Công việc của bạn có chống được lửa không?
“Ai nấy phải cẩn-thận về sự mình xây trên nền đó” (1 CÔ-RINH-TÔ 3:10).
1. Tín đồ Đấng Christ trung thành hy vọng điều gì nơi những môn đồ tương lai?
MỘT cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ chăm chú nhìn đứa con mới sanh. Một người công bố về Nước Trời thấy gương mặt của người học hỏi Kinh-thánh lộ vẻ sốt sắng, chú ý. Một trưởng lão tín đồ Đấng Christ đang giảng dạy trên bục nhìn thấy trong cử tọa một người mới chú ý hăng hái tìm kiếm những câu Kinh-thánh. Trong lòng những tôi tớ trung thành này của Đức Giê-hô-va chan chứa hy vọng. Đương nhiên là họ tự hỏi: ‘Người này sẽ kính mến, phụng sự Đức Giê-hô-va và giữ lòng trung thành với Ngài hay không?’ Dĩ nhiên kết quả đó không phải tự nhiên mà có. Cần phải cố gắng mới được.
2. Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ về tầm quan trọng của công việc dạy dỗ như thế nào, và điều này khiến chúng ta tự kiểm điểm gì?
2 Là một người dạy dỗ điêu luyện, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công việc dạy dỗ và đào tạo môn đồ khi viết: “Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi” (Hê-bơ-rơ 5:12). Những tín đồ Đấng Christ mà ông viết thư cho đã tiến bộ rất ít, khi xét lại sự kiện họ tin đạo lâu rồi. Không những họ không sẵn sàng để dạy người khác, mà còn cần được nhắc nhở về những điều căn bản của lẽ thật. Ngày nay, điều có lợi cho tất cả chúng ta là đều đặn kiểm điểm lại khả năng của mình trong việc dạy dỗ và hãy xem làm thế nào chúng ta có thể cải tiến. Việc này có liên quan đến sự sống. Chúng ta có thể làm gì?
3. a) Sứ đồ Phao-lô so sánh tiến trình của việc đào tạo môn đồ Đấng Christ với điều gì? b) Là những người xây dựng trong đạo Đấng Christ, chúng ta có đặc ân lớn nào?
3 Trong một minh họa được nới rộng, Phao-lô ví việc đào tạo môn đồ như tiến trình xây một tòa nhà. Ông bắt đầu bằng cách nói: “Chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng của Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây” (1 Cô-rinh-tô 3:9). Vì vậy chúng ta cùng dự phần vào công việc xây dựng có liên hệ đến người ta; chúng ta giúp xây dựng họ để thành môn đồ của Đấng Christ. Chúng ta cùng làm việc với Đấng “đã dựng nên muôn vật” (Hê-bơ-rơ 3:4). Thật là một đặc ân lớn thay! Chúng ta hãy xem làm thế nào lời khuyên được soi dẫn của Phao-lô cho những người Cô-rinh-tô có thể giúp cho chúng ta trở nên khéo léo trong công việc mình. Chúng ta sẽ đặc biệt tập trung vào “[nghệ thuật, NW] dạy-dỗ” (2 Ti-mô-thê 4:2).
Đặt nền tốt
4. a) Phao-lô có vai trò nào trong công việc xây dựng của tín đồ Đấng Christ? b) Tại sao có thể nói rằng cả Chúa Giê-su lẫn những người nghe ngài biết tầm quan trọng của nền tảng tốt?
4 Nếu muốn một tòa nhà được vững bền, nó cần có nền tốt. Vì vậy Phao-lô viết: “Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một tay thợ khéo” (1 Cô-rinh-tô 3:10). Dùng một ví dụ tương tự, Chúa Giê-su nói về một căn nhà đứng vững sau cơn bão bởi vì người xây nhà đã chọn một nền vững chắc (Lu-ca 6:47-49). Chúa Giê-su biết rõ về tầm quan trọng của nền tảng vững chắc. Ngài đã hiện diện khi Đức Giê-hô-va lập nền trái đấta (Châm-ngôn 8:29-31). Những người nghe Chúa Giê-su cũng coi trọng nền tảng tốt. Chỉ có những nhà được xây vững vàng mới có thể chịu nổi những cơn lũ lụt bất ngờ và động đất đôi khi xảy ra tại vùng Pha-lê-tin. Nhưng Phao-lô nghĩ đến nền nào?
