Họ làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va
Phao-lô khắc phục nghịch cảnh
PHAO-LÔ ở trong tình trạng tuyệt vọng. Ông và 275 người khác ở trên tàu rơi vào tình thế rất nguy hiểm do trận cuồng phong Ơ-ra-qui-lôn—rất dữ dội thổi qua Địa Trung Hải. Cơn bão này khốc liệt đến độ ban ngày không thấy mặt trời, và ban đêm không thấy sao. Điều dễ hiểu là mọi người trên tàu đều rất lo sợ cho mạng sống mình. Tuy thế, Phao-lô an ủi họ bằng cách thuật lại những gì Đức Chúa Trời đã tỏ cho ông biết trong giấc mộng: “Trong các ngươi chẳng mất ai hết, chỉ mất chiếc tàu mà thôi”.—Công-vụ các Sứ-đồ 27:14, 20-22.
Vào đêm thứ 14 của cơn bão, các thủy thủ ngạc nhiên khám phá ra rằng nước chỉ sâu 20 sải.a Đi một quãng ngắn, họ lại thả neo thăm dò. Lần này, nước chỉ ở độ sâu 15 sải. Đã gần đến đất liền! Nhưng tin vui này lại hàm ẩn một điều đáng lo ngại. Bị sóng nhồi nghiêng ngả vào ban đêm trong vùng nước cạn, con tàu có thể va vào đá vỡ tan tành. Thủy thủ khôn ngoan thả neo. Một số người trong bọn họ muốn liều lên xuồng nhỏ.b Nhưng Phao-lô ngăn họ lại. Ông nói với thầy đội và binh lính: “Nếu những người nầy chẳng cứ ở trong tàu, thì các ông chẳng được cứu”. Thầy đội nghe lời Phao-lô, và giờ đây tất cả 276 hành khách nôn nóng chờ trời sáng.—Công-vụ các Sứ-đồ 27:27-32.
Đắm tàu
Sáng hôm sau, các người trên tàu bỗng nhìn thấy vịnh và bờ. Hy vọng nhen nhúm trở lại, các thủy thủ nhổ neo và dương buồm. Tàu bắt đầu di chuyển vào bờ—dĩ nhiên là giữa những tiếng reo mừng.—Công-vụ các Sứ-đồ 27:39, 40.
Tuy nhiên tàu bỗng dưng mắc cạn. Tệ hơn nữa, sóng mạnh đánh vào đuôi tàu làm vỡ ra từng mảnh. Mọi người sẽ phải bỏ tàu! (Công-vụ các Sứ-đồ 27:41) Nhưng điều này lại gây ra một vấn đề. Rất nhiều người trên tàu—trong số đó có Phao-lô—là tù nhân. Theo luật La Mã, nếu người cai tù để cho tù nhân trốn thoát, ông ta sẽ phải chịu hình phạt dành cho tù nhân đó. Chẳng hạn, nếu một kẻ sát nhân đào tẩu, người cai ngục bất cẩn sẽ phải trả bằng mạng mình.
Lo sợ về các hậu quả này, binh lính quyết định giết hết các tù nhân. Tuy nhiên, thầy đội, người có thiện cảm với Phao-lô, đã can gián. Ông ra lệnh tất cả những ai biết bơi hãy nhảy xuống nước và bơi vào bờ. Những ai không biết bơi phải bám vào một tấm ván hoặc vật gì đó vớ được trên tàu. Từng người một, các hành khách rời khỏi con tàu bất hạnh và bơi vào bờ. Đúng như lời Phao-lô, không ai bị mất mạng!—Công-vụ các Sứ-đồ 27:42-44.
