“Các ngươi hết thảy đều là anh em”
“Các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em”.—MA-THI-Ơ 23:8.
1. Vấn đề nào đáng cho chúng ta xem xét?
MỘT nữ tín đồ Đấng Christ ở một nước Á Đông không có ý xấu khi hỏi một giáo sĩ người Úc: “Ai đáng trọng hơn, giáo sĩ hay là nhân viên nhà Bê-tên?” Chị muốn biết điều đó vì giáo sĩ là người ngoại quốc còn nhân viên phụng sự tại văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh là người bản xứ. Câu hỏi không ác ý đó phản ảnh nền văn hóa chú trọng giai cấp, đã làm cho chị giáo sĩ ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi hỏi ‘ai quan trọng hơn’ tức là người ta muốn biết đến địa vị và thế lực của một người.
2. Chúng ta nên xem những anh em trong đạo như thế nào?
2 Vấn đề này không có gì mới mẻ. Ngay cả những môn đồ Chúa Giê-su cũng hay cãi nhau về việc ai lớn nhất. (Ma-thi-ơ 20:20-24; Mác 9:33-37; Lu-ca 22:24-27) Họ cũng đã ở trong một nền văn hóa chú trọng giai cấp, tức văn hóa Do Thái Giáo vào thế kỷ thứ nhất. Nghĩ đến điều này, Chúa Giê-su khuyên các môn đồ: “Đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em”. (Ma-thi-ơ 23:8) Một tước vị tôn giáo như “Thầy”, theo nhận xét của học giả Kinh Thánh Albert Barnes, “có khuynh hướng khiến người được chức đó đâm ra kiêu hãnh và cảm thấy cao trọng, đồng thời làm những người không được chức đó có ý ganh tị và cảm thấy thấp kém; cả tinh thần và khuynh hướng của nó trái ngược với ‘tính đơn giản ở trong Đấng Christ’ ”. Thật vậy, tín đồ Đấng Christ không gọi các giám thị là “Trưởng Lão gì gì đó”, dùng chữ “trưởng lão” như một tước vị tâng bốc. (Gióp 32:21, 22, NW) Mặt khác, trưởng lão làm theo tinh thần lời khuyên của Chúa Giê-su tôn trọng những người khác trong hội thánh, cũng như Đức Giê-hô-va tôn trọng những người trung thành thờ phượng Ngài, và Chúa Giê-su tôn trọng những môn đồ trung thành.
Gương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su
3. Đức Giê-hô-va tôn trọng các tạo vật thần linh Ngài như thế nào?
3 Mặc dù Đức Giê-hô-va là “Đấng Chí-Cao”, nhưng từ thời ban đầu Ngài đã tôn trọng tạo vật của Ngài bằng cách cho họ dự phần vào công việc của Ngài. (Thi-thiên 83:18) Khi tạo ra người đầu tiên, Đức Giê-hô-va cho Con độc sanh của Ngài tham gia vào công trình sáng tạo với tư cách là “thợ cái”. (Châm-ngôn 8:27-30; Sáng-thế Ký 1:26) Đến lúc Đức Giê-hô-va quyết định hủy diệt Vua A-háp gian ác, thậm chí Ngài cho các thiên sứ nói ra ý kiến làm sao tiến hành cách hủy diệt.—1 Các Vua 22:19-23.
4, 5. Đức Giê-hô-va tôn trọng tạo vật loài người như thế nào?
4 Đức Giê-hô-va là Đấng Thống Trị Tối Cao trong vũ trụ. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:24) Ngài không cần hỏi ý kiến loài người. Nhưng Ngài hạ mình xuống, nói theo nghĩa bóng, để chú ý đến họ. Một người viết Thi-thiên hát: “Ai giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi? Ngôi Ngài ở trên cao; Ngài hạ mình xuống đặng xem-xét trời và đất. Ngài nâng-đỡ người khốn-cùng lên khỏi bụi-tro”.—Thi-thiên 113:5-8.
5 Trước khi hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Đức Giê-hô-va đã lắng nghe những câu hỏi của Áp-ra-ham và thỏa mãn ý thức của ông về sự công bằng. (Sáng-thế Ký 18:23-33) Mặc dù Đức Giê-hô-va biết trước kết cuộc những điều Áp-ra-ham yêu cầu, nhưng Ngài vẫn kiên nhẫn lắng nghe Áp-ra-ham và chấp nhận lý luận của ông.
