh chị tín đồ đấng Christ, có lẽ trước nhất bạn cần phải thông cảm với họ, bày tỏ lòng thông cảm với những sự thử thách và khó khăn mà họ phải đối phó trong đời sống. Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói lên điều này khi ông viết: “Tất cả anh em hãy sống cho hòa hợp, thông cảm nhau, yêu thương nhau bằng tâm hồn dịu dàng và thái độ khiêm nhường” (I Phi-e-rơ 3:8, Bản Diễn Ý). Từ Hy Lạp được dùng ở đây nói về việc “thông cảm nhau” có nghĩa là “cùng chịu khổ”. Một nguồn có thẩm quyền về Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp nói về chữ này như sau: “Chữ này miêu tả về tâm trạng mà chúng ta có khi chúng ta chia sẻ những cảm nghĩ của người khác như thể là những cảm nghĩ đó của chính chúng ta”. Như vậy, chúng ta cần có tính đồng cảm. Một tôi tớ trung thành lớn tuổi của Đức Giê-hô-va có lần đã nói: “Đồng cảm là cảm thấy sự đau khổ của anh/chị trong lòng tôi”.
5. Làm sao chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va có lòng thông cảm?
5 Đức Giê-hô-va có lòng thông cảm như thế không? Hẳn là có. Chẳng hạn, chúng ta đọc về sự đau khổ của dân ngài là Y-sơ-ra-ên: “Hễ khi dân Ngài bị khốn-khổ, chính Ngài cũng khốn-khổ” (Ê-sai 63:9). Đức Giê-hô-va không chỉ thấy những sự khốn khổ của họ; ngài đã thông cảm với họ. Để cho thấy ngài có sự thông cảm mãnh liệt tới mức độ nào, Đức Giê-hô-va đã minh họa điều này qua chính lời mà ngài nói với dân ngài, ghi lại nơi Xa-cha-ri 2:8: “Ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt Ngài”.a Một nhà bình luận nhận xét về câu này: “Con mắt là một cấu tạo phức tạp và tinh vi nhất trong thân thể con người; con ngươi trong mắt—khe hở mà nhờ đó ánh sáng chiếu vào để mình thấy được—là một bộ phận nhạy nhất và cũng quan trọng nhất của mắt. Không điều gì có thể diễn đạt tuyệt vời hơn ý tưởng về sự chăm sóc dịu dàng của Đức Giê-hô-va đối với đối tượng ngài yêu”.
6. Chúa Giê-su Christ đã bày tỏ lòng thông cảm như thế nào?
6 Chúa Giê-su cũng luôn bày tỏ lòng thông cảm sâu sắc. Ngài hay “động lòng thương-xót” về cảnh ngộ khốn khó của người đồng loại bị bệnh hoạn hoặc khốn khổ (Mác 1:41; 6:34). Ngài cho thấy rằng khi bất cứ người nào không đối xử tử tế với những môn đồ được xức dầu của ngài, thì ngài cảm thấy như thể chính ngài đã bị đối xử như thế (Ma-thi-ơ 25:41-46). Và ngày nay, với tư cách là “thầy tế-lễ thượng-phẩm” trên trời, ngài là đấng có thể “cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta” (Hê-bơ-rơ 4:15).
