Một bản dịch Kinh-thánh đã thay đổi thế giới
Cách Đây Hơn 3.500 Năm Khi Nhà Tiên Tri Của Đức Chúa Trời Là Môi-se Bắt Đầu Viết Kinh-thánh, Thì Chỉ Có Một Quốc Gia Nhỏ Có Thể Đọc Được Kinh-thánh (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:7). Lý Do Là Vì Kinh-thánh Chỉ Có Trong Tiếng Gốc Hê-bơ-rơ Của Quốc Gia Đó Mà Thôi. Tuy Nhiên, Với Thời Gian, Điều Đó Đã Thay Đổi.
VIỆC truyền bá thông điệp và ảnh hưởng tích cực của Kinh-thánh trong suốt nhiều thế kỷ là phần lớn nhờ bản dịch đầu tiên của Kinh-thánh là bản Septuagint. Tại sao có bản dịch này? Và chúng ta có thể nói một cách chính đáng rằng bản Kinh-thánh này đã thay đổi thế giới không?
Một bản dịch được soi dẫn chăng?
Sau khi bị lưu đày ở nước Ba-by-lôn vào thế kỷ thứ bảy và thứ sáu TCN, nhiều người Do Thái tiếp tục sống ở ngoài xứ Y-sơ-ra-ên và xứ Giu-đa xưa. Đối với những người Do Thái sanh ra tại chốn lưu đày, thì tiếng Hê-bơ-rơ trở thành ngôn ngữ phụ. Đến thế kỷ thứ ba TCN, có một cộng đồng Do Thái sống tại thành A-léc-xan-tri, Ai Cập—một trung tâm văn hóa lớn của Đế Quốc Hy Lạp. Những người Do Thái này nhận thấy giá trị của việc dịch Kinh-thánh sang tiếng Hy Lạp là tiếng mẹ đẻ của họ lúc bấy giờ.
Cho đến lúc đó, thông điệp được soi dẫn của Kinh-thánh được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, với một phần nhỏ được viết bằng tiếng A-ram là thứ tiếng rất giống với tiếng Hê-bơ-rơ. Liệu việc diễn đạt Lời Đức Chúa Trời trong một thứ tiếng khác có làm giảm bớt tác động mạnh mẽ của sự soi dẫn, có lẽ còn đưa đến việc giải thích sai lầm không? Có thể nào chính người Do Thái là người đã được giao phó Lời được soi dẫn, trình bày sai thông điệp đó qua cách họ dịch không? (Thi-thiên 147:19, 20; Rô-ma 3:1, 2).
Những vấn đề tế nhị này khiến người ta e ngại. Tuy nhiên, cuối cùng mối quan tâm về việc người Do Thái sẽ không còn hiểu Lời Đức Chúa Trời nữa đã hơn hẳn tất cả những điều khác. Người ta quyết định dịch sách Torah—năm quyển sách đầu tiên trong Kinh-thánh do Môi-se viết—sang tiếng Hy Lạp. Công việc phiên dịch được tiến hành thực sự ra sao đã bị lu mờ bởi truyền thuyết. Theo Letter of Aristeas (Lá thư của Aristeas), vua xứ Ai Cập là Ptolemy II (năm 285-246 TCN) muốn có một bản Ngũ Thư (hay, Torah) được dịch sang tiếng Hy Lạp cho thư viện hoàng gia. Vua đã trao nhiệm vụ dịch này cho 72 học giả Do Thái là những người đã đến Ai Cập từ xứ Y-sơ-ra-ên. Họ đã hoàn tất bản dịch này trong vòng 72 ngày. Sau đó người ta đọc bản này trước cộng đồng Do Thái. Những người Do Thái này đã tuyên bố rằng bản dịch đó vừa hay vừa chính xác. Sau này câu chuyện được thêm thắt, nói rằng mỗi dịch giả đã được sắp vào một phòng riêng, thế mà bản dịch của họ lại đều giống nhau y hệt, đến từng chữ một. Do truyền thống về khoảng 72 dịch giả, bản dịch Hy Lạp này được gọi là bản Septuagint, dựa vào một chữ La-tinh có nghĩa “Bảy Mươi”.
