Tự truyện
Đức Giê-hô-va luôn tưởng thưởng những người trung thành
DO VERNON DUNCOMBE KỂ LẠI
Vừa ăn xong quà tối, như thường lệ tôi đốt điếu thuốc lá. Rồi tôi hỏi vợ tôi, Aileen: “Buổi họp tối nay ra sao?”
VỢ TÔI ngập ngừng rồi nói: “Em nghe đọc một thông báo về những người mới được bổ nhiệm, và có nghe nhắc đến tên anh. Anh được bổ nhiệm làm tôi tớ âm thanh. Câu cuối của lá thư có nói: ‘Nếu có anh nào mới được bổ nhiệm đang hút thuốc lá, thì họ phải viết cho tổ chức nói rằng họ không thể chấp nhận sự bổ nhiệm đó’ ”.a Tôi trả lời bằng một giọng kéo dài và quả quyết: “A..a..à! thì ra là thế”.
Tôi nghiến răng và dụi điếu thuốc trong cái gạt tàn thuốc cạnh tôi. “Tôi không biết tại sao mình được chọn làm nhiệm vụ này. Nhưng trước nay mình chưa hề từ chối một nhiệm vụ nào cả và bây giờ cũng không có ý định đó”. Tôi nhất quyết không bao giờ hút thuốc nữa. Quyết định này đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống tôi là một tín đồ Đấng Christ và là một nhạc sĩ. Tôi xin kể ra vài biến cố đã khiến tôi đi đến quyết định trên.
Đời sống gia đình lúc đầu
Tôi sinh ra ở Toronto, Canada, vào ngày 21-9-1914, và là con trưởng nam trong gia đình. Cha mẹ tôi, Vernon và Lila, rất yêu thương và siêng năng, đã nuôi dưỡng bốn con trai và hai con gái. Sinh sau tôi là Yorke, rồi đến Orlando, Douglas, Aileen và Coral. Khi vừa lên chín, mẹ cho tôi một vĩ cầm và sắp xếp cho tôi học âm nhạc tại trường Harris School of Music. Thời đó tình trạng kinh tế khó khăn, nhưng cha mẹ đã tìm cách lo tiền xe và học phí cho tôi. Sau đó tôi học nhạc lý và hòa âm tại trường nhạc Royal Conservatory of Music ở Toronto, và lúc lên 12 tuổi, tôi dự thi buổi biểu diễn độc tấu của thành phố tại Massey Hall, một thính phòng âm nhạc có tiếng ở trung tâm thành phố. Tôi đoạt giải và được tặng một cây vĩ cầm thật tốt với hộp đựng bằng da cá sấu.
Với thời gian, tôi cũng học chơi đàn piano và đàn công bát. Thường thì nhóm chúng tôi chơi cho những buổi tiệc nhỏ vào tối Thứ Sáu và Thứ Bảy và tại các buổi khiêu vũ của hội sinh viên đại học. Chính tại một trong những buổi khiêu vũ này mà tôi đã gặp Aileen. Năm cuối bậc trung học, tôi chơi cho một số ban nhạc khắp thành phố. Sau khi tốt nghiệp, tôi được mời tham gia vào Ban Nhạc Ferde Mowry. Tôi được trả lương hậu, và việc làm đó vững cho đến năm 1943.
Học biết Đức Giê-hô-va
Cha mẹ tôi được biết lẽ thật Kinh Thánh lần đầu tiên ngay trước khi Thế Chiến I bùng nổ, lúc ấy cha tôi đang làm nhân viên trưng bày hàng hóa tại một cửa hàng bách hóa ở trung tâm thành phố Toronto. Trong phòng ăn trưa, cha lắng nghe cuộc đối thoại của hai bạn đồng nghiệp đều là Học Viên Kinh Thánh (tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ). Rồi cha chia sẻ những điều mình nghe với mẹ khi đi làm về vào buổi chiều tối. Nhiều năm sau, vào năm 1927, những Học Viên Kinh Thánh có đại hội ở Toronto tại Coliseum trong khu gọi là Canadian National Exhibition. Chúng tôi ở cách đó hai khu nhà tính từ cổng vào phía tây, nên đã được dùng làm nơi ăn ở cho 25 người từ Ohio, Hoa Kỳ.
Sau đó, một trong những Học Viên Kinh Thánh, Ada Bletsoe, bắt đầu đến thăm mẹ tôi thường xuyên, và để lại những ấn phẩm mới nhất. Một ngày nọ, chị nói: “Bà Duncombe à, tôi đã để lại ấn phẩm cho bà một thời gian rồi. Bà có đọc cuốn nào chưa?” Từ đó trở đi, mẹ tôi quyết tâm đọc không hề bỏ sót tờ nào, mặc dù bận bịu nuôi dạy sáu con. Tuy nhiên, tôi không chú ý gì đến những ấn phẩm đó. Tôi cố gắng học để tốt nghiệp, và say mê âm nhạc.
