Thiên sứ ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?
TRONG một sự hiện thấy, nhà tiên tri Đa-ni-ên thấy lực lượng thiên sứ của Đức Chúa Trời. Ông viết: “Ngàn ngàn [thiên sứ] hầu-hạ [Đức Chúa Trời] và muôn muôn đứng trước mặt Ngài”. (Đa-ni-ên 7:10) Câu này cho biết mục đích của Đức Chúa Trời khi tạo ra các thiên sứ, đó là hầu việc Ngài và đứng sẵn sàng để thi hành những chỉ thị của Ngài.
Đức Chúa Trời sai các thiên sứ thi hành một số nhiệm vụ liên quan đến loài người. Chúng ta sẽ xem xét cách Đức Chúa Trời dùng các thiên sứ để thêm sức và bảo vệ dân Ngài, mang thông điệp đến cho loài người, và thi hành sự phán xét của Ngài trên kẻ ác.
Thiên sứ thêm sức và bảo vệ
Kể từ lúc các thần linh chứng kiến sự sáng tạo trái đất và hai người đầu tiên, họ tỏ ra quan tâm sâu sắc đến loài người. Là sự khôn ngoan được nhân cách hóa trước khi xuống đất làm người, Chúa Giê-su Christ nói: “Sự vui-thích ta ở nơi con-cái loài người”. (Châm-ngôn 8:31) Kinh Thánh cho chúng ta biết “thiên-sứ cũng ước-ao xem thấu” hay mong biết rõ những việc liên quan đến Đấng Christ và tương lai, là những việc được báo trước cho các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời.—1 Phi-e-rơ 1:11, 12.
Theo thời gian, các thiên sứ nhận thấy đa số nhân loại không thờ phượng Đấng Tạo Hóa yêu thương. Điều này hẳn làm buồn lòng các thiên sứ trung thành biết bao! Ngược lại, khi một kẻ có tội biết ăn năn và trở lại với Đức Giê-hô-va, thiên sứ “mừng-rỡ ”. (Lu-ca 15:10) Thiên sứ có lòng quan tâm sâu sắc đến hạnh phúc của những người phụng sự Đức Chúa Trời, và Đức Giê-hô-va nhiều lần sai họ đến thêm sức, bảo vệ những tôi tớ trung thành của Ngài ở trên đất. (Hê-bơ-rơ 1:14) Hãy xem xét một vài trường hợp.
Hai thiên sứ đã giúp người công bình Lót cùng hai con gái sống sót qua sự hủy diệt của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ đầy dẫy tội ác bằng cách dẫn họ ra khỏi khu vực ấy.a (Sáng-thế Ký 19:1, 15-26) Nhiều thế kỷ sau, dù tiên tri Đa-ni-ên bị ném vào hang sư tử, ông vẫn được an toàn. Tại sao? Ông cho biết: “Đức Chúa Trời tôi đã sai thiên-sứ Ngài, và bịt miệng các sư-tử”. (Đa-ni-ên 6:22) Các thiên sứ trợ giúp Chúa Giê-su khi ngài bắt đầu thi hành thánh chức trên đất. (Mác 1:13) Không lâu trước khi Chúa Giê-su chịu chết, một thiên sứ hiện xuống và “thêm sức cho Ngài”. (Lu-ca 22:43) Sự trợ lực của thiên sứ ấy hẳn khích lệ Chúa Giê-su vào thời điểm quyết liệt đó trong cuộc đời ngài! Một thiên sứ cũng giải thoát sứ đồ Phi-e-rơ ra khỏi ngục.—Công-vụ 12:6-11.
Ngày nay, các thiên sứ có bảo vệ chúng ta không? Nếu thờ phượng Đức Chúa Trời y theo Lời Ngài, chúng ta được đảm bảo rằng các thiên sứ mạnh mẽ, vô hình của Ngài sẽ bảo vệ chúng ta. Kinh Thánh hứa: “Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ”.—Thi-thiên 34:7.