7. Làm thế nào lòng thông cảm có thể giúp chúng ta khi một anh hay một chị làm chúng ta bực bội?
7 “Cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta”—thật là một ý tưởng làm ấm lòng, phải không? Vì thế, chắc chắn chúng ta muốn tỏ lòng cảm thương nhau. Dĩ nhiên, tìm kiếm các khuyết điểm của người khác thì dễ hơn nhiều (Ma-thi-ơ 7:3-5). Nhưng lần tới khi một anh hay một chị làm bạn bực, hãy thử làm như vầy: Hãy hình dung là chính bạn ở trong hoàn cảnh của người đó, và phải chống chọi với cái quá khứ, nhân cách, và một số khuyết điểm cá nhân giống như người đó. Bạn có dám chắc là bạn sẽ không phạm cùng những lỗi lầm như thế không? Hay có lẽ còn phạm những lỗi lầm nặng hơn nữa? Thay vì đòi hỏi người khác quá nhiều, chúng ta nên bày tỏ lòng thông cảm, và điều này sẽ giúp chúng ta có tính phải lẽ giống như Đức Giê-hô-va là Đấng ‘nhớ rằng chúng ta là bụi đất’ (Thi-thiên 103:14; Gia-cơ 3:17). Ngài biết rõ các giới hạn của chúng ta. Ngài không bao giờ đòi hỏi những gì ngoài khả năng chúng ta. (So sánh I Các Vua 19:5-7). Tất cả chúng ta hãy bày tỏ lòng thông cảm như thế đối với những người khác.
8. Chúng ta nên phản ứng ra sao khi thấy một anh hay một chị đang gặp một khó khăn nào đó?
8 Phao-lô viết rằng hội thánh giống như một thân thể có những chi thể khác nhau, phải làm việc hòa hợp với nhau. Ông viết thêm: “Trong các chi-thể, khi có một cái nào chịu đau-đớn, thì các cái khác đều cùng chịu” (I Cô-rinh-tô 12:12-26). Chúng ta cần đau xót hoặc thông cảm với những ai đang gặp sự khốn khổ nào đó. Các trưởng lão dẫn đầu trong việc này. Phao-lô cũng viết: “Nào có ai yếu-đuối mà tôi chẳng yếu-đuối ư? Nào có ai vấp-ngã mà tôi chẳng như nung như đốt ư?” (II Cô-rinh-tô 11:29). Các trưởng lão và giám thị lưu động noi theo Phao-lô về phương diện này. Trong các bài giảng, trong công việc chăn chiên, và ngay cả trong việc giải quyết các vấn đề tư pháp, họ cố gắng biểu lộ lòng thông cảm. Phao-lô khuyên: “Khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:15). Khi các chiên cảm thấy những người chăn thực sự thông cảm với họ, biết các giới hạn của họ và thông cảm với những sự khó khăn mà họ gặp, họ thường sẵn sàng nhận lời khuyên, sự chỉ dẫn và sửa trị hơn. Họ hăng hái đi dự các buổi họp, tin rằng ở đó họ sẽ tìm ‘được an nghỉ trong tâm hồn’ (Ma-thi-ơ 11:29).
Bày tỏ lòng quí trọng
9. Đức Giê-hô-va cho thấy ngài quí trọng những điều tốt nơi chúng ta như thế nào?
9 Cách thứ hai để chúng ta hun đốt tình yêu mến anh em là quí trọng họ. Muốn quí trọng người khác, chúng ta phải chú ý đến và quí những đức tính tốt và sự cố gắng của họ. Khi làm thế, chúng ta noi gương của Đức Giê-hô-va (Ê-phê-sô 5:1). Hằng ngày ngài tha thứ nhiều tội nhẹ của chúng ta. Ngài còn tha thứ những tội nghiêm trọng miễn là chúng ta thành thật ăn năn. Một khi ngài tha thứ tội lỗi chúng ta rồi, ngài không còn nghĩ tới nữa (Ê-xê-chi-ên 33:14-16). Người viết Thi-thiên hỏi: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?” (Thi-thiên 130:3). Đức Giê-hô-va chú ý vào những điều tốt mà chúng ta làm trong khi phụng sự ngài (Hê-bơ-rơ 6:10).
10. a) Tại sao là điều nguy hiểm khi vợ chồng mất lòng quí trọng nhau? b) Một người nên làm gì khi người ấy đang mất lòng quí trọng đối với người hôn phối?
