Giải trí lành mạnh mang lại sự khoan khoái
“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”.—1 CÔ-RINH-TÔ 10:31.
1, 2. Tại sao các hoạt động vui chơi có thể được xem là “sự ban cho của Đức Chúa Trời”, nhưng Kinh Thánh đưa ra lời cảnh báo thẳng thắn nào?
THÍCH tham gia những hoạt động vui chơi là điều tự nhiên. Giê-hô-va Đức Chúa Trời hạnh phúc muốn chúng ta vui hưởng cuộc sống, và Ngài cung cấp sẵn rất nhiều phương tiện để đáp ứng điều này. (1 Ti-mô-thê 1:11; 6:17) Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn viết: “Vậy, ta nhìn-biết chẳng có điều gì tốt... hơn là vui-vẻ... Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.—Truyền-đạo 3:12, 13.
2 Vui vẻ nghĩ về những thành quả mình đạt được quả thật mang lại nhiều khoan khoái, nhất là khi họp mặt với gia đình hay bạn bè. Niềm vui đó có thể chính đáng được xem là “sự ban cho của Đức Chúa Trời”. Tất nhiên, khi được Đấng Tạo Hóa ban cho dồi dào, điều đó không có nghĩa là chúng ta có quyền vui chơi vô độ. Kinh Thánh lên án sự say sưa, ăn uống quá độ và sự vô luân, đồng thời cảnh báo rằng ai thực hành những điều đó “đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời”.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; Châm-ngôn 23:20, 21; 1 Phi-e-rơ 4:1-4.
3. Điều gì sẽ giúp chúng ta tỉnh thức về thiêng liêng và ghi nhớ ngày của Đức Giê-hô-va?
3 Thời nay, trong những ngày sau rốt đầy khó khăn như chưa từng thấy, sống trong thế gian bại hoại mà không bị nhiễm các thực hành của nó là một thử thách đối với tín đồ Đấng Christ. (Giăng 17:15, 16) Như đã báo trước, ngày nay người ta “ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”; họ ham vui đến độ “không ngờ [“chẳng để ý gì”, Trịnh Văn Căn]” đến bằng chứng là “hoạn-nạn lớn” sắp xảy ra. (2 Ti-mô-thê 3:4, 5; Ma-thi-ơ 24:21, 37-39) Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa”. (Lu-ca 21:34, 35) Là tôi tớ Đức Chúa Trời, chúng ta cương quyết nghe theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su. Khác với những người xung quanh trong thế gian không tin kính này, chúng ta cố gắng tỉnh thức về thiêng liêng và ghi nhớ ngày lớn của Ngài.—Sô-phô-ni 3:8; Lu-ca 21:36.
4. (a) Tại sao khó tìm được loại hình giải trí thích hợp? (b) Chúng ta muốn áp dụng lời khuyên nào ghi nơi Ê-phê-sô 5:15, 16?
4 Tránh xa những thực hành bại hoại của thế gian không phải là dễ, vì Ma-quỉ làm cho những điều này có sức thu hút và dễ tiếp cận. Khó khăn nhất là về phương diện giải trí. Phần lớn những gì thế gian bày ra đều hướng đến “những điều xác-thịt ưa-thích”. (1 Phi-e-rơ 2:11) Các loại hình giải trí có hại không chỉ lan tràn ngoài đường, mà còn có thể xâm nhập vào các gia đình qua sách báo, truyền hình, Internet và video. Vì thế, Kinh Thánh cho tín đồ Đấng Christ lời khuyên khôn ngoan sau: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu”. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Chỉ khi nào theo sát lời khuyên này chúng ta mới có thể chắc chắn là các loại giải trí có hại không lôi cuốn, chiếm hết thời giờ của chúng ta, thậm chí khiến chúng ta đánh mất mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và sự sống!—Gia-cơ 1:14, 15.
5. Điều gì mang lại niềm khoan khoái lớn nhất cho chúng ta?
5 Vì có đời sống rất bận rộn, nên tín đồ Đấng Christ đôi khi cảm thấy cần được giải trí. Truyền-đạo 3:4 cũng nói rằng “có kỳ cười” và “có kỳ nhảy-múa”. Vậy Kinh Thánh không xem sự giải trí là phí thời giờ. Tuy nhiên, việc giải trí phải mang lại khoan khoái cho chúng ta, chứ không gây nguy hiểm cho đời sống thiêng liêng hoặc lấn át các hoạt động thiêng liêng. Qua kinh nghiệm, các tín đồ thành thục biết rằng “ban cho” thì mang lại nhiều hạnh phúc hơn. Họ đặt việc làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống và thật sự cảm nghiệm được sự “yên-nghỉ” cho tâm hồn nhờ chấp nhận ách dễ chịu của Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 11:29, 30; Công-vụ 20:35.