6. Sự kiện Đức Giê-hô-va tỏ ý tôn trọng khi Ha-ba-cúc nêu ra câu hỏi đã đem lại kết quả nào?
6 Đức Giê-hô-va cũng lắng nghe Ha-ba-cúc khi ông hỏi: “Hỡi Đức Giê-hô-va! Tôi kêu-van mà Ngài không nghe tôi cho đến chừng nào?” Đức Giê-hô-va có xem câu hỏi đó như là thách đố uy quyền Ngài không? Không, Ngài xem câu hỏi của Ha-ba-cúc là chính đáng, và bởi vậy Ngài tiết lộ ý định dấy lên người Canh-đê để thi hành sự phán xét. Ngài trấn an nhà tiên tri rằng ‘sự phán xét đã báo trước này chắc sẽ đến’. (Ha-ba-cúc 1:1, 2, 5, 6, 13, 14; 2:2, 3) Bằng cách xem trọng nỗi lo âu của Ha-ba-cúc và đáp lời ông, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài tôn trọng ông. Kết quả là nhà tiên tri rối trí này được tươi tỉnh lại, vui vẻ tin cậy trọn vẹn nơi Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi mình. Điều này phản ảnh trong sách được soi dẫn của Ha-ba-cúc, làm vững lòng tin tưởng của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va ngày nay.—Ha-ba-cúc 3:18, 19.
7. Tại sao vai trò của Phi-e-rơ vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN có ý nghĩa đặc biệt?
7 Chúa Giê-su Christ cũng làm gương tốt về việc tỏ lòng tôn trọng người khác. Ngài nói với môn đồ rằng “ai chối ta trước mặt thiên-hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta”. (Ma-thi-ơ 10:32, 33) Tuy nhiên, trong đêm ngài bị phản, tất cả môn đồ đều bỏ ngài, còn sứ đồ Phi-e-rơ lại chối ngài ba lần. (Ma-thi-ơ 26:34, 35, 69-75) Chúa Giê-su không để ý đến vẻ bề ngoài của Phi-e-rơ nhưng nhìn thấu được cảm xúc thầm kín nhất cũng như niềm hối hận vô cùng tận của ông. (Lu-ca 22:61, 62) Chỉ 51 ngày sau, Đấng Christ trọng dụng sứ đồ biết ăn năn này bằng cách cho ông đại diện 120 môn đồ của ngài vào Lễ Ngũ Tuần và dùng “chìa-khóa nước thiên-đàng” đầu tiên. (Ma-thi-ơ 16:19; Công-vụ 2:14-40) Phi-e-rơ được cơ hội để ‘hối-cải và làm cho vững chí anh em mình’.—Lu-ca 22:31-33.
Tôn trọng những người trong gia đình
8, 9. Về việc tôn trọng vợ, người chồng có thể noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su như thế nào?
8 Những người làm chồng và các bậc cha mẹ cũng nên noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ trong việc sử dụng quyền hành mà Đức Chúa Trời ban cho. Phi-e-rơ khuyên nhủ: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn;... phải kính-nể họ”. (1 Phi-e-rơ 3:7) Hãy thử tưởng tượng mình cầm một lọ sứ, hẳn nhiên là dễ vỡ hơn cái bằng gỗ. Chẳng lẽ bạn không cẩn thận hơn sao? Người chồng có thể làm thế bằng cách noi theo Đức Giê-hô-va, lắng nghe ý kiến của vợ khi quyết định những vấn đề trong gia đình. Hãy nhớ lại là Đức Giê-hô-va đã dành thì giờ lý luận với Áp-ra-ham. Vì bất toàn, người chồng có thể không hiểu toàn thể vấn đề. Vậy nếu người chồng tôn trọng vợ bằng cách thành thật để ý đến ý kiến của vợ thì chẳng phải là khôn ngoan sao?