5. Ai là nền của hội thánh tín đồ Đấng Christ, và điều này được báo trước như thế nào?
5 Phao-lô viết: “Chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus-Christ” (1 Cô-rinh-tô 3:11). Đây không phải là lần đầu Chúa Giê-su được ví như một cái nền. Thật ra, Ê-sai 28:16 đã báo trước: “Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử-nghiệm, là đá góc quí-báu, làm nền bền-vững”. Từ lâu Đức Giê-hô-va đã có ý định cho Con Ngài trở thành nền của hội thánh tín đồ Đấng Christ (Thi-thiên 118:22; Ê-phê-sô 2:19-22; 1 Phi-e-rơ 2:4-6).
6. Phao-lô đã đặt đúng nền cho những tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô như thế nào?
6 Nền của mỗi tín đồ Đấng Christ là gì? Như Phao-lô đã nói, không có nền nào cho tín đồ thật của Đấng Christ ngoài nền đã được nói trong Lời Đức Chúa Trời—Chúa Giê-su Christ. Chắc chắn Phao-lô đã đặt nền này. Tại Cô-rinh-tô, nơi mà người ta coi trọng triết lý, ông không tìm cách khiến người ta khâm phục bằng sự khôn ngoan theo thế gian. Thay vì thế, Phao-lô rao giảng “Đấng Christ bị đóng đinh”, điều mà các dân cho là “rồ-dại” (1 Cô-rinh-tô 1:23). Phao-lô dạy rằng Chúa Giê-su là nhân vật chính trong ý định của Đức Giê-hô-va (2 Cô-rinh-tô 1:20; Cô-lô-se 2:2, 3).
7. Chúng ta có thể học được gì qua việc Phao-lô nói rằng chính ông là “tay thợ khéo”?
7 Phao-lô nói rằng ông dạy dỗ “như một tay thợ khéo”. Lời này không phải là tự cao tự đại. Ông chỉ công nhận Đức Giê-hô-va đã ban cho ông một món quà tuyệt diệu—đó là công việc tổ chức hoặc điều khiển (1 Cô-rinh-tô 12:28). Đành rằng chúng ta ngày nay không được sự ban cho thần diệu đó như những tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất, và chúng ta có lẽ không nghĩ mình là người có khiếu dạy, nhưng trong ý nghĩa quan trọng, chúng ta có khiếu đó. Hãy xem: Đức Chúa Trời ban thánh linh để giúp đỡ chúng ta. (So sánh Lu-ca 12:11, 12). Chúng ta được sự yêu thương của Đức Giê-hô-va và hiểu biết những dạy dỗ căn bản trong Lời Ngài. Những điều này quả thật là sự ban cho tuyệt diệu để dùng trong việc dạy dỗ người khác. Chúng ta hãy quyết tâm dùng những điều này để đặt nền đúng cách.
8. Làm thế nào chúng ta đặt Đấng Christ là nền trong lòng những môn đồ tương lai?
8 Khi đặt Đấng Christ làm nền, chúng ta không trình bày ngài là một hài nhi nằm trong máng cỏ, cũng như không dạy rằng ngài ngang hàng với Đức Giê-hô-va trong giáo lý Chúa Ba Ngôi. Không, những khái niệm trái nghịch Kinh-thánh như thế tạo thành nền tảng cho tín đồ Đấng Christ giả mạo. Thay vì thế, chúng ta dạy rằng ngài là người vĩ đại nhất đã từng sống, và ngài đã hy sinh mạng sống hoàn toàn của ngài vì chúng ta, và hiện nay ngài là Vua được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm cai trị trên trời (Rô-ma 5:8; Khải-huyền 11:15). Chúng ta cũng tìm cách để thúc đẩy những người học hỏi đi theo dấu chân của Chúa Giê-su và noi theo đức tính ngài (1 Phi-e-rơ 2:21). Chúng ta muốn họ cảm động sâu xa trước lòng sốt sắng của Chúa Giê-su về công việc thánh chức, lòng trắc ẩn của ngài đối với những người thấp kém bị áp bức, lòng thương xót của ngài đối với những người phạm tội bị tội lỗi giày vò, lòng can đảm không lay chuyển của ngài trước những thử thách. Thật vậy, Chúa Giê-su là một nền tảng tuyệt diệu. Nhưng điều kế tiếp là gì?