Vào tháng 6 năm 1935, Aileen và tôi kết hôn trong nhà thờ Anh Giáo. Từ khi không còn đi Nhà Thờ Thống Nhất từ lúc 13 tuổi, tôi không hề đi đạo nào khác; vì vậy tôi đã điền vào giấy hôn thú là một Nhân Chứng Giê-hô-va dù sự thật tôi chưa là Nhân Chứng.
Chúng tôi đã trông mong đến việc gầy dựng một gia đình trong tương lai và muốn làm cha mẹ tốt. Do đó chúng tôi khởi sự đọc Tân Ước với nhau. Tuy nhiên, dù có thiện ý, nhưng rồi những chuyện khác đã xen vào. Ít lâu sau, chúng tôi lại cố gắng lần nữa nhưng cũng vậy thôi. Rồi đến Giáng Sinh năm 1935, chúng tôi nhận được một món quà—cuốn sách với nhan đề The Harp of God (Đàn cầm của Đức Chúa Trời). Vợ tôi nói: “Này, mẹ gửi mình một món quà Giáng Sinh lạ quá”. Tuy nhiên, sau khi tôi đi làm, vợ tôi bắt đầu đọc và thích những điều mình đọc. Trong một thời gian khá lâu, tôi không biết gì về điều đó. Còn về việc chúng tôi trông mong gầy dựng gia đình thì không thành sự thật. Đứa con gái chúng tôi, sinh ngày 1-2-1937, đã không sống được bao lâu. Điều này làm chúng tôi rất đau buồn!
Trong thời gian này gia đình tôi đã tham gia tích cực vào công việc rao giảng, và tôi biết cha là người công bố duy nhất trong gia đình mà chưa mời được ai nhận tạp chí Consolation (bây giờ là Tỉnh Thức!) dài hạn. Đây là mục tiêu trong công việc rao giảng vào tháng đó. Dù tôi chưa đọc bất cứ ấn phẩm nào của Hội, tôi cảm thấy buồn cho cha nên nói: “Cha à, cha có thể đặt báo dài hạn giùm con; rồi cha cũng sẽ được như những người khác”. Mùa hè đến và ban nhạc rời thành phố để chơi tại một nơi nghỉ mát. Tờ Consolation được gửi qua bưu điện đến chỗ của tôi. Mùa thu đến, ban nhạc lại trở về Toronto. Tạp chí cứ được gửi đến địa chỉ mới của chúng tôi, thậm chí tôi chẳng mở một tờ ra khỏi bao nữa.
Trong một kỳ nghỉ Giáng Sinh, tôi nhìn một chồng tạp chí và kết luận rằng mình đã trả tiền cho những tờ này thì ít ra nên đọc vài tờ để xem trong đó nói gì. Tờ đầu mà tôi mở ra làm tôi sững sờ. Nó vạch trần những mưu đồ chính trị và sự tham nhũng thời đó. Tôi bắt đầu nói với những người bạn nhạc sĩ về những gì tôi đọc. Tuy nhiên, họ không chịu tin những gì tôi nói, và tôi đã phải tiếp tục đọc để tự biện hộ lấy. Vô tình tôi đã bắt đầu làm chứng về Đức Giê-hô-va. Và từ đó trở đi, tôi không bao giờ ngưng đọc những ấn phẩm tuyệt vời về Kinh Thánh của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”.—Ma-thi-ơ 24:45.
Mặc dù công việc làm tôi bận rộn trong tuần, nhưng chẳng bao lâu sau tôi dự buổi họp Chủ Nhật với Aileen. Khi chúng tôi đến buổi họp vào một Chủ Nhật năm 1938, hai chị đứng tuổi chào chúng tôi, rồi một chị nói: “Cậu em này, cậu đã đứng về phía Đức Giê-hô-va chưa? Cậu biết đó, Ha-ma-ghê-đôn gần kề lắm rồi!” Tôi biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có một và thật, và tôi đã tin tưởng đây là tổ chức của Ngài. Tôi muốn thuộc về tổ chức đó, vì vậy vào ngày 15-10-1938, tôi làm báp têm. Aileen báp têm sáu tháng sau. Tôi vui mừng nói rằng tất cả gia đình tôi đều trở thành tôi tớ dâng mình cho Đức Giê-hô-va.
