Hãy tiếp sức cho nhau
“Các người ấy là một sự yên-ủi lòng tôi [“tiếp sức cho tôi”, “NW”]”.—CÔ-LÔ-SE 4:11.
1, 2. Bất kể những nguy hiểm, tại sao bạn của Phao-lô viếng thăm ông trong tù?
LÀM bạn với một người ở trong cảnh tù đày khổ sở có thể là nguy hiểm—dù cho người đó bị giam cầm một cách bất công. Những viên chức trong tù có thể nghi ngờ bạn, nhất cử nhất động của bạn đều bị theo dõi để biết chắc bạn không phạm tội. Vì vậy, cần có can đảm để giữ liên lạc thường xuyên và viếng thăm người bạn trong tù.
2 Đó chính là những gì mà bạn bè của sứ đồ Phao-lô đã làm khoảng 1.900 năm trước đây. Họ không ngần ngại viếng thăm Phao-lô trong tù để mang lại cho ông sự an ủi và khuyến khích cần thiết đồng thời củng cố ông về thiêng liêng. Những người bạn trung thành đó là ai? Và chúng ta có thể học được gì từ lòng can đảm, trung thành và tình bạn của họ?—Châm-ngôn 17:17.
Sự tiếp sức
3, 4. (a) Năm người bạn của Phao-lô là ai, và họ đã đem lại điều gì cho ông? (b) “Sự tiếp sức” là gì?
3 Chúng ta hãy ngược dòng thời gian, trở về khoảng năm 60 CN. Sứ đồ Phao-lô ngồi tù ở Rô-ma, bị vu cáo về tội xúi giục dân nổi loạn. (Công-vụ 24:5; 25:11, 12) Phao-lô đặc biệt nêu ra năm tín đồ Đấng Christ đã kề cạnh bên ông: Ti-chi-cơ ở địa hạt A-si, người đại diện riêng của ông và “bạn cùng làm việc” với ông trong Chúa; Ô-nê-sim, một “anh em trung-tín và rất yêu” ở Cô-lô-se; A-ri-tạc, người Ma-xê-đoan ở Tê-sa-lô-ni-ca và có lần là “bạn đồng-tù” với Phao-lô; Mác, anh em chú bác của Ba-na-ba (người cùng làm giáo sĩ với Phao-lô) cũng là người viết sách Phúc Âm mang tên ông; và Giúc-tu, một trong những người đồng làm việc với sứ đồ “vì nước Đức Chúa Trời”. Phao-lô nói về năm người này: “Các người ấy là một sự yên-ủi lòng tôi [“tiếp sức cho tôi”, NW]”.—Cô-lô-se 4:7-11.
4 Phao-lô hùng hồn nói về sự giúp đỡ mà những người bạn trung thành đã đem lại cho ông. Ông dùng từ Hy Lạp (pa·re·go·riʹa) dịch ra là “sự tiếp sức”, trong Kinh Thánh chỉ thấy trong câu này mà thôi. Từ này có nghĩa rộng và được dùng đặc biệt trong bối cảnh y học.a Nó có thể được dịch là ‘nâng đỡ, nhẹ bớt, an ủi, khuây khỏa’. Phao-lô cần được tiếp sức như thế, và năm người bạn đã đem lại cho ông điều đó.
Tại sao Phao-lô cần “tiếp sức”?
5. Dù là một sứ đồ, Phao-lô cần gì, và đôi khi tất cả chúng ta đều cần điều gì?
5 Một số người có thể ngạc nhiên khi nghĩ rằng Phao-lô, một sứ đồ, mà lại cần sự tiếp sức. Nhưng đó là điều ông cần. Đành rằng Phao-lô có một đức tin mạnh, và ông đã sống sót qua nhiều sự hành hạ thể xác, bị “đòn-vọt quá chừng”, thường ‘gần phải bị chết’, và những đau đớn khác. (2 Cô-rinh-tô 11:23-27) Tuy nhiên, ông chỉ là người, và tất cả mọi người không lúc này thì lúc khác cũng cần được an ủi và cần người khác giúp củng cố đức tin. Điều này đúng ngay cả đối với Chúa Giê-su. Trong đêm cuối cùng của ngài, một thiên sứ đã hiện ra tại vườn Ghết-sê-ma-nê và “thêm sức cho Ngài”.—Lu-ca 22:43.
