Tiếp thu sự khôn ngoan và chấp nhận sự khuyên dạy
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại của dân Ngài. Ngài không chỉ dạy họ về chính Ngài mà còn về đời sống. (Ê-sai 30:20; 54:13; Thi-thiên 27:11) Thí dụ, Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên các nhà tiên tri, những người Lê-vi—đặc biệt các thầy tế lễ—và những người khôn ngoan để dạy dỗ. (2 Sử-ký 35:3; Giê-rê-mi 18:18) Các nhà tiên tri dạy dân về ý định và bản tính của Đức Chúa Trời và vạch ra đường lối đúng để đi. Các thầy tế lễ và những người Lê-vi có trách nhiệm dạy dân Luật Pháp của Đức Giê-hô-va. Và những người khôn ngoan, tức trưởng lão, khuyên bảo khôn khéo về vấn đề trong đời sống hằng ngày.
Sa-lô-môn, con của Đa-vít, là người nổi bật nhất trong số những người khôn ngoan của Y-sơ-ra-ên. (1 Các Vua 4:30, 31) Khi thấy sự vinh hiển và giàu sang của ông, một trong các thượng khách đặc biệt nhất là nữ vương Sê-ba đã thừa nhận: “Người ta chẳng nói đến được phân nửa! Sự khôn-ngoan và oai-nghi của vua trổi hơn tiếng-đồn tôi đã nghe”. (1 Các Vua 10:7) Bí quyết của sự khôn ngoan của Sa-lô-môn là gì? Khi lên ngôi làm vua của Y-sơ-ra-ên vào năm 1037 TCN, Sa-lô-môn cầu xin có được “sự khôn-ngoan và tri-thức”. Hài lòng về lời cầu xin của ông, Đức Giê-hô-va ban cho ông tri thức, sự khôn ngoan và tấm lòng thông sáng. (2 Sử-ký 1:10-12; 1 Các Vua 3:12) Thảo nào Sa-lô-môn sau này “nói ba ngàn câu châm-ngôn”! (1 Các Vua 4:32) Một số câu này, cùng với “lời của A-gu-rơ” và của “vua Lê-mu-ên”, được ghi lại trong sách Châm-ngôn của Kinh Thánh. (Châm-ngôn 30:1; 31:1) Những lẽ thật diễn đạt qua các câu châm ngôn này phản ánh sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và có giá trị mãi mãi. (1 Các Vua 10:23, 24) Đối với ai mong muốn một đời sống hạnh phúc và thành công thì không thể thiếu được những lẽ thật này ngày nay cũng như khi chúng được nói ra lần đầu.
Thành công và đạo đức trong sạch—Như thế nào?
Mục đích của sách Châm-ngôn được giải thích trong lời mở đầu: “Châm-ngôn của Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, Vua Y-sơ-ra-ên: đặng khiến cho người ta hiểu-biết sự khôn-ngoan và điều khuyên-dạy, cùng phân-biệt các lời thông-sáng; để nhận-lãnh điều dạy-dỗ theo sự khôn-ngoan, sự công-bình, lý-đoán, và sự chánh-trực; hầu cho người ngu-dốt được sự khôn-khéo, gã trai-trẻ được sự tri-thức và sự dẽ-dặt [“khả năng suy nghĩ”, NW]”.—Châm-ngôn 1:1-4.
“Châm-ngôn của Sa-lô-môn” nhằm vào mục đích cao quý thay! Những lời này “đặng khiến cho người ta hiểu-biết sự khôn-ngoan và điều khuyên-dạy”. Sự khôn ngoan bao hàm việc hiểu đúng sự việc và dùng sự hiểu biết đó để giải quyết vấn đề, đạt được mục tiêu, tránh hoặc ngăn chặn sự nguy hiểm, hoặc giúp người khác làm thế. Một sách tham khảo nói: “Trong sách Châm-ngôn, ‘sự khôn ngoan’ nghĩa là khéo sống—khả năng quyết định khôn ngoan và sống thành công”. Có được sự khôn ngoan là điều quan trọng làm sao!—Châm-ngôn 4:7.
Châm-ngôn của Sa-lô-môn cũng khuyên dạy. Chúng ta có cần sự rèn luyện này không? Trong Kinh Thánh, sự khuyên dạy nói lên ý nghĩa sửa sai, khiển trách hoặc trừng phạt. Theo một học giả Kinh Thánh, nó “có nghĩa rèn luyện có tính cách đạo đức, bao hàm việc sửa lại sự ương ngạnh đưa đến sự dại dột”. Sự khuyên dạy, dù tự đặt cho mình hoặc do người khác, không chỉ ngăn giữ chúng ta làm điều sai trái mà còn thúc đẩy chúng ta cải thiện. Vâng, chúng ta cần sự khuyên dạy nếu muốn tiếp tục trong sạch về đạo đức.