Quả là một điều vui thích mà tôi nghiệm được qua sự kết hợp với dân tộc của Đức Chúa Trời! Chẳng bao lâu sau, tôi cảm thấy tự nhiên thoải mái trong vòng những người này. Khi không thể đến dự, tôi luôn luôn muốn biết những gì xảy ra trong buổi họp. Buổi tối mà tôi nhắc đến ở phần đầu của bài này là một bước ngoặt trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.
Một bước ngoặt trong cuộc đời chúng tôi
Một sự thay đổi quan trọng khác đã xảy ra cho chúng tôi vào ngày 1-5-1943. Chúng tôi đi dự đại hội đầu tiên vào tháng 9-1942, Hội Nghị Thần Quyền Thế Giới Mới tại Cleveland, Ohio. Ở đó ngay trong lúc thế chiến khủng khiếp diễn ra, một cuộc chiến không thấy ngày chấm dứt, chúng tôi nghe anh Knorr, chủ tịch Hội Tháp Canh lúc bấy giờ, can đảm cho một bài giảng rất đáng chú ý là “Hòa bình có thể tồn tại không?” Chúng tôi nhớ rất rõ anh đã cho thấy, trong Khải-huyền chương 17, rằng sau chiến tranh sẽ có hòa bình, thời kỳ mà công việc rao giảng sẽ được thực hiện trên một bình diện rộng lớn.
Điều ảnh hưởng chúng tôi nhiều nhất là bài giảng trước đó của anh Knorr, “Giép-thê và lời hứa nguyện của ông”. Lúc đó có lời kêu gọi nhiều người tiên phong hơn nữa! Aileen và tôi nhìn nhau và đồng thanh nói (cùng với nhiều người khác lúc đó): “Lời này là cho mình đó!” Ngay lập tức chúng tôi bắt đầu sắp xếp để làm công việc quan trọng hơn.
Công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va đã bị cấm đoán ở Canada kể từ ngày 4-7-1940. Khi chúng tôi bắt đầu tiên phong vào ngày 1-5-1943, thì việc làm chứng về Đức Giê-hô-va và phát hành sách báo của Hội vẫn chưa được chính thức. Phụng sự với tư cách là tín đồ Đấng Christ, chúng tôi chỉ mang theo cuốn Kinh Thánh riêng là bản dịch King James. Chỉ ít ngày sau khi chúng tôi đến nhiệm sở tiên phong ở Parry Sound, Ontario, thì Stewart Mann, một người tiên phong kinh nghiệm đã được văn phòng chi nhánh phái đến để làm công việc rao giảng với chúng tôi. Quả thật là một sự sắp đặt đầy yêu thương! Anh Mann có tính vui vẻ, dễ thương và hay cười. Chúng tôi học được nơi anh nhiều điều và có những giờ phút vui vẻ với nhau. Chúng tôi đang hướng dẫn một số học hỏi Kinh Thánh thì Hội tái bổ nhiệm chúng tôi đến thành phố Hamilton. Chẳng bao lâu sau, dù quá tuổi quân dịch, tôi vẫn bị động viên. Vì không tham gia vào quân đội nên tôi bị bắt vào ngày 31-12-1943. Sau khi xong thủ tục tòa án, tôi bị đưa vào một trại lao động, và ở đó cho tới tháng 8-1945.
Khi được thả ra, tôi và Aileen lập tức được bổ nhiệm làm tiên phong ở Cornwall, Ontario. Ít lâu sau đó, Ban Pháp Lý của Hội cử chúng tôi đến Quebec để lo vấn đề ở tòa án. Đây là thời kỳ Quebec ở dưới chế độ Duplessis, Nhân Chứng Giê-hô-va bị bắt bớ gay gắt. Nhiều ngày hàng tuần, tôi phải đi đến bốn tòa khác nhau để giúp các anh em. Đó là thời kỳ rất phấn khởi và củng cố đức tin.
Sau đại hội Cleveland năm 1946, tôi và vợ tôi được bổ nhiệm để làm công việc vòng quanh và địa hạt từ miền đông qua tây Canada. Mọi sự diễn ra rất nhanh chóng. Vào năm 1948, chúng tôi được mời dự lớp thứ 11 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Anh Robert Schroeder và Maxwell Friend là hai người trong ban giảng dạy, và lớp chúng tôi có 108 học viên, kể cả 40 người được xức dầu. Với nhiều tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va hiện diện trong lớp, quả thật chúng tôi đã được một kinh nghiệm dồi dào và thỏa nguyện!
