Quyết tâm sống theo đường lối của Đức Chúa Trời
Hội Nghị “Sống theo đường lối của Đức Chúa Trời” có nhiều điều cống hiến cho những ai muốn phụng sự Đức Chúa Trời! Một đại biểu diễn tả hội nghị là “thời gian tuyệt vời để được dạy dỗ, khích lệ, và soi sáng”.
MỘT đại biểu khác nói rằng “có nhiều điều để thưởng thức, suy ngẫm, hấp thụ”. Giờ đây chúng ta hãy xem xét chính chương trình hội nghị.
Chúa Giê-su Christ—Đường đi, lẽ thật, và sự sống
Đây là chủ đề của ngày đầu hội nghị. (Giăng 14:6) Bài giảng đầu tiên nêu lên mục đích chúng ta cùng nhau tập hợp tại hội nghị: để được dạy thêm về lối sống tốt nhất, tức sống theo đường lối của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va dạy dân Ngài cách bước theo đường lối Ngài. Để làm điều này, Ngài dùng Kinh Thánh, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, và thánh linh. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Lu-ca 4:1; 2 Ti-mô-thê 3:16) Thật là một đặc ân được Đấng Thống Trị hoàn vũ dạy dỗ!
Hòa hợp với chủ đề trong ngày, bài diễn văn chính là “Giá chuộc của Đấng Christ—Đường lối cứu rỗi của Đức Chúa Trời”. Để sống theo đường lối của Đức Chúa Trời, điều trọng yếu là thừa nhận vai trò của Chúa Giê-su Christ trong ý định của Đức Giê-hô-va. Anh diễn giả nói: “Nếu không có sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ, thì không một người nào, dù có niềm tin gì hoặc việc làm gì, có thể nhận được sự sống đời đời do Đức Chúa Trời ban cho”. Đoạn, anh trích dẫn Giăng 3:16, câu đó nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. Đặt đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết chính xác lẽ thật. Điều đó cũng bao gồm việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va, biểu trưng điều này bằng cách làm báp têm trong nước, và sống theo gương mẫu Chúa Giê-su Christ đã cung cấp.—1 Phi-e-rơ 2:21.
Mở đầu chương trình buổi chiều là bài giảng có nhan đề “Đường lối yêu thương không bao giờ thất bại”. Trong bài này, lời miêu tả hào hứng của Phao-lô về tình yêu thương ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 13:4-8 được thảo luận từng câu một. Cử tọa được nhắc nhở rằng tình yêu thương vị tha là một đặc điểm giúp người ta nhận biết đạo Đấng Christ, rằng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận là những đặc điểm tất yếu của sự thờ phượng được Đức Giê-hô-va chấp nhận.
Kế đó là bài thuyết trình phối hợp gồm ba phần, có nhan đề “Các bậc cha mẹ—Hãy khắc ghi vào lòng con cái đường lối của Đức Chúa Trời”. Các bậc cha mẹ có thể giúp con cái phụng sự Đức Chúa Trời bằng cách nêu gương tốt trong việc đọc và học hỏi Lời Ngài. Họ có thể khắc sâu lẽ thật vào lòng con cái qua việc học Kinh Thánh gia đình đều đặn, điều chỉnh tài liệu cho thích ứng với những nhu cầu của gia đình. Một điều cũng quan trọng là giúp con cái tham gia các hoạt động của hội thánh và thánh chức rao giảng. Dù nuôi dưỡng con cái kính sợ Đức Chúa Trời trong thế gian hung ác này là một thách thức, nhưng làm thế mang lại phần thưởng lớn lao.
Sau phần thuyết trình phối hợp là bài giảng “Hãy để Đức Giê-hô-va uốn nắn bạn để dùng vào việc đáng trọng”. Như người thợ gốm nặn cái bình bằng đất sét, Đức Chúa Trời uốn nắn những ai muốn phụng sự Ngài. (Rô-ma 9:20, 21) Ngài làm thế bằng cách cung cấp lời khuyên trong Lời Ngài và qua tổ chức Ngài. Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta tận dụng các khả năng nếu chúng ta tự nguyện hiến thân, nắm lấy cơ hội, và sẵn lòng để Ngài hướng dẫn.
Tiếp theo là một phần hào hứng của chương trình—“Phụng sự trong cánh đồng giáo sĩ”. Hiện nay có 2.390 người truyền giáo đạo Đấng Christ phục vụ với tư cách là giáo sĩ trên khắp đất trong 148 nước. Nêu gương tuyệt hảo về lòng trung thành và nhiệt tâm, họ biết ơn sâu xa về đặc ân phục vụ ở nước ngoài. Trong phần này của chương trình tại các hội nghị quốc tế, các giáo sĩ nói về những thách thức và sự vui mừng trong đời sống giáo sĩ.