Đa số các học giả thời nay đều đồng ý rằng Letter of Aristeas là một ngụy thư. Họ cũng tin rằng công việc dịch không phải do Ptolemy II đề xướng mà là do các nhà lãnh đạo cộng đồng Do Thái ở A-léc-xan-tri. Tuy nhiên, các bản văn của triết gia Do Thái ở A-léc-xan-tri là Philo và của sử gia người Do Thái là Josephus cũng như sách Talmud đều cho thấy là người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất nói chung đều tin rằng bản Septuagint cũng được soi dẫn giống như bản Kinh-thánh gốc. Có những truyền thống như thế chắc chắn là do nỗ lực thuyết phục cộng đồng Do Thái khắp thế giới chấp nhận bản Septuagint.
Mặc dù công việc dịch ban đầu chỉ gồm có năm cuốn sách của Môi-se, nhưng cuối cùng từ Septuagint được dùng để chỉ về toàn bộ Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ được dịch sang tiếng Hy Lạp. Những cuốn còn lại được dịch trong khoảng thời gian hơn một trăm năm sau đó. Công việc xuất bản toàn bộ bản Septuagint được thực hiện từng phần chứ không phải do nỗ lực phối hợp. Các dịch giả khác nhau về khả năng và sự hiểu biết tiếng Hê-bơ-rơ. Đa số các sách đều được dịch theo sát từng chữ, đôi khi quá sát, trong khi sách khác thì lại được dịch thoát ý. Một vài cuốn có bản dịch dài và bản dịch ngắn. Đến cuối thế kỷ thứ hai TCN, người ta có thể đọc trong tiếng Hy Lạp tất cả các sách của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Dù có những kết quả mâu thuẫn, ảnh hưởng của việc dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp vượt xa hẳn những gì các người dịch có thể mong đợi.
Gia-phết trong trại của Sem?
Khi bàn luận về bản Septuagint, sách Talmud trích dẫn Sáng-thế Ký 9:27: “Cho... Gia-phết... ở nơi trại của Sem” (Megillah 9b, Sách Talmud từ Ba-by-lôn). Theo nghĩa bóng, sách Talmud ngụ ý rằng qua vẻ đẹp của tiếng Hy Lạp trong bản Septuagint, Gia-phết (cha của Gia-van tức là tổ phụ của người Hy Lạp) cư ngụ trong trại của Sem (tổ tiên của nước Y-sơ-ra-ên). Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng qua ảnh hưởng của sách Septuagint, Sem cư ngụ trong trại của Gia-phết. Bằng cách nào?
Sau những cuộc chinh phục của A-léc-xan-đơ Đại Đế vào cuối thế kỷ thư tư TCN, người ta tích cực phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp trên khắp các xứ bị chinh phục. Chính sách này được gọi là Hy Lạp Hóa. Người Do Thái cảm thấy bị tấn công liên tục về mặt văn hóa. Nếu văn hóa và triết học của người Hy Lạp chiếm ưu thế, thì chính tôn giáo của người Do Thái sẽ bị suy yếu. Điều gì có thể ngăn chặn sự tấn công này?
Nói về một động lực mà người Do Thái có thể có khi dịch bản Septuagint, dịch giả Kinh-thánh người Do Thái là Max Margolis bình luận: “Nếu chúng ta cho rằng cộng đồng Do Thái đã khởi xướng ý kiến dịch bản Kinh-thánh này, thì họ hẳn có một động lực khác, đó là cho dân ngoại xem xét Luật Pháp Do Thái và để thuyết phục thiên hạ là người Do Thái có một nền văn hóa có thể so sánh được với sự khôn ngoan của người Hy Lạp”. Vậy thì việc phổ biến Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ cho thế giới nói tiếng Hy Lạp là một hình thức vừa tự vệ vừa phản công.