Tuy nhiên, chúng ta phải ý thức rằng nhiệm vụ chủ yếu của các thiên sứ là phục vụ Đức Chúa Trời, không phải loài người. (Thi-thiên 103:20, 21) Họ làm theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời chứ không theo lời thỉnh cầu của con người. Vì thế, Đấng mà chúng ta nên cầu xin sự giúp đỡ là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, không phải các thiên sứ. (Ma-thi-ơ 26:53) Dĩ nhiên, vì không thấy các thiên sứ, chúng ta không thể xác định Đức Chúa Trời phái họ đến giúp người ta trong chừng mực nào. Nhưng chúng ta biết Đức Giê-hô-va quả “giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. (2 Sử-ký 16:9; Thi-thiên 91:11) Chúng ta được đảm bảo là “nếu chúng ta theo ý-muốn Ngài [Đức Chúa Trời] mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta”.—1 Giăng 5:14.
Kinh Thánh cũng cho biết lời cầu nguyện và sự thờ phượng của chúng ta chỉ nên dành cho Đức Chúa Trời mà thôi. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-5; Thi-thiên 5:1, 2; Ma-thi-ơ 6:9) Các thiên sứ trung thành khuyên bảo chúng ta làm điều đó. Chẳng hạn, khi sứ đồ Giăng định quỳ lạy một thiên sứ, thần linh ấy đã khiển trách ông: “Hãy giữ lấy, đừng làm vậy... Ngươi hãy thờ-lạy Đức Chúa Trời”.—Khải-huyền 19:10.
Thiên sứ mang thông điệp của Đức Chúa Trời
Từ “thiên sứ” có nghĩa là “sứ giả”, và đó cũng là một cách các thiên sứ phụng sự Đức Chúa Trời: Họ là sứ giả của Ngài với loài người. Chẳng hạn, “Đức Chúa Trời sai thiên-sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê”. Vì mục đích nào? Để báo cho phụ nữ trẻ tên Ma-ri biết mặc dù là trinh nữ, nàng sẽ mang thai và sinh một con trai. Con trai ấy sẽ được đặt tên là Giê-su. (Lu-ca 1:26-31) Một thiên sứ cũng được sai đến cùng những người chăn chiên ở ngoài đồng, báo cho họ biết “Christ, là Chúa” đã sinh ra. (Lu-ca 2:8-11) Cũng thế, các thiên sứ đã mang thông điệp của Đức Chúa Trời đến cho ông Áp-ra-ham, Môi-se, Chúa Giê-su và những người khác trong Kinh Thánh.—Sáng-thế Ký 18:1-5, 10; Xuất Ê-díp-tô Ký 3:1, 2; Lu-ca 22:39-43.
Ngày nay, thiên sứ là sứ giả của Đức Chúa Trời qua cách nào? Hãy xem một thí dụ. Chúa Giê-su báo trước về một công việc mà môn đồ ngài sẽ thực hiện trước khi hệ thống này kết thúc. Ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:3, 14) Hằng năm, Nhân Chứng Giê-hô-va dành hơn một tỉ giờ để rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Nhưng bạn có biết rằng các thiên sứ cũng tham gia công việc này không? Nhắc đến một sự hiện thấy, sứ đồ Giăng nói: “Tôi thấy một vị thiên-sứ khác... có Tin-lành đời đời, đặng rao-truyền cho dân-cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc”. (Khải-huyền 14:6, 7) Câu Kinh Thánh này nêu bật công việc quan trọng nhất mà thiên sứ thực hiện vì lợi ích của loài người ngày nay.
Nhân Chứng Giê-hô-va thấy bằng chứng sự hướng dẫn của thiên sứ khi đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Có nhiều lúc, họ đã gặp những người vừa cầu xin có người giúp để nhận biết ý định của Đức Chúa Trời. Nhờ sự hướng dẫn của thiên sứ và hoạt động của Nhân Chứng, mỗi năm có hàng trăm ngàn người học biết về Đức Giê-hô-va. Mong sao bạn cũng nhận lợi ích từ công việc cứu người này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của thiên sứ.
