Đức Giê-hô-va—Gương tuyệt hảo về lòng tốt
“Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va vạn-quân, vì Đức Giê-hô-va là nhân-lành!”—GIÊ-RÊ-MI 33:11.
1. Tại sao chúng ta muốn ngợi khen lòng tốt của Đức Chúa Trời?
ĐỨC CHÚA TRỜI GIÊ-HÔ-VA có lòng nhân lành hay lòng tốt tột bực. Nhà tiên tri Xa-cha-ri từng nói: “Sự nhân-từ [“tốt lành”, NW] Ngài... lớn là dường nào!” (Xa-cha-ri 9:17) Thật vậy, lòng tốt của Đức Chúa Trời thể hiện trong mọi việc Ngài đã làm để sửa soạn trái đất. (Sáng-thế Ký 1:31) Chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu hết tất cả những qui luật phức tạp mà Đức Chúa Trời đã vận dụng để sáng tạo vũ trụ. (Truyền-đạo 3:11; 8:17) Nhưng dù chỉ hiểu biết phần nào, chúng ta cũng đã muốn ngợi khen lòng tốt của Ngài.
2. Bạn định nghĩa thế nào là tốt?
2 Thế nào là tốt? Tốt là có phẩm chất đạo đức cao quý. Nhưng tốt không chỉ đơn thuần là không có biểu hiện xấu vì “lòng tốt”, hay “hiền lành” là một bông trái thánh linh, một đức tính tích cực mà chúng ta biểu hiện khi làm điều thiện hoặc có ích cho người khác. (Ga-la-ti 5:22, 23) Trong hệ thống mọi sự này, điều một số người xem là tốt có thể bị những người khác cho là xấu. Tuy nhiên, nếu muốn có hòa bình và hạnh phúc, cần phải có một tiêu chuẩn duy nhất về điều tốt mà thôi. Ai có thẩm quyền đặt ra tiêu chuẩn này?
3. Sáng-thế Ký 2:16, 17 cho biết gì về tiêu chuẩn về điều tốt?
3 Chính Đức Chúa Trời đặt ra tiêu chuẩn về điều tốt. Vào thuở ban đầu của lịch sử loài người, Ngài đã ra lệnh cho người đầu tiên: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Quả vậy, loài người cần được Đấng Tạo Hóa hướng dẫn để biết thế nào là thiện và ác.
Một lòng tốt vô biên
4. Sau khi A-đam phạm tội, Đức Chúa Trời đã làm gì cho nhân l oại?
4 Nhân loại đã mất đi triển vọng sống mãi mãi trong hạnh phúc và sự hoàn toàn khi A-đam phạm tội và từ chối nhìn nhận thẩm quyền của Đức Chúa Trời trong việc đặt ra tiêu chuẩn về điều tốt. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Nhưng trước khi những đứa con mang mầm tội lỗi và sự chết của A-đam được hoài thai, Đức Chúa Trời đã báo trước sự xuất hiện của một Dòng Dõi hoàn toàn khi nói với “con rắn xưa”, tức Sa-tan Ma-quỉ: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”. (Khải-huyền 12:9; Sáng-thế Ký 3:15) Quả vậy, Đức Giê-hô-va có ý định chuộc lại nhân loại tội lỗi. Dù chúng ta không xứng đáng nhưng với lòng tốt vô biên, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt sự cứu rỗi cho những ai thực hành đức tin nơi giá chuộc hy sinh của Con yêu dấu Ngài.—Ma-thi-ơ 20:28; Rô-ma 5:8, 12.
