Chừng nào mới hết kẻ ác?
“Khi kẻ dữ nuốt người công-bình hơn nó, sao Ngài [Đức Giê-hô-va] nín-lặng đi?”—HA-BA-CÚC 1:13.
1. Khi nào thì trái đất sẽ hoàn toàn đầy dẫy sự hiểu biết về sự vinh quang của Đức Giê-hô-va?
CÓ BAO GIỜ Đức Chúa Trời hủy diệt kẻ ác không? Nếu có, chúng ta phải đợi thêm bao lâu nữa? Nhiều người trên khắp đất nêu ra những câu hỏi ấy. Chúng ta có thể tìm câu trả lời ở đâu? Chúng ta có thể tìm trong lời tiên tri được Đức Chúa Trời soi dẫn về thời kỳ Ngài đã định. Những lời tiên tri đó bảo đảm với chúng ta rằng chẳng bao lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ trừng phạt mọi kẻ ác. Chỉ khi đó thì “sự nhận-biết [“sự hiểu biết”, NW] vinh quang Đức Giê-hô-va sẽ đầy-dẫy khắp đất như nước đầy-tràn biển”. Đó là lời hứa có tính cách tiên tri ghi trong Lời Thánh của Đức Chúa Trời nơi Ha-ba-cúc 2:14.
2. Sách Ha-ba-cúc chứa đựng ba lời phán xét nào của Đức Chúa Trời?
2 Viết vào khoảng năm 628 TCN, sách Ha-ba-cúc gồm có một loạt ba lời phán xét của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Trong số đó, hai lời tuyên án đã được thi hành rồi. Lời thứ nhất là sự phán xét của Đức Giê-hô-va nghịch lại nước Giu-đa ngoan cố xưa. Còn lời thứ hai thì sao? Đó là sự phán xét của Đức Chúa Trời được thi hành trên nước Ba-by-lôn tàn bạo. Vậy chắc chắn chúng ta có mọi lý do để tin tưởng rằng lời phán xét thứ ba của Đức Chúa Trời sẽ được thi hành. Thật thế, chúng ta có thể chờ xem sự ứng nghiệm của lời tuyên án ấy rất gần đây. Vì lợi ích của những người ngay thẳng sống trong ngày sau rốt này, Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt tất cả những người ác. Kẻ ác sẽ hít hơi thở cuối cùng trong “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”, trận chiến đó đang nhanh chóng đến gần.—Khải-huyền 16:14, 16.
3. Điều gì chắc chắn giáng xuống kẻ ác trong thời chúng ta?
3 Cuộc chiến tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời đang đến gần hơn bao giờ hết. Việc Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét kẻ ác trong thời chúng ta là điều chắc chắn như sự phán xét của Đức Giê-hô-va giáng xuống trên Giu-đa và Ba-by-lôn vậy. Tuy nhiên, ngay bây giờ hãy tưởng tượng chúng ta đang sống trong nước Giu-đa vào thời Ha-ba-cúc. Chuyện gì đang xảy ra trong nước đó?
Một nước trong tình trạng hỗn loạn
4. Ha-ba-cúc nghe tin sét đánh nào?
4 Hãy hình dung nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va là Ha-ba-cúc đang ngồi hóng gió mát buổi chiều trên sân thượng nhà ông. Bên cạnh ông là một nhạc cụ. (Ha-ba-cúc 1:1; 3:19, cước chú) Nhưng Ha-ba-cúc bàng hoàng trước một tin sét đánh. Vua Giu-đa là Giê-hô-gia-kim đã giết U-ri và cho ném tử thi của nhà tiên tri đó xuống bãi chôn phàm dân. (Giê-rê-mi 26:23) Đành rằng U-ri đã không đặt sự tin cậy mình nơi Đức Giê-hô-va, ông đã sợ hãi nên bỏ trốn sang Ê-díp-tô, nhưng Ha-ba-cúc biết rằng Giê-hô-gia-kim dùng bạo lực không phải vì muốn bảo toàn thanh danh của Đức Giê-hô-va. Điều này hiển nhiên vì ông vua này hoàn toàn bất chấp luật pháp của Đức Chúa Trời và căm ghét cực độ nhà tiên tri Giê-rê-mi và những người phụng sự Đức Giê-hô-va.
