Bạn có thuộc những người được Đức Chúa Trời yêu mến không?
“Ai có các điều răn của ta và vâng-giữ lấy, ấy là kẻ yêu-mến ta; người nào yêu-mến ta sẽ được Cha ta yêu lại”.—GIĂNG 14:21.
1, 2. (a) Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương đối với nhân loại bằng cách nào? (b) Chúa Giê-su đã thiết lập điều gì vào đêm 14 Ni-san năm 33 CN?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA rất yêu thương các tạo vật loài người. Thật thế, Ngài yêu thương họ “đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16) Lễ Tưởng Niệm sự chết Chúa Giê-su nay đã gần đến, vì thế hơn bao giờ hết các tín đồ thật của Đấng Christ phải nhớ rằng Đức Giê-hô-va “đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của-lễ chuộc tội chúng ta”.—1 Giăng 4:10.
2 Vào đêm 14 Ni-san năm 33 CN, Chúa Giê-su và 12 sứ đồ cùng họp mặt trên một căn gác ở Giê-ru-sa-lem để tổ chức Lễ Vượt Qua, kỷ niệm sự kiện dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi Ai Cập. (Ma-thi-ơ 26:17-20) Sau khi mừng lễ này của người Do Thái, Chúa Giê-su đuổi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đi và lập bữa tiệc kỷ niệm, mà sau này trở thành Lễ Tưởng Niệm sự chết Đấng Christ.a Dùng bánh không men và rượu nho đỏ làm món biểu hiệu, tượng trưng cho thân và huyết ngài, Chúa Giê-su mời 11 sứ đồ còn lại cùng dùng bữa tiệc thánh đó. Chi tiết về cách ngài cử hành bữa tiệc được ba người viết sách Phúc Âm là Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca ghi lại như nhau. Sứ đồ Phao-lô cũng ghi lại sự kiện này và gọi đó là “Tiệc-thánh của Chúa”.—1 Cô-rinh-tô 11:20; Ma-thi-ơ 26:26-28; Mác 14:22-25; Lu-ca 22:19, 20.
3. Lời tường thuật của sứ đồ Giăng về những giờ phút cuối cùng của Chúa Giê-su với các môn đồ trên căn gác khác với những người khác ở những điểm quan trọng nào?
3 Điều đáng chú ý là sứ đồ Giăng không hề nhắc đến việc chuyền bánh và rượu, có lẽ vì đến khi ông viết sách Phúc Âm (khoảng năm 98 CN), các nghi thức này đã trở nên quá quen thuộc với tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. (1 Cô-rinh-tô 11:23-26) Tuy nhiên, dưới sự soi dẫn, chỉ một mình Giăng cho chúng ta biết những chi tiết quan trọng về những điều Chúa Giê-su đã nói và làm ngay trước và sau khi ngài thiết lập Lễ Tưởng Niệm. Những chi tiết thú vị này chiếm đến năm chương trong sách Phúc Âm Giăng và cho thấy rõ những người như thế nào được Đức Chúa Trời yêu mến. Chúng ta hãy cùng xem xét sách Giăng, từ chương 13 đến 17.
Học gương yêu thương của Chúa Giê-su
4. (a) Giăng nhấn mạnh chủ đề chính buổi họp mặt của Chúa Giê-su với các môn đồ vào đêm ngài lập Lễ Tưởng Niệm như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va yêu thương Chúa Giê-su vì lý do quan trọng nào?