Bài giảng cuối cùng trong ngày đầu tiên có tựa đề “Có đời sống sau khi chết không?” Câu hỏi này đã khiến nhân loại băn khoăn thắc mắc hàng ngàn năm rồi. Người ta trong mọi xã hội đã vật lộn với đề tài này. Không thiếu gì những điều người ta cho là các lời giải đáp. Những phong tục và tôn giáo của người ta đa dạng thế nào, thì các lời giải đáp của họ cũng đa dạng thế ấy. Tuy vậy, người ta cần học biết lẽ thật.
Sau đó, diễn giả cho ra mắt sách mỏng mới 32 trang, có nhiều màu Điều gì xảy ra khi chúng ta chết? Sách mỏng này giải thích nguồn gốc của sự dạy dỗ về linh hồn bất tử, và cho thấy khái niệm này đã trở nên chính yếu như thế nào trong hầu hết mọi tôn giáo trên thế giới ngày nay. Bằng một cách rành mạch và lôi cuốn, sách mỏng xem xét Kinh Thánh nói gì về linh hồn, tại sao chúng ta chết, và điều gì xảy ra khi chúng ta chết. Sách mỏng này cũng giải thích về hy vọng cho người chết và người sống. Ấn phẩm này sẽ thật là một ân phước cho những người tìm kiếm lẽ thật khắp mọi nơi!
Hãy thận trọng về cách ăn ở của anh em
Đây thật là một chủ đề thích hợp cho ngày thứ hai của hội nghị! (Ê-phê-sô 5:15) Chương trình buổi sáng quy tụ vào việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Sau cuộc thảo luận đoạn Kinh Thánh mỗi ngày, nối tiếp chương trình là bài giảng “Giúp người ta đi trên con đường dẫn đến sự sống”. Khi tiến hành công việc cấp bách này, điều quan trọng là có thái độ tích cực, ý thức rằng việc chia sẻ lẽ thật với người khác vừa là đặc ân vừa là bổn phận. Trong thế kỷ thứ nhất CN, hầu hết người ta bác bỏ Lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, dù có sự chống đối, vẫn có những người ‘có lòng ngay thẳng để được sống đời đời tin theo đạo’. (Công-vụ các Sứ-đồ 13:48, 50, NW; 14:1-5) Tình huống ngày nay cũng tương tự như thế. Mặc dù nhiều người bác bỏ lẽ thật trong Kinh Thánh, chúng ta tiếp tục tìm kiếm những ai hưởng ứng.—Ma-thi-ơ 10:11-13.
Bài giảng kế thảo luận sự khó khăn trong việc mang thông điệp về sự sống đến với người khác. Bởi vì hiện nay khó gặp người ta ở nhà như trước, nên chúng ta cần tìm kỹ và tỏ ra tháo vát nếu muốn mang thông điệp Nước Trời đến với càng nhiều người càng tốt. Ở nhiều nước, những người công bố tin mừng đạt được kết quả tốt qua việc làm chứng bằng điện thoại và bằng cách rao giảng trong khu vực thương mại, như thế họ gặp được những người trước đó khó tiếp xúc bằng những cách khác.
Bài giảng mang nhan đề “Dạy môn đồ mọi điều Đấng Christ đã truyền” quy tụ vào tầm quan trọng của việc trở nên khéo léo trong thánh chức. Kỹ năng dạy dỗ của chúng ta được dùi mài khi học hỏi người khác và áp dụng sự huấn luyện tuyệt hảo nhận được trong các buổi họp của hội thánh. Khi trở nên khéo léo trong sự dạy dỗ, thì chúng ta thấy vui mừng và thỏa mãn hơn trong công việc giúp người ta học lẽ thật Kinh Thánh.
Chương trình buổi sáng kết thúc với bài giảng về ý nghĩa của sự dâng mình và làm báp têm. Một trong các luận điểm của diễn giả là nếu chúng ta hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời và cố gắng hết sức làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài sẽ ban phước và nâng đỡ chúng ta. Một người khôn ngoan viết: “Phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. (Châm-ngôn 3:6) Chính dịp làm báp têm đầy vui mừng là một điểm nổi bật của hội nghị, nó chứng tỏ rằng nhiều người đã bắt đầu sống theo đường lối của Đức Chúa Trời.