Chọn hình thức giải trí thích hợp
6, 7. Điều gì giúp bạn biết được hoạt động giải trí nào là thích hợp?
6 Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn một hình thức giải trí nào đó thích hợp với tín đồ Đấng Christ? Cha mẹ hướng dẫn con cái, và các trưởng lão giúp khi cần thiết. Nhưng thật ra, không cần phải có người bảo chúng ta mới biết một cuốn sách, tập phim, trò chơi, điệu khiêu vũ hoặc bản nhạc nào đó là không thích hợp. Phao-lô nói “kẻ thành-nhân... hay dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ”. (Hê-bơ-rơ 5:14; 1 Cô-rinh-tô 14:20) Kinh Thánh đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn. Nhờ được Lời Đức Chúa Trời rèn luyện, lương tâm sẽ giúp bạn nếu bạn lắng nghe nó.—1 Ti-mô-thê 1:19.
7 Chúa Giê-su nói “xem trái thì biết cây”. (Ma-thi-ơ 12:33) Nếu thích thú một hoạt động giải trí có hậu quả đồi bại là chúng ta bị lôi cuốn vào sự hung bạo, vô luân hay ma thuật thì chúng ta cần phải bỏ loại giải trí này. Nếu nó gây nguy hiểm cho sinh mạng hay sức khỏe, gây nản lòng hay khó khăn về kinh tế, hoặc làm người khác vấp phạm thì cũng không thích hợp. Sứ đồ Phao-lô cảnh báo rằng làm tổn thương lương tâm anh em là phạm tội với Đấng Christ. Ông viết: “Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương-tâm yếu-đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ. Cho nên, nếu đồ-ăn xui anh em tôi vấp-phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp-phạm cho anh em tôi”.—1 Cô-rinh-tô 8:12, 13.
8. Có những nguy hiểm nào trong việc xem các băng video và chơi trò chơi điện tử?
8 Các cửa tiệm đầy dẫy những băng video và trò chơi điện tử. Cũng có những băng đĩa đem lại niềm vui vô hại và sự thư giãn, nhưng loại hình thức giải trí này ngày càng mang tính chất mà Kinh Thánh lên án. Một trò chơi đòi hỏi người chơi phải giết hoặc làm đối phương tàn tật hoặc hành động một cách hết sức vô luân thì chắc chắn đó không phải là trò vui vô hại! Đức Giê-hô-va ghét những người “ưa sự hung-bạo”. (Thi-thiên 11:5; Châm-ngôn 3:31; Cô-lô-se 3:5, 6) Và nếu một trò chơi gợi tính tham lam, hung hăng, làm tinh thần kiệt quệ, hoặc làm phí thời giờ quý báu thì hãy nhận thức hậu quả tai hại về thiêng liêng mà nó gây ra và nhanh chóng điều chỉnh.—Ma-thi-ơ 18:8, 9.
Đáp ứng nhu cầu giải trí bằng những cách lành mạnh
9, 10. Những người biết suy xét có thể giải trí bằng cách nào?
9 Đôi khi tín đồ Đấng Christ hỏi: “Hình thức giải trí nào là thích hợp? Rất nhiều loại giải trí thế gian bày ra đi ngược lại tiêu chuẩn Kinh Thánh”. Hãy yên trí là bạn có thể tìm được hình thức giải trí vừa ý, nhưng điều này đòi hỏi nỗ lực một chút. Cần có sự suy tính và sắp xếp trước, nhất là về phía các bậc cha mẹ. Nhiều người tìm thấy sự thư giãn trong gia đình và trong hội thánh. Thong thả dùng bữa và trò chuyện về những việc xảy ra trong ngày hoặc về một đề tài Kinh Thánh là điều thú vị và xây dựng. Bạn có thể tổ chức những dịp để cùng nhau dùng bữa ngoài trời, chơi những trò chơi lành mạnh, cùng đi cắm trại hoặc đi dạo. Cách giải trí lành mạnh như thế có thể mang lại nhiều niềm vui và lợi ích.
10 Một trưởng lão và vợ có ba con cho biết: “Từ nhỏ, các cháu đã góp ý kiến trong việc chọn đi nghỉ hè ở đâu. Đôi khi, chúng tôi cho phép mỗi cháu dẫn theo một bạn tốt, nhờ vậy cuộc nghỉ hè càng thích thú hơn. Chúng tôi tổ chức mừng những dịp quan trọng trong đời con cái. Thỉnh thoảng chúng tôi mời bạn bè và những gia đình trong hội thánh đến nhà, nấu ăn, dùng bữa ngoài trời và cùng chơi trò chơi. Chúng tôi lái xe đến các vùng núi rồi đi dạo, đồng thời nhân cơ hội đó học hỏi về sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va”.
