Hơn 40 năm bị cấm đoán
DO MIKHAIL VASILEVICH SAVITSKII KỂ LẠI
Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-4-1956 tường thuật rằng vào ngày 1, 7 và 8 tháng 4 năm 1951, một số đông Nhân Chứng Giê-hô-va “bị trục xuất”. Tháp Canh giải thích: “Nhân Chứng Giê-hô-va ở Nga khó quên những ngày đó. Vào ba ngày đó, tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va tìm thấy ở miền Tây Ukraine, Bạch Nga [Belarus], Bessarabia, Moldavia, Latvia, Lithuania và Estonia—hơn bảy ngàn người đàn ông và đàn bà... bị đưa lên xe kéo, chở đến trạm xe lửa và dồn vào những toa chở súc vật để đưa đi xứ xa”.
VÀO ngày 8-4-1951, vợ tôi, con trai tôi mới được tám tháng, cha mẹ tôi, em trai tôi, và nhiều Nhân Chứng khác ở thành phố Ternopol’ và những vùng phụ cận ở Ukraine đã bị lính tới nhà bắt đem đi. Sau khi bị dồn vào những toa xe lửa chở súc vật, họ phải trải qua cuộc hành trình khoảng hai tuần. Cuối cùng, họ xuống xe ở vùng rừng cận bắc cực, tại Siberia, phía tây Hồ Baikal.
Tại sao tôi không có mặt trong số người bị trục xuất? Trước khi kể cho bạn biết tôi ở đâu vào lúc đó và điều gì xảy ra cho chúng tôi sau này, tôi xin kể lại tôi đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va trong trường hợp nào.
Chúng tôi được nghe lẽ thật Kinh Thánh
Vào tháng 9-1947, khi tôi mới 15 tuổi, hai Nhân Chứng Giê-hô-va tới thăm nhà tôi ở làng nhỏ Slaviatin, cách Ternopol’ khoảng 50 kilômét. Khi mẹ và tôi ngồi nghe hai người trẻ này—trong đó có một cô tên Maria—tôi nhận thấy rằng tôn giáo này không giống các tôn giáo khác. Họ giải thích tín ngưỡng của họ và trả lời những câu hỏi của chúng tôi về Kinh Thánh một cách rành mạch.
Tôi tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, nhưng giáo hội làm tôi thất vọng. Ông ngoại tôi thường nói: “Các ông linh mục dọa người ta bằng sự thống khổ nơi hỏa ngục, nhưng chính họ thì chẳng sợ gì cả. Họ bóc lột và lừa gạt người nghèo”. Tôi nhớ lại người ta đã hành hung và đốt nhà của những người Ba Lan sống ở làng tôi vào đầu Thế Chiến II. Thật đáng sửng sốt khi chủ mưu những cuộc tấn công này lại là một linh mục Công Giáo Hy Lạp. Sau khi thấy xác của hàng chục nạn nhân bị sát hại, tôi rất muốn biết tại sao người ta lại tàn ác đến thế.
Khi học Kinh Thánh với các Nhân Chứng, tôi bắt đầu hiểu. Tôi học được những lẽ thật Kinh Thánh căn bản, kể cả sự kiện không có hỏa ngục nào cả, và Sa-tan Ma-quỉ dùng tôn giáo giả để cổ võ chiến tranh và sự đổ máu. Thỉnh thoảng, đang lúc học hỏi cá nhân, tôi ngừng lại để thành tâm cầu nguyện Đức Giê-hô-va, cám ơn Ngài về những điều tôi đang học. Tôi bắt đầu nói lại những lẽ thật Kinh Thánh này với em trai tôi, Stakh, và tôi rất vui mừng khi em ấy chấp nhận lẽ thật.
Áp dụng những điều đã học
Tôi thấy cần phải thay đổi lối sống và lập tức bỏ hút thuốc. Tôi cũng hiểu mình phải đều đặn hội họp với người khác để học hỏi Kinh Thánh một cách có tổ chức. Mỗi lần đi nhóm họp, tôi phải băng qua đường rừng khoảng 10 kilômét đến một nơi bí mật. Đôi khi chỉ có vài phụ nữ đến được, và dù tôi chưa báp têm, họ nhờ tôi điều khiển buổi họp.
