Kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va từ thời thơ ấu
DO RUDOLF GRAICHEN KỂ LẠI
Như một tia chớp, thảm họa giáng xuống gia đình tôi khi tôi lên 12 tuổi. Đầu tiên, ba tôi bị bỏ tù. Rồi, chị tôi và tôi bị bắt đem đi khỏi nhà bằng vũ lực và đưa đi sống với người lạ. Sau này, mẹ tôi và tôi bị bọn Gestapo bắt giữ. Tôi phải đi tù, còn mẹ thì cuối cùng ở trong trại tập trung.
CHUỖI biến cố đó chỉ mới đánh dấu lúc khởi đầu của sự bắt bớ đau đớn mà tôi chịu trong thời niên thiếu vì là Nhân-chứng Giê-hô-va. Bọn Gestapo bỉ ổi rồi đến bọn Stasi của Đông Đức cố phá hủy lòng trung kiên của tôi đối với Đức Chúa Trời. Bây giờ, sau 50 năm tận tụy phụng sự ngài, tôi có thể nói như người viết Thi-thiên: “Từ khi tôi còn thơ-ấu, chúng nó thường hà-hiếp tôi, nhưng không thắng hơn tôi được” (Thi-thiên 129:2). Tôi thật cám ơn Đức Giê-hô-va biết chừng nào!
Tôi sinh vào ngày 2-6-1925, trong một thị trấn nhỏ tên là Lucka gần Leipzig, Đức Quốc. Ngay cả trước khi tôi sinh ra, cha mẹ tôi, Alfred và Teresa, nhận ra lẽ thật của Kinh-thánh trong các sách báo của Học viên Kinh-thánh, tên của Nhân-chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ. Tôi nhớ mỗi ngày tôi đã nhìn những bức tranh về những cảnh trong Kinh-thánh treo trên tường nhà tôi. Một bức tranh có hình con sói và chiên con, dê con và con beo, con bê và con sư tử—tất cả sống hòa thuận với nhau, được một bé trai dẫn đi (Ê-sai 11:6-9). Những hình ảnh như thế khắc sâu trong tâm khảm tôi.
Bất cứ khi nào có thể được, cha mẹ tôi để tôi tham dự các sinh hoạt của hội thánh. Thí dụ, vào tháng 2 năm 1933, chỉ vài ngày sau khi Hitler lên nắm quyền, thì “Photo-Drama of Creation (Kịch ảnh về sự sáng tạo)”—có các hình chiếu, phim ảnh, và lời kể được thâu băng sẵn—được trình chiếu trong thị trấn nhỏ nơi chúng tôi sống. Lúc ấy tôi là một đứa con trai mới bảy tuổi. Lòng tôi thật rộn rã biết bao, được ngồi đằng sau chiếc xe tải nhỏ chạy xuyên qua thị trấn và tham dự vào cuộc diễu hành quảng cáo cho buổi chiếu “Kịch ảnh”! Trong dịp này và những lần khác, các anh em làm cho tôi có cảm giác là một thành viên hữu dụng của hội thánh mặc dù tôi vẫn còn bé. Như thế từ thuở nhỏ, tôi đã được Đức Giê-hô-va dạy dỗ và chịu ảnh hưởng của Lời ngài.
Được huấn luyện để tin cậy nơi Đức Giê-hô-va
Vì sự trung lập nghiêm ngặt của đạo đấng Christ, Nhân-chứng Giê-hô-va không tham dự vào chính trị của Đức Quốc Xã. Cho nên, vào năm 1933 đảng Quốc Xã thông qua các đạo luật cấm chúng tôi rao giảng, nhóm họp và ngay cả đọc các sách báo về Kinh-thánh. Vào tháng 9 năm 1937 tất cả các anh trong hội thánh, kể cả ba tôi, bị mật vụ Quốc Xã bắt giữ. Điều đó làm tôi rất buồn. Ba tôi bị kết án năm năm tù.