5. Mặc dù bị di truyền những khuynh hướng xấu, tại sao chúng ta vẫn có thể bày tỏ phần nào lòng tốt?
5 Hiển nhiên, vì tội lỗi của A-đam chúng ta đã bị di truyền những khuynh hướng xấu, nhưng mừng thay, nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va chúng ta vẫn còn có thể bày tỏ phần nào lòng tốt. (Sáng-thế Ký 8:21) Thật vậy, tiếp tục giữ vững những điều đã học từ Kinh Thánh không những ‘khiến chúng ta khôn-ngoan để được cứu’ và ‘được sắm sẵn để làm mọi việc lành’, mà còn giúp chúng ta làm điều tốt theo tiêu chuẩn của Ngài. (2 Ti-mô-thê 3:14-17) Tuy nhiên, muốn được lợi ích từ sự dạy dỗ của Kinh Thánh và thể hiện lòng tốt, cần phải có thái độ như người viết Thi-thiên: “Chúa [Đức Giê-hô-va] là thiện và hay làm lành; xin hãy dạy tôi các luật-lệ Chúa”.—Thi-thiên 119:68.
Lòng tốt của Đức Giê-hô-va được ngợi khen
6. Sau khi Vua Đa-vít sai rước hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem, người Lê-vi đã hát vang bài ca chứa đựng những lời nào?
6 Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa đã cảm nhận được lòng tốt của Đức Chúa Trời và tìm sự hướng dẫn của Ngài. Vì thế ông nói: “Đức Giê-hô-va là thiện và ngay-thẳng, bởi cớ ấy Ngài sẽ chỉ-dạy con đường cho kẻ có tội”. (Thi-thiên 25:8) Trong bộ hướng dẫn mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên có mười điều luật quan trọng—Mười Điều Răn—được khắc trên hai bảng đá và cất giữ trong một chiếc rương thánh, gọi là hòm giao ước. Sau khi vua Đa-vít sai rước hòm giao ước về thành Giê-ru-sa-lem, thủ đô nước Y-sơ-ra-ên, người Lê-vi đã hát vang một bài ca chứa đựng những lời sau: “Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va vì Ngài tốt lành, lòng yêu thương nhân từ Ngài còn đến đời đời”. (1 Sử-ký 16:34, 37-41, NW) Hẳn phải thú vị biết bao nếu được nghe những lời ca này qua giọng hát của các nhạc công Lê-vi!
7. Điều gì đã xảy ra sau khi hòm giao ước được đưa vào nơi Chí Thánh và Vua Sa-lô-môn cầu nguyện hiến dâng đền thờ?
7 Những lời ngợi khen đó cũng đã vang dội trong suốt kỳ lễ khánh thành đền thờ Đức Giê-hô-va do Vua Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, xây dựng. Sau khi hòm giao ước được đặt vào nơi Chí Thánh của đền thờ mới, người Lê-vi bắt đầu ngợi khen Đức Giê-hô-va rằng: “Ngài từ-thiện, lòng thương-xót [“lòng nhân”, Trần Đức Huân] Ngài hằng có đời đời”. Đến lúc đó, một cách nhiệm mầu đền thờ bỗng phủ đầy mây, tượng trưng cho sự hiện diện vinh quang của Đức Giê-hô-va. (2 Sử-ký 5:13, 14) Và sau khi Vua Sa-lô-môn dâng lời cầu nguyện hiến dâng đền thờ, thì có “lửa từ trời giáng xuống đốt của-lễ thiêu và các hi-sinh”. Trước cảnh tượng ấy, “hết thảy dân Y-sơ-ra-ên... bèn sấp mặt xuống đất trên nền lót, thờ-lạy Đức Giê-hô-va và cảm-tạ Ngài, mà rằng: Chúa là nhân-từ [“tốt lành”, NW] vì sự thương-xót [“lòng yêu thương nhân từ”, NW] Ngài còn đến đời đời!” (2 Sử-ký 7:1-3) Sau 14 ngày lễ, dân Y-sơ-ra-ên mới trở về nhà, “lòng đều vui-vẻ và mừng-rỡ, vì sự nhân-từ mà Đức Giê-hô-va đã ban cho Đa-vít, cho Sa-lô-môn, và cho Y-sơ-ra-ên, là dân-sự của Ngài”.—2 Sử-ký 7:10.
