Hãy thêm cho sự hiểu biết sự tự chủ
‘Hãy thêm cho học-thức sự tiết-độ [“tự chủ”, “Bản Diễn Ý”]’.—2 PHI-E-RƠ 1:5-8.
1. Nhiều vấn đề của con người là do thiếu khả năng nào?
TRONG một chiến dịch lớn chống lạm dụng ma túy, giới trẻ ở Hoa Kỳ được khuyên: “Hãy biết nói không”. Tình hình sẽ tốt hơn biết bao nếu mọi người không những “biết nói không” với việc lạm dụng ma tuý mà còn với việc uống rượu quá độ, với lối sống thiếu khôn ngoan hoặc vô luân, với thực hành thương mại bất lương, và với ‘lòng dục của xác-thịt’! (Rô-ma 13:14) Nhưng ai dám cho rằng “biết nói không” lúc nào cũng dễ?
2. (a) Những gương nào trong Kinh Thánh chứng tỏ việc khó cưỡng lại điều sai quấy không phải là mới lạ? (b) Những gương này nên khuyến khích chúng ta làm gì?
2 Vì tất cả những người bất toàn đều gặp khó khăn trong việc thể hiện tính tự chủ, chúng ta nên quan tâm đến việc học cách khắc phục bất cứ khuyết điểm nào của mình. Kinh Thánh cho chúng ta biết về những người trong quá khứ đã cố gắng phụng sự Đức Chúa Trời nhưng đôi khi thấy khó cưỡng lại điều sai quấy. Hãy nhớ lại Đa-vít và việc ông phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba. Tội đó đã dẫn đến cái chết của hai người vô tội: đứa con của sự ngoại tình, và chồng của Bát-Sê-ba. (2 Sa-mu-ên 11:1-27; 12:15-18) Hoặc hãy nghĩ đến sứ đồ Phao-lô, người đã thẳng thắn thừa nhận: “Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn”. (Rô-ma 7:19) Có khi nào bạn cảm thấy bực bội như thế không? Sứ đồ Phao-lô nói tiếp: “Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật-pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm-biết trong chi-thể mình có một luật khác giao-chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu-tù cho luật của tội-lỗi, tức là luật ở trong chi-thể tôi vậy. Khốn-nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân-thể hay chết nầy?” (Rô-ma 7:22-24) Những gương trong Kinh Thánh hẳn khuyến khích chúng ta càng cương quyết không bao giờ ngưng phấn đấu để có thêm sự tự chủ.
Cần tập tính tự chủ
3. Hãy giải thích tại sao chúng ta không thể cho rằng dễ thể hiện tính tự chủ.
3 Sự tiết độ hay tự chủ, bao gồm khả năng từ chối, được đề cập nơi 2 Phi-e-rơ 1:5-7 cùng với đức tin, sự nhân đức, sự học thức, sự nhịn nhục, sự tin kính, tình yêu thương anh em và lòng yêu mến. Trong những đức tính này, không tính nào là hoàn toàn bẩm sinh, tất cả đều phải được vun trồng. Muốn thể hiện những đức tính này ở mức đáng kể, cần phải quyết tâm và nỗ lực. Vậy thì chúng ta có nên cho rằng vun trồng tính tự chủ sẽ dễ dàng hơn không?
4. Tại sao nhiều người cảm thấy tự chủ không phải là vấn đề đối với họ, nhưng điều này là dấu hiệu cho thấy gì?
4 Phải công nhận hàng triệu người có thể cảm thấy tự chủ không phải là vấn đề đối với họ. Họ sống theo ý thích, vô tình hay cố ý ăn ở theo những sai khiến của xác thịt bất toàn mà không màng đến hậu quả—cho chính mình hay cho người khác. (Giu-đe 10) Ngày nay hơn bao giờ hết người ta cho thấy rõ họ không có khả năng và ý muốn từ chối. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta quả thật đang sống trong “ngày sau-rốt” mà sứ đồ Phao-lô nói đến khi ông báo trước: “Sẽ có những thời-kỳ khó-khăn. Vì người ta đều tư-kỷ, tham tiền, khoe-khoang, xấc-xược, hay nói xấu... không tiết-độ”.—2 Ti-mô-thê 3:1-3.
5. Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va chú ý đến vấn đề tự chủ, và lời khuyên nào vẫn còn hiệu lực?
5 Nhân Chứng Giê-hô-va biết rõ khó khăn của việc cần phải tự chủ. Như sứ đồ Phao-lô, họ ý thức có sự tranh chiến giữa sự mong muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời bằng cách sống phù hợp với tiêu chuẩn của Ngài, và đường lối mà xác thịt bất toàn có thể xui khiến họ theo. Vì lẽ đó, từ lâu họ đã chú ý đến việc làm thế nào thắng cuộc chiến gay go này. Vào năm 1916, một số Tháp Canh ra thời đầu nói về “phương cách đúng để chúng ta kiềm chế bản thân, tư tưởng, lời nói, và hành động”. Bài này khuyên nên ghi nhớ câu Phi-líp 4:8. Lời khuyên của Đức Chúa Trời trong câu này vẫn còn hiệu lực, mặc dù lúc đầu được đưa ra cách đây khoảng 2.000 năm và có lẽ khó theo vào thời nay hơn là thời đó hoặc vào năm 1916. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ cố gắng hết sức cưỡng lại những ham muốn thế gian, biết rằng khi làm thế, họ vâng theo Đấng Tạo Hóa của họ.
6. Tại sao chúng ta không có lý do nào để tuyệt vọng khi vun trồng tính tự chủ?
6 Sự tiết độ, tức tự chủ, được đề cập nơi Ga-la-ti 5:22, 23 là một “trái của Thánh-Linh”. Nếu biểu lộ đức tính này cùng với “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín [và] mềm-mại”, chúng ta sẽ được rất nhiều lợi ích. Như sứ đồ Phi-e-rơ giải thích, khi làm thế chúng ta sẽ tránh “ở dưng hoặc không kết quả” trong thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời. (2 Phi-e-rơ 1:8) Nhưng chúng ta chớ nên tuyệt vọng hoặc tự lên án nếu chưa biểu lộ những đức tính này cách nhanh chóng hay đầy đủ như mong muốn. Có lẽ bạn đã nhận thấy tại trường một học sinh học nhanh hơn đứa khác. Hoặc nơi làm việc, một người học làm một công việc mới nhanh hơn những bạn đồng nghiệp. Tương tự như thế, một số người học cách thể hiện những đức tính của tín đồ Đấng Christ nhanh hơn những người khác. Điều quan trọng là tiếp tục cố gắng hết sức để vun trồng các đức tính theo ý Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể làm thế bằng cách tận dụng sự giúp đỡ mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua Lời và hội thánh Ngài. Nhanh chóng đạt được mục tiêu không quan trọng bằng sự cương quyết cố gắng để tiếp tục tiến bộ.
7. Điều gì cho thấy tính tự chủ là quan trọng?
7 Tuy được liệt kê cuối cùng trong các đức tính sinh bởi thánh linh, tính tự chủ chắc chắn không kém quan trọng hơn các đức tính khác, mà còn ngược lại. Chúng ta nên nhớ rằng mình có thể tránh được tất cả “các việc làm của xác-thịt” nếu hoàn toàn tự chủ. Song, con người bất toàn có khuynh hướng làm theo “các việc làm của xác-thịt... gian-dâm, ô-uế, luông-tuồng, thờ hình-tượng, phù-phép, thù-oán, tranh-đấu, ghen-ghét, buồn-giận, cãi-lẫy, bất-bình, bè-đảng”. (Ga-la-ti 5:19, 20) Do đó chúng ta phải luôn luôn tranh đấu, kiên quyết trừ tận gốc những khuynh hướng tiêu cực cả trong lòng và trí.
Một số người phải phấn đấu nhiều hơn
8. Những yếu tố nào khiến cho việc thể hiện sự tự chủ đặc biệt khó đối với một số người?
8 Một số tín đồ Đấng Christ gặp nhiều khó khăn hơn người khác trong việc thể hiện tính tự chủ. Tại sao thế? Có lẽ một phần là do sự giáo dục của cha mẹ hoặc những kinh nghiệm trong quá khứ. Nếu việc vun trồng và biểu lộ tính tự chủ dường như không phải là vấn đề đối với chúng ta, thì đó là điều đáng mừng. Nhưng chắc chắn chúng ta nên tỏ lòng thương xót và thông cảm khi tiếp xúc với những người có nhiều khó khăn hơn trong việc thể hiện tính này, dù sự thiếu tự chủ của họ khiến cá nhân chúng ta khá bực bội. Vì sự bất toàn của chính mình, ai trong vòng chúng ta có lý do để tỏ thái độ tự cho mình là công bình?—Rô-ma 3:23; Ê-phê-sô 4:2.