Sau giờ nghỉ trưa, mở đầu chương trình buổi chiều là bài giảng “Phụng sự với triển vọng sống đời đời”. Ý định Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện, đó là những người biết vâng lời phụng sự Ngài mãi mãi trên đất. Thế thì, thật thích hợp biết bao là chúng ta tập trung tư tưởng, dự tính, và hy vọng vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va với triển vọng sống đời đời! Dù nên nhớ “ngày của Đức Chúa Trời”, nhưng điều trọng yếu là nhớ rằng mục tiêu của chúng ta là phụng sự vĩnh viễn. (2 Phi-e-rơ 3:12) Vì không biết chính xác khi nào Chúa Giê-su sẽ thi hành sự báo thù của Đức Chúa Trời, nên điều đó giúp chúng ta cảnh giác, và hàng ngày cho chúng ta cơ hội để chứng tỏ rằng mình không phụng sự Đức Giê-hô-va với động cơ ích kỷ.
Hai bài giảng kế đó xem xét chương thứ tư của lá thư Phao-lô viết cho người Ê-phê-sô. Trong số những điều thảo luận là ân phước chúng ta có qua “món quà dưới hình thức người”, những người hội đủ các điều kiện thiêng liêng được thánh linh bổ nhiệm. Những trưởng lão này cho lời khuyên và hướng dẫn vì lợi ích về thiêng liêng của chúng ta. Lá thư được soi dẫn của Phao-lô cũng khuyên giục tín đồ Đấng Christ mặc lấy “nhân cách mới”. (Ê-phê-sô 4:8, 24, NW) Một nhân cách tin kính bao gồm các đức tính như lòng thương xót, sự nhân từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục, và lòng yêu thương.—Cô-lô-se 3:12-14.
Thận trọng về cách ăn ở của chúng ta bao gồm việc giữ mình cho khỏi sự ô uế của thế gian—đề tài của bài giảng kế. Cần có sự thăng bằng trong việc lựa chọn sự giải trí, vui chơi bạn bè, và đeo đuổi vật chất. Bằng cách áp dụng lời khuyên ở Gia-cơ 1:27 để giữ mình cho khỏi sự ô uế của thế gian, thì chúng ta có được vị thế trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời và một lương tâm tốt. Chúng ta cũng có thể sống có mục đích và sẽ được ban cho sự bình an, thịnh vượng thiêng liêng, và những bạn hữu tuyệt vời.
Rồi đến bài thuyết trình phối hợp gồm ba phần, có nhan đề “Các bạn trẻ—Hãy sống theo đường lối của Đức Chúa Trời”. Biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương những người trẻ và quý trọng nỗ lực của họ để ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch, những người trẻ phải rèn luyện khả năng nhận thức để phụng sự Ngài một cách trung thành. Một cách để phát triển khả năng nhận thức là đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời hàng ngày. Nếu làm thế, chúng ta có thể học biết đường lối của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 119:9-11) Khả năng nhận thức cũng phát triển nhờ chấp nhận lời khuyên của những người thành thục như cha mẹ, trưởng lão và trong sách báo của Hội. Nhờ việc dùng đúng cách khả năng nhận thức mà giới trẻ tránh được lời lẽ thô tục, sự chú ý thái quá đến của cải vật chất, và sự giải trí quá độ, là các đặc điểm của thế gian xa cách Đức Chúa Trời. Bằng cách sống theo đường lối của Đức Chúa Trời, già cũng như trẻ có thể thành công thật sự.
Bài giảng cuối cùng trong ngày là “Đấng Tạo Hóa—Cá tính và đường lối của Ngài”. Sau khi chỉ rõ là hàng tỷ người không biết Đấng Tạo Hóa, diễn giả nói: “Ý nghĩa thật sự của đời sống liên quan đến việc biết Đấng Tạo Hóa, cá thể của Đức Chúa Trời chúng ta; nhìn nhận cá tính của Ngài; và noi theo đường lối Ngài... Bạn có thể dùng những sự kiện về thế giới và về chúng ta để giúp người ta chấp nhận Đấng Tạo Hóa và tìm ra ý nghĩa liên quan đến Ngài”. Đoạn, diễn giả thảo luận bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa khôn ngoan và yêu thương. Cao điểm của bài giảng là lúc ra mắt quyển sách mới—Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?
“Nầy là đường đây, hãy noi theo!”
Đây là chủ đề ngày thứ ba của hội nghị. (Ê-sai 30:21) Mở đầu chương trình là phần thuyết trình phối hợp hào hứng gồm ba bài giảng, quy tụ vào sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ. Sự hiện thấy này có nhiều ý nghĩa cho dân Đức Chúa Trời ngày nay, bởi lẽ nó liên quan đến sự thờ phượng thanh sạch trong thời chúng ta. Mấu chốt để hiểu sự hiện thấy là: đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va tượng trưng việc sắp đặt về sự thờ phượng thanh sạch. Khi các diễn giả thảo luận các đặc điểm của sự hiện thấy, thì thính giả ngẫm nghĩ về hoạt động của họ trong việc ủng hộ công việc được thực hiện bởi các giám thị đầy yêu thương thuộc lớp người được xức dầu còn sót lại và bởi các thành viên tương lai của lớp quan trưởng.