9 Trong những xứ có phong tục chồng chúa vợ tôi, người chồng phải nhớ rằng vợ mình có lẽ phải vượt qua một chướng ngại to lớn để nói lên những cảm xúc tận đáy lòng. Hãy noi theo cách Chúa Giê-su Christ khi còn ở trên đất đối xử với các môn đồ, những người thuộc lớp vợ tương lai của ngài. Ngài yêu thương họ, quan tâm đến những giới hạn thể chất và thiêng liêng của họ ngay cả trước khi họ nói ra nhu cầu mình. (Mác 6:31; Giăng 16:12, 13; Ê-phê-sô 5:28-30) Hơn nữa, hãy dành thì giờ để ý đến những gì vợ bạn đang làm cho bạn và gia đình, rồi tỏ lòng biết ơn bằng lời nói và hành động. Cả Đức Giê-hô-va lẫn Chúa Giê-su cũng quý trọng, khen ngợi, và chúc phước cho những người xứng đáng. (1 Các Vua 3:10-14; Gióp 42:12-15; Mác 12:41-44; Giăng 12:3-8) Sau khi chồng trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, một nữ tín đồ Đấng Christ ở Á Đông nói: “Chồng tôi trước kia thường đi ba bốn bước trước tôi, để mặc tôi xách đủ mọi thứ. Nhưng bây giờ anh ấy xách hết và còn biết ơn những gì tôi làm ở nhà!” Một lời biết ơn thành thật cũng có lợi rất nhiều trong việc giúp một người vợ cảm thấy mình được quý trọng.—Châm-ngôn 31:28.
10, 11. Cha mẹ có thể rút tỉa được gì qua gương tốt của Đức Giê-hô-va trong việc đối xử với dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch?
10 Trong việc đối xử với con cái, nhất là khi cần sửa dạy, cha mẹ nên noi gương Đức Chúa Trời. ‘Đức Giê-hô-va cứ khuyên Y-sơ-ra-ên và Giu-đa’ bỏ đường xấu mà trở lại, nhưng họ lại “cứng cổ”. (2 Các Vua 17:13-15) Dân Y-sơ-ra-ên thậm chí còn “lấy miệng dua-nịnh Ngài, dùng lưỡi mình nói dối với Ngài”. Nhiều bậc cha mẹ có thể cảm thấy con cái mình đôi khi cũng như vậy. Dân Y-sơ-ra-ên “thử Đức Chúa Trời” và làm Ngài đau lòng. Nhưng Đức Giê-hô-va “vì lòng thương-xót, tha tội-ác cho, chẳng hủy-diệt chúng nó”.—Thi-thiên 78:36-41.
11 Đức Giê-hô-va còn kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên: “Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện-luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết”. (Ê-sai 1:18) Mặc dù Đức Giê-hô-va không làm gì sai trái, Ngài kêu gọi dân phản nghịch hãy đến để chỉnh lại vấn đề. Quả là một thái độ tốt cho cha mẹ noi theo trong việc đối xử với con cái! Khi có chuyện xảy ra, hãy xem trọng con cái bằng cách nghe chúng trình bày vấn đề, và lý luận cho chúng biết tại sao cần phải thay đổi.
12. (a) Tại sao chúng ta nên tránh coi trọng con cái hơn Đức Giê-hô-va? (b) Để xem trọng phẩm cách của con cái khi sửa trị chúng, cha mẹ cần phải làm gì?
12 Dĩ nhiên đôi khi con cái cần những lời khuyên mạnh. Cha mẹ không muốn giống như Hê-li, đã ‘kính-trọng các con trai hơn Đức Giê-hô-va’. (1 Sa-mu-ên 2:29) Nhưng con cái cần hiểu động lực yêu thương hàm chứa trong sự sửa trị. Chúng phải hiểu là cha mẹ yêu thương chúng. Phao-lô khuyên nhủ người làm cha: “Chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”. (Ê-phê-sô 6:4) Khi sử dụng quyền làm cha, câu này nhấn mạnh là người cha cần phải quan tâm đến phẩm cách của con cái bằng cách không làm chúng giận bởi vì sự khắt khe quá đáng của mình. Đúng vậy, quan tâm đến phẩm cách của con cái đòi hỏi cha mẹ phải có thì giờ và sự cố gắng, nhưng kết quả của việc đó đáng với mọi sự hy sinh.
13. Quan điểm Kinh Thánh là gì về người lớn tuổi trong gia đình?
13 Tôn trọng những người trong gia đình không phải chỉ coi trọng phẩm cách của vợ con mà còn làm hơn nữa. Tục ngữ Nhật có câu: “Khi già thì nghe con”. Ý câu tục ngữ này muốn nói là cha mẹ già nên kiềm chế không vượt quá quyền hạn cha mẹ đồng thời nên để ý đến những gì các con trưởng thành nói. Dù cha mẹ tôn trọng con cái bằng cách nghe chúng nói là điều phù hợp với Kinh Thánh, nhưng con cái không nên tỏ thái độ bất kính đối với những người lớn tuổi trong gia đình. Châm-ngôn 23:22 nói: “Chớ khinh-bỉ mẹ con khi người trở nên già-yếu”. Vua Sa-lô-môn đã làm theo câu châm ngôn này và tôn kính mẹ khi bà đến cầu xin vua. Sa-lô-môn đã sai đặt một ngai cho mẹ bên hữu ngai mình và lắng nghe những điều thái hậu Bát-sê-ba nói với ông, dù lúc ấy bà đã già.—1 Các Vua 2:19, 20.