Thiên sứ thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời
Dù không có quyền đoán xét loài người, các thiên sứ không chỉ đứng ngoài cuộc. (Giăng 5:22; Hê-bơ-rơ 12:22, 23) Trong quá khứ, họ thi hành án phạt của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời sai thiên sứ để giáng họa trên người Ai Cập thời cổ đã bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ. (Thi-thiên 78:49) Lần khác, chỉ trong một đêm, “một thiên-sứ của Đức Giê-hô-va” đã giết một trăm tám mươi lăm ngàn lính trong trại quân thù của dân Đức Chúa Trời.—2 Các Vua 19:35.
Trong tương lai cũng thế, thiên sứ sẽ thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su sẽ đến “với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8) Nhưng sự hủy diệt ấy chỉ đến với những người không hưởng ứng thông điệp đang được rao truyền trên khắp đất với sự hỗ trợ của thiên sứ. Những ai tìm kiếm Đức Chúa Trời và làm theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh sẽ được an toàn.—Sô-phô-ni 2:3.
Chúng ta biết ơn xiết bao về các thiên sứ trung thành luôn thi hành chỉ thị của Đức Chúa Trời! Đức Giê-hô-va dùng họ để giúp đỡ và bảo vệ những tôi tớ trung thành của Ngài trên đất. Điều này đặc biệt làm chúng ta vững chí vì có những thần linh nguy hiểm gọi là quỉ sứ muốn hãm hại chúng ta.
Quỉ sứ là ai?
Suốt 15 thế kỷ sau khi Sa-tan dụ dỗ bà Ê-va trong vườn Ê-đen, lực lượng thiên sứ của Đức Chúa Trời nhận thấy Sa-tan Ma-quỉ đã thành công trong việc khiến nhân loại từ bỏ Đức Chúa Trời. Chỉ có một số ít người trung thành như A-bên, Hê-nóc và Nô-ê. (Sáng-thế Ký 3:1-7; Hê-bơ-rơ 11:4, 5, 7) Một số thiên sứ cũng theo Sa-tan. Kinh Thánh nói về chúng là những thần linh bất phục trong thời kỳ Nô-ê. (1 Phi-e-rơ 3:19, 20, Nguyễn Thế Thuấn)b Làm sao chúng ta biết chúng bất phục?
Vào thời Nô-ê, một số thiên sứ phản nghịch, không được nói rõ là bao nhiêu, đã bỏ nhiệm vụ trong lực lượng thiên sứ trên trời để hóa thân xuống đất làm người. Tại sao? Vì chúng nảy sinh ham muốn trái tự nhiên với đàn bà trên đất. Chúng trở thành cha của giống người cao lớn, những người khổng lồ hung bạo. Ngoài ra, “sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không cho phép nhân loại bại hoại này tồn tại. Ngài giáng trận Nước Lụt trên toàn cầu, quét sạch kẻ ác cùng giống người cao lớn. Trên mặt đất, chỉ những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời được bảo toàn mạng sống.—Sáng-thế Ký 6:1-7, 17; 7:23.
Lúc xảy ra trận Nước Lụt, các thiên sứ phản nghịch thoát khỏi sự hủy diệt. Chúng bỏ thân thể loài người và trở về lĩnh vực thần linh. Từ đó trở đi, chúng được gọi là các quỉ. Chúng đứng về phía Sa-tan Ma-quỉ, kẻ còn được gọi là “chúa quỉ”. (Ma-thi-ơ 12:24-27) Như chúa của chúng, các quỉ thèm muốn được loài người thờ phượng.