9. Một số người có những yếu kém nào, và khi nào những yếu kém này sẽ được hoàn toàn khắc phục?
9 Để minh họa: Chúng ta có thể biết rằng một số anh em tín đồ Đấng Christ tuy đã bỏ thuốc lá hoặc ngừng dùng thuốc kích thích nhưng đôi khi vẫn cảm thấy thèm thuồng những thứ đó. Hoặc một số người cảm thấy khó hạn chế việc dùng thức ăn hay rượu. Những người khác không giữ được lời ăn tiếng nói cho nên hay vấp phạm trong lời nói. Muốn khắc phục những thiếu sót như thế đòi hỏi phải siêng năng cố gắng vun trồng tính tự chủ. Tại sao thế? Gia-cơ 3:2 thực tế thừa nhận: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn-vẹn, hay hãm-cầm cả mình”. Còn một số người khác thì cảm thấy ham muốn cờ bạc mạnh mẽ. Hoặc họ có thể thấy khó kiềm chế tính nóng nảy. Có lẽ cần thời gian để học cách khắc phục những yếu kém này hoặc những yếu kém tương tự. Mặc dù bây giờ chúng ta có thể tiến bộ đáng kể, nhưng chỉ khi nào chúng ta đạt đến sự hoàn toàn thì những ham muốn xấu mới được vĩnh viễn tiệt trừ. Trong khi chờ đợi, cố gắng thể hiện tính tự chủ sẽ giúp chúng ta tránh rơi trở lại lối sống tội lỗi. Trong khi cuộc đấu tranh tiếp diễn, chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau để không bỏ cuộc.—Công-vụ 14:21, 22.
10. (a) Tại sao thể hiện sự tự chủ trong vấn đề tình dục là một điều đặc biệt khó đối với một số người? (b) Một anh đã có sự thay đổi lớn nào? (Xem khung nơi trang 16).
10 Một lãnh vực khác mà một số người thấy khó thể hiện sự tự chủ là trong vấn đề tình dục. Đây là một bản năng mà Đức Giê-hô-va tạo nên trong con người chúng ta. Tuy nhiên, một số người thấy đặc biệt khó giữ tình dục ở đúng chỗ, phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Có thể họ còn thấy khó hơn nữa vì có sự ham muốn tình dục mạnh mẽ khác thường. Chúng ta sống trong một thế gian háo dục có xu hướng kích thích nhục dục qua nhiều cách. Điều này có thể gây ra vấn đề khá lớn cho những tín đồ Đấng Christ muốn sống độc thân—ít nhất trong một thời gian—để có thể phụng sự Đức Chúa Trời mà không bị phân tâm bởi cuộc sống hôn nhân. (1 Cô-rinh-tô 7:32, 33, 37, 38; BDY) Nhưng phù hợp với lệnh của Kinh Thánh là “thà cưới gả còn hơn để cho lửa tình un-đốt”, họ có thể quyết định kết hôn, và điều này chắc chắn đáng trọng. Đồng thời, họ kiên quyết kết hôn “theo ý Chúa”, như Kinh Thánh khuyên bảo. (1 Cô-rinh-tô 7:9, 39) Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va vui lòng thấy họ muốn giữ gìn nguyên tắc công bình của Ngài. Các anh chị em tín đồ Đấng Christ vui mừng được kết hợp với những người thờ phượng thật có tiêu chuẩn đạo đức cao và trung kiên như thế.
