Làm thế nào vun trồng đạo đức
TỰ ĐIỂN ngày nay định nghĩa “đạo đức” là “đạo lý và đức hạnh”. Đó là “hành động và suy nghĩ ngay thẳng; tính tốt”. Người biên soạn tự điển Marvin R. Vincent nói rằng ý nghĩa nguyên thủy của từ Hy Lạp được dịch là “đạo đức” biểu thị “sự xuất sắc về bất cứ mặt nào”. Chẳng ngạc nhiên gì khi có những lúc người ta tán dương những đức tính như thận trọng, can đảm, kỷ luật tự giác, công bằng, thương xót, kiên trì, trung thực, khiêm nhường và trung thành. Đạo đức còn được định nghĩa là “sự tuân thủ một tiêu chuẩn về lẽ phải”.
Chúng ta nên tuân theo tiêu chuẩn về phẩm hạnh, tính tốt và lẽ phải của ai? Tạp chí Newsweek nói: “Theo trường phái triết học đạo đức đang thịnh, chủ nghĩa hoài nghi do phong trào Ánh Sáng đề xướng đã quy tất cả quan niệm về việc phải trái thành vấn đề sở thích cá nhân, sở thích về tình cảm hoặc sự chọn lựa thuộc về văn hóa”. Nhưng phải chăng sở thích là cách thỏa đáng để xác định điều nào đúng điều nào sai? Không đâu. Muốn vun trồng đạo đức chúng ta cần một tiêu chuẩn đáng tin cậy về điều thiện và điều ác—một tiêu chuẩn có thể giúp chúng ta đánh giá một hành động, thái độ hoặc tính cách nào đó là đúng hay sai.
Nguồn thật và duy nhất về những tiêu chuẩn đạo đức
Chỉ có một Nguồn thật về những tiêu chuẩn đạo đức, đó là Đấng Tạo Hóa của nhân loại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chẳng bao lâu sau khi tạo nên người đàn ông đầu tiên, A-đam, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho con người mệnh lệnh này: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Giê-hô-va Đức Chúa Trời đặt cho cây ấy một tên có một không hai để cho thấy chỉ một mình Ngài có quyền quyết định điều thiện và điều ác cho các tạo vật của Ngài. Do đó những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều thiện và điều ác trở thành cơ sở cho việc xét đoán hoặc đánh giá hành động, quan điểm và đặc tính của một người. Không có những tiêu chuẩn như thế chúng ta không thể phân biệt phải trái một cách đúng đắn.
Mệnh lệnh liên quan đến cây biết điều thiện và điều ác đã đặt A-đam và Ê-va trước một sự lựa chọn là vâng lời hoặc bất tuân. Về phần họ, vâng giữ mệnh lệnh ấy là đạo đức. Với thời gian Đức Giê-hô-va cho biết thêm điều gì làm đẹp lòng Ngài và điều gì làm trái ý Ngài; và Ngài cho ghi lại những điều ấy trong Kinh Thánh dành cho chúng ta. Vậy vun trồng đạo đức đòi hỏi chúng ta phải tuân theo những tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va đã được trình bày trong Kinh Thánh.
Hãy biết rõ những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời
Vì chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời ấn định những tiêu chuẩn về thiện ác và cho ghi lại trong Kinh Thánh, chẳng lẽ chúng ta không tìm hiểu để biết rõ những tiêu chuẩn đó hay sao? Sứ đồ Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.
Thí dụ, hãy xem xét trường hợp hiểu lầm mà Kunihito, được đề cập trong bài trước, đã gặp khi thể hiện sự khiêm tốn theo quan điểm của nền văn hóa nước ông. Xem xét kỹ những tiêu chuẩn trong Kinh Thánh sau này đã giúp ông có được quan điểm thăng bằng hơn. Chắc chắn Kinh Thánh khuyến khích chúng ta nên khiêm tốn và khuyên chúng ta chớ quá tự tin và kiêu ngạo. (Châm-ngôn 11:2; Mi-chê 6:8) Tuy nhiên, khi nêu ra những điều kiện chính để làm “giám thị”, sứ đồ Phao-lô nói đến việc “vươn tới” đặc ân ấy. (1 Ti-mô-thê 3:1, NW) Khi “vươn tới”, ta không phô trương hay kiêu ngạo, nhưng cũng không nhất thiết phải tự hạ thấp.
Kinh Thánh nói gì về sự xuất sắc đạo đức trên thương trường? Sử dụng những phương pháp mờ ám hoặc qua mặt các quy định và luật thuế của chính quyền là thực hành thông thường trong giới kinh doanh ngày nay. Tuy nhiên, bất chấp những gì người khác làm, tiêu chuẩn của Kinh Thánh là chúng ta phải “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”. (Hê-bơ-rơ 13:18) Vì thế, chúng ta vun trồng đạo đức bằng cách lương thiện và ngay thẳng với chủ, nhân viên, khách hàng và chính quyền. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:13-16; Rô-ma 13:1; Tít 2:9, 10) Chắc chắn tính lương thiện tạo thêm lòng tin và thiện ý. Những sự thỏa thuận bằng văn bản thường giúp tránh sự hiểu lầm và rắc rối có thể nẩy sinh vì “sự bất trắc”.—Truyền đạo 9:11, NW; Gia-cơ 4:13, 14.