Có lần anh Knorr đến viếng thăm chúng tôi từ Brooklyn. Trong bài giảng, anh kêu gọi 25 người tình nguyện học tiếng Nhật. Tất cả 108 người tình nguyện! Và anh chủ tịch phải chọn xem ai sẽ được dạy. Tôi nghĩ Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn sự lựa chọn đó bởi vì mọi sự việc đã diễn ra tốt đẹp. Nhiều người trong số 25 người được chọn và sau đó có đặc ân mở rộng công việc rao giảng ở Nhật vẫn tiếp tục trong nhiệm sở của họ dù đã già. Một số anh chị như là anh chị Lloyd và Melba Barry ở một thời gian rồi đi một nhiệm sở khác. Anh Lloyd là thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương cho đến khi anh mất vào năm ngoái. Tôi vui mừng với tất cả những người được Đức Giê-hô-va tưởng thưởng.
Ngày tốt nghiệp đến, chúng tôi được bổ nhiệm đến đảo Jamaica. Tuy nhiên, vì ngày của phiên tòa ở Quebec chưa định, chúng tôi phải trở về Canada.
Nhiều âm nhạc hơn!
Mặc dù khi làm công việc tiên phong, tôi không còn chơi âm nhạc nữa, nhưng dường như âm nhạc không lìa khỏi tôi. Năm sau, anh chủ tịch của Hội là Nathan Knorr và thư ký của anh là Milton Henschel, đến Maple Leaf Gardens ở Toronto. Bài giảng công cộng của anh Knorr tựa đề “Trễ hơn là bạn nghĩ!” đã làm cho mọi người hào hứng. Lần đầu tiên, tôi được mời để chỉ huy dàn nhạc của đại hội. Chúng tôi chuẩn bị điệu waltz để chơi những bài hát nhiều người ưa thích trong cuốn thánh ca Kingdom Service Song Book (1944). Dường như các anh em đều thích nghe. Khi chương trình bế mạc vào trưa Thứ Bảy, chúng tôi đang diễn tập chương trình dự định cho Chủ Nhật. Tôi thoáng thấy anh Henschel đi băng qua vận động trường về hướng chúng tôi, và tôi ngưng ban nhạc để có thể đến gặp anh. Anh hỏi: “Anh có bao nhiêu nhạc sĩ trong ban này?” Tôi đáp: “Khi tất cả chúng tôi hiện diện thì có 35 người”. Anh nói: “Thế thì anh sẽ có nhiều gấp đôi vào mùa hè năm tới ở New York”.
Tuy nhiên, trước khi mùa hè đến, tôi được mời đến Brooklyn. Vì hoàn cảnh, lúc đầu Aileen không thể đi với tôi. Lúc đó trụ sở 124 Columbia Heights chưa xây xong, nên tôi đã được cho một cái giường ở trong căn nhà Bê-tên đầu tiên. Tôi ở một căn phòng nhỏ với hai anh được xức dầu—anh Payne lớn tuổi và anh Karl Klein, những người mà lúc bấy giờ tôi được gặp lần đầu tiên. Phòng có chật không? Chật chứ. Tuy nhiên, chúng tôi rất hợp với nhau. Những anh lớn tuổi hay kiên nhẫn và nhịn nhục. Tôi chỉ cố sao không làm phiền các anh! Đây là bài học quí giá về những gì thánh linh Đức Chúa Trời có thể thực hiện. Việc tôi gặp và làm việc với anh Klein đã đem lại nhiều ân phước! Anh luôn tử tế và sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi làm việc hòa thuận với nhau và vẫn còn là bạn thân thiết hơn 50 năm.
Tôi có đặc ân giúp về âm nhạc tại Yankee Stadium năm 1950, 1953, 1955 và 1958 cũng như chỉ huy ban nhạc với Al Kavelin tại đại hội năm 1963 được diễn ra ở Rose Bowl, Pasadena, California. Trong đại hội năm 1953 tại Yankee Stadium, một chương trình âm nhạc đã được trình diễn vào Chủ Nhật trước bài giảng công cộng. Erich Frost đã giới thiệu Edith Shemionik, (sau này là Weigand), người hát giọng nữ cao, đã hát bài “Hỡi các Nhân Chứng hãy tiến lên!” mà anh đã soạn với sự phụ họa của ban hòa tấu. Rồi lần đầu tiên chúng tôi vui mừng được nghe những giọng ca ấm áp, êm dịu của những anh em ở Phi Châu. Anh giáo sĩ Harry Arnott đã đem theo một cuộn băng từ Bắc Rhodesia (nay là Zambia) cho chúng tôi thưởng thức. Âm thanh đã vang dội cả vận động trường.