5. Tình trạng thiêng liêng nước Giu-đa ra sao, và Ha-ba-cúc phản ứng thế nào trước tình trạng đó?
5 Ha-ba-cúc thấy khói hương bốc lên từ các nóc nhà gần đó. Dân chúng đốt hương này không phải để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ đang tham gia những thực hành tôn giáo giả mà vị vua gian ác của Giu-đa là Giê-hô-gia-kim khuyến khích. Thật đáng hổ thẹn! Mắt Ha-ba-cúc đẫm lệ và ông nài xin: “Hỡi Đức Giê-hô-va! Tôi kêu-van mà Ngài không nghe tôi cho đến chừng nào? Tôi vì cớ sự bạo-ngược kêu-van cùng Ngài, mà Ngài chẳng khứng giải-cứu tôi! Nhân sao Chúa khiến tôi thấy sự gian-ác, và Ngài nhìn-xem sự ngang-trái? Sự tàn-hại bạo-ngược ở trước mặt tôi; sự tranh-đấu cãi-lẫy dấy lên. Vậy nên luật-pháp không quyền, sự chánh-trực [“công lý”, NW] không hề tỏ ra. Kẻ hung-ác vây chung-quanh người công-bình, vì cớ đó sự xét-đoán ra trái-ngược”.—Ha-ba-cúc 1:2-4.
6. Điều gì xảy ra cho luật pháp và công lý trong nước Giu-đa?
6 Đúng vậy, sự cướp bóc và bạo lực lan tràn. Nhìn đâu Ha-ba-cúc cũng thấy sự phiền muộn, cãi lẫy, tranh chấp. “Luật-pháp không quyền”, bị tê liệt. Còn công lý thì sao? Công lý “không hề tỏ ra” đắc thắng! Công lý không hề thắng thế. Thay vì vậy, “kẻ hung-ác vây chung-quanh người công-bình”, dùng mưu kế vô hiệu hóa những luật pháp lập ra để che chở người vô tội. Thật thế, “sự xét-đoán ra trái-ngược”. Cán cân công lý thiên lệch. Thật là một tình trạng đáng chê trách!
7. Ha-ba-cúc nhất quyết làm gì?
7 Ha-ba-cúc tạm ngừng và suy ngẫm tình thế. Ông có buông xuôi không? Quả là không! Sau khi duyệt lại tất cả những sự bắt bớ mà các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va phải chịu, người trung thành này lại quyết tâm tiếp tục đứng vững, kiên trì làm nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Ha-ba-cúc sẽ tiếp tục rao truyền thông điệp của Đức Chúa Trời—cho dù làm thế nghĩa là phải hy sinh tính mạng.
Đức Giê-hô-va làm “một việc” không tin nổi
8, 9. Đức Giê-hô-va đang làm “một việc” nào không tin nổi?
8 Trong sự hiện thấy, Ha-ba-cúc nhìn thấy những kẻ theo tôn giáo giả, những người này làm ô danh Đức Chúa Trời. Hãy lắng nghe những gì Đức Giê-hô-va nói với họ như sau: “Hãy nhìn trong các nước và xem, hãy lấy làm lạ”. Rất có thể Ha-ba-cúc tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại nói với những kẻ ác cách này. Rồi ông nghe Đức Giê-hô-va nói với họ: “[Hãy] sững-sờ! Vì ta đang làm ra trong ngày các ngươi một việc, mà dầu có ai thuật lại cho các ngươi, các ngươi cũng không tin”. (Ha-ba-cúc 1:5) Quả thật, chính Đức Giê-hô-va đang làm một việc mà họ không thể tin nổi. Nhưng việc gì thế?