Các quỉ tuy nguy hiểm nhưng chúng ta không nên sợ hãi vì quyền lực của chúng có giới hạn. Khi về trời, những thiên sứ phản nghịch ấy không được thu nhận trở lại vào lực lượng thiên sứ trung thành. Thay vì thế, chúng bị cắt đứt mọi ánh sáng thiêng liêng đến từ Đức Chúa Trời, chỉ còn chờ đợi một tương lai tăm tối mà thôi. Thật vậy, chúng ở trong một tình trạng tối tăm về thiêng liêng được gọi là “vực sâu”. (2 Phi-e-rơ 2:4) Đức Giê-hô-va “dùng dây xích [chúng] trong nơi tối-tăm đời đời”, vì thế chúng ở trong tình trạng tối tăm về thiêng liêng. Thêm vào đó, giờ đây các quỉ không thể hóa thân làm người được nữa.—Giu-đe 6.
Bạn nên làm gì?
Các quỉ sứ có còn gây ảnh hưởng trên loài người không? Có, chúng sử dụng những “mưu-kế” mà chúa của chúng là Sa-tan Ma-quỉ đã dùng. (Ê-phê-sô 6:11, 12) Tuy nhiên, bằng cách áp dụng lời khuyên của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể đứng vững chống trả các quỉ. Ngoài ra, những ai yêu mến Đức Chúa Trời được các thiên sứ mạnh mẽ che chở.
Học biết những đòi hỏi của Đức Chúa Trời được ghi trong Kinh Thánh và hành động hòa hợp với những gì bạn học thật trọng yếu làm sao! Bạn có thể học biết nhiều hơn về những dạy dỗ của Kinh Thánh bằng cách liên lạc với Nhân Chứng Giê-hô-va ở địa phương bạn hoặc viết thư cho nhà xuất bản của tạp chí này. Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ vui lòng giúp bạn tìm hiểu Kinh Thánh miễn phí vào thời điểm thuận lợi cho bạn.
[Chú thích]
a Trong văn bản nguyên ngữ, thiên sứ được miêu tả dưới hình dạng người nam trưởng thành. Họ luôn luôn hiện ra trước mắt loài người với hình dạng người nam.
[Khung nơi trang 6]
THỨ BẬC CỦA CÁC THIÊN SỨ
Lực lượng thiên sứ hùng hậu của Đức Giê-hô-va được sắp xếp như sau:
Thiên sứ có quyền thế nhất là thiên sứ trưởng, còn gọi là thiên sứ lớn Mi-chen, tức Chúa Giê-su Christ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; Giu-đe 9) Sê-ra-phim, chê-ru-bim và các thiên sứ khác đều ở dưới quyền ngài.
Sê-ra-phim giữ một địa vị rất cao trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Họ chầu bên ngai Đức Chúa Trời. Nhiệm vụ của họ bao gồm rao truyền sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và giữ cho dân Ngài được trong sạch.—Ê-sai 6:1-3, 6, 7.
Chê-ru-bim theo hầu bên ngai Đức Chúa Trời và ủng hộ sự uy nghiêm của Ngài.—Thi-thiên 80:1; 99:1; Ê-xê-chi-ên 10:1, 2.
Các thiên sứ khác là đại diện của Đức Giê-hô-va, thi hành ý muốn Ngài.
[Hình nơi trang 4]
Thiên sứ dẫn Lót và hai con gái đến nơi an toàn
[Hình nơi trang 5]
Khi sứ đồ Giăng định quỳ lạy một thiên sứ, ông được khuyên can: “Đừng làm vậy”!
[Hình nơi trang 6]
Thiên sứ thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 7]
Bạn có nhận lợi ích từ công việc rao giảng được thực hiện dưới sự hướng dẫn của thiên sứ không?
[Chú thích]
b Bản Nguyễn Thế Thuấn dịch như sau: “Nhân cơ hội, [Chúa Giê-su] đã đi rao giảng cho các thần linh trong ngục, cho những người bất phục xưa kia khi lòng đại lượng của Thiên Chúa chờ đợi vào những ngày tàu Nôê đang đóng”.