Dùng đúng vật liệu
9. Mặc dù Phao-lô là người chủ yếu đã đặt nền, ông đã quan tâm như thế nào đến những người đã chấp nhận lẽ thật về những gì ông dạy?
9 Phao-lô viết: “Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu-thạch, gỗ, cỏ khô, rơm-rạ mà xây trên nền ấy, thì công-việc của mỗi người sẽ bày-tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ-tường công-việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công-việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra” (1 Cô-rinh-tô 3:12, 13). Phao-lô muốn nói gì? Hãy xem lại bối cảnh thời ấy. Phao-lô chủ yếu là người đặt nền. Trong chuyến hành trình làm giáo sĩ, ông đi từ thành này đến thành kia, rao giảng cho nhiều người chưa hề nghe đến Đấng Christ (Rô-ma 15:20). Khi người ta chấp nhận lẽ thật ông dạy, hội thánh được thành lập. Phao-lô rất quan tâm đến những người trung thành này (2 Cô-rinh-tô 11:28, 29). Tuy nhiên, công việc đòi hỏi ông phải tiếp tục đi đến chỗ khác. Vì vậy, sau 18 tháng ở Cô-rinh-tô để đặt nền, ông rời thành đó để giảng dạy ở những thành khác. Nhưng ông rất muốn biết những người khác đã tiếp tục công việc ông làm như thế nào (Công-vụ các Sứ-đồ 18:8-11; 1 Cô-rinh-tô 3:6).
10, 11. a) Phao-lô so sánh những vật liệu xây nhà khác nhau như thế nào? b) Những loại nhà nào có lẽ đã có trong thành Cô-rinh-tô xưa? c) Những loại nhà nào có lẽ chống được lửa, và điều này cho những người đào tạo môn đồ của Đấng Christ bài học thực tế nào?
10 Dường như một số người đã không xây đúng cách trên nền mà Phao-lô đã đặt tại Cô-rinh-tô. Để vạch trần vấn đề, Phao-lô so sánh hai loại vật liệu xây cất: một bên là vàng, bạc và đá quí; còn một bên là gỗ, cỏ khô và rơm rạ. Một tòa nhà có thể được dựng bằng vật liệu chống lửa, tốt và bền; hoặc có thể được dựng lên vội vàng bằng cách dùng những đồ dở, tạm thời và dễ cháy. Một thành lớn như là Cô-rinh-tô chắc chắn có nhiều nhà bằng cả hai loại. Có những đền thờ uy nghi làm bằng những tảng đá to lớn mắc tiền, có lẽ mặt ngoài được chạm trổ bằng vàng và bạc.b Những tòa nhà vững bền này có lẽ đứng sừng sững kế cạnh những chòi tranh lụp xụp tồi tàn và những sạp chợ sườn gỗ mái lá.