10 Điều đặc biệt quan trọng là noi theo gương này trong gia đình. Khi cha mẹ cho thấy rằng họ quí trọng nhau, họ làm khuôn mẫu cho gia đình. Trong thời đại này khi người ta coi hôn nhân là ngắn hạn, thì việc xem thường người hôn phối, thổi phồng những khuyết điểm và coi nhẹ những tính tốt là điều dễ xảy ra. Lối suy nghĩ tiêu cực như thế dần dần phá hoại hôn nhân, biến nó thành một gánh nặng buồn thảm. Nếu bạn đang giảm lòng quí trọng đối với người hôn phối, bạn hãy tự hỏi: “Có phải người hôn phối của tôi thật sự không có những đức tính tốt chăng?” Hãy hồi tưởng lại những nguyên nhân làm hai người yêu nhau và cưới nhau. Có phải tất cả các lý do làm bạn yêu con người độc đáo này đã thật sự biến mất? Chắc chắn là không; vậy hãy cố gắng quí trọng đức tính tốt của người hôn phối, và hãy diễn tả lòng quí trọng của bạn bằng lời nói (Châm-ngôn 31:28).
11. Nếu không muốn có tình yêu thương giả tạo giữa vợ chồng, những thực hành nào cần phải tránh?
11 Lòng quí trọng cũng giúp cả hai người hôn phối bày tỏ tình yêu chân thật. (So sánh II Cô-rinh-tô 6:6; I Phi-e-rơ 1:22). Tình yêu thương đó, được bừng cháy nhờ có sự quí trọng từ đáy lòng, sẽ không cho phép người ta hung bạo nơi phòng riêng, hoặc có lời gây tổn thương và làm nhục, không có việc đối xử lạnh nhạt đến nỗi nhiều ngày trôi qua mà không có một lời nói ân cần hoặc tử tế với nhau, và chắc chắn không cho phép việc đánh đập (Ê-phê-sô 5:28, 29). Hai vợ chồng thực sự quí nhau thì sẽ tôn trọng nhau. Họ làm vậy không phải chỉ khi ở giữa công chúng nhưng ở bất cứ nơi nào mà Đức Giê-hô-va thấy—nói cách khác, bất cứ lúc nào (Châm-ngôn 5:21).
12. Tại sao cha mẹ nên bày tỏ lòng quí trọng những điểm tốt của con cái họ?
12 Con cái cũng cần cảm thấy được quí trọng. Không phải là cha mẹ cần tâng bốc con cái bằng những lời không thành thật, nhưng họ nên khen những đức tính đáng khen của chúng và việc tốt mà chúng làm. Hãy nhớ đến gương của Đức Giê-hô-va về việc ngài bày tỏ sự chấp nhận đối với Chúa Giê-su (Mác 1:11). Cũng hãy nhớ đến gương của Chúa Giê-su là người “chủ” trong câu chuyện ví dụ. Ngài đã khen hai người ‘đầy-tớ ngay-lành trung-tín’ bằng nhau, mặc dù mỗi người được giao cho một món tiền khác nhau và mỗi người có mức lời lãi khác nhau, tương ứng với số tiền nhận được (Ma-thi-ơ 25:20-23; so sánh Ma-thi-ơ 13:23). Những bậc cha mẹ khôn ngoan cũng tìm cách để bày tỏ lòng quí trọng đối với những đức tính, khả năng và thành quả riêng của mỗi đứa con. Đồng thời, họ cố không nhấn mạnh các thành quả quá nhiều đến nỗi con cái của họ lúc nào cũng cảm thấy phải làm hơn người khác. Họ không muốn làm con cái của họ bực tức hoặc nản lòng khi chúng lớn lên (Ê-phê-sô 6:4; Cô-lô-se 3:21).