4 Tình yêu thương là chủ đề được nêu bật trong suốt các chương này, kể cả lời khuyên của Chúa Giê-su trước khi ngài chia tay với các môn đồ. Thực tế, các dạng khác nhau của từ “yêu thương” xuất hiện ở đó đến 31 lần. Hơn bất cứ phần nào khác trong Kinh Thánh, những chương này thể hiện rõ tình yêu thương sâu đậm mà Chúa Giê-su dành cho Cha ngài, Đức Giê-hô-va, và các môn đồ. Có thể nhận thấy tình yêu thương của Chúa Giê-su đối với Đức Giê-hô-va trong mọi lời tường thuật của Phúc Âm về cuộc đời ngài, tuy nhiên chỉ một mình Giăng ghi lại lời Chúa Giê-su nói rõ rằng: “Ta yêu-mến Cha”. (Giăng 14:31) Chúa Giê-su cũng nói Đức Giê-hô-va yêu ngài và giải thích tại sao. Ngài nói: “Như Cha đã yêu-thương ta thể nào, ta cũng yêu-thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu-thương của ta. Nếu các ngươi vâng-giữ các điều-răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu-thương ta, cũng như chính ta đã vâng-giữ các điều-răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu-thương Ngài”. (Giăng 15:9, 10) Thật vậy, Đức Giê-hô-va yêu thương Con Ngài vì sự vâng phục tuyệt đối của ngài. Quả là một bài học quý giá cho tất cả môn đồ của Chúa Giê-su Christ!
5. Chúa Giê-su chứng tỏ tình yêu thương với môn đồ qua cách nào?
5 Tình yêu thương sâu xa của Chúa Giê-su đối với các môn đồ được nêu bật ngay trong đoạn mở đầu lời tường thuật của Giăng về buổi họp mặt cuối cùng của Chúa Giê-su với các sứ đồ. Giăng kể lại: “Trước ngày lễ Vượt-qua, Đức Chúa Jêsus biết giờ mình phải lìa thế-gian đặng trở về cùng Đức Chúa Trời đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế-gian, thì cứ yêu cho đến cuối-cùng”. (Giăng 13:1) Vào đêm đáng nhớ đó, ngài dạy họ một bài học không thể nào quên về việc yêu thương phục vụ người khác—ngài rửa chân cho họ. Đó là điều lẽ ra mỗi người trong số họ nên sẵn sàng làm cho ngài và cho nhau, nhưng họ lại chần chừ. Sau khi thực hiện công việc khiêm nhường này, Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi”. (Giăng 13:14, 15) Đúng vậy, các tín đồ thật của Đấng Christ nên sẵn sàng, vui mừng phục vụ anh em mình.—Ma-thi-ơ 20:26, 27; Giăng 13:17.
Hãy làm theo điều răn mới
6, 7. (a) Giăng cho biết chi tiết quan trọng nào liên quan đến việc lập Lễ Tưởng Niệm? (b) Chúa Giê-su ban cho môn đồ điều răn mới nào, và điều răn đó mới ở điểm nào?
6 Chỉ có lời tường thuật của Giăng về diễn biến cuộc họp mặt trên căn gác vào đêm 14 Ni-san nói cụ thể về việc Giu-đa Ích-ca-ri-ốt rời khỏi. (Giăng 13:21-30) Dung hợp những lời tường thuật của Phúc Âm, chúng ta thấy rằng chỉ sau khi kẻ phản bội này đi Chúa Giê-su mới lập Lễ Tưởng Niệm sự chết ngài. Sau đó ngài nói nhiều điều với các sứ đồ trung thành, cho họ những lời khuyên và dạy dỗ trước lúc chia tay. Trong khi chuẩn bị tham dự Lễ Tưởng Niệm, chúng ta nên chú ý kỹ đến những điều Chúa Giê-su đã nói vào dịp đó, nhất là vì chúng ta chắc chắn muốn nằm trong số những người được Đức Chúa Trời yêu mến.
7 Điều đầu tiên Chúa Giê-su dạy môn đồ sau khi lập Lễ Tưởng Niệm là một điều mới mẻ. Ngài nói: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:34, 35) Điều răn này mới ở điểm nào? Một lát sau, cũng trong buổi tối đó, Chúa Giê-su giải thích: “Điều-răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình”. (Giăng 15:12, 13) Luật Môi-se nói người Y-sơ-ra-ên phải ‘yêu-thương kẻ lân-cận như mình’. (Lê-vi Ký 19:18) Nhưng điều răn của Chúa Giê-su còn đi sâu hơn, đó là tín đồ Đấng Christ phải yêu thương nhau như chính Đấng Christ đã yêu họ, tức phải sẵn lòng hy sinh mạng sống vì anh em.