11 Nếu có hỏa hoạn thì những nhà này sẽ ra thể nào? Câu trả lời rất rõ trong thời của Phao-lô cũng như thời nay. Thật vậy, thành Cô-rinh-tô bị chiếm và bị Tướng La Mã Mummius đốt cháy vào năm 146 TCN. Nhiều nhà bằng gỗ, cỏ khô, rơm rạ hay là những thứ dễ cháy chắc chắn hoàn toàn bị thiêu hủy. Còn những tòa nhà vững chắc bằng đá được chạm trổ bằng vàng bạc thì sao? Chắc chắn là những tòa nhà này vẫn còn. Những người học với Phao-lô ở Cô-rinh-tô chắc hẳn đã đi ngang qua những nhà đó hàng ngày—những tòa nhà bằng đá vượt qua tai họa không hề hấn gì, trong khi những căn chòi lụp xụp kế cạnh đã bị thiêu hủy từ lâu. Vì vậy, Phao-lô đã nhấn mạnh điểm này thật sống động làm sao! Khi dạy dỗ, chúng ta cần phải xem mình như là người xây. Chúng ta muốn dùng những vật liệu tốt nhất, bền nhất, nếu có thể được. Như thế, công việc của chúng ta có lẽ sẽ trường tồn. Những vật liệu bền bỉ này là gì và tại sao dùng chúng là điều quan trọng?
Công việc của bạn chống được lửa không?
12. Một số tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô đã xây cất cẩu thả như thế nào?
12 Rõ ràng là Phao-lô cảm thấy một số tín đồ Đấng Christ tại Cô-rinh-tô đã xây nhà một cách tồi tàn. Có điều gì không đúng? Như văn cảnh cho biết, hội thánh đã bị những vấn đề như chia rẽ, hâm mộ nhân cách loài người bất kể điều đó làm nguy hại đến sự hợp nhất của hội thánh. Một số người đã nói: “Ta là môn-đồ của Phao-lô”, trong khi những người khác nói: “Ta là của A-bô-lô”. Một số dường như quá coi trọng sự khôn ngoan của họ. Thảo nào mà ở đó có bầu không khí đầy những ý tưởng theo xác thịt, không thành thục về thiêng liêng và đầy dẫy “sự ghen-ghét và tranh-cạnh” (1 Cô-rinh-tô 1:12; 3:1-4, 18). Những thái độ này chắc chắn đã phản ảnh qua sự dạy dỗ trong hội thánh và trong thánh chức. Kết quả là việc đào tạo môn đồ của họ rất cẩu thả, giống như xây cất bằng những vật liệu xấu, không chống được “lửa”. Phao-lô nói về lửa nào?
13. Lửa trong minh họa của Phao-lô tượng trưng cho điều gì, và tất cả tín đồ Đấng Christ nên nhận biết điều gì?
13 Tất cả chúng ta đều phải đương đầu với lửa—những sự thử thách đức tin chúng ta (Giăng 15:20; Gia-cơ 1:2, 3). Các tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô cần biết, cũng như chúng ta ngày nay cần biết, rằng mỗi người mà chúng ta dạy lẽ thật sẽ bị thử thách. Nếu chúng ta dạy kém, thì sẽ có hậu quả đáng buồn. Phao-lô báo trước: “Ví bằng công-việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công-việc họ bị thiêu-hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy”c (1 Cô-rinh-tô 3:14, 15).
14. a) Những người đào tạo môn đồ có thể bị “mất phần thưởng” như thế nào, nhưng làm thế nào họ được cứu rỗi như qua lửa? b) Chúng ta có thể làm giảm nguy cơ bị mất phần thưởng đến mức tối thiểu như thế nào?
14 Những lời này quả là nghiêm trọng! Chúng ta rất đau đớn khi cố gắng giúp một người trở thành môn đồ để rồi thấy người đó không đứng nổi trước cám dỗ hoặc sự bắt bớ và cuối cùng lìa bỏ đường lối lẽ thật. Phao-lô nhìn nhận điều này khi ông nói rằng chúng ta bị thiệt trong những trường hợp như thế. Kinh nghiệm đó có thể đau lòng đến độ sự cứu rỗi của chúng ta được miêu tả như là “qua lửa vậy”—giống như một người mất tất cả trong lửa và chính người ấy suýt chút nữa là mất mạng. Về phần chúng ta, làm thế nào có thể làm giảm sự thiệt hại đến mức tối thiểu? Hãy xây với những vật liệu bền chắc! Nếu chúng ta dạy người học sao cho động đến lòng của họ, khiến họ quí trọng những đức tính quí giá của tín đồ Đấng Christ như là sự khôn ngoan, sáng suốt, kính sợ Đức Giê-hô-va và có đức tin chân thật, thì chúng ta đang xây với vật liệu bền chắc chống được lửa (Thi-thiên 19:9, 10; Châm-ngôn 3:13-15; 1 Phi-e-rơ 1:6, 7). Những người có được những đức tính này sẽ tiếp tục làm theo ý Đức Chúa Trời; họ chắc chắn có hy vọng được sống mãi mãi (1 Giăng 2:17). Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có thể dùng minh họa của Phao-lô một cách thực tế? Hãy xem xét vài thí dụ.