13. Ai dẫn đầu trong việc bày tỏ lòng quí trọng đối với mỗi thành viên trong hội thánh?
13 Trong hội thánh tín đồ đấng Christ, các trưởng lão và giám thị lưu động dẫn đầu trong việc bày tỏ sự quí trọng đối với mỗi tín đồ trong bầy chiên của Đức Chúa Trời. Họ ở trong một thế khó, vì họ cũng phải gánh vác trách nhiệm nặng nề là sửa trị trong sự công bình, dùng lời lẽ ôn hòa mà sửa những người lầm lỗi, và có lời khuyên mạnh mẽ cho những người cần tới. Làm thế nào họ gánh những trách nhiệm khác nhau này một cách đồng đều? (Ga-la-ti 6:1; II Ti-mô-thê 3:16).
14, 15. a) Phao-lô đã tỏ sự thăng bằng như thế nào trong việc cho lời khuyên mạnh mẽ? b) Các giám thị tín đồ đấng Christ có thể giữ thăng bằng trong việc sửa trị với việc cho lời khen ngợi như thế nào? Xin minh họa.
14 Gương của Phao-lô giúp ích rất nhiều. Ông là một người dạy dỗ, trưởng lão và người chăn chiên rất xuất sắc. Ông phải giải quyết những vấn đề trầm trọng trong những hội thánh và ông không sợ phải cho lời khuyên răn mạnh mẽ khi cần (II Cô-rinh-tô 7:8-11). Một cái nhìn khái quát về thánh chức của Phao-lô cho thấy rằng ông dùng lời quở trách một cách dè dặt—chỉ khi nào hoàn cảnh đòi hỏi hoặc nên làm. Trong việc này ông đã bày tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
15 Nếu thánh chức của một trưởng lão trong hội thánh được ví như một bản nhạc, thì lời quở trách và khiển trách giống như một nốt nhạc đơn độc hòa hợp trong cả bản nhạc. Nốt nhạc đó rất thích hợp trong vị trí của nó (Lu-ca 17:3; II Ti-mô-thê 4:2). Hãy tưởng tượng một bài hát chỉ có một nốt nhạc đó, cứ lặp đi lặp lại mãi. Điều này sẽ nhanh chóng làm chói tai chúng ta. Tương tự như thế, các trưởng lão tín đồ đấng Christ cố bổ sung sự dạy dỗ của họ và nâng cao sự dạy dỗ bằng nhiều cách khác nhau. Họ không hạn chế chỉ trong phạm vi sửa chữa các vấn đề. Trái lại, nói chung cách dạy dỗ của họ là tích cực. Như Chúa Giê-su Christ, các trưởng lão đầy yêu thương trước tiên tìm kiếm ưu điểm để khen, chứ không phải khuyết điểm để chê. Họ quí trọng công việc khó nhọc các anh em tín đồ đang làm. Nói chung, họ tin tưởng rằng mỗi người đang làm hết sức mình để phụng sự Đức Giê-hô-va. Và các trưởng lão sẵn sàng thể hiện cảm tưởng đó qua lời nói. (So sánh II Tê-sa-lô-ni-ca 3:4).
16. Thái độ quí trọng và thông cảm của Phao-lô có tác động nào trên những anh em tín đồ khác?
16 Chắc chắn, hầu hết những tín đồ đấng Christ mà Phao-lô đã phục vụ cảm thấy rằng ông quí trọng họ và thông cảm với họ. Làm sao chúng ta biết điều này? Hãy xem họ đã có cảm tưởng nào về Phao-lô. Họ đã không sợ Phao-lô, mặc dù ông có quyền hành lớn. Không, họ yêu mến và thấy dễ đến gần ông. Thật vậy, khi ông rời khỏi một vùng nọ, các trưởng lão ‘đều khóc lắm, ôm lấy cổ ông mà hôn’! (Công-vụ các Sứ-đồ 20:17, 37). Các trưởng lão—và tất cả chúng ta—thật biết ơn làm sao vì chúng ta có gương của Phao-lô để noi theo! Đúng vậy, chúng ta hãy bày tỏ sự quí trọng lẫn nhau.