8. (a) Tình yêu thương tự hy sinh bao hàm điều gì? (b) Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương này như thế nào?
8 Mùa Lễ Tưởng Niệm là thời gian thích hợp để chúng ta tự kiểm điểm, trên bình diện cá nhân và hội thánh, xem mình thật sự có nét đặc trưng này của đạo thật Đấng Christ, tức có tình yêu thương như Đấng Christ không. Với tình yêu thương tự hy sinh đó, một tín đồ Đấng Christ có thể liều tính mạng, chứ không phản bội anh em mình, và điều đó đôi khi đã xảy ra. Nhưng thường tình yêu thương này thúc đẩy chúng ta sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng để giúp đỡ và phục vụ anh em cùng những người khác. Sứ đồ Phao-lô là gương mẫu xuất sắc về phương diện này. (2 Cô-rinh-tô 12:15; Phi-líp 2:17) Nhân Chứng Giê-hô-va cũng được biết đến khắp nơi trên thế giới vì tinh thần tự hy sinh giúp đỡ anh em và người lân cận, đồng thời dành thời gian và công sức để truyền lẽ thật Kinh Thánh cho người đồng loại.b—Ga-la-ti 6:10.
Những mối quan hệ nên quý trọng gìn giữ
9. Để gìn giữ mối quan hệ quý báu với Đức Chúa Trời và Con Ngài, chúng ta vui vẻ làm gì?
9 Đối với chúng ta, không có gì quý giá hơn là được Đức Giê-hô-va và Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, yêu thương. Tuy nhiên, muốn có được và cảm nhận được tình yêu này, chúng ta phải làm một điều. Vào đêm cuối với các môn đồ, Chúa Giê-su nói: “Ai có các điều răn của ta và vâng-giữ lấy, ấy là kẻ yêu-mến ta; người nào yêu-mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta”. (Giăng 14:21) Vì quý trọng mối quan hệ với Đức Chúa Trời và với Con Ngài, chúng ta vui sướng vâng giữ các điều răn Ngài. Điều đó bao hàm việc tuân theo điều răn mới, tức thể hiện tình yêu thương tự hy sinh, và thi hành mệnh lệnh mà Đấng Christ ban sau khi ngài sống lại là ‘giảng-dạy và chứng quyết cho dân-chúng’, nỗ lực “dạy-dỗ” những người đón nhận tin mừng.—Công-vụ 10:42; Ma-thi-ơ 28:19, 20.
10. Lớp người được xức dầu và “chiên khác” có cơ hội có được những mối quan hệ quý báu nào?
10 Đêm đó, khi trả lời câu hỏi của sứ đồ Giu-đa (Tha-đê) trung thành, Chúa Giê-su nói: “Nếu ai yêu-mến ta, thì vâng-giữ lời ta, Cha ta sẽ thương-yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người”. (Giăng 14:22, 23) Ngay cả khi còn ở trên đất, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu, được ơn cùng cai trị với Đấng Christ trên trời, cũng đã có quan hệ đặc biệt mật thiết với Đức Giê-hô-va và với Con Ngài. (Giăng 15:15; 16:27; 17:22; Hê-bơ-rơ 3:1; 1 Giăng 3:2, 24) Nhưng các bạn đồng hành của họ thuộc lớp “chiên khác”, những người có hy vọng sống vĩnh cửu trên đất, cũng có mối quan hệ quý báu với cùng “một người chăn”, Chúa Giê-su Christ, và Đức Chúa Trời nếu họ chứng tỏ biết vâng lời.—Giăng 10:16; Thi-thiên 15:1-5; 25:14.
“Các ngươi không thuộc về thế-gian”
11. Chúa Giê-su cho môn đồ lời cảnh báo đáng suy nghĩ nào?
11 Trong buổi họp mặt cuối cùng với các môn đồ trung thành trước khi chết, Chúa Giê-su cho họ một lời cảnh báo đáng suy nghĩ: Người được Đức Chúa Trời yêu mến sẽ bị thế gian thù ghét. Ngài phán: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế-gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế-gian và ta đã lựa-chọn các ngươi giữa thế-gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi. Hãy nhớ lời ta đã nói cùng các ngươi: Đầy-tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi; bằng họ đã giữ lời ta, ắt cũng giữ lời các ngươi”.—Giăng 15:18-20.