9 Ha-ba-cúc chăm chú lắng nghe những lời kế tiếp của Đức Chúa Trời, ghi nơi Ha-ba-cúc 1:6-11. Đây là thông điệp của Đức Giê-hô-va—và không một thần giả hoặc thần tượng vô tri nào có thể cản trở nó ứng nghiệm: “Ta khiến người Canh-đê dấy lên, nó là một dân dữ-tợn lung-lăng, hay đi khắp đất đặng chiếm lấy những chỗ-ở không thuộc về mình. Nó thật là đáng sợ và đáng ghê, oai-nghi và sự phán-xét của nó đều là từ nó mà đến. Những ngựa nó nhặm-lẹ hơn con beo, và hung hơn muông-sói ban đêm. Những lính-kỵ nó tràn khắp đây đó, những lính-kỵ nó đến từ phương xa; chúng nó bay như chim ưng lẹ, nôn-nả kiếm ăn. Cả dân ấy đến đặng làm sự bạo-ngược; chúng nó mạnh-dạn đi thẳng tới [“như gió đông”, NW], và dồn phu-tù lại như cát. Nó nhạo-cười các vua, chế-báng các quan-trưởng, và chê-cười mỗi đồn-lũy: Nó đắp lũy [“chồng chất đất cát”, NW], rồi chiếm lấy. Bấy giờ nó sẽ sấn tới như gió thổi qua; vì nó lấy sức-mạnh mình làm thần mình [“sức mạnh này là do thần của nó”, NW], nên phạm tội trọng”.
10. Ai được Đức Giê-hô-va dấy lên?
10 Thật là một lời cảnh cáo có tính cách tiên tri của Đấng Chí Cao! Đức Giê-hô-va dấy lên người Canh-đê, nước Ba-by-lôn man rợ. Trên đường tiến quân “khắp đất”, nó sẽ chinh phục thật nhiều chỗ ở. Thật là khủng khiếp! Đạo quân Canh-đê “đáng sợ và đáng ghê”, khủng khiếp và hãi hùng. Nó đặt ra luật pháp cứng nhắc. “Sự phán-xét của nó đều là từ nó mà đến”.
11. Bạn mô tả thế nào việc quân lực Ba-by-lôn tiến đánh Giu-đa?
11 Ngựa của Ba-by-lôn phi mau hơn cả những con beo nhanh nhẹn. Đoàn kỵ binh của Ba-by-lôn hung dữ hơn bầy sói đói đi săn mồi ban đêm. Sẵn sàng ra trận, đoàn “lính-kỵ nó tràn khắp đây đó” một cách nôn nóng. Từ xứ Ba-by-lôn xa xôi, chúng tiến về nước Giu-đa. Giống như chim ưng bay nhanh đến miếng mồi ngon, người Canh-đê chẳng mấy chốc sẽ bổ nhào xuống vồ lấy con mồi. Nhưng có phải đó sẽ chỉ là một sự đột nhập, một cuộc đột kích của vài tên lính không? Không đâu! “Cả dân ấy đến đặng làm sự bạo-ngược”, như một đạo quân hùng hậu ào tới để tàn phá. Mặt chúng toát lên vẻ háo hức, chúng phi ngựa về phía tây hướng đến Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, di chuyển nhanh như ngọn gió đông. Các lực lượng Ba-by-lôn bắt được nhiều tù binh đến đỗi chúng “dồn phu-tù lại như cát”.
12. Quân Ba-by-lôn có thái độ nào, và kẻ thù đáng gờm này “phạm tội trọng” nào?
12 Quân đội Canh-đê chế giễu các vua chúa và nhạo báng các quan lớn, tất cả đều bất lực trước cuộc tiến quân không ngừng của chúng. Chúng “cười mỗi đồn-lũy”, vì bất cứ đồn lũy nào cũng đều thất thủ khi quân Ba-by-lôn xây gò “đắp lũy” bằng cách “chồng chất đất cát” để từ đó tấn công. Đến ngày giờ đã định của Đức Giê-hô-va, kẻ thù đáng gờm này chắc chắn “sẽ sấn tới như gió thổi qua”. Khi tấn công Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, chúng “phạm tội trọng” vì sát hại dân tộc Đức Chúa Trời. Sau một cuộc chiến thắng chớp nhoáng, tên tướng chỉ huy người Canh-đê sẽ khoác lác: ‘Sức mạnh này là do thần của chúng ta’. Nhưng kỳ thực hắn chẳng biết gì!