Chúng ta cũng cần vun trồng đạo đức trong lãnh vực ăn mặc và chải chuốt. Việc lựa chọn trang phục có khác nhau tùy theo văn hóa, và chúng ta có thể cảm thấy bị áp lực mạnh phải theo thời trang mới nhất. Nhưng tại sao chúng ta phải chạy theo thời trang? Kinh Thánh khuyên chúng ta “đừng làm theo đời nầy”. (Rô-ma 12:2) Thay vì đặt ra những luật lệ, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn viết: “Ta cũng muốn rằng những người đàn-bà ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình, không dùng những tóc-gióc, vàng, châu-ngọc và áo-quần quí-giá, nhưng dùng việc lành, theo lẽ đương-nhiên của người đàn-bà tin-kính Chúa”. (1 Ti-mô-thê 2:9, 10) Tiêu chuẩn căn bản này áp dụng cho cả nam và nữ. Dĩ nhiên, vẫn có nhiều kiểu đẹp khác nhau để chọn tùy văn hóa và sở thích cá nhân.
Kinh Thánh cũng cho biết những thực hành vô luân mà Đức Chúa Trời rõ ràng lên án. Chúng ta đọc lời cảnh cáo này nơi 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10: “Anh em há chẳng biết những kẻ không công-bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà-dâm, kẻ thờ hình-tượng, kẻ ngoại-tình, kẻ làm giáng yểu-điệu, kẻ đắm nam-sắc, kẻ trộm-cướp, kẻ hà-tiện, kẻ say-sưa, kẻ chưởi-rủa, kẻ chắt-bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu”. Câu Kinh Thánh này đã giúp Maria, được nói đến ở phần trước, hiểu rằng theo tiêu chuẩn đạo đức ưu việt do Đấng Tạo Hóa đề ra, việc cô dan díu với Juan là sai trái và cô phải chấm dứt tình trạng đó nếu muốn Đức Chúa Trời chấp nhận. Rõ ràng muốn vun trồng đạo đức chúng ta cần biết rõ những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.
Hết lòng học tập
Đạo đức không phải là thụ động tránh điều ác. Nó có sức mạnh luân lý. Một người đạo đức có lòng tốt. Một giáo sư nói: “Đạo đức cần được học tập với cả tấm lòng cũng như với trí khôn”. Vậy vun trồng đạo đức đòi hỏi nhiều hơn là việc quen thuộc Lời Đức Chúa Trời. Muốn vun trồng đạo đức cần suy ngẫm những điều được viết trong Lời Ngài để lòng chúng ta tràn ngập sự biết ơn đối với Đức Giê-hô-va và chúng ta được thúc đẩy áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống.
Người viết Thi-thiên thốt lên: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy”. (Thi-thiên 119:97) Vua Đa-vít viết: “Tôi nhớ lại các ngày xưa, tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa”. (Thi-thiên 143:5) Chúng ta cũng vậy, nên thành tâm suy ngẫm và cầu nguyện mỗi khi học Kinh Thánh và những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh.
Thật vậy, dành thì giờ cho việc siêng năng học hỏi kèm với việc suy ngẫm có thể là một thách thức. Nhưng muốn trau dồi đạo đức chúng ta phải tranh thủ thì giờ từ những hoạt động khác. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Aaron, 24 tuổi, tranh thủ thì giờ bằng cách dậy sớm hơn trước kia 30 phút mỗi ngày. Anh thuật lại: “Thoạt tiên, trong suốt nửa giờ tôi chỉ đọc Kinh Thánh. Thời gian gần đây tôi mới ý thức tầm quan trọng của việc suy ngẫm. Thế nên giờ đây tôi dành khoảng phân nửa thì giờ để suy nghĩ về những điều vừa đọc. Điều này thật bổ ích”. Ngoài ra có thể suy ngẫm vào một thời điểm khác. Trong một giai điệu dâng cho Đức Giê-hô-va, Đa-vít hát: “[Tôi] suy-gẫm về Chúa trọn các canh đêm”. (Thi-thiên 63:6) Kinh Thánh kể lại: “Lối chiều, người [Y-sác] đi ra ngoài đồng đặng suy gẫm”.—Sáng-thế Ký 24:63.