Chính sách Hy Lạp Hóa của A-léc-xan-đơ đã khiến Hy Lạp trở thành ngôn ngữ quốc tế của thế giới. Ngay cả khi vương quốc của ông bị La Mã xâm chiếm, tiếng Hy Lạp thông dụng (tức tiếng Koine) tiếp tục là ngôn ngữ buôn bán và giao tiếp giữa các quốc gia. Dù điều này là do sự cố gắng có chủ tâm hay là một sự phát triển tự nhiên, bản Septuagint của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã nhanh chóng được nhiều người dân ngoại tiếp nhận. Những người này trước đó đã không biết chút gì về Đức Chúa Trời và Luật Pháp của người Do Thái. Kết quả rất đáng kinh ngạc.
Người nhập đạo và người kính sợ Đức Chúa Trời
Đến thế kỷ thứ nhất CN, Philo có thể viết rằng “vẻ đẹp và phẩm chất của pháp luật Môi-se không những được người Do Thái quí trọng mà cũng được tất cả các dân tộc khác quí trọng”. Đề cập về những người Do Thái sống ở ngoài xứ Pha-lê-tin vào thế kỷ thứ nhất, sử gia Do Thái là Joseph Klausner nói: “Thật khó để tin rằng tất cả hàng triệu người Do Thái này đều di cư từ xứ Pha-lê-tin nhỏ bé. Một người phải thừa nhận rằng số người gia tăng đông đảo này cũng bao gồm một số lớn những người nam và nữ nhập đạo”.
Tuy nhiên, những điểm hùng hồn đó không nói hết sự kiện. Tác giả Shaye J. D. Cohen, giáo sư lịch sử Do Thái, viết: “Nhiều dân ngoại, cả đàn ông lẫn đàn bà, đã đổi sang đạo Do Thái trong những thế kỷ cuối TCN và hai thế kỷ đầu CN. Tuy nhiên, còn có rất nhiều người ngoại đã chấp nhận một số khía cạnh của đạo Do Thái nhưng lại không đổi sang đạo đó”. Cả ông Klausner lẫn ông Cohen đều gọi những người không cải đạo này là những người kính sợ Đức Chúa Trời, một từ ngữ thường thấy trong văn chương Hy Lạp vào thời đó.
Có sự khác biệt nào giữa một người nhập đạo và một người kính sợ Đức Chúa Trời? Những người nhập đạo là những người đã hoàn toàn cải đạo, họ được xem là người Do Thái toàn diện bởi vì họ đã chấp nhận Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (từ bỏ tất cả các thần thánh khác), chịu cắt bì, và kết hợp với dân Y-sơ-ra-ên. Ngược lại, ông Cohen nói về những người kính sợ Đức Chúa Trời: “Mặc dù những người ngoại này giữ nhiều thực hành của người Do Thái và sùng kính Đức Chúa Trời của người Do Thái, dưới hình thức này hay hình thức khác, nhưng họ không tự xem họ là người Do Thái và những người khác cũng chẳng xem họ là người Do Thái”. Ông Klausner miêu tả họ như “đứng trong một vị thế trung dung”, vì họ chấp nhận Do Thái Giáo và “tuân giữ một số các tập tục của đạo Do Thái, nhưng... không trở thành người Do Thái toàn diện”.
Có lẽ một số đã chú ý đến Đức Chúa Trời nhờ những cuộc thảo luận với những người Do Thái làm giáo sĩ hoặc nhờ quan sát sự khác biệt về hạnh kiểm, phong tục, và cách cư xử của người Do Thái. Tuy nhiên, bản Septuagint là công cụ chính để giúp những người kính sợ Đức Chúa Trời học biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Mặc dù không có cách nào để biết con số chính xác những người kính sợ Đức Chúa Trời vào thế kỷ thứ nhất, nhưng bản Septuagint chắc chắn đã truyền bá những sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trên khắp Đế Quốc La Mã. Bản Septuagint cũng đặt một nền tảng quan trọng.