Có sách báo Kinh Thánh bên mình là điều rất nguy hiểm, và nếu bị bắt gặp thì có thể bị án tù đến 25 năm. Tuy vậy, tôi muốn có thư viện riêng. Một ông hàng xóm từng học với Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng vì sợ bị bắt nên ông bỏ học và chôn sách báo trong vườn. Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va khi ông ấy đào lên cả đống sách báo và đồng ý cho tôi! Tôi giấu chúng trong các đõ ong của cha tôi, một nơi ít ai sẽ lục soát.
Vào tháng 7-1949, tôi dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm để biểu hiệu sự dâng mình. Đó là ngày vui sướng nhất đời tôi. Anh Nhân Chứng làm báp têm bí mật cho tôi nhấn mạnh rằng làm tín đồ thật của Đấng Christ không phải là việc dễ và tôi sẽ gặp nhiều thử thách. Chẳng bao lâu, tôi nghiệm thấy anh ấy nói rất đúng! Tuy vậy, giai đoạn đầu sau khi làm báp têm trở thành Nhân Chứng rất vui mừng. Hai tháng sau khi làm báp têm, tôi cưới Maria, một trong hai người đã giới thiệu lẽ thật cho tôi và mẹ tôi.
Thử thách đầu tiên đến đột ngột
Vào ngày 16-4-1950, tôi đang trên đường về từ thị trấn Podgaitsi thì thình lình bị một toán lính chặn lại và họ tìm thấy sách báo Kinh Thánh mà tôi đang mang tới nhóm học sách. Tôi bị bắt giữ. Trong vài ngày đầu bị giam, tôi bị đánh bằng gậy và không được ăn hay ngủ. Họ cũng bảo tôi phải giơ tay trên đầu rồi làm động tác ngồi xuống đứng lên một trăm lần, nhưng tôi mệt lử không làm nổi. Sau đó, tôi bị nhốt dưới tầng hầm lạnh lẽo và ẩm ướt suốt 24 tiếng đồng hồ.
Họ ngược đãi tôi cốt để giảm sức chống cự của tôi và để dễ bề moi được thông tin. Họ tra hỏi: “Mày lấy sách báo từ đâu, và mày đem cho ai?” Tôi không tiết lộ gì hết. Rồi họ đọc một phần của điều luật mà họ định dùng để xử tôi. Luật ấy nói ai có hoặc phổ biến tài liệu chống Liên Sô có thể bị xử tử hay lãnh án tù 25 năm.
Họ hỏi: “Mày thích hình phạt nào?”
Tôi trả lời: “Tôi không thích cái nào cả. Nhưng tôi tin cậy Đức Giê-hô-va, và với sự giúp đỡ của Ngài tôi sẽ chấp nhận bất cứ điều gì Ngài cho phép”.
Tôi rất ngạc nhiên khi họ thả tôi về sau bảy ngày. Kinh nghiệm đó đã giúp tôi nhận thấy sự thật của lời hứa Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”.—Hê-bơ-rơ 13:5.
Khi về được đến nhà, tôi bị bệnh nặng, nhưng cha dẫn tôi đến bác sĩ và không lâu sau tôi bình phục. Dù là người duy nhất trong gia đình không tin đạo, cha vẫn ủng hộ sự thờ phượng của chúng tôi.
Bị tù và đày ải
Vài tháng sau tôi bị gọi vào quân đội Liên Sô. Tôi giải thích rằng tôi không thể nhập ngũ vì cớ lương tâm. (Ê-sai 2:4) Dù vậy, vào tháng 2-1951, tôi bị xử bốn năm tù và điệu đi nhà tù ở Ternopol’. Sau này, họ giải tôi đến nhà tù ở L’viv, một thành phố lớn hơn cách đó khoảng 120 kilômét. Ở nhà tù đó, tôi được biết rằng nhiều Nhân Chứng đã bị đày đi Siberia.
Mùa hè năm 1951, một nhóm người chúng tôi bị đày đi còn xa hơn Siberia nữa, tận đến vùng Viễn Đông. Chúng tôi đi đường cả một tháng—khoảng 11.000 kilômét—băng qua 11 múi giờ! Trong suốt chuyến đi đó, chúng tôi chỉ dừng lại một lần để tắm rửa, sau hơn hai tuần đi đường. Đó là một nhà tắm công cộng lớn ở Novosibirsk, Siberia.
