Bạn có thể tin Kinh-thánh không?
NIỀM TIN nơi Kinh-thánh vẫn còn phổ biến, ngay cả trong thế giới tân tiến này. Thí dụ, gần đây trong một cuộc thăm dò của viện Gallup, 80 phần trăm người Mỹ nói họ tin Kinh-thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Dù tỷ số trong vùng bạn ở có cao như thế hay không, bạn có thể hiểu rằng những người có niềm tin này chờ đợi nhà thờ dạy họ về Kinh-thánh. Nhưng thường thì họ không được dạy. Hãy lấy thí dụ là giáo lý về sự trừng phạt linh hồn sau khi chết.
Trong Kinh-thánh có chỗ nào dạy về nơi luyện ngục hoặc hỏa ngục không? Ngày nay, nhiều học giả của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ trả lời là không. Sách New Catholic Encyclopedia (Tân bách khoa tự điển Công Giáo) phát biểu: “Rốt cuộc, giáo lý của Công Giáo về nơi luyện ngục không căn cứ trên Kinh-thánh, mà dựa trên truyền thống”. Còn về hỏa ngục thì sách Dictionary of Christian Theology (Từ điển thần học về đạo đấng Christ) bình luận: “Trong Tân Ước chúng ta không thấy đạo đấng Christ thời ban đầu giảng về hỏa ngục”.
Thật vậy, gần đây khi ủy ban giáo lý Anh Giáo đề nghị bác bỏ hoàn toàn giáo lý về hỏa ngục, thì tin này được đăng lên hàng đầu. Khoa trưởng của Giáo Đường Litchfield là tiến sĩ Tom Wright phát biểu rằng hình ảnh trước đây về hỏa ngục “biến Đức Chúa Trời thành quái vật và làm nhiều người bị vết thương tâm lý đau đớn”. Bản báo cáo của ủy ban này miêu tả hỏa ngục là “hoàn toàn không có”.a Tương tự như thế, sách New Catholic Encyclopedia lưu ý về quan điểm của Công Giáo: “Theo quan điểm của ngành thần học ngày nay, hỏa ngục nghĩa là tình trạng xa cách Đức Chúa Trời”.
Thật vậy, điều Kinh-thánh dạy về linh hồn đối chọi với giáo lý về nơi luyện ngục và hỏa ngục. Kinh-thánh thường nói về sự chết của linh hồn. “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4; so sánh bản dịch Trần Đức Huân). Theo Kinh-thánh, người chết không có ý thức, không thể cảm thấy đau đớn. “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết” (Truyền-đạo 9:5). Kinh-thánh nói hy vọng cho người chết là sự sống lại trong tương lai. Khi bạn Chúa Giê-su là La-xa-rơ chết, ngài so sánh sự chết với giấc ngủ. Em gái của La-xa-rơ là Ma-thê diễn tả hy vọng căn cứ trên Kinh-thánh khi bà nói: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại”. Bằng cách cho La-xa-rơ sống lại, Chúa Giê-su xác nhận nhân loại có hy vọng đó (Giăng 5:28, 29; 11:11-14, 24, 44).
Các sử gia chỉ rõ là giáo lý cho rằng con người có một linh hồn bất tử, tách biệt không bắt nguồn từ Kinh-thánh nhưng từ triết lý Hy Lạp. Sách New Catholic Encyclopedia nhận xét rằng người Hê-bơ-rơ ngày xưa không nghĩ là con người gồm có một cơ thể vật chất và một linh hồn phi vật chất. Sách này phát biểu về niềm tin của người Hê-bơ-rơ: “Khi hơi thở sự sống thổi vào người đàn ông đầu tiên mà Đức Chúa Trời tạo nên từ đất, thì ông trở nên một ‘sinh vật’ (Sáng-thế Ký 2.7). Sự chết không được xem là sự tách rời của hai thành phần riêng biệt trong con người, như trong triết lý Hy Lạp; hơi thở sự sống ra khỏi cơ thể thì con người trở nên một ‘vật chết’ (Lê-vi Ký 21.11; Dân-số Ký 6.6; 19.13). Trong mỗi trường hợp chữ ‘vật’ là từ Hê-bơ-rơ [neʹphesh], thường được dịch là ‘linh hồn’ nhưng thật ra hầu như hoàn toàn đồng nhất với chính người đó”.
Cũng chính quyển bách khoa tự điển ấy lưu ý rằng các học giả Công Giáo gần đây “đã khẳng định rằng Tân Ước không dạy linh hồn bất tử theo nghĩa triết lý Hy Lạp”. Tự điển này kết luận: “Giải pháp cơ bản cho vấn đề này không ở sự suy đoán triết lý mà ở sự ban cho siêu nhiên là sự sống lại”.