Trong buổi sáng đó, có một vở kịch sống động căn cứ trên Kinh Thánh, do các diễn viên mặc trang phục diễn xuất. Vở kịch có nhan đề “Hỡi gia đình—Hãy có thói quen đọc Kinh Thánh hàng ngày!” Nó diễn tả đức tin và lòng can đảm của ba người Hê-bơ-rơ không chịu quỳ lạy pho tượng vàng Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn dựng lên. Mục tiêu của vở kịch là chứng tỏ rằng Kinh Thánh không những là quyển sách nói về lịch sử xa xưa mà lời khuyên của nó còn thật sự hữu ích cho cả trẻ em lẫn người lớn ngày nay.
Buổi chiều là lúc nghe bài diễn văn công cộng “Đường lối duy nhất dẫn đến sự sống đời đời”. Sau khi truy nguyên việc nhân loại sa vào tội lỗi và sự chết, diễn giả kết luận bằng những lời khiến mọi người suy nghĩ: “Chủ đề Kinh Thánh của hội nghị ngày hôm nay dựa trên Ê-sai chương 30, câu 21, nói: ‘Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!’ Làm sao chúng ta nghe thấy tiếng nói này? Nhờ lắng nghe Lời Đức Chúa Trời, là Kinh Thánh, và bằng cách làm theo chỉ thị mà Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cung cấp qua Kinh Thánh và qua tổ chức tín đồ Đấng Christ thời nay của Ngài. Thật thế, đây là đường lối duy nhất dẫn đến sự sống đời đời”.
Sau phần tóm tắt bài học Tháp Canh trong tuần là bài giảng cuối cùng mang nhan đề “Hãy tiếp tục bước đi trong đường lối Đức Giê-hô-va”. Một phần của bài giảng này ôn lại các điểm chính của chương trình. Đoạn, anh diễn giả trình bày nghị quyết thể hiện quyết tâm tiếp tục sống theo đường lối của Đức Chúa Trời.
Nghị quyết kết thúc bằng những lời hào hứng này: “Chúng ta tin chắc rằng việc sống theo nguyên tắc, lời khuyên, và nhắn nhủ của Kinh Thánh dẫn đến lối sống tốt nhất ngày nay, và đặt nền tảng tốt cho tương lai, như vậy chúng ta có thể cầm lấy sự sống thật. Trên hết mọi sự, chúng ta chấp nhận nghị quyết này bởi vì chúng ta yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời với tất cả tấm lòng, linh hồn, tâm trí, và sức lực!” Tất cả những người hiện diện đều tán thành; họ hô lớn: Đồng ý!
[Khung/Hình nơi trang 8]
Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?
Quyển sách mới mang tựa đề trên trình bày bằng chứng có sức thuyết phục về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va, và thảo luận các đức tính của Ngài. Nó được biên soạn đặc biệt nhằm vào những người có học vấn cao về những vấn đề thế tục nhưng lại không tin là có Đức Chúa Trời. Quyển sách 192 trang này cũng sẽ tăng thêm đức tin của những người đã tin là có Đức Chúa Trời, xây dựng lòng quý trọng của họ đối với cá tính và đường lối của Ngài.
Sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không? không giả định rằng độc giả tin là có Đức Chúa Trời. Trái lại, nó thảo luận những phát hiện và khái niệm khoa học gần đây xác nhận như thế nào về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Trong các chương trong sách, một số có nhan đề như “Điều gì có thể tạo cho đời sống bạn có ý nghĩa?”, “Vũ trụ của chúng ta đã xuất hiện như thế nào?—Cuộc tranh luận”, và “Con người bạn độc đáo biết bao!” Còn những chương khác thì xem xét tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. Quyển sách mới này cũng cho một quan điểm bao quát về Kinh Thánh là cuốn sách tiết lộ về cá tính và đường lối của Đấng Tạo Hóa. Quyển sách này không những thảo luận tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép nhiều đau khổ như thế mà cũng giải thích cách Ngài sẽ chấm dứt nó mãi mãi.
[Hình nơi trang 7]
Nhiều người đã làm báp têm
[Hình nơi trang 7]
A. D. Schroeder, một thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, cho ra mắt sách mỏng mới
[Hình nơi trang 8, 9]
Một vở kịch hào hứng khuyến khích việc đọc Kinh Thánh hàng ngày