Tại đó, giữa đám đông tù nhân, tôi nghe một ông nói to: “Ai ở đây thuộc nhà Giô-na-đáp?” Lúc ấy, Nhân Chứng Giê-hô-va dùng từ “Giô-na-đáp” để gọi những người có hy vọng sống đời đời trên đất. (2 Các Vua 10:15-17; Thi-thiên 37:11, 29) Vài tù nhân lập tức nhận mình là Nhân Chứng. Chúng tôi vui sướng chào hỏi nhau!
Sinh hoạt thiêng liêng trong tù
Khi còn ở Novosibirsk, chúng tôi đồng ý dùng một mật khẩu để nhận biết nhau sau này. Tất cả chúng tôi đều bị chuyển đến cùng một trại tù gần Biển Nhật Bản, không xa Vladivostok. Tại đó chúng tôi đều đặn tổ chức những buổi học Kinh Thánh. Nhờ được ở gần các anh lớn tuổi, thành thục này, là những người bị hạn tù dài mà tôi được củng cố về thiêng liêng. Họ thay phiên nhau điều khiển buổi họp, dùng những câu Kinh Thánh và các điểm liên hệ mà họ nhớ lại trong tạp chí Tháp Canh.
Cử tọa đặt câu hỏi, và các anh trả lời. Nhiều người chúng tôi lấy bao trống đựng xi-măng, cắt ra thành miếng và dùng để ghi chú. Chúng tôi giữ lại các mảnh giấy này rồi cột chung lại để tham khảo riêng. Sau vài tháng, những ai lãnh án tù dài bị điệu đi trại tù ở miền cực bắc Siberia. Tôi và hai anh trẻ khác được chuyển đến Nakhodka, một thành phố gần đó cách Nhật Bản không tới 650 kilômét. Tại đó, tôi ở tù hai năm.
Thỉnh thoảng chúng tôi có được một tờ Tháp Canh. Trong nhiều tháng trời, đó là thức ăn thiêng liêng cho chúng tôi. Với thời gian, chúng tôi cũng nhận được thư từ. Thư đầu tiên tôi nhận từ gia đình (lúc đó bị đày ải) đã khiến tôi rơi nước mắt. Như được miêu tả trong Tháp Canh trích ở đầu bài, họ kể rằng lính tới xâm nhập các nhà Nhân Chứng và bảo các gia đình phải rời khỏi nhà trong chỉ hai tiếng đồng hồ.
Đoàn tụ với gia đình
Dù lãnh án tù bốn năm, tôi được thả vào tháng 12-1952 sau hai năm bị giam giữ. Tôi đoàn tụ với gia đình ở Gadaley, một làng nhỏ gần Tulun, Siberia, nơi mà họ bị lưu đày. Dĩ nhiên, tôi quá đỗi vui mừng được sum họp với gia đình—con trai tôi, Ivan, sắp lên ba, và con gái tôi, Anna, sắp lên hai. Tuy nhiên, sự tự do của tôi bị hạn chế. Nhà chức trách địa phương tịch thu giấy thông hành của tôi, và thường theo dõi tôi. Tôi không được đi xa nhà hơn ba kilômét. Sau này, họ cho phép tôi cưỡi ngựa đến chợ ở Tulun. Tôi rất cẩn thận khi đi gặp anh em Nhân Chứng tại đó.
Lúc bấy giờ, chúng tôi có hai gái, Anna và Nadia, và hai trai, Ivan và Kolya. Vào năm 1958, chúng tôi sanh thêm một bé trai, Volodya. Và sau này, vào năm 1961, chúng tôi sanh thêm một bé gái, Galia.
Lính KGB (cựu ủy ban an ninh quốc gia) thường giữ tôi lại để tra hỏi. Họ không những muốn tôi tiết lộ thông tin về hội thánh mà còn muốn làm người khác nghi ngờ rằng tôi hợp tác với họ. Vì vậy đôi khi họ dẫn tôi đi ăn nhà hàng sang trọng và cố chụp hình tôi tươi cười, vui chơi với họ. Nhưng tôi hiểu được mưu đồ ấy, và tôi luôn cố ý cau mày. Mỗi lần bị giữ lại, tôi kể lại với anh em chi tiết điều gì đã xảy ra. Vì thế họ không bao giờ nghi ngờ lòng trung thành của tôi.