15. Nói về những người học Kinh-thánh, chúng ta có thể chắc chắn tránh được việc xây cất cẩu thả bằng những cách nào?
15 Khi giúp người khác học hỏi Kinh-thánh, chúng ta không bao giờ nên đề cao loài người hơn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Mục tiêu của chúng ta không phải là dạy họ xem chúng ta là nguồn khôn ngoan chính. Chúng ta muốn họ hướng đến Đức Giê-hô-va, Lời của Ngài, và tổ chức của Ngài để được hướng dẫn. Để làm điều này, chúng ta không nên cho họ ý kiến riêng của mình khi trả lời những câu hỏi. Thay vì vậy, chúng ta dạy họ tìm những câu giải đáp bằng cách dùng Kinh-thánh hoặc những ấn phẩm do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp (Ma-thi-ơ 24:45-47). Vì lý do tương tự, chúng ta phải cẩn thận tránh giữ người học hỏi Kinh-thánh cho riêng mình. Thay vì giận khi người khác tỏ sự chú ý đến họ, chúng ta nên khuyến khích những người học hỏi “mở rộng” tình cảm, tìm cách quen biết và quí trọng càng nhiều người trong hội thánh càng tốt (2 Cô-rinh-tô 6:12, 13).
16. Các trưởng lão có thể xây với vật liệu chống lửa như thế nào?
16 Các trưởng lão đạo Đấng Christ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môn đồ. Khi dạy dỗ trước hội thánh, họ tìm cách xây dựng bằng vật liệu chống lửa. Khả năng dạy dỗ, kinh nghiệm, và nhân cách của họ có lẽ rất khác nhau, nhưng họ không lợi dụng những điểm khác nhau này để thu hút người khác theo họ. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30). Chúng ta không biết rõ tại sao một số người ở Cô-rinh-tô nói: “Ta là môn-đồ của Phao-lô” hoặc “Ta là của A-bô-lô”. Nhưng chúng ta có thể dám chắc rằng không một ai trong những trưởng lão trung thành này cổ võ tinh thần chia rẽ như thế. Phao-lô không hãnh diện về những lời đó; ông hết sức bác bẻ lại (1 Cô-rinh-tô 3:5-7). Ngày nay cũng vậy, các trưởng lão nên nhớ rằng họ là người chăn “bầy của Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 5:2). Bầy không thuộc về bất cứ người nào. Vì vậy, các trưởng lão cứng rắn chống lại bất cứ khuynh hướng nào của một người muốn chế ngự bầy hoặc hội đồng trưởng lão. Miễn là các trưởng lão được thúc đẩy bởi lòng khiêm nhường ham muốn phụng sự hội thánh, tác động đến lòng người khác và giúp chiên hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, thì họ đã xây dựng bằng vật liệu chống lửa.
17. Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ cố gắng xây với vật liệu chống lửa như thế nào?
17 Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ cũng quan tâm sâu xa về vấn đề này. Họ mong muốn biết bao được thấy con cái họ sống mãi mãi! Vì vậy mà họ cố gắng rất nhiều để “ân-cần dạy-dỗ” hầu khắc ghi nguyên tắc của Lời Đức Chúa Trời vào lòng con cái họ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Họ muốn con cái biết lẽ thật, và đây không chỉ là một bộ luật lệ hoặc những lời kể lể các sự kiện, mà là một lối sống đầy đủ, thỏa mãn và hạnh phúc (1 Ti-mô-thê 1:11). Muốn xây dựng con cái trở thành môn đồ trung thành của Đấng Christ, cha mẹ yêu thương cố gắng dùng vật liệu chống lửa. Họ kiên nhẫn dạy dỗ con cái, giúp chúng loại bỏ những tính mà Đức Giê-hô-va ghét và vun trồng những đức tính Ngài yêu thích (Ga-la-ti 5:22, 23).