Một hy vọng có cơ sở vững chắc
13. Tại sao lòng Ha-ba-cúc tràn đầy hy vọng và niềm tin chắc?
13 Nhờ hiểu biết nhiều hơn về ý định Đức Giê-hô-va mà hy vọng mỗi lúc một tăng trong lòng Ha-ba-cúc. Lòng tràn đầy niềm tin chắc triệt để, ông nói về Đức Giê-hô-va một cách sùng kính. Như ghi nơi Ha-ba-cúc 1:12, nhà tiên tri nói: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, Đấng Thánh của tôi! Ngài há chẳng phải là từ đời đời vô-cùng sao? Vậy [“Ngài”, NW] sẽ không chết!” Thật thế, Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời “từ trước vô-cùng cho đến đời đời”—tức mãi mãi.—Thi-thiên 90:1, 2.
14. Những kẻ bội đạo của nước Giu-đa đã theo đuổi đường lối nào?
14 Ha-ba-cúc suy ngẫm về sự hiện thấy mà Đức Chúa Trời ban cho và vui mừng về sự thông hiểu mà sự hiện thấy cung cấp, nên nhà tiên tri nói thêm: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã lập dân nầy đặng làm sự xét-đoán của Ngài. Hỡi vầng Đá! Ngài đã đặt nó đặng làm sự sửa-phạt!” Đức Chúa Trời đã kết tội các kẻ bội đạo của nước Giu-đa và họ sẽ bị Đức Giê-hô-va sửa trị và nghiêm phạt. Lẽ ra họ phải trông cậy Ngài như Vầng Đá, đồn lũy thật sự, nơi ẩn trú và nguồn của sự cứu rỗi duy nhất của họ. (Thi-thiên 62:7; 94:22; 95:1) Thế nhưng, các lãnh tụ bội đạo của Giu-đa không đến gần Đức Chúa Trời; họ lại cứ tiếp tục áp chế những người hiền lành thờ phượng Đức Giê-hô-va.
15. ‘Mắt Đức Giê-hô-va thánh-sạch nên chẳng nhìn sự dữ’ theo nghĩa nào?
15 Tình huống này làm cho nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va rất đau lòng. Vì thế ông nói: “Mắt Chúa thánh-sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái-ngược”. (Ha-ba-cúc 1:13) Đúng vậy, ‘mắt Đức Giê-hô-va thánh-sạch nên chẳng nhìn sự dữ’, tức không dung túng điều sai trái.
16. Bạn tóm tắt các câu Ha-ba-cúc 1:13-17 như thế nào?
16 Do đó Ha-ba-cúc nêu một số câu hỏi gợi nhiều suy nghĩ. Ông hỏi: “Sao Ngài nhìn-xem kẻ làm sự dối-trá, khi kẻ dữ nuốt người công-bình hơn nó, sao Ngài nín-lặng đi? Sao Ngài khiến loài người như cá biển và như loài côn-trùng vô chủ? Nó đã dùng lưỡi câu móc lấy cả, thâu-góp trong chài mình, và nhóm lại trong lưới mình, vậy nên nó vui-mừng và lấy làm thích. Vì cớ đó, nó dâng tế cho lưới, đốt hương cho chài, bởi chưng nó nhờ đó mà được phần béo-tốt và của ăn dư-dật. Có lẽ nào nó cứ đổ lưới mình ra đặng làm sự giết-lát các dân không hề thôi sao?”—Ha-ba-cúc 1:13-17.
17. (a) Khi tấn công nước Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, quân Ba-by-lôn thực hiện ý định của Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va sẽ cho Ha-ba-cúc biết gì?