Ở nhà, đời sống chúng tôi trở nên rất khó khăn. Nhưng chúng tôi nhanh chóng học tập tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Một ngày nọ khi tôi đi học về, mẹ tôi đang đọc Tháp Canh. Mẹ muốn sửa soạn cho tôi một bữa ăn đơn giản, cho nên mẹ đặt tờ tạp chí trên nóc tủ đựng bát đĩa. Sau bữa ăn trưa, trong khi chúng tôi cất bát đĩa vào tủ thì có tiếng gõ cửa lớn. Một viên cảnh sát muốn lục soát nhà chúng tôi để tìm sách báo về Kinh-thánh. Tôi rất sợ hãi.
Ngày hôm ấy trời nóng nực lạ thường. Vì thế việc đầu tiên mà viên cảnh sát làm là tháo mũ sắt của y ra và đặt trên mặt bàn. Đoạn y bắt đầu lục soát. Trong khi y đang tìm dưới gầm bàn thì cái mũ sắt của y bắt đầu tuột khỏi mặt bàn. Vì thế mẹ tôi nhanh nhẹn chụp lấy cái mũ sắt và để nó trên nóc tủ bát đĩa ngay trên tờ tạp chí Tháp Canh! Viên cảnh sát lục lạo nhà chúng tôi nhưng không thấy sách báo nào. Dĩ nhiên, y không nghĩ đến việc nhìn dưới cái mũ sắt. Khi sắp sửa ra về, y nói lầm bầm một câu xin lỗi mẹ tôi trong khi với tay ra sau lưng để lấy cái mũ sắt. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm làm sao!
Những kinh nghiệm như thế chuẩn bị tôi để đối phó với những thử thách khó khăn hơn. Thí dụ, tại trường học tôi bị ép phải gia nhập tổ chức Thiếu niên của Hitler, trong đoàn thể này trẻ em được huấn luyện về kỷ luật quân sự và bị nhồi sọ với triết lý Đức Quốc Xã. Một số giáo viên nhắm mục tiêu cá nhân là có được 100 phần trăm học sinh tham gia. Thầy giáo của tôi, Herr Schneider, chắc hẳn đã cảm thấy thất bại não nề vì, không được như tất cả các giáo viên khác, ông thiếu mất một học sinh để có đủ 100 phần trăm tham gia. Tôi chính là học sinh đó.
Một ngày nọ Herr Schneider loan báo trước cả lớp: “Này các em, ngày mai lớp chúng ta sẽ đi chơi”. Mọi người đều thích ý kiến đó. Rồi ông nói thêm: “Tất cả các em phải mặc đồng phục Thiếu niên của Hitler để khi chúng ta diễu hành ngoài đường phố, tất cả mọi người có thể thấy các em là những bé trai ngoan ngoãn của Hitler”. Sáng hôm sau tất cả những đứa con trai khác mặc đồng phục đến lớp ngoại trừ tôi. Thầy giáo gọi tôi lên đứng trước cả lớp và hỏi: “Hãy nhìn những em trai khác và rồi nhìn chính em”. Ông nói thêm: “Thầy biết cha mẹ em nghèo và không có tiền mua cho em bộ đồng phục, nhưng để thầy chỉ cho em cái này”. Ông ta dẫn tôi đến bàn ông, mở ngăn kéo và nói: “Thầy muốn cho em bộ đồng phục mới tinh này. Nó không đẹp sao?”
Tôi thà chết chứ không mặc bộ đồng phục Đức Quốc Xã. Khi thầy giáo thấy tôi không có ý mặc bộ đồng phục, ông ta giận dữ, và cả lớp la ó tôi. Rồi ông đưa cả lớp đi chơi nhưng tìm cách giấu tôi bằng cách bắt tôi đi giữa những đứa mặc đồng phục. Tuy nhiên, nhiều người trong thị trấn có thể thấy tôi nổi bật lên giữa đám bạn cùng lớp. Mọi người đều biết cha mẹ tôi và tôi là Nhân-chứng Giê-hô-va. Tôi biết ơn Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi sức mạnh thiêng liêng cần thiết khi tôi còn nhỏ.