Septuagint giúp dọn đường
Cuốn Septuagint đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá thông điệp của đạo đấng Christ. Khi hội thánh tín đồ đấng Christ được sáng lập vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, nhiều người Do Thái nói tiếng Hy Lạp ở trong số những người đã có mặt tại đó. Những người nhập đạo cũng ở trong số những người trở thành môn đồ đấng Christ vào giai đoạn ban đầu này (Công-vụ các Sứ-đồ 2:5-11; 6:1-6; 8:26-38). Vì những lá thư được soi dẫn của các sứ đồ và những môn đồ khác của Chúa Giê-su vào thời ban đầu là nhằm mục đích cho càng nhiều người đọc càng tốt, cho nên chúng đã được viết bằng tiếng Hy Lạp.a Vì vậy, nhiều câu trích dẫn từ Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ xuất hiện trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp đã được dựa vào bản Septuagint.
Ngoài người gốc Do Thái và những người nhập đạo, cũng có những người khác sẵn sàng chấp nhận thông điệp về Nước Trời. Người ngoại Cọt-nây là “người vẫn là đạo-đức, cùng cả nhà mình đều kính-sợ Đức Chúa Trời, người hay bố-thí cho dân, và cầu-nguyện Đức Chúa Trời luôn không thôi”. Vào năm 36 CN, Cọt-nây cùng gia đình và những người khác đã nhóm họp tại nhà ông, là người dân ngoại đầu tiên làm báp têm để trở thành môn đồ của đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 10:1, 2, 24, 44-48; so sánh Lu-ca 7:2-10). Khi sứ đồ Phao-lô đi khắp vùng Tiểu Á và Hy Lạp, ông đã rao giảng cho nhiều dân ngoại là những người đã kính sợ Đức Chúa Trời cùng những “người Gờ-réc vẫn kính-sợ Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:16, 26; 17:4). Tại sao Cọt-nây và những người người khác thuộc dân ngoại đã sẵn sàng chấp nhận tin mừng? Bản Septuagint đã giúp dọn đường. Một học giả phỏng đoán rằng bản Septuagint “là một cuốn sách có tầm quan trọng then chốt mà thiếu nó, thì chúng ta khó có thể có được các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ lẫn nền văn hóa tây phương”.
Bản Septuagint mất đi “sự soi dẫn”
Cuối cùng, việc sử dụng rộng rãi bản Septuagint đã khiến những người Do Thái phản ứng dữ dội. Thí dụ, khi thảo luận với tín đồ đấng Christ, người Do Thái cho rằng bản Septuagint là một bản dịch không chính xác. Đến thế kỷ thứ hai CN, cộng đồng Do Thái đã hoàn toàn từ bỏ bản dịch mà trước kia họ đã từng khen ngợi là bản dịch được soi dẫn. Các ra-bi đã bác bỏ truyền thuyết về 72 dịch giả, nói rằng: “Điều đã xảy ra là có một thời năm trưởng lão đã dịch sách Torah cho Vua Ptolemy ở nước Hy Lạp, và đó là một ngày gở cho dân Y-sơ-ra-ên giống như ngày mà người ta đúc tượng bò vàng, vì người ta không thể nào dịch sách Torah một cách chính xác”. Để bảo đảm có sự phù hợp chặt chẽ hơn với những quan điểm của họ, các ra-bi cho phép dịch một bản mới sang tiếng Hy Lạp. Một người nhập đạo tên là Aquila, đệ tử của ra-bi Akiba, đã thực hiện công việc dịch thuật này vào thế kỷ thứ hai CN.
Người Do Thái không còn dùng bản Septuagint nữa, nhưng bản dịch này trở thành bản “Cựu Ước” tiêu chuẩn của Giáo Hội Công Giáo mới ló dạng, cho đến khi nó được thay thế bởi bản dịch Vulgate tiếng La-tinh của ông Jerome. Mặc dù một bản dịch không bao giờ có thể thay thế bản gốc, nhưng bản Septuagint đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Nước của Ngài qua Chúa Giê-su Christ. Quả thật, bản Septuagint là một bản dịch Kinh-thánh đã thay đổi thế giới.
[Chú thích]
a Sách Phúc Âm của Ma-thi-ơ có lẽ lúc đầu đã được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, với một bản bằng tiếng Hy Lạp được viết sau này.
[Hình nơi trang 31]
Nhiều người mà Phao-lô đã rao giảng, có sự hiểu biết về cuốn “Septuagint”
[Nguồn tư liệu nơi trang 29]
Courtesy of Israel Antiquities Authority