Vậy mục đích của Châm-ngôn có hai phần—để truyền sự khôn ngoan và để khuyên dạy. Khuyên dạy về đạo đức và khả năng trí tuệ có nhiều khía cạnh. Thí dụ, sự ngay thẳng và công bằng là hai đức tính đạo đức, và chúng giúp ta tuân theo tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va.
Sự khôn ngoan là một hỗn hợp nhiều yếu tố, trong đó có sự hiểu biết, sự sáng suốt, khôn khéo và khả năng suy nghĩ. Hiểu biết là khả năng thấy rõ thực chất của vấn đề và nhận thức thành phần của nó bằng cách nắm được sự liên quan giữa các phần với toàn bộ, nhờ đó nhận ra ý nghĩa của nó. Sự sáng suốt đòi hỏi phải có sự hiểu biết nguyên nhân và hiểu rõ tại sao một đường lối nào đó là đúng hay sai. Thí dụ, một người hiểu biết có thể nhận ra khi nào một người đang đi sai hướng và ông có thể ngay lập tức cảnh báo người đó về mối nguy hiểm. Nhưng ông phải sáng suốt thì mới hiểu được tại sao người kia đi theo hướng đó để rồi nghĩ ra được cách hữu hiệu nhất hầu cứu nguy người kia.
Người khôn khéo là thận trọng—không dễ bị lừa. (Châm-ngôn 14:15) Họ có thể thấy trước điều tai hại và chuẩn bị đối phó. Và sự khôn ngoan khiến chúng ta có thể hệ thống hóa các ý nghĩ và ý tưởng lành mạnh để cho đời sống một đường hướng có mục đích. Nghiên cứu Châm-ngôn trong Kinh Thánh quả thật hữu ích vì những câu này được ghi lại để chúng ta có thể biết sự khôn ngoan và sự khuyên dạy. Nếu chú ý đến lời Châm-ngôn thì ngay cả “người ngu-dốt” cũng sẽ được sự khôn khéo, và “gã trai-trẻ” cũng sẽ được sự tri thức và khả năng suy nghĩ.
Châm-ngôn cho người khôn ngoan
Tuy nhiên, Châm-ngôn trong Kinh Thánh không chỉ cho người ngu dốt và người trai trẻ. Những câu đó là cho bất cứ ai đủ khôn ngoan để nghe. Vua Sa-lô-môn nói: “Kẻ khôn sẽ nghe và thêm lên sự học-vấn, người thông-sáng sẽ được rộng mưu-trí, để hiểu-biết châm-ngôn, thí-dụ, và lời của người khôn-ngoan, cùng câu-đố nhiệm của họ”. (Châm-ngôn 1:5, 6) Người nào đã có sự khôn ngoan sẽ hiểu biết thêm bằng cách chú ý đến Châm-ngôn và người thông sáng sẽ trau dồi khả năng lèo lái đời sống mình một cách thành công.
Một câu Châm-ngôn thường diễn đạt một lẽ thật thâm thúy qua chỉ vài từ. Một câu Châm-ngôn trong Kinh Thánh có thể diễn đạt qua ẩn ngữ. (Châm-ngôn 1:17-19) Một số là những câu đố—những câu rắc rối và khó hiểu, cần được làm sáng tỏ. Một câu Châm-ngôn cũng có thể chứa đựng sự so sánh, phép ẩn dụ và những hình thái tu từ khác. Phải dành ra nhiều thì giờ để suy ngẫm mới hiểu được những câu này. Sa-lô-môn, người soạn ra rất nhiều câu Châm-ngôn, chắc chắn hiểu thấu các sắc thái của việc hiểu một câu Châm-ngôn. Trong sách Châm-ngôn, ông đảm nhận việc truyền cho độc giả khả năng này, là điều mà một người khôn ngoan muốn chú ý đến.