6, 7. (a) Ở Rô-ma, ai làm Phao-lô thất vọng, và ai đã khích lệ ông? (b) Các anh em tín đồ Đấng Christ của Phao-lô đã làm gì để giúp ông ở Rô-ma, nhờ đó họ đã chứng tỏ là “sự tiếp sức” cho ông?
6 Phao-lô cũng cần tiếp sức. Khi là một tù nhân bị giải về Rô-ma, ông không được những người cùng chủng tộc tiếp đón nồng hậu. Phần đông những người Do Thái này đã không tiếp nhận thông điệp Nước Trời. Sau khi những trưởng lão của người Do Thái đến thăm Phao-lô trong tù, lời tường thuật ở Công-vụ ghi: “Có người chịu tin lời người nói, có kẻ chẳng tin. Bởi chưng họ không đồng-ý với nhau và ra về”. (Công-vụ 28:17, 24, 25) Sự kiện họ thiếu lòng biết ơn đối với ân điển của Đức Giê-hô-va chắc hẳn đã làm khổ tâm Phao-lô biết bao! Cảm giác đau buồn của ông về vấn đề này đã thể hiện rõ trong thư ông viết vài năm trước đó cho hội thánh ở Rô-ma: “Tôi buồn-bực lắm, lòng tôi hằng đau-đớn. Bởi tôi ước-ao có thể chính mình bị dứt-bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em [người Do Thái] bà-con tôi theo phần xác”. (Rô-ma 9:2, 3) Tuy nhiên, ở Rô-ma ông đã tìm được những người bạn thật, trung thành. Lòng can đảm và yêu mến của họ đã xoa dịu lòng ông. Họ là những anh em thiêng liêng chân thật của ông.
7 Năm anh em đó đã chứng tỏ là sự tiếp sức cho Phao-lô như thế nào? Họ không tránh xa Phao-lô vì ông bị tù đày. Họ còn sẵn sàng và yêu thương phục vụ cho Phao-lô, làm cho ông những điều mà ông không thể tự tay làm vì bị giam cầm. Thí dụ, họ làm người mang tin và đem giao những lá thư của Phao-lô cùng với những lời chỉ dẫn truyền miệng đến các hội thánh; họ đem những báo cáo khích lệ cho Phao-lô về sự an lạc của các anh em ở Rô-ma và những nơi khác. Rất có thể họ đã đem cho Phao-lô những thứ ông cần, chẳng hạn như quần áo mùa đông, cuộn giấy da và dụng cụ để viết. (Ê-phê-sô 6:21, 22; 2 Ti-mô-thê 4:11-13) Tất cả những hành động giúp đỡ đó đã củng cố và khích lệ người sứ đồ bị giam cầm để rồi ông có thể “tiếp sức” cho những người khác, kể cả toàn thể hội thánh.—Rô-ma 1:11, 12.
Làm sao trở thành người tiếp sức?
8. Chúng ta có thể học được gì từ việc Phao-lô khiêm nhường nhìn nhận ông cần “sự tiếp sức”?
8 Chúng ta có thể học được gì từ lời tường thuật này về Phao-lô và năm người cùng làm việc với ông? Chúng ta rút tỉa được một bài học cụ thể: Cần có lòng can đảm và hy sinh để đến giúp những người khác trong nghịch cảnh. Ngoài ra, cần có tính khiêm nhường để nhìn nhận rằng chúng ta có thể cần được giúp đỡ trong lúc bị khốn khổ. Không những Phao-lô nhìn nhận mình cần được giúp đỡ mà còn nhận sự giúp đỡ đó với lòng biết ơn và khen những người đã giúp ông. Ông không xem việc nhận sự giúp đỡ của người khác là dấu hiệu yếu đuối hoặc nhục nhã, và chúng ta cũng nên có quan điểm giống vậy. Nếu nói rằng chúng ta không bao giờ cần sự tiếp sức thì ngụ ý cho mình là siêu nhân. Hãy nhớ rằng gương của Chúa Giê-su cho thấy ngay cả một người hoàn toàn có thể đôi khi cũng cần cầu xin sự giúp đỡ.—Hê-bơ-rơ 5:7.