8, 9. (a) Mặc dù dân Y-sơ-ra-ên ngợi khen lòng tốt của Đức Giê-hô-va, nhưng cuối cùng họ theo đuổi lối sống nào? (b) Qua Giê-rê-mi, điều gì đã được báo trước về Giê-ru-sa-lem, và lời tiên tri đó đã ứng nghiệm ra sao?
8 Đáng buồn thay, dân Y-sơ-ra-ên đã không tiếp tục sống hòa hợp với những lời họ hát ngợi khen Đức Chúa Trời. Dần dần, dân Giu-đa chỉ còn ‘lấy môi-miếng tôn vinh Đức Giê-hô-va’. (Ê-sai 29:13) Thay vì tuân theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều tốt, họ bắt đầu thực hành những việc xấu. Những việc nào? Họ phạm tội thờ hình tượng, vô luân, ức hiếp người nghèo và những tội trọng khác! Hậu quả là thành Giê-ru-sa-lem đã bị hủy phá, còn dân cư Giu-đa bị bắt lưu đày sang Ba-by-lôn vào năm 607 TCN.
9 Đức Chúa Trời đã sửa trị dân Ngài như thế. Tuy nhiên, qua lời nhà tiên tri Giê-rê-mi, Ngài báo trước người ta sẽ còn nghe có tiếng ở Giê-ru-sa-lem nói rằng: “Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va vạn-quân, vì Đức Giê-hô-va là nhân-lành, sự nhân-từ của Ngài còn đời đời!” (Giê-rê-mi 33:10, 11) Và điều đó thật đã xảy ra. Sau 70 năm xứ bị hoang vu, vào năm 537 TCN, những người Do Thái còn sót lại đã trở về Giê-ru-sa-lem. (Giê-rê-mi 25:11; Đa-ni-ên 9:1, 2) Họ xây lại bàn thờ tại chỗ cũ của đền thờ trên Núi Mô-ri-a và bắt đầu dâng tế lễ ở đó. Năm thứ hai, phần móng đền thờ được đặt lại. Quả là một thời khắc trọng đại! E-xơ-ra nói: “Khi các thợ xây nền đền của Đức Giê-hô-va, thì có những thầy tế-lễ đứng đó mặc áo lễ và cầm kèn, còn những người Lê-vi, con-cháu A-sáp, đều cầm chập-chỏa, đặng ngợi-khen Đức Giê-hô-va y như các lễ-phép của Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên, đã lập ra. Chúng ca-hát đối-đáp mà ngợi-khen cảm-tạ Đức Giê-hô-va rằng: Đáng ngợi-khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài là tốt-lành, lòng thương-xót [“lòng yêu thương nhân từ”, NW] của Ngài đối với Y-sơ-ra-ên còn đến đời đời!”—E-xơ-ra 3:1-11.
10. Thi-thiên 118 mở đầu và kết thúc với những lời đầy ý nghĩa nào?
10 Những lời ngợi khen tương tự về lòng tốt của Đức Giê-hô-va cũng xuất hiện trong một số bài Thi-thiên, trong đó có Thi-thiên 118, được cả nhà Y-sơ-ra-ên hát vào cuối Lễ Vượt Qua. Bài Thi-thiên đó mở đầu và kết thúc với những lời sau: “Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va, vì Ngài là thiện; sự nhân-từ Ngài còn đến đời đời”. (Thi-thiên 118:1, 29) Đó có lẽ cũng là những lời ngợi khen cuối cùng mà Chúa Giê-su Christ đã hát với các sứ đồ trung thành vào đêm trước ngày ngài chịu chết vào năm 33 CN.—Ma-thi-ơ 26:30.
“Xin Ngài cho tôi xem sự vinh-hiển của Ngài”
11, 12. Khi thoáng thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Môi-se được nghe lời tuyên bố nào?