11. Làm thế nào chúng ta có thể giúp một anh hay chị muốn lập gia đình nhưng chưa thực hiện được?
11 Nếu không tìm được người nào thích hợp để kết hôn thì sao? Hãy tưởng tượng một người có thể buồn nản như thế nào khi muốn kết hôn nhưng chưa thực hiện được! Người đó có thể thấy các bạn mình kết hôn và tương đối hạnh phúc trong khi mình vẫn chưa tìm được một người thích hợp. Đối với một số người trong hoàn cảnh đó, một tật ô uế là thủ dâm có thể trở nên một vấn đề dai dẳng. Dù sao đi nữa, không một tín đồ Đấng Christ nào muốn vô ý làm nản lòng một tín đồ đang tranh đấu để giữ mình trong sạch. Chúng ta có thể vô tình làm họ ngã lòng khi nói những lời thiếu suy nghĩ như: “Chừng nào mới lập gia đình?” Có thể chúng ta không có ý gì xấu, nhưng tốt hơn biết bao nếu biết thể hiện tính tự chủ qua cách thận trọng trong lời nói! (Thi-thiên 39:1) Những ai trong vòng chúng ta đang giữ mình trong sạch khi còn độc thân đáng cho chúng ta nhiệt tình ngợi khen. Thay vì nói những điều có thể làm nản lòng, chúng ta hãy cố gắng khích lệ họ. Chẳng hạn, chúng ta có thể cố gắng mời những người độc thân khi mời vài người thành thục để dùng bữa hoặc kết hợp lành mạnh với anh em tín đồ Đấng Christ.
Tự chủ trong hôn nhân
12. Tại sao ngay cả những người đã lập gia đình vẫn cần phải tự chủ?
12 Một người đã lập gia đình không có nghĩa là không cần phải tự chủ nữa trong vấn đề tình dục. Thí dụ, nhu cầu tình dục của người chồng và người vợ có thể rất khác nhau. Hoặc thể trạng của một người đôi khi có thể gây khó khăn hoặc thậm chí cản trở quan hệ tính dục bình thường. Có lẽ vì những kinh nghiệm quá khứ, một người thấy khó vâng theo mệnh lệnh: “Chồng phải làm hết bổn-phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy”. Trong hoàn cảnh như thế, người hôn phối có thể phải tự chủ nhiều hơn. Nhưng cả hai có thể ghi nhớ lời khuyên yêu thương của sứ đồ Phao-lô dành cho các vợ chồng tín đồ Đấng Christ: “Đừng từ-chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng-thuận tạm-thời, để chuyên việc cầu-nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỉ Sa-tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám-dỗ chăng”.—1 Cô-rinh-tô 7:3, 5.
13. Chúng ta có thể làm gì đặng giúp những người đang tranh đấu để thể hiện tính tự chủ?
13 Nếu cả hai vợ chồng đã biết cách tự chủ đúng đắn trong quan hệ hết sức mật thiết này thì thật là một ân phước biết bao. Đồng thời họ cũng nên thông cảm với những anh em tín đồ vẫn còn đang tranh đấu để thể hiện tính này trong lãnh vực đó. Chúng ta chớ bao giờ quên cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho anh em thiêng liêng của chúng ta sự thông sáng, lòng can đảm và sự quyết tâm tiếp tục tranh đấu để thể hiện tính tự chủ và áp dụng các biện pháp để khắc phục những ham muốn không đúng đắn.—Phi-líp 4:6, 7.
Hãy tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau
14. Tại sao chúng ta nên tỏ lòng thương xót và thông cảm đối với các anh em tín đồ Đấng Christ?
14 Đôi khi chúng ta cảm thấy khó thông cảm với anh em tín đồ Đấng Christ đang tranh đấu để biểu lộ tính tự chủ trong lãnh vực mà chúng ta không có vấn đề. Nhưng bản tính mỗi người mỗi khác. Một số người dễ bị tình cảm chi phối; những người khác thì không. Một số người cảm thấy tương đối dễ tự kiềm chế bản thân cho nên thể hiện tính tự chủ không phải là vấn đề. Những người khác có nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng một người phải tranh đấu không phải là người xấu. Anh em tín đồ Đấng Christ cần được chúng ta thông cảm và thương xót. Việc tiếp tục tỏ lòng thương xót đối với những người vẫn còn phải tranh đấu để thể hiện tính tự chủ nhiều hơn có liên quan đến hạnh phúc của chính chúng ta. Lời của Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 5:7 cho thấy điều này.