9, 10. Khi một người nhìn nhận mình cần được giúp đỡ thì có thể có kết quả tốt nào, và điều đó ảnh hưởng thế nào đến người khác trong gia đình và trong hội thánh?
9 Có thể được kết quả tốt khi những người có trách nhiệm nhìn nhận rằng họ có những giới hạn và tùy thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. (Gia-cơ 3:2) Sự nhìn nhận như thế củng cố mối quan hệ giữa người có thẩm quyền và người dưới quyền, giúp hai bên nói chuyện cởi mở nồng ấm. Sự khiêm nhường của những người sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ là một bài học thực tế cho những người khác trong hoàn cảnh tương tự. Điều ấy cũng cho thấy rằng những người dẫn đầu chỉ là loài người và dễ đến gần.—Truyền-đạo 7:20.
10 Thí dụ, con cái có thể thấy dễ chấp nhận sự giúp đỡ của cha mẹ để đối phó với những vấn đề và sự cám dỗ khi chúng biết rằng cha mẹ cũng gặp những thử thách tương tự khi còn nhỏ. (Cô-lô-se 3:21) Do đó cha mẹ và con cái có thể nói chuyện cởi mở. Cha mẹ có thể đưa ra những giải pháp Kinh Thánh hữu hiệu hơn và được con cái sẵn sàng chấp nhận. (Ê-phê-sô 6:4) Tương tự như vậy, anh em trong hội thánh sẽ sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của trưởng lão hơn khi họ hiểu rằng trưởng lão cũng đối phó với các vấn đề, nỗi sợ hãi và những băn khoăn. (Rô-ma 12:3; 1 Phi-e-rơ 5:3) Nhờ đó hai bên có thể nói chuyện dễ dàng, trưởng lão có thể chia sẻ những lời khuyên trong Kinh Thánh, và kết quả là đức tin anh em được củng cố. Hãy nhớ rằng anh chị em của chúng ta ngày nay cần được củng cố hơn bao giờ hết.—2 Ti-mô-thê 3:1.
11. Tại sao nhiều người ngày nay cần được “tiếp sức”?
11 Dù chúng ta là ai, sống ở đâu, hoặc bao nhiêu tuổi, tất cả chúng ta đôi khi gặp những căng thẳng trong đời sống. Đó là điều không tránh được trong thế gian ngày nay. (Khải-huyền 12:12) Những tình trạng xáo trộn thể chất và tình cảm như thế thử thách đức tin của chúng ta. Những tình huống khó khăn có thể phát sinh từ nơi làm việc, trường học, trong gia đình, hoặc trong hội thánh. Có thể nguyên nhân gây căng thẳng là chứng bệnh trầm trọng hoặc những chấn động trong quá khứ. Nếu người hôn phối, trưởng lão, hoặc một người bạn tử tế khích lệ bằng những lời ân cần và hành động hữu ích thì quả là một điều an ủi biết bao! Điều đó giống như dầu được xoa trên chỗ da bị rát! Vì vậy, nếu bạn chú ý thấy một anh em nào ở trong tình trạng đó, hãy tiếp sức cho người. Hoặc nếu bị một vấn đề đặc biệt khiến bạn phiền não, hãy nhờ người có khả năng về thiêng liêng giúp đỡ.—Gia-cơ 5:14, 15.
Hội thánh có thể giúp đỡ thế nào?