Sự bắt bớ gia tăng
Một ngày nọ vào đầu năm 1938, chị tôi và tôi bị đem ra khỏi trường và chở bằng xe cảnh sát đến trường cải tạo tại Stadtroda, cách đó khoảng 80 cây số. Tại sao? Tòa án đã quyết định đem chúng tôi ra khỏi ảnh hưởng của cha mẹ và biến chúng tôi thành những trẻ của Đức Quốc Xã. Chẳng mấy chốc, các nhân viên điều hành trường cải tạo nhận thấy rằng chị em tôi lễ độ và ngoan ngoãn, mặc dù chúng tôi giữ vững lập trường trung lập của tín đồ đấng Christ. Viên giám đốc khâm phục đến nỗi bà ấy muốn đích thân gặp mẹ tôi. Họ cho phép một trường hợp ngoại lệ, và mẹ tôi được vào thăm chúng tôi. Ba mẹ con chúng tôi rất sung sướng và biết ơn Đức Giê-hô-va đã ban cho cơ hội ở gần nhau cả một ngày để khích lệ lẫn nhau. Chúng tôi thật sự cần điều đó.
Chúng tôi ở trong trường cải tạo bốn tháng. Rồi chúng tôi bị đưa đến sống với một gia đình tại Pahna. Họ được chỉ thị không cho chúng tôi gặp họ hàng. Ngay cả mẹ tôi cũng không được phép thăm viếng. Song, có đôi lần, mẹ tìm được cách để gặp chúng tôi. Nắm lấy những cơ hội hiếm có đó, mẹ tôi rán hết sức để ghi tạc vào lòng chúng tôi sự quyết tâm trung thành với Đức Giê-hô-va, dù gặp bất cứ thử thách và hoàn cảnh nào mà ngài cho phép (I Cô-rinh-tô 10:13).
Và những sự thử thách đã đến. Vào ngày 15-12-1942, khi tôi chỉ mới 17 tuổi, tôi bị mật vụ bắt và nhốt trong một trại giam tại Gera. Khoảng một tuần sau, mẹ tôi cũng bị bắt và giải đến nhà tù nơi tôi bị giam. Vì tôi vẫn còn là trẻ vị thành niên, nên tòa án không xét xử tôi được. Vì thế mẹ và tôi bị giam giữ sáu tháng trong khi tòa chờ ngày tôi 18 tuổi. Vào đúng ngày tôi được 18, mẹ và tôi bị đem ra xét xử.
Trước khi tôi hiểu rõ được tình hình, thì phiên tòa đã kết thúc rồi. Tôi không ngờ được rằng tôi sẽ không gặp mẹ tôi nữa. Hình ảnh cuối của mẹ trong ký ức tôi là thấy mẹ ngồi trong tòa ngay cạnh tôi trên một chiếc ghế dài bằng gỗ đen sậm. Cả hai mẹ con chúng tôi bị kết án là có tội. Tôi bị kết án bốn năm tù và mẹ bị một năm rưỡi.
Trong thời đó có hàng ngàn Nhân-chứng Giê-hô-va bị giam trong tù và trại tập trung. Tuy nhiên, tôi bị giải đến nhà tù tại Stollberg, nơi đây tôi là người Nhân-chứng duy nhất. Tôi bị biệt giam trong hơn một năm, song Đức Giê-hô-va đã ở cùng tôi. Tình yêu thương đối với ngài mà tôi đã vun trồng khi còn trẻ là bí quyết để tôi sống sót về thiêng liêng.
Vào ngày 9-5-1945, sau khi tôi ở trong tù hai năm rưỡi, chúng tôi nhận được tin mừng—chiến tranh kết thúc! Vào ngày đó tôi được trả tự do. Tôi đi bộ 110 cây số, về đến nhà tôi lâm bệnh vì kiệt sức và đói khát. Phải mất mấy tháng trường, tôi mới lấy lại được sức khoẻ.