14. Chúng ta tỏ lòng tôn kính những người lớn tuổi trong hội thánh như thế nào?
14 Trong đại gia đình thiêng liêng, chúng ta nên “dẫn đầu” trong việc tỏ lòng tôn kính đối với những người lớn tuổi trong hội thánh. (Rô-ma 12:10, NW) Họ có thể không làm được nhiều như xưa nữa, và điều đó có thể làm cho họ bực bội. (Truyền-đạo 12:1-7) Một chị Nhân Chứng lớn tuổi được xức dầu nằm liệt giường trong một bệnh xá có lần đã nói lên sự bực bội đó: “Tôi nóng lòng muốn chết để được lên trời làm việc”. Đối với những người lớn tuổi này, việc chúng ta tỏ lòng biết ơn và tôn trọng có thể an ủi họ. Dân Y-sơ-ra-ên được phán dặn: “Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già-cả”. (Lê-vi Ký 19:32) Tỏ lòng kính trọng bằng cách làm cho những người lớn tuổi cảm thấy chúng ta cần họ và biết ơn họ. “Đứng dậy” có thể bao hàm việc ngồi xuống lắng nghe họ kể lại những gì họ đã làm được nhiều năm trước. Làm vậy là tôn trọng người lớn tuổi và làm phong phú đời sống thiêng liêng của chính mình.
“Hãy dẫn đầu trong việc tỏ lòng tôn trọng”
15. Trưởng lão có thể làm gì để tôn trọng phẩm cách của những người trong hội thánh?
15 Những người trong hội thánh được phát triển về thiêng liêng khi trưởng lão nêu gương tốt. (1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Bất kể thời biểu bận rộn, những trưởng lão đầy lòng quan tâm chủ động đến với người trẻ, người gia trưởng, người mẹ đơn chiếc, người nội trợ và người lớn tuổi, dù họ có vấn đề hay không. Trưởng lão lắng nghe ý kiến của những người trong hội thánh và khen họ về những gì họ có thể làm được. Một trưởng lão tinh ý nói những lời biết ơn về những gì một anh hay chị đã làm tức là anh noi theo Đức Giê-hô-va, Đấng quý trọng những tạo vật trên đất của Ngài.
16. Tại sao chúng ta nên tôn trọng các trưởng lão cùng với những người khác trong hội thánh?
16 Bằng cách noi gương Đức Giê-hô-va, các trưởng lão nêu gương tốt trong việc áp dụng lời khuyên của Phao-lô: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau [“hãy dẫn đầu trong việc tỏ lòng tôn trọng”, NW]”. (Rô-ma 12:10) Đối với những trưởng lão sống trong những nước thường có sự chú trọng giai cấp thì điều này có lẽ khó làm hơn. Thí dụ, trong một nước Á Đông nọ, có hai từ được dùng khi nói “anh”, một từ tôn trọng chỉ người trên và từ kia dùng thường. Trước đây, những người trong hội thánh gọi trưởng lão và người lớn tuổi với từ tôn trọng, còn những người khác họ dùng từ thường. Tuy nhiên trong những năm gần đây, họ được khuyến khích dùng từ thường trong mọi trường hợp bởi vì như Chúa Giê-su đã phán cùng các môn đồ, “các ngươi hết thảy đều là anh em”. (Ma-thi-ơ 23:8) Dù sự phân biệt này có thể không rõ rệt trong những nước khác, tất cả chúng ta cần phải ý thức khuynh hướng con người là hay phân biệt giai cấp.—Gia-cơ 2:4.
17. (a) Tại sao trưởng lão nên dễ cho người khác đến gần? (b) Trưởng lão noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách nào trong việc cư xử với những người trong hội thánh?
