Đừng để tính nóng giận làm bạn vấp ngã
“HÃY hít vào thật sâu!” “Hãy đếm đến mười!” “Hãy cắn răng!” Những câu này có quen thuộc với bạn không? Có lẽ bạn tự nhủ những câu này để làm dịu sự bực tức trong lòng. Một số người đi dạo để tránh nổi giận. Đây là những cách đơn giản để kiềm chế sự nóng giận và duy trì mối quan hệ với người khác.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều người bối rối trước những lời khuyên trái ngược nhau từ các chuyên gia về việc có nên kiềm chế hoặc đè nén sự nóng giận hay không. Thí dụ, một số nhà tâm lý học đã đề xuất thuyết là “nếu nó làm bạn thấy nhẹ nhõm hơn” thì hãy trút sự tức giận. Những người khác thì cảnh báo rằng thường xuyên nổi giận là “điều báo trước một người dễ chết sớm hơn là bởi những nhân tố khác như hút thuốc, huyết áp cao và mức cholesterol cao”. Lời Đức Chúa Trời nói rõ ràng: “Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận-hoảng; Chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ gây ra việc ác”. (Thi-thiên 37:8) Tại sao Kinh Thánh đưa ra lời khuyên rõ ràng như thế?
Một người không kiềm chế được cảm xúc thì sẽ không kiềm chế được hành động. Điều này được thấy rõ ngay từ lúc ban đầu của lịch sử loài người. Chúng ta đọc: “Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt”. Hậu quả là gì? Ông bị sự tức giận chế ngự và chi phối, đến độ lòng ông trở nên chai đá không nghe lời khuyên răn của Đức Giê-hô-va mà làm lành. Vì không kiềm chế lòng tức giận, Ca-in đã phạm trọng tội—giết em mình.—Sáng-thế Ký 4:3-8.
Sau-lơ, vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, cũng bị sự tức giận chế ngự khi nghe Đa-vít được người ta ca ngợi nhiệt liệt. “Những người múa đối đáp nhau rằng: Sau-lơ giết hàng ngàn, Còn Đa-vít giết hàng vạn! Sau-lơ lấy làm giận lắm, và các lời nầy không đẹp lòng người”. Sự tức giận chi phối tư tưởng của Sau-lơ đến độ nhiều lần ông tìm cách giết Đa-vít. Mặc dù Đa-vít chủ động làm thân lại, nhưng Sau-lơ không muốn theo đuổi đường lối hòa thuận và giảng hòa. Cuối cùng, ông hoàn toàn mất ân huệ của Đức Giê-hô-va.—1 Sa-mu-ên 18:6-11; 19:9, 10; 24:2-22; Châm-ngôn 6:34, 35.
Điều không tránh được là khi một người nổi giận, người đó sẽ nói và làm những điều xúc phạm đến tất cả những người có liên quan. (Châm-ngôn 29:22) Ca-in và Sau-lơ nổi giận vì mỗi người, theo cách riêng của mình, đã ghen ghét và đố kỵ. Tuy nhiên, người ta nổi giận có thể vì những lý do khác nhau. Lời chỉ trích vô lý, lời sỉ nhục, sự hiểu lầm hoặc sự đối xử bất công đều có thể làm cho một người nổi giận.
Trường hợp của Ca-in và Sau-lơ cho thấy là họ có cùng một thiếu sót nghiêm trọng. Lễ vật của Ca-in hiển nhiên không bởi đức tin thúc đẩy. (Hê-bơ-rơ 11:4) Vì không vâng theo mệnh lệnh rõ ràng của Đức Giê-hô-va và sau đó có những hành động nhằm tự bào chữa, Sau-lơ đã mất đi ân huệ và thánh linh của Đức Chúa Trời. Rõ ràng, cả hai đã cắt đứt quan hệ với Đức Giê-hô-va.