12. Mỗi người trong hội thánh có thể làm gì để củng cố anh em mình?
12 Mọi người trong hội thánh kể cả người trẻ có thể làm vững mạnh người khác. Chẳng hạn việc bạn đều đặn tham dự buổi họp và rao giảng giúp củng cố đức tin anh em khác rất nhiều. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Lòng kiên trì trong thánh chức là bằng chứng cho thấy bạn trung thành với Đức Giê-hô-va và chứng tỏ bạn giữ mình tỉnh thức về thiêng liêng bất kể đang đương đầu với những khó khăn. (Ê-phê-sô 6:18) Sự kiên trì đó có thể có tác dụng củng cố người khác.—Gia-cơ 2:18.
13. Tại sao một số người không còn hoạt động, và có thể làm gì để giúp họ?
13 Đôi khi áp lực trong cuộc sống hay những vấn đề khác có thể khiến cho một số người chậm lại hoặc không đi rao giảng nữa. (Mác 4:18, 19) Chúng ta có thể nhận thấy những người không hoạt động vắng mặt tại buổi họp. Nhưng rất có thể trong lòng họ vẫn còn tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời. Có thể làm gì để củng cố đức tin của họ? Trưởng lão có thể tử tế giúp bằng cách đến viếng thăm họ. (Công-vụ 20:35) Cũng có thể nhờ những người khác trong hội thánh giúp. Những cuộc viếng thăm yêu thương như thế có thể đúng là liều thuốc giúp những người yếu đức tin được phục hồi.
14, 15. Phao-lô cho lời khuyên nào về việc củng cố người khác? Hãy nêu thí dụ về một hội thánh đã áp dụng lời khuyên của ông.
14 Kinh Thánh khuyên nhủ chúng ta “yên-ủi những kẻ ngã lòng, nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Có lẽ những người “ngã lòng” thấy rằng mình thiếu can đảm và họ không thể vượt qua những trở ngại trước mặt mà không có người giúp. Bạn có thể giúp họ không? Nhóm từ “nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối” được dịch là “giữ vững” hay “bám chặt” những người yếu. Đức Giê-hô-va ưu ái và yêu thương mọi chiên Ngài. Ngài không xem rẻ họ, và Ngài không muốn một người nào bị trôi giạt. Bạn có thể nào giúp hội thánh “giữ vững” những người yếu về thiêng liêng cho đến khi họ được mạnh hơn không?—Hê-bơ-rơ 2:1.
15 Một trưởng lão viếng thăm một cặp vợ chồng đã không hoạt động trong sáu năm. Anh trưởng lão viết: “Sự quan tâm nhân từ và yêu thương của cả hội thánh đối với họ đã có tác động mạnh mẽ đến độ khiến họ trở về với bầy”. Chị Nhân Chứng trước kia không hoạt động cảm thấy thế nào về sự viếng thăm của những người trong hội thánh? Giờ đây chị nói: “Chúng tôi hoạt động trở lại là nhờ những anh đến thăm và những chị đi theo các anh không ai đã tỏ thái độ lên án hoặc chỉ trích chúng tôi. Nhưng họ đã tỏ ra thông cảm và khích lệ bằng những lời trong Kinh Thánh”.
16. Ai luôn sẵn sàng để giúp đỡ người cần sự tiếp sức?
16 Đúng vậy, người tín đồ chân thành sẽ vui mừng tiếp sức cho người khác. Và khi hoàn cảnh thay đổi trong đời sống, chính chúng ta cũng có thể là người nhận sự tiếp sức của anh em. Nhưng nói một cách thực tế, có thể trong lúc chúng ta cần, không người nào có thể đến giúp. Tuy nhiên, có một Nguồn sức mạnh lúc nào cũng sẵn có, một Đấng luôn sẵn sàng để giúp đỡ—Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 27:10.
Đức Giê-hô-va—Nguồn sức mạnh tối hậu
17, 18. Đức Giê-hô-va tiếp sức cho Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, bằng những cách nào?