Liên lạc với các trại tù
Qua nhiều năm, hàng trăm Nhân Chứng bị bắt đi trại tù. Trong suốt thời gian này, chúng tôi thường xuyên liên lạc với anh em trong tù, cung cấp sách báo cho họ. Bằng cách nào? Khi anh chị nào được thả ra, chúng tôi hỏi họ về những cách đưa lén sách báo vào trong tù, dù nhà tù được kiểm soát chặt chẽ. Trong khoảng mười năm, chúng tôi đã đưa sách báo từ Ba Lan và những nước khác đến tay anh em trong trại.
Nhiều chị tín đồ Đấng Christ đã bỏ ra nhiều giờ vất vả chép sách báo thành chữ nhỏ li ti đến nỗi có thể giấu cả một tạp chí trong một hộp diêm! Vào năm 1991, khi chúng tôi không còn bị cấm đoán nữa và nhận được tạp chí tuyệt đẹp in bốn màu, một chị nói: “Bây giờ chúng tôi sẽ bị lãng quên”. Chị ấy đã lầm. Dù con người có thể quên, nhưng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ quên công việc của các chị trung thành đó!—Hê-bơ-rơ 6:10.
Di chuyển và gặp chuyện thảm thương
Gần cuối năm 1967, nhà em tôi ở Irkutsk bị lục soát. Công an tìm được phim và sách báo về Kinh Thánh. Em bị kết án ba năm tù. Nhưng khi công an đến lục soát nhà chúng tôi, họ không tìm được gì cả. Tuy vậy, nhà cầm quyền vẫn tình nghi chúng tôi, nên chúng tôi phải dọn đi nơi khác. Chúng tôi dọn đến thành phố Nevinnomyssk, khoảng 5.000 kilômét về phía tây, ở vùng núi Caucasus. Tại đó chúng tôi bận rộn làm chứng bán chính thức.
Tháng 6-1969, một chuyện thảm thương đã xảy ra vào ngày đầu các con tôi nghỉ hè. Khi con trai 12 tuổi của tôi là Kolya đi lượm một trái banh gần một máy biến thế có điện áp cao, cháu bị điện giật trầm trọng. Người cháu bị phỏng hơn 70 phần trăm. Ở bệnh viện, cháu quay sang hỏi tôi: “Mình có đi ra đảo chơi nữa không, ba?” (Cháu muốn nói đến một hòn đảo mà chúng tôi thích đến chơi). Tôi nói: “Có con à, cha con mình sẽ đi thăm đảo đó nữa. Khi Chúa Giê-su Christ làm cho con sống lại, chắc chắn là mình sẽ đi thăm”. Nửa tỉnh, cháu cứ hát bài hát Nước Trời cháu thích nhất, bài mà trước kia cháu thổi kèn trong ban nhạc của hội thánh. Ba ngày sau, cháu mất, vững tâm tin tưởng nơi hy vọng về sự sống lại.
Năm sau, con tôi là Ivan bị gọi đi lính lúc 20 tuổi. Khi không chịu nhập ngũ, cháu bị bắt giữ và bị giam tù ba năm. Vào năm 1971, tôi bị động viên và một lần nữa người ta dọa bỏ tôi vào tù vì không phục vụ. Vụ xét xử kéo dài nhiều tháng. Cùng lúc đó vợ tôi bị bệnh ung thư và rất cần được chăm sóc. Vì thế họ bác bỏ vụ của tôi. Maria qua đời năm 1972. Bà là bạn đời rất trung thành, và trung tín với Đức Giê-hô-va cho đến khi qua đời.
Gia đình chúng tôi dọn đi khắp nơi
Vào năm 1973, tôi cưới Nina. Cha cô đã đuổi cô ra khỏi nhà vào năm 1960 vì cô trở thành Nhân Chứng. Cô là một người sốt sắng đi truyền giáo, là một trong số các chị chịu khó sao chép tạp chí cho anh chị em trong trại. Con cái tôi cũng mến Nina.
Nhà cầm quyền ở Nevinnomyssk không thích công việc của chúng tôi và gây áp lực để chúng tôi dọn đi chỗ khác. Vì vậy năm 1975, vợ chồng chúng tôi và các con gái tôi dọn đi tỉnh Georgia, ở miền nam vùng Caucasus. Cũng vào lúc đó, hai con trai tôi là Ivan và Volodya dọn đến Dzhambul, ở biên giới phía nam Kazakstan.