17 Đành rằng Phao-lô khuyến khích chúng ta xem vài trưởng lão đáng được “kính-trọng bội-phần”, nhưng họ vẫn là anh em thôi. (1 Ti-mô-thê 5:17) Nếu chúng ta có thể “nói năng dạn dĩ khi đến gần ngôi ân phước” của Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, chẳng lẽ chúng ta lại không thể đến gần các trưởng lão, những người nên noi theo Đức Giê-hô-va hay sao? (Hê-bơ-rơ 4:16, NW; Ê-phê-sô 5:1) Các giám thị có thể tự xét mình có dễ đến gần không bằng cách nghĩ xem những người khác có thường xuyên đến với mình để tìm kiếm lời khuyên hoặc nêu ra những đề nghị không. Hãy rút tỉa bài học qua cách Đức Giê-hô-va cho những tạo vật khác tham dự vào những công trình của Ngài. Ngài trọng phẩm cách người khác bằng cách giao trách nhiệm cho họ. Dù là một số lời đề nghị của những Nhân Chứng khác có vẻ không thực tế, trưởng lão cũng phải quý trọng sự quan tâm họ bày tỏ. Hãy nhớ cách Đức Giê-hô-va đã đối xử với Áp-ra-ham khi ông nêu ra những câu hỏi và với Ha-ba-cúc khi ông kêu than.
18. Trưởng lão có thể noi gương Đức Giê-hô-va như thế nào trong việc điều chỉnh lại những người cần sự giúp đỡ?
18 Một số anh em tín đồ Đấng Christ cần được điều chỉnh lại. (Ga-la-ti 6:1) Nhưng họ vẫn đáng quý trước mặt Đức Giê-hô-va, đáng được đối xử đàng hoàng. Một Nhân Chứng nói: “Khi người cho lời khuyên đối xử với tôi một cách tôn trọng tôi cảm thấy dễ đến gần người ấy”. Phần nhiều người nghe lời khuyên khi họ được đối xử đàng hoàng. Người lầm đường dễ chấp nhận lời khuyên hơn nếu có người lắng nghe họ, và điều này đòi hỏi nhiều thì giờ hơn. Hãy nhớ cách Đức Giê-hô-va lý luận với dân Y-sơ-ra-ên nhiều lần vì Ngài thương xót họ. (2 Sử-ký 36:15; Tít 3:2) Lời khuyên đầy sự đồng cảm và thông cảm sẽ động đến lòng của người cần sự giúp đỡ.—Châm-ngôn 17:17; Phi-líp 2:2, 3; 1 Phi-e-rơ 3:8.
19. Chúng ta nên xem những người không cùng tín ngưỡng như thế nào?
19 Chúng ta cũng nên coi trọng những người có triển vọng trở thành anh em thiêng liêng của chúng ta trong tương lai. Những người đó có thể chậm chấp nhận thông điệp của chúng ta bây giờ, nhưng chúng ta cần tỏ ra kiên nhẫn và tôn trọng phẩm cách của họ. Đức Giê-hô-va “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Chẳng phải chúng ta nên có quan điểm của Đức Giê-hô-va sao? Tôn trọng người ta nói chung, chúng ta có thể mở đường cho việc làm chứng nếu chúng ta luôn luôn cố gắng thân thiện. Dĩ nhiên chúng ta không muốn loại kết hợp mà có thể làm nguy hại về thiêng liêng. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Nhưng chúng ta tỏ lòng “nhân-từ”, không khinh bỉ những người không tin những điều chúng ta tin.—Công-vụ 27:3.
20. Gương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ khiến chúng ta làm gì?
20 Đúng vậy, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ xem mỗi người chúng ta đáng được tôn trọng. Mong rằng chúng ta luôn luôn nhớ cách hành động của hai Ngài và dẫn đầu trong việc tôn trọng lẫn nhau. Và mong rằng chúng ta luôn luôn nhớ lời của Chúa Giê-su Christ: “Các ngươi hết thảy đều là anh em”.—Ma-thi-ơ 23:8.
Bạn trả lời thế nào?
• Bạn nên xem các anh em trong đạo như thế nào?
• Gương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su khiến bạn tôn trọng người khác như thế nào?
• Những người chồng và các bậc cha mẹ tôn trọng người khác như thế nào?
• Các trưởng lão xem các tín đồ Đấng Christ như anh em thì họ sẽ hành động như thế nào?
[Hình nơi trang 18]
Tôn trọng vợ bằng lời nói biết ơn
[Hình nơi trang 18]
Trọng phẩm giá của con cái bằng cách lắng nghe chúng
[Hình nơi trang 18]
Đối xử tôn trọng với các người trong hội thánh