Hãy đối chiếu tính khí như thế với tính của Đa-vít là người có lý do để tức giận về cách Sau-lơ đối xử với ông. Đa-vít tự kiềm chế mình. Tại sao? Ông nói: “Nguyện Đức Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va”. Đa-vít rõ ràng nghĩ đến mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, và điều đó ảnh hưởng đến cách ông xử sự với Sau-lơ. Ông khiêm nhường phó mọi sự cho Đức Giê-hô-va.—1 Sa-mu-ên 24:7, 16.
Thật vậy, sự tức giận không kiềm chế có những hậu quả nghiêm trọng. Sứ đồ Phao-lô cảnh cáo: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội”. (Ê-phê-sô 4:26) Mặc dù có sự phẫn nộ chính đáng, nhưng luôn luôn có nguy cơ sự tức giận trở thành điều gây vấp ngã. Bởi vậy, không có gì là lạ cả khi chúng ta phải đối phó với thử thách kiềm chế sự tức giận. Chúng ta có thể đối phó như thế nào?
Cách chính yếu là có một mối quan hệ vững chắc với Đức Giê-hô-va. Ngài khuyến khích bạn thổ lộ tâm tình và ý tưởng với Ngài. Hãy nói với Ngài mối lo âu và quan tâm của bạn, và cầu xin có được lòng bình tịnh để nén cơn giận. (Châm-ngôn 14:30) Hãy tin chắc rằng “mắt của Chúa đoái-trông người công-bình, tai Ngài lóng nghe lời cầu-nguyện người”.—1 Phi-e-rơ 3:12.
Sự cầu nguyện có thể uốn nắn và hướng dẫn bạn. Bằng cách nào? Nó có thể tác động sâu sắc đến cách bạn đối xử với người khác. Hãy nhớ cách Đức Giê-hô-va đối xử với bạn. Như Kinh Thánh nói, Đức Giê-hô-va “không đãi chúng tôi theo tội-lỗi chúng tôi”. (Thi-thiên 103:10) Một thái độ sẵn sàng tha thứ là thiết yếu hầu cho bạn “đừng để cho quỉ Sa-tan thắng”. (2 Cô-rinh-tô 2:10, 11) Ngoài ra, sự cầu nguyện giúp mở lòng bạn để được thánh linh hướng dẫn, là điều có thể đánh đổ những thói quen cố hữu. Đức Giê-hô-va vui lòng ban cho ‘sự bình-an vượt-quá mọi sự hiểu-biết’, là điều có thể giải thoát bạn khỏi sức áp chế của sự tức giận.—Phi-líp 4:7.
Tuy nhiên, sự cầu nguyện phải đi đôi với việc thường xuyên xem xét Kinh Thánh để chúng ta “hiểu rõ ý-muốn của Chúa là thế nào”. (Ê-phê-sô 5:17; Gia-cơ 3:17) Nếu chính bạn có khó khăn kiềm chế tính nóng giận thì hãy cố gắng hiểu rõ quan điểm của Đức Giê-hô-va về vấn đề này. Hãy xem lại những câu Kinh Thánh đặc biệt liên quan đến việc kiềm chế sự nóng giận.
Sứ đồ Phao-lô cho lời nhắc nhở quan trọng này: “Hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Hãy tập trung tư tưởng và hành động vào việc làm điều thiện cho người khác. Hoạt động tích cực, lành mạnh như thế sẽ kích thích lòng thấu cảm và lòng tin cậy và làm dịu sự hiểu lầm có thể dễ dàng dẫn đến tức giận.
Người viết Thi-thiên nói: “Xin hãy làm cho bước tôi vững trong lời Chúa; chớ để sự gian-ác gì lấn-lướt trên tôi. Phàm kẻ nào yêu-mến luật-pháp Chúa được bình-yên lớn; chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã [“vấp ngã”, NW]”. (Thi-thiên 119:133, 165) Điều đó cũng có thể đúng về bạn.
[Khung nơi trang 9]
NHỮNG BƯỚC ĐỂ KIỀM CHẾ TÍNH NÓNG GIẬN
□ Cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. —Thi-thiên 145:18.
□ Hằng ngày xem xét Kinh Thánh. —Thi-thiên 119:133, 165.
□ Bận rộn với những việc đáng làm. —Ga-la-ti 6:9, 10.