Ở Georgia, Nhân Chứng Giê-hô-va mới bắt đầu hoạt động. Chúng tôi rao giảng bán chính thức ở vùng Gagra và Sukhumi và xung quanh đó, trên bờ Biển Đen, và sau một năm, mười Nhân Chứng mới đã làm báp têm trong một con sông ở vùng núi. Chẳng bao lâu sau, nhà cầm quyền khăng khăng muốn chúng tôi phải rời vùng đó, vậy chúng tôi dọn đến miền đông Georgia. Tại đó, chúng tôi càng nỗ lực tìm kiếm những người giống như chiên, và Đức Giê-hô-va đã ban phước chúng tôi.
Chúng tôi họp lại từng nhóm nhỏ. Ngôn ngữ khác nhau đã gây trở ngại, vì chúng tôi không biết nói tiếng Georgian, còn một số người Georgian thì không biết nói rành tiếng Nga. Thoạt đầu, chúng tôi chỉ học với người Nga. Tuy nhiên, không bao lâu thì công việc rao giảng và dạy dỗ bằng tiếng Georgian đã tiến triển, và hiện nay có hàng ngàn người công bố về Nước Trời ở Georgia.
Vào năm 1979, ông chủ tôi bị KGB gây áp lực, và ông nói tôi không được ở lại xứ đó nữa. Trong khoảng thời gian đó, con gái tôi là Nadia bị đụng xe, và cháu cũng như đứa con gái còn nhỏ tuổi bị thiệt mạng. Năm trước đó, mẹ tôi mất ở Nevinnomyssk, trung thành với Đức Giê-hô-va cho đến giờ phút chót, vậy chỉ còn cha và em tôi. Thế nên chúng tôi quyết định trở về ở gần họ.
Sự nhịn nhục đem lại ân phước
Ở Nevinnomyssk, chúng tôi tiếp tục in ấn sách báo về Kinh Thánh một cách bí mật. Có lần vào giữa thập niên 1980, nhà cầm quyền triệu tôi lên văn phòng, và tôi nói với họ tôi nằm mơ thấy mình đang giấu tạp chí. Họ cười. Khi tôi sắp ra về, một người nói với tôi: “Mong rằng ông không còn nằm mơ thấy mình giấu sách báo nữa”. Ông ấy kết luận: “Chẳng bao lâu, ông có thể trưng sách báo trên kệ, và hai vợ chồng ông có thể khoác tay nhau và cầm Kinh Thánh đi nhóm họp”.
Vào năm 1989 chúng tôi đau buồn khi con gái tôi là Anna chết vì bị phình mạch ở não. Cháu mới 38 tuổi. Cùng năm đó, vào tháng 8, Nhân Chứng ở Nevinnomyssk mướn xe lửa đi đến Warsaw, Ba Lan, để dự hội nghị quốc tế. Tại đó có 60.366 người hiện diện, kể cả hàng ngàn người đến từ Liên Bang Sô Viết. Chúng tôi tưởng mình đang nằm mơ! Chưa đầy hai năm sau, vào ngày 27-3-1991, tôi có đặc ân đi đến Moscow cùng với bốn anh trưởng lão hội thánh lâu năm ở Liên Bang Sô Viết để ký tên vào văn kiện lịch sử chính thức hóa tổ chức tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va!
Tôi vui sướng thấy các con tôi đang trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Và tôi trông mong thế giới mới của Đức Chúa Trời, khi tôi có thể gặp lại Anna, Nadia và đứa cháu ngoại, cũng như Kolya. Khi Kolya được sống lại, tôi sẽ giữ lời hứa dẫn cháu tới hòn đảo mà chúng tôi đã vui thích đi thăm nhiều năm trước.
Trong khi chờ đợi, tôi vui mừng thấy lẽ thật Kinh Thánh phát triển nhanh tại vùng đất rộng lớn này! Tôi thật sự an phận, và cảm tạ Đức Giê-hô-va đã cho tôi trở thành Nhân Chứng của Ngài. Tôi tin chắc sự thật ghi nơi Thi-thiên 34:8: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao! Phước cho người nào nương-náu mình nơi Ngài!”
[Hình nơi trang 25]
Năm tôi đoàn tụ với gia đình ở Tulun
[Hình nơi trang 26]
Phía trên: Cha và các con tôi đứng trước ngôi nhà của chúng tôi ở Tulun, Siberia
Phía trên bên phải: Con tôi là Nadia, và cháu ngoại, đã bị đụng xe chết
Bên phải: Hình chụp gia đình năm 1968