Những hành động yêu thương nhân từ
17. Những hành động tử tế trong hội thánh sanh ra những kết quả tốt nào?
17 Một trong những nhiên liệu hiệu nghiệm nhất cho tình yêu thương anh em là một cử chỉ nhân từ đơn giản. Như Chúa Giê-su có nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Khi chúng ta cho về mặt thiêng liêng, vật chất hoặc thì giờ và năng lực của chúng ta, thì không những chúng ta làm cho những người khác vui nhưng chính chúng ta cũng vui nữa. Trong hội thánh, sự nhân từ rất dễ lây. Một hành động tử tế sanh ra những hành động tử tế khác. Không bao lâu, tình yêu mến anh em sinh sôi nảy nở! (Lu-ca 6:38).
18. Chữ “nhơn-từ” được nhắc đến nơi Mi-chê 6:8 có nghĩa gì?
18 Đức Giê-hô-va khuyên giục dân Y-sơ-ra-ên bày tỏ lòng nhân từ. Nơi Mi-chê 6:8, chúng ta đọc: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi đều gì là thiện; cái đều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhơn-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” “Ưa sự nhơn-từ” có nghĩa gì? Chữ Hê-bơ-rơ được dùng ở đây để dịch “nhơn-từ” (cheʹsedh) cũng được dịch sang tiếng Anh là “mercy [thương xót]”. Theo cuốn The Soncino Books of the Bible, chữ này “có nghĩa một điều gì đó tích cực hơn là chữ trừu tượng mercy [thương xót] trong tiếng Anh. Nó có nghĩa là ‘lòng thương xót biến thành hành động’. Chúng ta bày tỏ hành động yêu thương nhân từ, không những đối với những ai nghèo khổ và thiếu thốn, mà còn cho tất cả những người đồng loại mình”. Vì vậy một học giả khác nói rằng cheʹsedh có nghĩa “tình yêu thương biến thành hành động”.
19. a) Qua những cách nào chúng ta có thể chủ động trong việc bày tỏ sự nhân từ đối với những người khác trong hội thánh? b) Hãy đưa ra một ví dụ cho thấy anh em đã tỏ lòng yêu thương đối với bạn như thế nào.
19 Tình yêu thương anh em của chúng ta không phải là lý thuyết hoặc trừu tượng. Đó là một điều cụ thể. Cho nên, hãy tìm cách làm những điều nhân từ cho anh chị em của bạn. Hãy giống như Chúa Giê-su, ngài không luôn luôn đợi người ta đến với ngài để cầu xin sự giúp đỡ nhưng chính ngài thường chủ động đến với họ (Lu-ca 7:12-16). Hãy đặc biệt nghĩ đến những người cần sự giúp đỡ nhất. Một người già yếu hoặc tàn tật có cần được viếng thăm hay có lẽ cần giúp đỡ với những chuyện lặt vặt không? Một ‘em mồ côi cha’ có cần mình dành thì giờ để chú ý đến em không? Một người buồn nản có cần một người lắng nghe hoặc một vài lời an ủi không? Nếu có thể được, chúng ta hãy dành thì giờ để làm những việc nhân từ như thế (Gióp 29:12; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14; Gia-cơ 1:27). Đừng bao giờ quên rằng trong hội thánh có đầy những người bất toàn, một trong những hành động quan trọng nhất của lòng nhân từ là sự tha thứ—sẵn sàng bỏ qua sự hờn giận, ngay cả khi có lý do chính đáng để phàn nàn (Cô-lô-se 3:13). Một tinh thần sẵn sàng tha thứ giúp giữ hội thánh không bị chia rẽ, phẫn uất và hận thù, vì những điều này giống như một cái khăn ướt dập tắt ngọn lửa của tình yêu thương anh em.