11 Mối tương quan giữa lòng tốt và lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va đã được nhắc đến lần đầu tiên nhiều thế kỷ trước thời E-xơ-ra. Chẳng bao lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên thờ con bò vàng trong đồng vắng và những kẻ vi phạm bị hành quyết, Môi-se cầu xin Đức Giê-hô-va: “Xin Ngài cho tôi xem sự vinh-hiển của Ngài”. Biết rằng Môi-se không thể thấy mặt Ngài mà còn sống, Đức Giê-hô-va phán: “Ta, Ta sẽ cho ngang qua trước mặt ngươi tất cả sự tốt lành của Ta” (Nguyễn Thế Thuấn).—Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13-20.
12 Ngày hôm sau, trên Núi Si-na-i, tất cả sự tốt lành của Đức Giê-hô-va quả đã đi qua trước mặt Môi-se. Lúc đó, ông chỉ thoáng thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và được nghe lời tuyên bố này: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời thương xót và nhân hậu, chậm giận, đầy lòng yêu thương nhân từ và chân thật, giữ lòng yêu thương nhân từ đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7, NW) Những lời này cho thấy lòng tốt của Đức Giê-hô-va gắn liền với lòng yêu thương nhân từ và những cá tính khác của Ngài. Xem xét những đức tính này sẽ giúp chúng ta biết thể hiện lòng tốt. Trước hết, chúng ta hãy xem xét đức tính đã được nhắc lại đến hai lần trong lời tuyên bố hùng hồn về sự tốt lành của Đức Chúa Trời.
“Đức Chúa Trời... đầy lòng yêu thương nhân từ”
13. Trong lời tuyên bố về sự tốt lành của Đức Chúa Trời, đức tính nào đã được nhắc đến hai lần và tại sao đó là điều thích hợp?
13 ‘Giê-hô-va là Đức Chúa Trời... đầy lòng yêu thương nhân từ..., giữ lòng yêu thương nhân từ đến ngàn đời’. Từ gốc Hê-bơ-rơ được dịch ra là “yêu thương nhân từ” còn có nghĩa là “yêu thương trung tín”. Đây là đức tính duy nhất được nhắc đến hai lần trong lời tuyên bố của Đức Chúa Trời với Môi-se. Điều đó thật thích hợp làm sao vì yêu thương là đức tính nổi bật của Đức Giê-hô-va! (1 Giăng 4:8) Lời ngợi khen quen thuộc dành cho Đức Giê-hô-va—“vì Ngài là thiện; sự nhân-từ Ngài còn đến đời đời”—nêu bật đức tính này.
14. Ai đặc biệt được vui hưởng lòng tốt và lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời?
14 Lòng tốt của Đức Giê-hô-va thể hiện dưới nhiều hình thức trong đó có việc Ngài “đầy lòng yêu thương nhân từ”. Điều này đặc biệt được thấy rõ qua cách Ngài dịu dàng chăm sóc các tôi tớ trung thành đã dâng mình. (1 Phi-e-rơ 5:6, 7) Mọi Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va đều có thể chứng minh Ngài đã “giữ lòng yêu thương nhân từ” thế nào với những ai yêu mến và phụng sự Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:6) Vì chối bỏ Con Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên xác thịt không còn được hưởng lòng yêu thương nhân từ, hay tình yêu thương trung tín của Ngài nữa, nhưng tình cảm đó sẽ mãi mãi được dành cho các tín đồ Đấng Christ trung thành từ mọi nước.—Giăng 3:36.
Đức Giê-hô-va—thương xót và nhân hậu
15. (a) Lời tuyên bố mà Môi-se được nghe trên Núi Si-na-i bắt đầu với những lời nào? (b) Thương xót bao hàm điều gì?