12. (a) Tại sao Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ về việc thế gian sẽ ghét họ? (b) Vì Lễ Tưởng Niệm gần đến, tất cả chúng ta nên xem xét điều gì?
12 Chúa Giê-su cảnh báo điều đó để 11 sứ đồ và tất cả tín đồ thật của Đấng Christ sau này không bị nản lòng và bỏ cuộc trước sự thù ghét của thế gian. Ngài nói thêm: “Ta bảo các ngươi những điều đó, để cho các ngươi khỏi vấp-phạm. Họ sẽ đuổi các ngươi ra khỏi nhà hội; vả lại, giờ đến, khi ai giết các ngươi, tưởng rằng thế là hầu việc Đức Chúa Trời. Họ sẽ làm điều đó, vì không biết Cha, cũng không biết ta nữa”. (Giăng 16:1-3) Một tự điển Kinh Thánh giải thích rằng một dạng của động từ được dịch là “vấp-phạm” ở đây có nghĩa là “khiến một người mất lòng tin hoặc từ bỏ người mà lẽ ra họ phải tin tưởng và nghe theo; khiến lìa bỏ”. Vì Lễ Tưởng Niệm đã gần đến, tất cả chúng ta nên suy ngẫm về cuộc đời của những người trung thành, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, và noi theo gương trung kiên của họ trước thử thách. Đừng để sự chống đối và ngược đãi khiến bạn từ bỏ Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, nhưng hãy kiên quyết tin cậy và vâng theo các Ngài.
13. Chúa Giê-su cầu xin Cha điều gì cho các môn đồ?
13 Trong lời cầu nguyện kết thúc trước khi rời căn gác ở Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su nói với Cha ngài: “Con đã truyền lời Cha cho họ, và thế-gian ghen-ghét họ, vì họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian vậy. Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:14-16) Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va luôn trông nom thêm sức cho những người Ngài yêu mến khi họ giữ mình tách biệt khỏi thế gian.—Ê-sai 40:29-31.
Hãy tiếp tục ở trong tình yêu thương của Cha và của Con
14, 15. (a) Chúa Giê-su ví ngài là gì, khác với cây nho thoái hóa nào? (b) Ai là “nhánh” của “gốc nho thật”?
14 Trong buổi nói chuyện thân mật với các môn đồ trung thành vào đêm 14 Ni-san, Chúa Giê-su ví mình như “gốc nho thật”, khác với ‘gốc nho xấu’ là dân Y-sơ-ra-ên bất trung. Ngài nói: “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho”. (Giăng 15:1) Nhiều thế kỷ trước, nhà tiên tri Giê-rê-mi đã ghi lại những lời này của Đức Giê-hô-va nói với dân bội giao ước Ngài: “Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt,... mà cớ sao ngươi đã đốc ra nhánh xấu của gốc nho lạ cho ta?” (Giê-rê-mi 2:21) Nhà tiên tri Ô-sê cũng viết: “Y-sơ-ra-ên là một cây nho tươi-tốt, sanh ra trái nó... Lòng chúng nó phân hai”.—Ô-sê 10:1, 2.
15 Thay vì sanh bông trái của sự thờ phượng thật, Y-sơ-ra-ên lại trở nên bội đạo và sanh những trái khác. Ba ngày trước buổi họp mặt cuối cùng với các môn đồ trung thành, Chúa Giê-su đã nói với các nhà lãnh đạo Do Thái giả hình: “Ta phán cùng các ngươi, nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó”. (Ma-thi-ơ 21:43) Dân mới đó chính là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, gồm 144.000 tín đồ được xức dầu được ví như những “nhánh” của “gốc nho thật”, Chúa Giê-su Christ.—Ga-la-ti 6:16; Giăng 15:5; Khải-huyền 14:1, 3.
16. Chúa Giê-su khuyến khích 11 sứ đồ trung thành làm gì, và chúng ta có thể nói gì về những người được xức dầu trung thành còn xót lại [sót lại] trong những ngày cuối cùng này?