15. Về vấn đề tự chủ, tại sao lời ghi nơi Thi-thiên 130:3 là một niềm an ủi?
15 Chúng ta không bao giờ muốn xét đoán sai một anh em tín đồ Đấng Christ khi họ có lúc thiếu sót trong việc thể hiện nhân cách tín đồ Đấng Christ. Thật khích lệ làm sao khi biết rằng Đức Giê-hô-va không chỉ thấy một lần chúng ta thất bại mà còn thấy nhiều lần chúng ta không thất bại, mặc dù tất cả những lần này đều không được anh em tín đồ Đấng Christ nào để ý thấy. Thật là điều an ủi khi ghi nhớ câu Thi-thiên 130:3: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác [“tội”, Tòa Tổng Giám Mục] thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?”
16, 17. (a) Về tính tự chủ, chúng ta có thể áp dụng Ga-la-ti 6:2, 5 như thế nào? (b) Chúng ta sẽ thảo luận gì về tính tự chủ trong bài kế tiếp?
16 Để làm hài lòng Đức Giê-hô-va, mỗi người chúng ta phải vun trồng tính tự chủ, nhưng chúng ta có thể tin chắc sẽ có sự giúp đỡ của các anh em tín đồ Đấng Christ. Mặc dù mỗi người chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm riêng phần mình, thế nhưng chúng ta được thúc đẩy giúp đỡ lẫn nhau để đối phó với các yếu kém. (Ga-la-ti 6:2, 5) Chúng ta hẳn quý trọng cha hay mẹ, người hôn phối, hoặc người bạn cản chúng ta đi đến những nơi không nên đi, xem những gì không nên xem, hoặc làm những gì không nên làm. Người đó đang giúp chúng ta biểu lộ tính tự chủ, khả năng từ chối và giữ sự cương quyết!
17 Nhiều tín đồ Đấng Christ có thể đã thể hiện tính tự chủ phù hợp với những gì chúng ta đã thảo luận đến đây, nhưng có lẽ cảm thấy cá nhân họ còn phải cải thiện hơn nữa. Họ muốn biểu lộ đức tính này một cách đầy đủ hơn, đến mức mà họ nghĩ có thể đòi hỏi được nơi con người bất toàn. Bạn có cảm thấy như thế không? Thế thì bạn có thể làm gì để trau dồi khía cạnh này của bông trái thánh linh Đức Chúa Trời? Và làm thế nào việc này có thể giúp bạn đạt những mục tiêu lâu dài của tín đồ Đấng Christ? Chúng ta hãy xem trong bài kế tiếp.
Bạn có nhớ không?
Tại sao sự tự chủ là...
• đức tính mà tín đồ Đấng Christ cần phải vun trồng?
• điều đặc biệt khó đối với một số người?
• cần thiết trong hôn nhân?
• đức tính mà chúng ta có thể giúp nhau vun trồng?
[Khung/Hình nơi trang 16]
Anh đã biết từ chối
Một Nhân Chứng Giê-hô-va sống ở Đức là nhân viên thông tin kỹ thuật. Công việc anh bao gồm việc kiểm tra khoảng 30 chương trình truyền hình và truyền thanh. Khi đài bị nhiễu, anh phải chú ý đến chương trình để xác định rõ vấn đề. Anh nói: “Nhiễu dường như luôn luôn xảy ra không đúng lúc, ngay khi có những cảnh bạo lực hoặc những cảnh khiêu dâm. Những hình ảnh xấu xa đó dường như cứ ở mãi trong trí tôi trong nhiều ngày và có khi nhiều tuần, như thể đã được khắc sâu vào tâm trí tôi”. Anh thừa nhận rằng điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng thiêng liêng của anh: “Vì vốn nóng tính nên các cảnh bạo lực khiến tôi khó thể hiện tính tự chủ. Những cảnh khiêu dâm gây căng thẳng giữa tôi và vợ tôi. Tôi phải tranh đấu hằng ngày. Để không thua trận, tôi quyết định tìm một công việc khác, dù ít lương hơn. Cách đây không lâu, tôi đã tìm được việc khác. Ước muốn của tôi đã được thỏa mãn”.
[Các hình nơi trang 15]
Sự hiểu biết đến từ việc học hỏi Kinh Thánh giúp chúng ta thể hiện tính tự chủ