Kinh-thánh hay truyền thống?
Tuy nhiên, bằng cách nào những ý tưởng trái Kinh-thánh đã thâm nhập vào giáo lý của giáo hội? Nhiều giáo hội tự nhận rằng Kinh-thánh là thẩm quyền tối cao của họ. Thí dụ, cách đây không lâu Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ II nói Kinh-thánh phải được “các tín đồ sùng đạo chấp nhận là chân lý hoàn toàn và là tiêu chuẩn tối cao của đức tin chúng ta”. Tuy nhiên, nói chung thì người ta nhận rằng các giáo lý của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ không đồng nhất với các giáo lý của tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất. Hầu hết các nhà thờ xem những sự thay đổi là lẽ tất nhiên khi giáo lý của giáo hội dần dần phát triển. Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo có lập trường là truyền thống của giáo hội có thẩm quyền ngang với Kinh-thánh. Sách New Catholic Encyclopedia nói rằng giáo hội “không chấp nhận giáo lý nào chỉ dựa vào Kinh-thánh thôi mà không xem đến truyền thống; cũng không chấp nhận giáo lý nào chỉ dựa vào truyền thống thôi mà không xét đến Kinh-thánh”.
Lịch sử cho thấy các giáo hội đã thay thế các giáo lý của Kinh-thánh bằng các giáo lý chỉ căn cứ trên truyền thống. Thật vậy, nhiều nhà thờ ngày nay tin rằng các giáo lý trong Kinh-thánh là sai. Thí dụ, sách New Catholic Encyclopedia phát biểu: “Hiển nhiên là nhiều lời phát biểu trong Kinh-thánh không đúng khi xem xét theo sự hiểu biết khoa học và lịch sử hiện đại”. Về giáo lý của Kinh-thánh dạy rằng người chết không có ý thức, sách này nói thêm: “Ngay cả trong các vấn đề tôn giáo, Cựu Ước chứng thực rằng sự hiểu biết về... đời sống sau khi chết không được đầy đủ”. Bách khoa tự điển này viện dẫn Thi-thiên 6:5 (câu 6 theo vài bản Kinh-thánh) để làm một thí dụ về điều ấy: “Trong sự chết chẳng còn nhớ đến Chúa nữa; nơi Âm-phủ ai sẽ cảm-tạ Chúa?” Một số các chủng viện và trường cao đẳng Tin Lành không còn dạy rằng Kinh-thánh không thể sai lầm. Mặt khác, Giáo Hội Công Giáo tin rằng mình có quyền dạy dỗ, bằng quyền này giáo hội giải thích những điều Kinh-thánh dạy. Tuy nhiên, ta có thể hỏi: ‘Nếu những giải thích như thế dường như đối nghịch với Kinh-thánh thì sao?’
Tầm quan trọng của Kinh-thánh
Chúa Giê-su nhiều lần lấy Kinh-thánh làm thẩm quyền; trong lời mở đầu, ngài thường nói: “Có lời chép rằng” (Ma-thi-ơ 4:4, 7, 10; Lu-ca 19:46). Thật vậy, khi Chúa Giê-su nói về hôn nhân của loài người, ngài không dựa vào sự phỏng đoán của triết lý Hy Lạp mà dựa vào lời tường thuật về sự sáng tạo trong sách Sáng-thế Ký (Sáng-thế Ký 1:27; 2:24; Ma-thi-ơ 19:3-9). Rõ ràng, Chúa Giê-su xem Kinh-thánh là chân thực và được Đức Chúa Trời soi dẫn. Trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời, ngài nói: “Lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17).b
Kinh-thánh ghi lại lời Chúa Giê-su quở trách những người lãnh đạo tôn giáo trong thời ngài: “Các ngươi bỏ hẳn điều-răn của Đức Chúa Trời, đặng giữ theo lời truyền-khẩu của mình.... Dường ấy, các ngươi lấy lời truyền-khẩu mình lập ra mà bỏ mất lời Đức Chúa Trời” (Mác 7:6-13). Tương tự như thế, sứ đồ Phao-lô chống chọi lại áp lực, không để triết lý Hy Lạp hoặc những truyền thống sai lầm thâm nhập vào sự dạy dỗ của mình. Ông báo trước: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người,... mà bắt anh em phục chăng” (Cô-lô-se 2:8; 1 Cô-rinh-tô 1:22, 23; 2:1-13). Phao-lô khuyên các tín đồ đấng Christ giữ gìn một số truyền thống, hay giáo lý, nhưng các điều này hoàn toàn hòa hợp với Kinh-thánh và căn cứ trên đó (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-15). Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích..., hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16, 17).