Sự suy ngẫm là vô giá trong việc vun trồng đạo đức vì nó giúp chúng ta cảm nhận theo cách Đức Giê-hô-va cảm nhận và có cùng quan điểm với Ngài. Thí dụ, Maria biết Đức Chúa Trời cấm tà dâm. Nhưng muốn ‘gớm sự dữ và mến sự lành’, cô cần suy ngẫm các câu Kinh Thánh then chốt. (Rô-ma 12:9) Cô được giúp để nhận biết cần thay đổi sau khi đọc Cô-lô-se 3:5; câu này khuyên chúng ta ‘làm chết các chi-thể của mình, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham–muốn xấu-xa và tham-lam’. Maria phải tự hỏi: ‘Tôi phải làm chết loại ham muốn tình dục nào? Tôi nên tránh những gì khả dĩ khơi dậy dục vọng ô uế? Tôi cần có những thay đổi nào trong cách đối xử với người khác phái?’
Suy ngẫm bao hàm việc xem xét hậu quả của hành động. Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ tránh tà dâm và phải tự chủ để “chớ có ai phỉnh-phờ anh em mình, hay là làm hại anh em bất kỳ việc gì”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7) Những câu hỏi nên suy ngẫm là: ‘Việc phạm vào hành vi này gây tổn hại gì cho tôi, gia đình tôi hoặc cho người khác? Tôi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào về thiêng liêng, tình cảm và thể xác? Những kẻ đã vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời trong quá khứ đã gánh chịu hậu quả nào?’ Suy tưởng như thế đã củng cố lòng Maria và điều này cũng có tác dụng tương tự với chúng ta.
Học hỏi từ những gương
Có thể dạy đạo đức trong lớp không? Đây là một câu hỏi đã làm nhiều nhà tư tưởng bối rối hàng nghìn năm. Nhà triết học Hy Lạp Plato nghiêng về ý nghĩ cho rằng có thể được. Ngược lại, Aristotle lý luận rằng đạo đức đạt được qua thực hành. Một nhà báo đã tổng kết vấn đề tranh luận như thế này: “Nói tóm lại, đạo đức không thể chỉ học hỏi. Nó cũng không thể được dạy trong sách vở. Tính cách tốt xuất phát từ việc sống trong cộng đồng... nơi mà đạo đức được khuyến khích và được thưởng”. Nhưng chúng ta có thể tìm thấy những người thật sự đạo đức ở đâu? Trong khi phần lớn các nền văn hóa chỉ cho một số gương đạo đức, ít ra là trong những nhân vật anh hùng và câu chuyện thần thoại của họ, thì Kinh Thánh chứa đựng rất nhiều gương mẫu có thật.
Gương xuất sắc nhất về đạo đức là Đức Giê-hô-va. Ngài luôn hành động cách đạo đức và làm điều công bình, tốt lành. Chúng ta có thể vun trồng đạo đức bằng cách “bắt chước Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 5:1) Và Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, đã ‘để lại một gương hầu cho chúng ta noi dấu chân ngài’. (1 Phi-e-rơ 2:21) Ngoài ra, Kinh Thánh tường thuật về nhiều người trung thành như Áp-ra-ham, Sa-ra, Giô-sép, Ru-tơ, Gióp, Đa-ni-ên và ba người bạn Hê-bơ-rơ của ông. Chúng ta cũng không bỏ qua những gương đạo đức trong vòng tôi tớ của Đức Giê-hô-va thời nay.
Chúng ta có thể thành công
Chúng ta có thể thật sự thành công trong việc làm điều đạo đức trước mắt Đức Chúa Trời không? Thừa hưởng sự bất toàn, đôi khi trong chúng ta có sự tranh đấu dữ dội giữa lý trí và xác thịt—giữa việc muốn làm điều đạo đức và việc làm theo khuynh hướng tội lỗi của chúng ta. (Rô-ma 5:12; 7:13-23) Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời chúng ta có thể thắng trận. (Rô-ma 7:24, 25) Đức Giê-hô-va đã cung cấp Lời Ngài và những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Siêng năng học hỏi Kinh Thánh và thành tâm cầu nguyện suy ngẫm về những điều đã học, tâm hồn chúng ta có thể trở nên trong sáng. Một tâm hồn trong sáng như thế có thể sinh những tư tưởng, lời nói và hành động đạo đức. (Lu-ca 6:45) Dựa vào gương mẫu của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ, chúng ta có thể vun trồng một nhân cách tin kính. Và chắc chắn chúng ta có thể học hỏi được nhiều từ những người trung thành phụng sự Đức Chúa Trời ngày nay.
Sứ đồ Phao-lô khuyên người đọc hãy “tiếp tục nghĩ đến” những điều nhân đức, đáng khen. Làm như vậy chắc chắn sẽ nhận được ân phước Đức Chúa Trời. (Phi-líp 4:8, 9, NW) Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể thành công trong việc vun trồng đạo đức.
[Hình nơi trang 6]
Hãy suy ngẫm mỗi khi học Kinh Thánh
[Hình nơi trang 7]
Vun trồng một nhân cách tin kính bằng cách noi theo gương mẫu Chúa Giê-su Christ