Ai chịu trách nhiệm?
18. Khi một môn đồ từ bỏ sự dạy dỗ tốt lành, tại sao điều đó không nhất thiết là lỗi của những người cố gắng dạy dỗ người đó?
18 Sự bàn luận này đưa đến một câu hỏi quan trọng. Nếu người, mà chúng ta đã giúp, bỏ lẽ thật, thì có phải là chúng ta đã thất bại, tức là chúng ta hẳn đã xây với vật liệu xấu không? Không hẳn như vậy. Lời của Phao-lô chắc chắn nhắc chúng ta nhớ đến trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng môn đồ. Chúng ta muốn cố gắng hết sức để xây cho chắc chắn. Nhưng Lời Đức Chúa Trời không nói rằng chúng ta phải gánh hết mọi trách nhiệm và cảm thấy tội lỗi khi những người mà chúng ta tìm cách giúp lại quay ra bỏ lẽ thật. Việc này có liên hệ đến những yếu tố khác ngoài vai trò của chúng ta là người xây. Thí dụ, hãy chú ý những gì Phao-lô nói về người xây dở trong công việc xây cất này: “[Người] mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu” (1 Cô-rinh-tô 3:15). Nếu người đó có thể cuối cùng được cứu rỗi—dù nhân cách tín đồ Đấng Christ mà người đó cố gắng xây dựng nơi người học hỏi được xem như là “bị thiêu-hủy” khi gặp thử thách nặng nề—thì chúng ta phải kết luận gì? Chắc chắn Đức Giê-hô-va buộc người học hỏi chịu trách nhiệm chủ yếu về những quyết định của người ấy là sẽ theo đường lối trung thành hay không.
19. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
19 Trách nhiệm riêng hoặc của mỗi người là vấn đề rất quan trọng. Nó ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta. Kinh-thánh dạy gì về vấn đề này? Bài tới sẽ xem xét điều này.
[Chú thích]
a ‘Nền trái đất’ có lẽ nói đến những lực thiên nhiên đã giữ nó—và tất cả những thiên thể trên trời—vững vàng trong vị trí của nó. Hơn nữa, chính trái đất đã được dựng nên một cách không hề “rúng-động” tức là không bị tiêu hủy (Thi-thiên 104:5).
b “Đá quí” mà Phao-lô nói đến không nhất thiết là kim cương và hồng ngọc. Chúng có thể là những loại đá xây cất đắt tiền như là cẩm thạch, thạch cao tuyết hoa, hoặc đá cứng màu xám.
c Phao-lô không nghi ngờ về sự cứu rỗi của người xây, nhưng không chắc về “công-việc” của người xây. Bản dịch Trịnh Văn Căn dịch câu này là: “Nếu công việc xây dựng mà đứng vững thì thợ xây được lĩnh thưởng. Nếu công việc xây dựng mà bị thiêu hủy thì thợ xây phải thiệt. Còn bản thân thợ xây được rủi dường như phải qua lửa”.
Bạn trả lời thế nào?
◻ “Nền” của tín đồ thật của Đấng Christ là gì, và được xây như thế nào?
◻ Chúng ta có thể học được điều gì về những loại vật liệu xây cất khác nhau?
◻ “Lửa” tượng trưng cho gì, và nó khiến một số người “mất phần thưởng” như thế nào?
◻ Những người dạy Kinh-thánh, trưởng lão và cha mẹ xây với vật liệu chống lửa như thế nào?
[Hình nơi trang 9]
Nhiều thành xưa vừa có những tòa nhà bằng đá chống được lửa vừa có những nhà dễ đổ