Thu âm sách hát 1966
Bạn còn nhớ cuốn sách hát bìa nhựa màu hồng “Hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa” không? Khi gần đến lúc sách này sắp được hoàn tất, anh Knorr nói: “Chúng ta sẽ thu âm một số bài hát. Tôi muốn anh tổ chức một dàn nhạc nhỏ, chỉ cần vài người chơi vĩ cầm và hai người thổi sáo. Tôi không muốn ai thổi kèn cả!” Phòng Nước Trời ở Bê-tên sẽ là nơi thu âm, nhưng có người lo ngại về điều đó. Nếu âm thanh dội lại từ tường không màn, sàn gạch, ghế xếp bằng nhôm thì sao? Ai có thể giúp chúng tôi giải quyết vần đề này? Một người đề nghị: “Anh Tommy Mitchell! Anh ấy làm tại đài truyền hình ABC”. Chúng tôi liên lạc với anh Mitchell và anh ấy sẵn sàng giúp.
Đến sáng Thứ Bảy ngày thu âm lần đầu, và khi những nhạc sĩ được giới thiệu, một anh có hộp kèn trombon. Tôi nhớ anh Knorr đã dặn: “Tôi không muốn ai thổi kèn cả!” Bây giờ làm sao đây? Tôi nhìn anh lấy kèn ra khỏi hộp, sửa ống trượt cho đúng chỗ, rồi bắt đầu tập. Anh ấy là Tom Mitchell và những nốt đầu tiên rất là du dương. Anh đã làm kèn trombon nghe giống như tiếng vĩ cầm! Tôi nghĩ thầm “anh này phải ở lại với ban nhạc!” Anh Knorr không hề phản đối.
Ban nhạc chúng tôi có một nhóm nhạc sĩ giỏi và cũng là những anh chị em đầy yêu thương. Không ai là người hay giận dỗi tự ái! Thu âm là việc đòi hỏi sự rán sức, nhưng không ai than thở cả. Khi xong việc, có những người đã rơi nước mắt; và tình bạn thân thiết vẫn còn lưu lại trong lòng những người trong ban thu âm. Mỗi người đều thích thú đặc ân này và nhờ Đức Giê-hô-va, chúng tôi làm xong việc.
Thêm những đặc ân đầy thỏa nguyện
Sau nhiều năm, tôi vẫn vui thích công việc rao giảng trọn thời gian. Đã 28 năm tôi làm công việc vòng quanh và địa hạt—trách nhiệm nào cũng thích thú cả. Sau đó tôi quản lý Phòng Hội Nghị ở Norval, Ontario. Vì có hội nghị vòng quanh mỗi cuối tuần cũng như đại hội trong những thứ tiếng ngoại quốc, Aileen và tôi rất bận rộn. Vào năm 1979/1980, những kiến trúc sư và kỹ sư đã dùng Phòng Hội Nghị để hoạch định sơ đồ chi nhánh tương lai ở Halton Hills của Hội. Tiếp theo công việc ở Phòng Hội Nghị, chúng tôi được bổ nhiệm làm một công việc khác về âm nhạc ở Brooklyn, từ 1982 đến 1984.
Vợ yêu dấu của tôi mất ngày 17-6-1994, chỉ có bảy ngày sau ngày kỷ niệm lễ cưới thứ năm 59 của chúng tôi. Chúng tôi đã cùng nhau làm tiên phong 51 năm.
Khi nghĩ lại nhiều kinh nghiệm trong đời sống, tôi nhớ Kinh Thánh là một sự hướng dẫn quí giá biết bao. Đôi khi tôi dùng Kinh Thánh riêng của Aileen và tìm được nguồn vui thích lớn khi để ý tới những gì đã động đến lòng của Aileen—cả câu, một nhóm từ đặc biệt và những chữ mà vợ tôi đã gạch dưới. Như Aileen, tôi cũng có những câu Kinh Thánh mang ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Một đoạn trong Thi-thiên 137 có một lời cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại! Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm, nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giê-ru-sa-lem làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn”. (Thi-thiên 137:5, 6, Tòa Tổng Giám Mục) Dù tôi yêu thích âm nhạc, nhưng niềm vui lớn nhất của tôi đến từ việc phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trung thành. Ngài là Đấng đã thưởng cho tôi có một đời sống đầy trọn và thỏa nguyện.
[Chú thích]
a Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-6-1973 giải thích tại sao từ lúc đó trở đi, một người cần phải bỏ hút thuốc trước khi được làm báp têm và trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va.
[Hình nơi trang 28]
Cùng với Aileen vào năm 1947
[Hình nơi trang 30]
Tại buổi thu âm lần đầu