16 Chúa Giê-su nói với 11 sứ đồ ở với ngài trên căn gác: “Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa-sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được”. (Giăng 15:2, 4) Lịch sử hiện đại của dân Đức Giê-hô-va cho thấy các tín đồ được xức dầu trung thành còn xót lại [sót lại] đã luôn ở trong Đấng làm đầu họ, tức Chúa Giê-su Christ. (Ê-phê-sô 5:23) Họ đã chấp nhận được làm sạch và tỉa sửa. (Ma-la-chi 3:2, 3) Từ năm 1919, họ bắt đầu sinh nhiều hoa lợi cho Nước Trời, trước hết là thu nhóm những tín đồ được xức dầu khác và sau đó, từ năm 1935, là đám đông “vô-số người” bạn đồng hành của họ đang ngày một gia tăng.—Khải-huyền 7:9; Ê-sai 60:4, 8-11.
17, 18. (a) Những lời nào của Chúa Giê-su giúp những người được xức dầu và các chiên khác tiếp tục ở trong tình yêu thương của Đức Giê-hô-va? (b) Tham dự Lễ Tưởng Niệm sẽ giúp ích gì cho chúng ta?
17 Những lời tiếp theo của Chúa Giê-su được áp dụng cho cả tín đồ được xức dầu và các bạn đồng hành của họ: “Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn-đồ của ta vậy. Như Cha đã yêu-thương ta thể nào, ta cũng yêu-thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu-thương của ta. Nếu các ngươi vâng-giữ các điều-răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu-thương ta, cũng như chính ta đã vâng-giữ các điều-răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu-thương Ngài”.—Giăng 15:8-10.
18 Tất cả chúng ta đều muốn là những tín đồ có kết quả để được tiếp tục ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúng ta làm được như thế nhờ nắm lấy mọi cơ hội rao giảng ‘tin mừng về Nước Trời’, đồng thời cố gắng hết sức thể hiện “trái của Thánh-Linh” trong đời sống cá nhân mình. (Ma-thi-ơ 24:14; Ga-la-ti 5:22, 23) Tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết Đấng Christ sẽ giúp chúng ta có thêm quyết tâm làm những điều này vì tại đó, chúng ta sẽ được nhắc lại về lòng yêu thương bao la của Đức Chúa Trời và Đấng Christ.—2 Cô-rinh-tô 5:14, 15.
19. Bài tiếp theo sẽ thảo luận về sự giúp đỡ nào?
19 Sau khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm, Chúa Giê-su hứa Cha sẽ ban cho các môn đồ trung thành một “Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh-Linh”. (Giăng 14:26) Làm sao thánh linh giúp những người được xức dầu và các chiên khác tiếp tục ở trong tình yêu thương của Đức Giê-hô-va là đề tài sẽ được xem xét trong bài tiếp theo.
[Chú thích]
a Tính theo Kinh Thánh, ngày 14 Ni-san năm 2002 bắt đầu vào lúc mặt trời lặn ngày Thứ Năm, 28 tháng 3. Tối hôm đó, Nhân Chứng Giê-hô-va khắp nơi trên thế giới sẽ nhóm lại để tưởng niệm sự chết Chúa Giê-su Christ.
b Xem sách Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom, chương 19 và 32, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Câu hỏi ôn
• Chúa Giê-su dạy các môn đồ bài học thực tế nào về việc yêu thương phục vụ người khác?
• Mùa Lễ Tưởng Niệm là thời gian thích hợp để tự kiểm điểm về phương diện nào?
• Tại sao chúng ta không nên vấp phạm trước lời cảnh báo của Chúa Giê-su về sự thù ghét và ngược đãi của thế gian?
• Ai là “gốc nho thật”? Ai là “nhánh” nho, và họ phải làm gì?
[Hình nơi trang 15]
Chúa Giê-su dạy các sứ đồ một bài học không thể nào quên về việc yêu thương phục vụ người khác
[Các hình nơi trang 16, 17]
Các môn đồ Đấng Christ tuân theo điều răn ngài dạy biểu lộ tình yêu thương tự hy sinh