Vừa về đến nhà, tôi nghe được nhiều tin rất đau buồn. Đầu tiên là tin về mẹ tôi. Sau khi mẹ đã ở trong tù được một năm rưỡi, bọn Đức Quốc Xã kêu mẹ ký giấy từ bỏ đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Mẹ từ chối. Vì thế bọn mật vụ đưa mẹ đến trại tập trung dành cho phụ nữ tại Ravensbrück. Tại đó mẹ chết vì bệnh sốt Rickettsia ngay trước khi chiến tranh kết thúc. Mẹ là một tín đồ đấng Christ rất can đảm—một chiến sĩ dũng cảm đã không bao giờ bỏ cuộc. Cầu mong rằng Đức Giê-hô-va nhân từ nhớ đến mẹ.
Tôi cũng được tin về người anh là Werner, một người không dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Anh ta đã gia nhập quân đội Đức và đã chết ở Nga. Còn cha tôi thì sao? Cha đã trở về, nhưng buồn thay, cha là một trong số rất ít Nhân-chứng đã ký tờ giấy ô nhục từ bỏ đức tin. Khi tôi gặp cha, cha có vẻ ủ rũ và loạn thần kinh (II Phi-e-rơ 2:20).
Một giai đoạn ngắn được hoạt động sốt sắng về thiêng liêng
Vào ngày 10-3-1946, tôi dự hội nghị lần đầu tiên thời hậu chiến tại Leipzig. Thật là thích thú khi có thông báo là lễ báp têm sẽ diễn ra trong cùng ngày hôm đó! Mặc dù tôi đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va nhiều năm trước đó, đây là cơ hội đầu tiên cho tôi làm báp têm. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ngày đó.
Vào ngày 1-3-1947, sau khi làm tiên phong được một tháng, tôi được mời vào nhà Bê-tên tại Magdeburg. Các văn phòng của Hội bị hư hại nhiều vì bom. Thật là một đặc ân lớn được phụ giúp trong công việc sửa chữa! Sau mùa hè năm đó, tôi được phái đến thành phố Wittenberge làm người tiên phong đặc biệt. Có những tháng tôi bỏ ra hơn 200 giờ rao giảng cho người khác về tin mừng của Nước Đức Chúa Trời. Tôi vui mừng biết bao được tự do trở lại—không có chiến tranh, không bị bắt bớ, không bị tù!
Điều đáng buồn là tự do không kéo dài được lâu. Sau cuộc chiến nước Đức bị chia đôi, và vùng tôi sống lọt vào vòng kiểm soát của Cộng Sản. Vào tháng 9 năm 1950, cảnh sát mật Đông Đức, được gọi là Stasi, bắt đầu lần lượt bắt giữ anh em Nhân-chứng. Tôi bị buộc tội một cách vô lý là làm gián điệp cho chính phủ Mỹ. Họ giải tôi đến nhà tù ghê gớm nhất trong nước của bọn Stasi tại Brandenburg.
Được các anh em thiêng liêng nâng đỡ
Nơi đó bọn Stasi không cho tôi ngủ vào ban ngày. Rồi họ tra hỏi tôi suốt cả đêm. Sau khi tôi bị họ hành hạ như thế trong mấy ngày, tình trạng trở nên tệ hơn. Một buổi sáng nọ, thay vì trả tôi về phòng giam, họ đưa tôi đến phòng U-Boot Zellen có tiếng là khủng khiếp nhất (được gọi là xà lim dưới nước vì những phòng giam này nằm sâu trong một hầm chứa). Họ mở một cánh cửa sắt cũ đã rỉ sét và bảo tôi bước vào bên trong. Tôi phải bước qua một ngưỡng cửa cao. Khi tôi đặt chân xuống, tôi mới nhận thấy rằng sàn ngập nước. Tiếng cánh cửa đóng sầm lại rít lên nghe rợn người. Không có một ánh đèn mà cũng không có cửa sổ. Phòng giam hoàn toàn tối đen như mực.
Vì sàn có nước cao đến cả tấc, nên tôi không thể ngồi, nằm xuống, hay ngủ được. Sau khi chờ một thời gian dường như vô tận, tôi bị đem trở lại để tra hỏi thêm dưới những ngọn đèn sáng rực. Tôi không biết điều nào khổ hơn—đứng trong nước cả ngày ở một nơi gần như hoàn toàn tối đen hay chịu đựng những ánh đèn pha chói lòa chiếu thẳng vào người suốt đêm.