Phép lạ tại Man-tơ
Đám người kiệt sức đã tìm được nơi trú ẩn tại đảo có tên gọi là Man-tơ. Dân cư ở đấy là “những người nói tiếng lạ”, gọi nôm na là những người “man rợ” (tiếng Hy lạp là barʹba·ros).c Tuy nhiên bộ tộc Man-tơ không phải là người dã man. Ngược lại, Lu-ca, bạn đồng hành của Phao-lô, kể lại rằng họ “đãi chúng ta một cách nhân-từ hiếm có, tiếp-rước chúng ta thay thảy gần kề đống lửa lớn đã đốt, vì đang mưa và trời lạnh-lẽo”. Chính Phao-lô đi theo những người bản xứ Man-tơ nhặt củi bỏ vào lửa—Công-vụ các Sứ-đồ 28:1-3.
Bỗng nhiên, một con rắn quấn chặt vào tay Phao-lô! Thổ dân cho rằng Phao-lô phải là kẻ sát nhân. Có lẽ họ nghĩ Đức Chúa Trời trừng phạt kẻ phạm tội bằng cách giáng họa trên phần thân thể phạm tội. Nhưng xem kìa! Trước sự kinh ngạc quá đỗi của thổ dân, Phao-lô hất con rắn vào lửa. Theo sự chứng kiến của Lu-ca, “họ ngờ người sẽ bị sưng lên, hoặc ngã xuống chết tức thì”. Thổ dân đổi ý và bắt đầu cho rằng Phao-lô quả là một vị thần.—Công-vụ các Sứ-đồ 28:3-6.
Sau đó Phao-lô ở lại Man-tơ ba tháng, trong thời gian ấy, ông chữa lành bệnh cho cha của Búp-li-u, vị tù trưởng của đảo này đã tỏ lòng hiếu khách đối với ông, đồng thời Phao-lô cũng chữa lành bệnh cho những người khác. Ngoài ra, Phao-lô cũng gieo hạt giống lẽ thật, đem lại nhiều ân phước cho thổ dân Man-tơ hiếu khách.—Công-vụ các Sứ-đồ 28:7-11.
Bài học cho chúng ta
Trong thời gian làm thánh chức, Phao-lô đã phải đương đầu với nhiều thách đố. (2 Cô-rinh-tô 11:23-27) Qua lời tường thuật trên, ông đã bị tù tội vì cớ tin mừng. Rồi, ông đã phải đương đầu với nhiều thử thách bất ngờ: một cơn bão dữ dội và tiếp đến là bị đắm tàu. Trải qua mọi thử thách, Phao-lô không hề chao đảo trong quyết tâm trở thành một người nhiệt thành rao giảng tin mừng. Ông viết theo kinh nghiệm sống: “Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:12, 13.
Chúng ta chớ bao giờ để các vấn đề của đời sống làm suy yếu quyết tâm trở thành một người truyền giáo sốt sắng của Đức Chúa Trời thật! Khi một thử thách bất ngờ xảy đến, chúng ta trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 55:22) Rồi kiên nhẫn chờ xem cách Ngài giúp chúng ta chịu đựng sự thử thách. Trong thời gian đó, chúng ta tiếp tục trung thành phụng sự Ngài, tin chắc rằng Ngài quan tâm chăm sóc chúng ta. (1 Cô-rinh-tô 10:13; 1 Phi-e-rơ 5:7) Bằng cách đứng vững, bất luận việc gì xảy ra, chúng ta—như Phao-lô—có thể khắc phục được nghịch cảnh.
[Chú thích]
a Một sải thường khoảng bốn cu-đê, hoặc khoảng 1,8 mét.
b Xuồng là một chiếc thuyền nhỏ được dùng để vào bờ khi tàu thả neo gần bờ biển. Hiển nhiên các thủy thủ cố cứu mạng sống mình không màng đến những người mà họ bỏ lại trên tàu, không rành việc lái tàu.
c Sách Word Origins của Wilfred Funk ghi chú: “Những người Hy Lạp thường khinh miệt ngôn ngữ khác với ngôn ngữ họ, và cho rằng chúng nghe giống như ‘bar-bar’ và họ gọi những ai nói thứ ngôn ngữ này là barbaros”.