Sự khởi đầu dẫn đến mục tiêu
Chúng ta bắt đầu từ đâu để đeo đuổi sự khôn ngoan và sự khuyên dạy? Sa-lô-môn trả lời: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự tri-thức; còn kẻ ngu-muội khinh-bỉ sự khôn-ngoan và lời khuyên-dạy”. (Châm-ngôn 1:7) Tri thức bắt đầu bằng sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Không có tri thức thì không thể có sự khôn ngoan hoặc sự khuyên dạy. Vậy, sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu của sự khôn ngoan và sự khuyên dạy.—Châm-ngôn 9:10; 15:33.
Kính sợ Đức Chúa Trời không phải là khiếp sợ Ngài một cách không lành mạnh. Đúng hơn điều đó bao hàm lòng tôn kính sâu xa. Không thể có tri thức thật sự mà không có sự kính sợ này. Sự sống đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và sự sống tất nhiên là thiết yếu để chúng ta có bất cứ tri thức gì. (Thi-thiên 36:9; Công-vụ các Sứ-đồ 17:25, 28) Hơn nữa, Ngài tạo nên muôn vật; vì thế tất cả tri thức của loài người đều dựa trên sự nghiên cứu công việc tay Ngài làm. (Thi-thiên 19:1, 2; Khải-huyền 4:11) Đức Chúa Trời cũng soi dẫn văn bản Lời Ngài, là điều “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình”. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Vì thế, Đức Giê-hô-va là trọng tâm của mọi tri thức thật, và khi một người tìm kiếm nó thì phải biết sợ Ngài với lòng tôn kính.
Tri thức loài người và sự khôn ngoan thế gian có giá trị gì nếu không có sự kính sợ Đức Chúa Trời? Sứ đồ Phao-lô viết: “Người khôn-ngoan ở đâu? Thầy thông-giáo ở đâu? Người biện-luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn-ngoan của thế-gian ra rồ-dại không?” (1 Cô-rinh-tô 1:20) Vì không kính sợ Đức Chúa Trời, một người khôn ngoan theo thế gian rút ra những kết luận sai từ những sự kiện nhiều người biết, và kết cục chỉ trở thành ‘kẻ ngu-muội’ mà thôi.
“Vòng đeo quanh cổ của con”
Kế đến vị vua khôn ngoan nói với người trẻ: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con; vì ấy sẽ như một dây hoa trên đầu con, giống như những vòng đeo quanh cổ của con”.—Châm-ngôn 1:8, 9.
Trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, cha mẹ được Đức Chúa Trời giao cho trách nhiệm dạy dỗ con cái. Môi-se khuyên giục những người cha: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7) Những người mẹ cũng có nhiều ảnh hưởng. Trong khuôn khổ quyền của chồng, một người vợ Hê-bơ-rơ có thể thực thi gia pháp.
Trên thực tế, trong Kinh Thánh từ đầu đến cuối, gia đình là đơn vị căn bản của việc giáo dục. (Ê-phê-sô 6:1-3) Khi con cái vâng lời cha mẹ tin đạo thì điều đó cũng giống như chúng được trang sức bằng vòng hoa đẹp trên đầu và vòng đeo cổ danh dự.
“Lợi như thể đoạt lấy mạng-sống của kẻ được nó”
Trước khi gửi con đi du học ở Hoa Kỳ, một người cha ở Á Châu khuyên người con trai 16 tuổi đừng giao du với người xấu. Lời khuyên này nhắc lại lời cảnh báo của Sa-lô-môn: “Hỡi con, nếu kẻ tội-nhân kiếm thế quyến-dụ con, chớ khứng theo”. (Châm-ngôn 1:10) Tuy nhiên, Sa-lô-môn nói rõ cách họ dùng để cám dỗ: “Chúng nó nói: ‘Hãy đến cùng chúng ta, phục rình làm đổ huyết người, núp đợi hại vô-cớ kẻ chẳng tội; chúng ta sẽ nuốt sống chúng nó như Âm-phủ, và còn nguyên-vẹn như kẻ xuống mồ-mả; chúng ta sẽ được các thứ của báu, chất đầy nhà chúng ta những của cướp; hãy lấy phần ngươi với chúng ta, chúng ta cả thảy sẽ có một túi-bạc mà thôi’ ”.—Châm-ngôn 1:11-14.