20. Tất cả chúng ta nên tiếp tục xem xét chính mình như thế nào?
20 Tất cả chúng ta hãy quyết tâm giữ cho ngọn lửa quan trọng của tình yêu thương cháy rực trong lòng chúng ta. Chúng ta hãy tiếp tục tự xem xét chính mình. Chúng ta có thông cảm với những người khác không? Chúng ta có quí trọng người khác không? Chúng ta có làm những việc nhân từ cho người khác không? Nếu chúng ta tiếp tục làm những điều đó, ngọn lửa yêu thương sẽ sưởi ấm đoàn thể anh em của chúng ta bất kể thế gian này trở nên lạnh lẽo và lãnh đạm đến đâu đi nữa. Vậy thì bằng mọi cách, “hãy hằng có tình yêu-thương anh em”—ngay bây giờ và mãi mãi về sau! (Hê-bơ-rơ 13:1).
[Chú thích]
a Một vài bản dịch ngụ ý nói là câu Kinh-thánh này cho thấy người nào đụng đến dân Đức Chúa Trời không phải đụng đến mắt Đức Chúa Trời, nhưng đụng đến mắt dân Y-sơ-ra-ên hoặc ngay đến chính mắt mình. Sự sai lầm này là do một số người sao chép vào thời trung cổ, vì lầm tưởng những đoạn Kinh-thánh này là bất kính, họ đã cố thay đổi câu Kinh-thánh này. Bằng cách ấy, họ đã làm lu mờ tính đồng cảm mãnh liệt của Đức Giê-hô-va.
Bạn nghĩ sao?
◻ Tình yêu thương anh em có nghĩa gì, và tại sao chúng ta phải hằng có tình thương đó?
◻ Lòng thông cảm giúp chúng ta duy trì tình yêu thương anh em như thế nào?
◻ Lòng quí trọng đóng vai trò nào trong tình yêu thương anh em?
◻ Những hành động nhân từ khiến tình yêu thương anh em nảy nở trong hội thánh tín đồ đấng Christ như thế nào?
[Khung nơi trang 16]
Tình yêu thương thể hiện qua hành động
Vài năm trước, một người học Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va một thời gian vẫn thấy hoài nghi về tình yêu thương anh em mà họ có. Ông biết rằng Chúa Giê-su đã nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại đều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Nhưng ông thấy khó tin điều đó. Một ngày nọ ông đã thấy tình yêu thương của tín đồ đấng Christ được thể hiện qua hành động.
Mặc dầu phải dùng xe lăn, ông đi du lịch xa. Ở Bết-lê-hem, nước I-xra-en, ông đi dự một buổi họp hội thánh. Tại đó, một Nhân-chứng Ả-rập cố mời một du khách cũng là Nhân-chứng ở qua đêm với gia đình anh, và người học Kinh-thánh này cũng được mời nữa. Trước khi đi ngủ, người học Kinh-thánh hỏi chủ nhà cho phép để đi ra ngoài hiên để xem mặt trời mọc vào sáng hôm sau. Chủ nhà nghiêm nghị bảo ông không nên làm thế. Ngày hôm sau anh Ả-rập này giải thích lý do tại sao. Qua một thông dịch viên, anh nói rằng nếu những người lân cận biết anh có khách gốc Do Thái—như trong trường hợp của người học Kinh-thánh—thì họ sẽ đốt nhà anh cùng với cả gia đình trong nhà. Người học Kinh-thánh bối rối hỏi chủ nhà: “Vậy thì tại sao anh lại liều mình như thế?” Không dùng thông dịch viên, anh Ả-rập nhìn thẳng vào mắt ông và nói đơn giản: “Giăng 13:35”.
Thực tế của tình yêu thương anh em đã khiến người học Kinh-thánh có lòng cảm kích sâu xa. Ông làm báp têm ít lâu sau đó.
[Hình nơi trang 18]
Sứ đồ Phao-lô có bản tính dễ thân thiện và hay quí trọng, vì vậy người khác dễ đến gần ông