15 Lời tuyên bố mà Môi-se được nghe trên Núi Si-na-i bắt đầu với những lời này: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời thương xót và nhân hậu”. Chữ “thương xót” trong tiếng Hê-bơ-rơ có khi được dùng để chỉ “ruột”, và thuộc cùng họ với từ “dạ con”. Vì vậy, thương xót nghĩa là cảm thấy xót xa tận đáy lòng. Đó không chỉ là sự thương hại dù chân thật, mà còn phải thúc đẩy chúng ta hành động làm dịu nỗi đau của người khác. Chẳng hạn, các trưởng lão có lòng yêu thương luôn thấy cần tỏ lòng thương xót với anh em đồng đức tin, ‘lấy lòng vui mà làm sự thương xót’ khi thích hợp.—Rô-ma 12:8; Gia-cơ 2:13; Giu-đe 22, 23, NW.
16. Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va là nhân hậu?
16 Lòng tốt của Đức Chúa Trời còn thể hiện qua sự nhân hậu của Ngài. Người nhân hậu “quan tâm rõ rệt đến cảm xúc của người khác” và tỏ ‘thái độ ân cần đặc biệt đối với những người thấp kém hơn’. Đức Giê-hô-va là gương mẫu tuyệt hảo nhất về cách đối xử nhân hậu đối với các tôi tớ trung thành. Chẳng hạn, Ngài đã ân cần sai thiên sứ thêm sức cho nhà tiên tri Đa-ni-ên già cả, và báo trước cho trinh nữ Ma-ri về đặc ân được thọ sanh Chúa Giê-su. (Đa-ni-ên 10:19; Lu-ca 1:26-38) Được làm dân của Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta vô cùng biết ơn cách Ngài nhân hậu cảm hóa chúng ta qua các trang Kinh Thánh, khiến chúng ta muốn ngợi khen Ngài, đồng thời cũng cố gắng tỏ ra ân cần trong cách cư xử với người khác. Khi những người thành thục về thiêng liêng “lấy lòng mềm-mại” sửa anh em đồng đức tin, họ cố gắng làm điều đó một cách nhẹ nhàng và nhân hậu.—Ga-la-ti 6:1.
Đức Chúa Trời chậm giận
17. Tại sao chúng ta biết ơn là Đức Giê-hô-va “chậm giận”?
17 “Đức Chúa Trời... chậm giận”. Những lời này nêu bật một khía cạnh khác trong lòng tốt của Đức Giê-hô-va, đó là kiên nhẫn chịu đựng những lỗi lầm của chúng ta, cho chúng ta thời gian để khắc phục những nhược điểm nghiêm trọng và tiến bộ về thiêng liêng. (Hê-bơ-rơ 5:12–6:3; Gia-cơ 5:14, 15) Sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời cũng có lợi cho những người chưa thờ phượng Ngài bởi họ vẫn còn cơ hội để hưởng ứng thông điệp Nước Trời và ăn năn. (Rô-ma 2:4) Mặc dù rất kiên nhẫn, nhưng đôi khi Đức Chúa Trời vẫn nổi giận vì sự thánh thiện khiến Ngài không thể dung túng những điều xấu xa, như việc dân Y-sơ-ra-ên thờ con bò vàng trên Núi Si-na-i. Chẳng bao lâu nữa cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ nổ ra thậm chí ở tầm mức còn lớn hơn, khi Ngài kết liễu hệ thống mọi sự gian ác của Sa-tan.—Ê-xê-chi-ên 38:19, 21-23.
18. Về sự chân thật, Đức Giê-hô-va khác xa các lãnh tụ loài người như thế nào?
18 ‘Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời... đầy lòng... chân thật’. Ngài thật khác xa các lãnh tụ loài người luôn hứa hẹn cao xa nhưng không bao giờ thực hiện được! Trái lại, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có thể tin tưởng nơi mọi Lời Ngài đã soi dẫn viết ra. Vì Đức Chúa Trời đầy lòng chân thật, chúng ta luôn có thể tin cậy nơi lời hứa của Ngài. Khi chúng ta cầu xin được soi sáng về lẽ thật, với lòng tốt của Ngài, Cha trên trời luôn đáp lại bằng cách ban lẽ thật thiêng liêng dồi dào.—Thi-thiên 43:3; 65:2.
19. Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng tốt tuyệt vời thế nào đối với những người có tội biết ăn năn?
19 ‘Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời... xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi’. Vì có lòng tốt, Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ những người phạm tội biết ăn năn. Chắc chắn chúng ta đều vô cùng biết ơn Cha trên trời đầy yêu thương vì Ngài đã sắp đặt cho nhân loại được tha tội qua sự hy sinh của Chúa Giê-su. (1 Giăng 2:1, 2) Chúng ta thật vui sướng vì tất cả những ai thực hành đức tin nơi giá chuộc đó đều có được mối liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va, với hy vọng sống mãi mãi trong thế giới mới mà Ngài đã hứa. Đó quả là những lý do mạnh mẽ để ngợi khen Đức Giê-hô-va vì lòng tốt của Ngài đối với nhân loại!—2 Phi-e-rơ 3:13.
20. Bằng chứng nào cho thấy Đức Chúa Trời không dung túng điều ác?
20 “[Đức Giê-hô-va] chẳng kể kẻ có tội là vô tội”. Đây là một lý do nữa để ngợi khen Đức Giê-hô-va vì lòng tốt của Ngài. Tại sao? Vì một khía cạnh tối quan trọng của sự thánh thiện là không bao giờ dung túng điều ác dưới mọi hình thức. Hơn nữa, “khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài”, sự báo thù sẽ đổ xuống trên “những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành”. Họ “sẽ bị hình-phạt hư-mất đời đời”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9) Khi đó, những người sống sót vì thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ vui hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn, vì không còn bị quấy rối bởi những người không tin kính, “thù người lành”.—2 Ti-mô-thê 3:1-3.
Hãy noi theo lòng tốt của Đức Giê-hô-va
21. Tại sao chúng ta phải thể hiện lòng tốt?
21 Rõ ràng chúng ta có rất nhiều lý do để ngợi khen và cảm tạ Đức Giê-hô-va vì lòng tốt của Ngài. Là tôi tớ của Ngài, lẽ nào chúng ta lại không cố gắng hết sức để biểu lộ đức tính này sao? Chắc chắn có, vì sứ đồ Phao-lô đã khuyến giục các tín đồ Đấng Christ: “Anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài”. (Ê-phê-sô 5:1) Cha trên trời luôn luôn thể hiện lòng tốt, vì vậy chúng ta cũng phải làm thế.
22. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
22 Nếu đã hết lòng dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta cũng ước ao noi theo lòng tốt của Ngài. Nhưng vì là con cháu của người tội lỗi A-đam, chúng ta không dễ gì làm được điều tốt. Thế nên bài tới sẽ cho thấy vì sao chúng ta vẫn có thể biểu lộ lòng tốt. Chúng ta cũng sẽ xem xét những cách để noi theo Đức Giê-hô-va—gương tuyệt hảo về lòng tốt.
Bạn trả lời thế nào?
• Thế nào là tốt?
• Những lời nào trong Kinh Thánh nêu bật lòng tốt của Đức Chúa Trời?
• Một số biểu hiện lòng tốt của Đức Giê-hô-va là gì?
• Tại sao chúng ta phải noi theo lòng tốt của Đức Giê-hô-va?
[Hình nơi trang 12]
Đức Giê-hô-va sửa trị dân tộc xưa của Ngài vì họ không sống đúng với những lời họ ngợi khen Ngài
[Hình nơi trang 12]
Những người trung thành còn sót lại đã được trở về Giê-ru-sa-lem
[Hình nơi trang 13]
Môi-se đã được nghe lời tuyên bố hùng hồn về lòng tốt của Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 15]
Lòng tốt của Đức Giê-hô-va thể hiện trong cách Ngài cảm hóa chúng ta qua những trang Kinh Thánh