Có nhiều lần họ dọa bắn tôi. Sau vài đêm bị tra hỏi, một viên sĩ quan cao cấp người Nga đến gặp tôi. Tôi có cơ hội nói cho ông ta biết rằng bọn Stasi Đức ngược đãi tôi còn tệ hơn cả bọn Gestapo của Đức Quốc Xã. Tôi nói với ông ta rằng Nhân-chứng Giê-hô-va đứng trung lập dưới chính phủ Đức Quốc Xã và cũng đứng trung lập dưới chính phủ Cộng Sản và chúng tôi không dính líu vào chính trị ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tôi nói là trái lại, nhiều người hiện làm sĩ quan Stasi đã từng có chân trong tổ chức Thiếu niên của Hitler, rất có thể là trong đoàn thể đó họ đã học được cách bắt bớ những người vô tội một cách tàn bạo. Trong khi tôi nói, thân thể tôi run lên vì lạnh, đói và kiệt sức.
Lạ thay, viên sĩ quan người Nga không giận dữ với tôi. Trái lại, ông ấy trùm một chiếc chăn lên người tôi và đối xử tử tế. Không lâu sau cuộc gặp gỡ đó, tôi được đem đến một phòng giam khá hơn. Sau đó vài ngày, họ giao tôi cho tòa án Đức. Trong khi chờ đợi xét xử, tôi có đặc ân ở cùng phòng giam với năm Nhân-chứng khác. Sau khi chịu đựng nhiều ngược đãi, được kết hợp với anh em thiêng liêng khiến tôi cảm thấy khoan khoái biết bao! (Thi-thiên 133:1).
Trước tòa án, tôi bị kết tội làm gián điệp và bị tuyên án bốn năm tù. Bản án này được xem là nhẹ. Một số anh em khác bị kết án hơn mười năm. Tôi bị giải đến một nhà lao hết sức cẩn mật. Tôi nghĩ rằng ngay cả con chuột nhắt cũng không thể bò vào hay ra khỏi ngục tù đó—họ canh gác rất là cẩn mật. Song, nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, một số anh em can đảm đã có thể mang lén vào nhà tù nguyên một quyển Kinh-thánh. Quyển này được tháo ra và chia thành từng quyển sách riêng và được các anh em trong tù chuyền tay nhau đọc.
Chúng tôi chuyền tay nhau cách nào? Rất là khó khăn. Chỉ khi nào chúng tôi được đem đi tắm mỗi hai tuần thì chúng tôi mới gặp nhau. Có một lần nọ, khi tôi đang tắm thì một anh nói thầm vào tai tôi rằng anh giấu mấy trang Kinh-thánh trong khăn tắm của anh. Khi tắm xong tôi phải cầm lấy khăn của anh thay vì của tôi.
Một tên lính canh thấy anh nói thầm với tôi và đánh anh dữ dội bằng dùi cui. Tôi phải vội vã chụp lấy chiếc khăn tắm và lẩn vào đám tù nhân. Mừng thay tôi không bị bắt lúc đang có những trang sách Kinh-thánh, bằng không thì chương trình dinh dưỡng thiêng liêng của chúng tôi chắc đã lâm nguy. Chúng tôi trải qua nhiều kinh nghiệm tương tự; luôn luôn phải đọc Kinh-thánh lén lút và bị nhiều nguy hiểm. Lời của sứ đồ Phi-e-rơ là “hãy tiết-độ và tỉnh-thức” thật thích hợp (I Phi-e-rơ 5:8).
Vì một lý do nào đó, nhà cầm quyền quyết định chuyển một số chúng tôi từ hết nhà lao này sang nhà lao khác. Qua một khoảng thời gian là bốn năm, tôi bị chuyển đến khoảng mười nhà lao khác nhau. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn luôn có thể gặp được các anh em. Tôi trở nên yêu thương sâu đậm tất cả những anh em này, và lòng tôi rất buồn mỗi lần bị chuyển đi nơi khác.