Sự cám dỗ rõ ràng là tiền của. Để kiếm lợi nhanh, “kẻ tội-nhân” cám dỗ người khác dính líu vào những âm mưu bất chính và hung bạo của họ. Để kiếm của, những kẻ độc ác không ngần ngại làm đổ máu. Họ ‘nuốt sống nạn nhân của họ như Âm-phủ, còn nguyên-vẹn’, cướp đoạt của người đó tất cả mọi thứ thuộc về người, giống như cả thi thể được đưa xuống huyệt. Họ khuyến khích việc đi theo con đường tội ác—họ muốn ‘chất đầy nhà họ của cướp’, và muốn người thiếu kinh nghiệm ‘lấy phần với họ’. Đây là lời cảnh báo thật đúng lúc cho chúng ta! Chẳng phải các băng thanh niên và những con buôn ma túy dùng những cách tương tự để dụ thêm người hay sao? Chẳng phải hứa hẹn làm giàu nhanh chóng là cách cám dỗ của nhiều đề nghị kinh doanh đáng nghi ngờ hay sao?
Vị vua khôn ngoan khuyên: “Hỡi con, đừng đi đường cùng chúng nó; hãy cầm-giữ chân con, chớ vào lối của họ; vì chân chúng nó chạy đến sự ác, lật-đật làm đổ huyết ra”. Báo trước cái chết thảm hại của chúng, ông nói thêm: “Vì giăng lưới ra trước mặt các loài có cánh lấy làm luống-công thay; chánh những người ấy thật phục mưu làm đổ huyết mình ra, và núp-rình hại mạng-sống mình. Đó là đường của những kẻ tham lợi bất-nghĩa; lợi như thể đoạt lấy mạng-sống của kẻ được nó”.—Châm-ngôn 1:15-19.
“Những kẻ tham lợi bất-nghĩa” sẽ bỏ mạng trong đường lối của chính mình. Chính bẫy mà kẻ ác giăng để hại người sẽ trở thành bẫy cho nó. Liệu kẻ cố tình làm ác có thay đổi đường lối mình không? Không. Cái lưới có thể rõ ràng trước mắt, nhưng chim—sinh vật “có cánh”—vẫn bay thẳng vào. Cũng thế, mù quáng vì tham lam, kẻ ác cứ tiếp tục hành động tội ác, mặc dù sớm muộn gì họ cũng bị bắt.
Ai sẽ nghe tiếng của sự khôn ngoan?
Người phạm tội có thật sự biết rằng đường lối họ là tai hại không? Họ có được cảnh cáo trước về hậu quả của đường lối họ không? Không biết không phải là lý do bào chữa được, vì một thông điệp thật rõ ràng đang được công bố ở những nơi công cộng.
Sa-lô-môn tuyên bố: “Sự khôn-ngoan hô lên ngoài đường, cất tiếng dội ra nơi phố chợ; khôn-ngoan kêu-la ở đầu đường rộn-rực ồn-ào; tại cửa thành, và nội trong thành, người phán lời mình ra”. (Châm-ngôn 1:20, 21) Nói to và rõ, sự khôn ngoan hô lên nơi công cộng cho mọi người nghe. Ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa, các trưởng lão cho lời khuyên khôn ngoan và đưa ra các phán quyết tại cổng thành. Đối với chúng ta, Đức Giê-hô-va đã khiến sự khôn ngoan thật được ghi trong Lời Ngài là Kinh Thánh mà khắp nơi ai ai cũng có thể có được. Và ngày nay tôi tớ Ngài bận rộn công bố thông điệp Kinh Thánh khắp nơi. Quả thật Đức Chúa Trời đã cho sự khôn ngoan được công bố trước mặt mọi người.
Sự khôn ngoan thật nói gì? Điều này: “Hỡi kẻ ngu-dốt, các ngươi sẽ mến sự ngu-dại cho đến bao giờ? Kẻ nhạo-báng sẽ ưa sự nhạo-báng... cho đến chừng nào? Ta kêu gọi, mà các ngươi không khứng nghe, ta giơ tay ta ra, lại chẳng có ai chú ý”. Kẻ dại dột ngu xuẩn không chịu nghe tiếng nói của sự khôn ngoan. Vì thế, “chúng nó sẽ ăn bông-trái của đường-lối mình”. ‘Sự bội-nghịch và sự yên-ổn’ của chính chúng nó “sẽ làm hại cho chúng nó”.—Châm-ngôn 1:22-32.
Thế còn những ai dành thời giờ để nghe tiếng nói của sự khôn ngoan thì sao? Người đó “sẽ ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”. (Châm-ngôn 1:33) Mong sao bạn ở trong số những người tiếp thu sự khôn ngoan và chấp nhận sự khuyên dạy bằng cách chú ý đến các châm ngôn trong Kinh Thánh.
[Hình nơi trang 15]
Khắp nơi ai ai cũng có thể có được sự khôn ngoan thật