17 Khi tấn công nước Giu-đa và thủ đô Giê-ru-sa-lem, quân Ba-by-lôn hành động theo ý riêng mình. Họ không biết rằng Đức Chúa Trời đang dùng họ làm phương tiện thi hành sự phán xét công bình của Ngài đối với một dân tộc bất trung. Thật dễ thấy tại sao Ha-ba-cúc thấy khó hiểu việc Đức Chúa Trời dùng quân Ba-by-lôn tàn ác để thi hành sự phán xét của Ngài. Những người Canh-đê tàn nhẫn ấy không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ xem người ta chỉ là loài ‘cá biển và loài côn-trùng’ đáng bị bắt phục tùng. Nhưng Ha-ba-cúc không bối rối lâu. Chẳng bao lâu Đức Giê-hô-va cho nhà tiên tri Ngài biết rằng quân Ba-by-lôn sẽ bị phạt vì tội cướp bóc tham lam và làm đổ máu bừa bãi.—Ha-ba-cúc 2:8.
Sẵn sàng nghe thêm lời Đức Giê-hô-va
18. Chúng ta có thể học được gì ở thái độ của Ha-ba-cúc, như được phản ánh nơi Ha-ba-cúc 2:1?
18 Tuy nhiên, ngay lúc này thì Ha-ba-cúc chờ nghe những lời Đức Giê-hô-va nói tiếp với ông. Nhà tiên tri nói một cách cương quyết như sau: “Ta sẽ đứng nơi vọng-canh, chôn chân nơi đồn-lũy, rình xem Ngài bảo ta điều gì, và ta trả lời thế nào về sự đối-nại của ta”. (Ha-ba-cúc 2:1) Ha-ba-cúc hết sức chú ý đến những gì Đức Chúa Trời sẽ truyền qua ông với tư cách nhà tiên tri. Vì tin Giê-hô-va Đức Chúa Trời không dung túng sự gian ác, ông thắc mắc tại sao sự gian ác thắng thế, nhưng ông sẵn sàng điều chỉnh tư tưởng của mình. Vậy về phần chúng ta thì sao? Khi chúng ta thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời cho phép một số điều ác xảy ra, thì niềm tin cậy nơi sự công bình của Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta giữ thăng bằng và trông chờ Ngài.—Thi-thiên 42:5, 11.
19. Đúng như lời Đức Chúa Trời nói với Ha-ba-cúc, điều gì đã xảy ra cho dân Do Thái ngỗ ngược?
19 Đúng như lời Đức Giê-hô-va nói với Ha-ba-cúc, Ngài đã thi hành sự phán xét, phạt nước Do Thái ngỗ ngược bằng cách để cho quân Ba-by-lôn xâm chiếm Giu-đa. Năm 607 TCN, họ hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ, giết hại cả người già lẫn trẻ và bắt nhiều người đi làm phu tù. (2 Sử-ký 36:17-20) Sau một thời gian dài bị lưu đày ở Ba-by-lôn, một số người Do Thái trung thành còn sót lại được trở về quê hương của họ và cuối cùng tái thiết đền thờ. Tuy nhiên, sau đó người Do Thái lại tỏ ra bất trung đối với Đức Giê-hô-va—đặc biệt khi họ không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si.
20. Phao-lô đã áp dụng Ha-ba-cúc 1:5 vào việc bác bỏ Chúa Giê-su như thế nào?
20 Theo Công-vụ các Sứ-đồ 13:38-41, sứ đồ Phao-lô cho người Do Thái ở thành An-ti-ốt thấy hậu quả của việc chối bỏ Chúa Giê-su và như thế bác bỏ giá chuộc hy sinh của ngài. Trích dẫn Ha-ba-cúc 1:5 trong bản Kinh Thánh Hy Lạp Septuagint, Phao-lô cảnh cáo: “Hãy giữ lấy cho khỏi mắc điều đã chép trong sách tiên-tri rằng: Hỡi kẻ hay khinh-dể kia, khá xem-xét, sợ-hãi và biến mất đi; vì trong đời các ngươi, ta sẽ làm một việc, nếu có ai thuật lại cho, các ngươi cũng chẳng tin”. Y như lời trích dẫn của Phao-lô, Ha-ba-cúc 1:5 ứng nghiệm lần thứ hai khi quân La Mã hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ vào năm 70 CN.