11, 12. (a) Thỉnh thoảng khi dự định tổ chức một cuộc giải trí, bạn có thể làm gì để mời người khác cùng tham gia? (b) Nhiều người cảm thấy khó quên những cuộc họp mặt nào?
11 Thỉnh thoảng khi dự định tổ chức cuộc giải trí, cá nhân hoặc gia đình bạn có thể mở rộng lòng để mời người khác cùng tham gia không? Một số người chẳng hạn như người góa bụa, người độc thân hoặc gia đình chỉ có cha hay mẹ, có thể cần sự khích lệ. (Lu-ca 14:12-14) Bạn cũng có thể mời vài người mới, dĩ nhiên phải thận trọng, đừng để những người khác bị ảnh hưởng tiêu cực. (2 Ti-mô-thê 2:20, 21) Với những người vì sức khỏe không thể ra khỏi nhà, bạn có thể mang đồ ăn đến cùng dùng bữa với họ.—Hê-bơ-rơ 13:1, 2.
12 Nhiều người cảm thấy khó quên những cuộc họp mặt mà trong đó thức ăn tuy đơn giản, nhưng được nghe kinh nghiệm về quá trình trở thành tín đồ Đấng Christ và giữ trung thành của người khác. Có thể nêu lên những đề tài Kinh Thánh để mọi người, kể cả trẻ em, đều tham gia. Những cuộc thảo luận như thế có thể là cơ hội khích lệ lẫn nhau mà không làm bất cứ ai cảm thấy ngượng ngùng hoặc thua kém.
13. Chúa Giê-su và Phao-lô nêu gương nào về việc bày tỏ và đón nhận lòng hiếu khách?
13 Chúa Giê-su nêu gương tốt trong việc bày tỏ và đón nhận lòng hiếu khách. Ngài luôn dùng những dịp đó để ban những ân phước thiêng liêng. (Lu-ca 5:27-39; 10:42; 19:1-10; 24:28-32) Các môn đồ vào thời ban đầu đều noi gương ngài. (Công-vụ 2:46, 47) Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi rất mong-mỏi đến thăm anh em, đặng thông-đồng sự ban-cho thiêng-liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững-vàng, tức là tôi ở giữa anh em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ bởi đức-tin chung của chúng ta, nghĩa là của anh em và của tôi”. (Rô-ma 1:11, 12) Tương tự, các cuộc họp mặt của chúng ta cũng cần tạo cơ hội khích lệ lẫn nhau.—Rô-ma 12:13; 15:1, 2.
Những điều nên lưu ý và thận trọng
14. Tại sao không nên tổ chức những cuộc họp mặt lớn?
14 Không nên tổ chức những cuộc họp mặt lớn vì thường khó giám sát. Vào ngày giờ không gây trở ngại cho các hoạt động thiêng liêng, vài gia đình có thể cùng nhau đi chơi và ăn ngoài trời, hoặc cùng tham gia một trò chơi không đòi hỏi phải tranh đua cao độ. Sự hiện diện của vài trưởng lão, tôi tớ thánh chức hoặc những người thành thục có thể mang lại ảnh hưởng tốt và giúp cuộc họp mặt thêm thú vị.
15. Tại sao cần sắp đặt để có sự giám sát thích đáng khi tổ chức một cuộc họp mặt?
15 Tại các cuộc họp mặt, những người đứng ra tổ chức không nên quên là cần có sự giám sát thích đáng. Dù thích bày tỏ lòng hiếu khách, chẳng lẽ bạn không thấy áy náy khi biết vì sự sơ suất của mình mà một người khách bị vấp phạm về chuyện xảy ra trong nhà bạn sao? Hãy xem nguyên tắc nêu ra nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:8. Người Do Thái nào xây nhà mới phải làm lan can trên mái bằng, là nơi thường được dùng để tiếp đãi khách. Tại sao? “Kẻo nếu người nào ở trên đó té xuống, ngươi gây cho nhà mình can đến huyết chăng”. Tương tự, những gì bạn làm vì sự an toàn của khách tại cuộc họp mặt phải cho thấy bạn quan tâm đến lợi ích của họ về thể chất lẫn thiêng liêng, chứ không nhằm đưa ra những hạn chế vô lý.