Phao-lô đã thấy trước sẽ có sự rời xa Kinh-thánh. Ông báo cho Ti-mô-thê biết: “Sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành,... bịt tai không nghe lẽ thật”. Ông khuyên Ti-mô-thê: “Nhưng con, phải có tiết-độ trong mọi sự” (2 Ti-mô-thê 4:3-5). Nhưng bằng cách nào? Một cách là có tâm thần “cởi mở”. Một từ điển tiếng Hy Lạp định nghĩa từ ngữ này của Kinh-thánh là “sự sẵn lòng học hỏi và đánh giá một điều gì đó một cách công bằng”. Lu-ca dùng thành ngữ này để mô tả những người nghe Phao-lô ở thành Bê-rê trong thế kỷ thứ nhất. Các sự dạy dỗ của Phao-lô mới mẻ đối với họ, và họ không muốn bị lừa. Trong lời khen họ, Lu-ca viết: “Người Bê-rê lịch sự, cởi mở hơn người Tê-sa-long-ca, vui lòng nghe Đạo Chúa, hàng ngày nghiên cứu Thánh Kinh để kiểm chứng lời giảng của Phao-lô và Si-la”. Có tâm thần cởi mở không làm người Bê-rê nghi ngờ, không chịu tin bất kỳ điều gì. Trái lại, sự tìm hiểu chân thật của họ đưa đến kết quả là “nhiều người tin Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:11, 12, Bản Diễn Ý).
Các lợi ích của việc sống theo Kinh-thánh
Tín đồ đấng Christ thời ban đầu nổi tiếng là vừa tuân theo Kinh-thánh vừa có tình yêu thương vị tha. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người “bề ngoài giữ điều nhân-đức, nhưng chối-bỏ quyền-phép của nhân-đức đó” (2 Ti-mô-thê 3:5). Bất kỳ hình thức nào ngày nay của đạo đấng Christ mà không phù hợp với đạo đấng Christ nguyên thủy thì không thể nào có mãnh lực thật sự, ảnh hưởng tốt trong đời sống người ta. Có thể nào điều này giúp giải thích tại sao chúng ta thấy, trong phần lớn của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, càng ngày càng có nhiều bạo động, sự vô luân, gia đình tan vỡ, và chủ nghĩa duy vật không? Trong một số nước theo “đạo đấng Christ”, ngay cả những người cùng một tôn giáo cũng tham gia vào các cuộc chiến tàn bạo giữa các sắc tộc.
Có phải tâm thần cởi mở của người Bê-rê đã chết rồi chăng? Có nhóm người nào ngày nay tin và sống theo Kinh-thánh không?
Sách Encyclopedia Canadiana (Bách khoa tự điển Canada) nhận xét: “Công việc của Nhân-chứng Giê-hô-va là phục hồi và tái lập hình thức nguyên thủy của đạo đấng Christ mà Chúa Giê-su và các môn đồ ngài đã thực hành trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai của kỷ nguyên chúng ta”. Nói về các Nhân-chứng, sách New Catholic Encyclopedia ghi nhận: “Họ xem Kinh-thánh là nguồn duy nhất chứa đựng niềm tin và tiêu chuẩn hạnh kiểm”.
Chắc chắn đây là lý do chính khiến sự thịnh vượng, hòa bình, và hạnh phúc về thiêng liêng của Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới được người ta biết. Do đó chúng tôi khuyến khích độc giả học thêm về các dạy dỗ lành mạnh về thiêng liêng của Kinh-thánh. Hiểu biết nhiều hơn có thể dẫn tới việc tin Kinh-thánh nhiều hơn và đức tin mạnh hơn nữa nơi Đức Chúa Trời. Các lợi ích vĩnh cửu của đức tin như thế thật bõ công.
[Chú thích]
a National Public Radio—“Morning Edition”
b Muốn biết thêm chi tiết về sự đáng tin cậy của Kinh-thánh, xin xem sách mỏng Cuốn sách cho muôn dân, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
[Hình nơi trang 6]
Sứ đồ Phao-lô và những người khác rao giảng nơi phố chợ
[Hình nơi trang 7]
Nhân-chứng Giê-hô-va “xem Kinh-thánh là nguồn duy nhất chứa đựng niềm tin và tiêu chuẩn hạnh kiểm”