17 Trong lúc bị đóng đinh trên cây khổ hình, Chúa Giê-su kêu lớn: “Hỡi Cha, tôi giao linh-hồn lại trong tay Cha!” (Lu-ca 23:46) Rồi ngài tắt thở. Chỉ vài giờ trước đó, ngài bị bắt và những người bạn thân nhất đã bỏ ngài mà chạy trốn vì sợ. (Ma-thi-ơ 26:56) Chúa Giê-su đã bị bỏ một mình, bên cạnh ngài chỉ còn một Nguồn sức mạnh duy nhất, đó là Cha trên trời. Tuy nhiên, sự tin cậy của ngài nơi Đức Giê-hô-va không vô ích. Lòng trung thành của Chúa Giê-su đối với Cha đã được tưởng thưởng, Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ ngài.—Thi-thiên 31:23; Hê-bơ-rơ 7:26.
18 Suốt thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức ở trên đất, Đức Giê-hô-va đã cung cấp những gì Con Ngài cần để giữ lòng trung kiên cho tới hơi thở cuối cùng. Chẳng hạn, sau khi Chúa Giê-su báp têm, đánh dấu lúc khởi đầu thánh chức, ngài nghe tiếng của Cha bày tỏ sự chấp nhận và khẳng định lòng yêu thương dành cho ngài. Khi Chúa Giê-su cần được giúp đỡ, Đức Giê-hô-va đã sai thiên sứ đến để tiếp sức cho ngài. Khi Chúa Giê-su đối diện với thử thách lớn nhất vào cuối cuộc đời trên đất, Đức Giê-hô-va đã nghe lời nài xin và kêu cầu của ngài. Chắc chắn tất cả những điều này đã là sự tiếp sức cho Chúa Giê-su.—Mác 1:11, 13; Lu-ca 22:43.
19, 20. Làm sao chúng ta có thể biết chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ tiếp sức chúng ta trong lúc cần?
19 Đức Giê-hô-va cũng muốn là Nguồn sức mạnh chính của chúng ta. (2 Sử-ký 16:9) Nguồn thật của mọi sức mạnh và năng lực tột bậc có thể trở thành sự tiếp sức cho chúng ta trong giờ phút chúng ta cần. (Ê-sai 40:26) Chiến tranh, nghèo khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc sự bất toàn của chúng ta có thể đặt chúng ta dưới áp lực nặng nề. Khi những thử thách trong đời sống dường như là “kẻ thù-nghịch có sức-lực” khó chống cự, Đức Giê-hô-va có thể là nguồn sức mạnh của chúng ta. (Thi-thiên 18:17; Xuất Ê-díp-tô Ký 15:2) Ngài ban cho chúng ta sự giúp đỡ mạnh mẽ—thánh linh của Ngài. Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va có thể ban “sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn” để người có thể “cất cánh bay cao như chim ưng”.—Ê-sai 40:29, 31.
20 Thánh linh của Đức Chúa Trời là một lực mạnh mẽ nhất trong vũ trụ. Phao-lô nói: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”. Đúng vậy, Cha yêu thương ở trên trời có thể truyền thêm “sức lực vượt quá mức bình thường” để chúng ta chịu đựng được tất cả những vấn đề đau đớn cho tới khi Ngài “làm mới lại hết thảy muôn vật” trong Địa Đàng Ngài đã hứa rất gần đến.—Phi-líp 4:13; 2 Cô-rinh-tô 4:7, NW; Khải-huyền 21:4, 5.
[Chú thích]
a Cuốn Vine’s Complete Expository Dictionary of Old and New Testament Words của W. E. Vine nói: “Dạng động từ của chữ [pa·re·go·riʹa] biểu thị loại thuốc làm giảm sự khó chịu (‘thuốc paregoric’, một loại thuốc phiện giúp giảm đau)”.
Bạn còn nhớ không?
• Các anh em ở Rô-ma đã chứng tỏ là “sự tiếp sức” cho Phao-lô như thế nào?
• Chúng ta có thể là “sự tiếp sức” trong hội thánh qua những cách nào?
• Đức Giê-hô-va là Nguồn sức mạnh tối hậu của chúng ta như thế nào?
[Hình nơi trang 18]
Các anh em tỏ ra là người tiếp sức cho Phao-lô bằng cách trung thành nâng đỡ, khích lệ và phục vụ ông
[Hình nơi trang 21]
Các trưởng lão dẫn đầu trong việc củng cố bầy