21. Những người Do Thái thời Ha-ba-cúc nghĩ gì về “việc” Đức Chúa Trời cho quân Ba-by-lôn hủy diệt Giê-ru-sa-lem?
21 Đối với người Do Thái thời Ha-ba-cúc, “việc” Đức Chúa Trời để cho quân Ba-by-lôn hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem là điều không thể tin nổi vì thành ấy là trung tâm thờ phượng Đức Giê-hô-va và nơi mà vị vua được Ngài xức dầu lên ngôi. (Thi-thiên 132:11-18) Là nơi như thế, Giê-ru-sa-lem chưa từng bị hủy diệt trước đó. Đền thờ của thành đó chưa bao giờ bị thiêu hủy. Hoàng tộc của Đa-vít chưa bao giờ bị lật đổ. Đức Giê-hô-va để cho một việc như thế xảy ra là điều không tin nổi. Nhưng qua Ha-ba-cúc, Đức Chúa Trời đã báo trước khá lâu rằng các biến cố kinh hồn này sẽ xảy ra. Và lịch sử chứng tỏ chúng đã xảy ra y như lời báo trước.
“Một việc” không tin nổi của Đức Chúa Trời trong thời chúng ta
22. “Một việc” không tin nổi của Đức Giê-hô-va bao gồm những gì vào thời chúng ta?
22 Đức Giê-hô-va có sắp làm “một việc” không tin nổi trong thời chúng ta không? Hãy tin chắc rằng Ngài sẽ làm, dù rằng điều đó dường như không thể tin nổi đối với những kẻ hồ nghi. Lần này, Đức Giê-hô-va sẽ làm điều không tin nổi là hủy diệt các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Như nước Giu-đa xưa, các đạo này mạo nhận là thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng đã trở nên hết sức bại hoại. Đức Giê-hô-va sẽ lo liệu sao cho chẳng bao lâu nữa mọi vết tích của hệ thống tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ bị xóa bỏ hoàn toàn, cả đế quốc tôn giáo giả thế giới gọi là “Ba-by-lôn lớn” cũng vậy.—Khải-huyền 18:1-24.
23. Thánh linh của Đức Chúa Trời thôi thúc Ha-ba-cúc làm gì kế tiếp?
23 Đức Giê-hô-va có nhiều việc khác cho Ha-ba-cúc làm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN. Đức Chúa Trời còn nói gì nữa với nhà tiên tri của Ngài? Ha-ba-cúc sẽ nghe về những việc khiến ông lấy nhạc cụ ra và hát cho Đức Giê-hô-va những bài ảo não. Tuy nhiên, trước hết thánh linh Đức Chúa Trời thôi thúc nhà tiên tri tuyên bố về những sự khốn nạn bi thảm. Chắc chắn chúng ta muốn hiểu thấu được ý nghĩa sâu xa của những lời tiên tri về ngày giờ mà Đức Chúa Trời đã định. Vì vậy, chúng ta hãy chú ý thêm đến lời tiên tri của Ha-ba-cúc.
Bạn có nhớ không?
• Thời Ha-ba-cúc, trong nước Giu-đa có tình trạng nào?
• Đức Giê-hô-va làm “việc” nào không thể tin nổi trong thời Ha-ba-cúc?
• Ha-ba-cúc có lý do nào để hy vọng?
• Đức Chúa Trời sẽ làm “việc” gì không thể tin nổi trong thời chúng ta?
[Hình nơi trang 9]
Ha-ba-cúc tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác thắng thế. Bạn có tự hỏi thế không?
[Hình nơi trang 10]
Ha-ba-cúc báo trước tai họa nơi tay nước Ba-by-lôn giáng xuống nước Giu-đa
[Hình nơi trang 10]
Tàn tích khảo cổ của Giê-ru-sa-lem, bị hủy diệt vào năm 607 TCN