Cuối cùng, tôi bị giải đến Leipzig, và tại đó tôi được thả khỏi tù. Tên lính canh ngục trả tự do cho tôi đã không nói chia tay, nhưng trái lại hắn còn nói: “Chúng tôi sẽ sớm gặp lại anh”. Đầu óc độc ác của hắn muốn tôi bị tù lần nữa. Tôi thường nghĩ đến Thi-thiên 124:2, 3, nơi đó nói: “Khi loài người dấy nghịch chúng ta, khi cơn giận họ nổi lên cùng chúng ta, nếu Đức Giê-hô-va không binh-vực chúng ta, ắt chúng nó đã nuốt sống chúng ta rồi”.
Đức Giê-hô-va giải cứu tôi tớ trung tín của ngài
Bấy giờ tôi lại được tự do. Người chị sinh đôi của tôi là Ruth, và chị thiêng liêng là Herta Schlensog chờ tôi ở ngay cổng. Suốt những năm sống trong tù, Herta đã gởi cho tôi một gói thức ăn nhỏ mỗi tháng. Tôi thật sự tin rằng nếu không có những gói quà nhỏ ấy thì chắc tôi đã chết trong tù rồi. Mong rằng Đức Giê-hô-va nhân từ nhớ đến chị.
Từ khi tôi được thả ra, Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi nhiều đặc ân thánh chức. Tôi lại phụng sự với tư cách là người tiên phong đặc biệt tại Gronau, nước Đức, và làm giám thị vòng quanh ở vùng núi Alps bên Đức. Sau đó tôi được mời ghi tên vào khóa 31 của Trường Kinh-thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh dành cho các giáo sĩ. Chúng tôi mãn khóa trong kỳ hội nghị quốc tế của Nhân-chứng Giê-hô-va vào năm 1958 tại vận động trường Yankee. Tôi được đặc ân nói trước một đám đông các anh chị em và kể lại một số kinh nghiệm.
Sau lễ mãn khóa tôi đi làm giáo sĩ ở Chi-lê. Tại đó tôi lại phụng sự với tư cách là giám thị vòng quanh ở phần cực nam của Chi-lê—tôi được phái đi đến tận cùng trái đất theo nghĩa đen. Vào năm 1962, tôi cưới Patsy Beutnagel, một chị giáo sĩ đáng yêu từ San Antonio, Texas, Hoa Kỳ. Vợ chồng chúng tôi hưởng nhiều năm tuyệt vời trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.
Hơn 70 năm qua, tôi đã hưởng được những ngày hạnh phúc và cũng gặp nhiều tai họa. Người viết Thi-thiên nói: “Người công-bình bị nhiều tai-hoạ, nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết” (Thi-thiên 34:19). Vào năm 1963, trong khi còn ở Chi-lê, Patsy và tôi phải khổ vì cái chết thảm thương của bé gái chúng tôi. Sau đó Patsy bị bệnh nặng và chúng tôi dời về Texas. Vợ tôi chết lúc chỉ có 43 tuổi, cũng trong những hoàn cảnh thảm thương. Tôi thường cầu xin Đức Giê-hô-va nhân từ nhớ đến người vợ đáng yêu của tôi.
Bây giờ, tuy già yếu và hay bệnh, tôi vẫn vui mừng có đặc ân làm trưởng lão và người tiên phong đều đều tại Brady, Texas. Đúng, cuộc sống không luôn luôn dễ dàng và tôi có thể vẫn còn phải gặp những thử thách khác. Song, như người viết Thi-thiên tôi có thể nói: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa đã dạy tôi từ buổi thơ-ấu; cho đến bây giờ tôi đã rao-truyền các công-việc lạ-lùng của Chúa” (Thi-thiên 71:17).
[Các hình nơi trang 23]
(1) Hiện nay phụng sự với tư cách là trưởng lão và người tiên phong đều đều, (2) cùng với Patsy, vừa trước ngày cưới, (3) ở trong lớp của Herr Schneider, (4) mẹ tôi là Teresa, chết tại Ravensbrück