16. Cần có sự thận trọng nào nếu đãi rượu tại cuộc họp mặt?
16 Nếu đãi rượu tại cuộc họp mặt thì phải hết sức thận trọng. Nhiều tín đồ Đấng Christ quyết định chỉ đãi rượu nếu họ có thể đích thân trông coi những gì khách được đãi hoặc dùng. Không nên để cho bất cứ điều gì có thể làm vấp phạm người khác hoặc khiến một người uống quá độ. (Ê-phê-sô 5:18, 19) Vì những lý do khác nhau, một số khách có thể quyết định không uống rượu. Nhiều nơi có luật quy định tuổi được phép uống rượu, và tín đồ Đấng Christ vâng theo luật của Sê-sa dù những luật lệ này có vẻ quá khắt khe.—Rô-ma 13:5.
17. (a) Nếu có phần âm nhạc trong cuộc họp mặt, tại sao chủ tiệc cần phải rất kén chọn? (b) Nếu có khiêu vũ tại cuộc họp mặt, nên thể hiện phong cách lịch sự như thế nào?
17 Chủ tiệc phải chắc chắn là các loại nhạc, điệu khiêu vũ hoặc hình thức giải trí đều phù hợp với nguyên tắc đạo Đấng Christ. Mỗi người có một sở thích về âm nhạc, và có nhiều loại nhạc khác nhau. Tuy nhiên, nhiều loại nhạc ngày nay khích động tinh thần chống đối, vô luân và hung bạo. Tín đồ Đấng Christ cần phải kén chọn. Âm nhạc thích hợp không nhất thiết phải là êm dịu, nhưng cũng không nên có nội dung khêu gợi hoặc thô tục, và âm điệu quá dồn dập, ầm ĩ. Hãy cẩn thận đừng giao việc chọn nhạc cho một người chưa ý thức là nên giữ âm lượng vừa phải. Một vũ điệu có tính cách khiếm nhã, làm nổi bật những động tác gợi tình của hông và ngực, rõ ràng không thích hợp với tín đồ Đấng Christ.—1 Ti-mô-thê 2:8-10.
18. Làm thế nào cha mẹ che chở con cái qua việc giám sát những hoạt động giải trí của chúng?
18 Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ nên biết rõ về chương trình của bất cứ cuộc họp mặt nào mà con mình được mời dự, và trong đa số trường hợp, cha mẹ nên cùng đi với con cái. Đáng tiếc là một số cha mẹ đã để con mình dự những bữa tiệc không có người giám sát, và trong đó vài người đã bị lôi kéo vào việc vô luân hoặc hành vi không đứng đắn khác. (Ê-phê-sô 6:1-4) Dù người trẻ đã đến tuổi thành niên và tỏ ra đáng tin cậy, cha mẹ vẫn cần giúp con “tránh khỏi tình-dục trai-trẻ”.—2 Ti-mô-thê 2:22.
19. Sự thật nào giúp chúng ta tập trung vào điều mình phải ‘tìm-kiếm trước hết’?
19 Thỉnh thoảng giải trí một cách lành mạnh và bổ ích có thể giúp đời sống thêm thú vị. Đức Giê-hô-va không cấm niềm vui này, nhưng trên thực tế chúng ta biết rằng những hoạt động đó không giúp chúng ta cất giữ của cải thiêng liêng ở trên trời. (Ma-thi-ơ 6:19-21) Chúa Giê-su giúp các môn đồ hiểu rằng điều quan trọng trong đời sống là ‘tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài trước hết’, chứ không phải việc ăn gì, uống gì, hoặc mặc gì, là ‘điều mà các dân ngoại vẫn thường tìm’.—Ma-thi-ơ 6:31-34.
20. Tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va có thể trông đợi những điều tốt lành nào từ Đấng Cung Cấp Vĩ Đại?
20 Đúng vậy, dù “ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác”, chúng ta đều có thể làm “vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời”, để tạ ơn Đấng Cung Cấp Vĩ Đại đã ban những điều tốt lành cho chúng ta hưởng một cách điều độ. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Trong Địa Đàng sắp đến, chúng ta sẽ có vô số cơ hội để tận hưởng ân phước dồi dào của Đức Giê-hô-va, cùng sự vui chơi lành mạnh với tất cả những ai đáp ứng tiêu chuẩn công bình của Ngài.—Thi-thiên 145:16; Ê-sai 25:6; 2 Cô-rinh-tô 7:1.
Bạn còn nhớ không?
• Tại sao ngày nay khó cho tín đồ Đấng Christ tìm được hình thức giải trí lành mạnh?
• Một số hình thức giải trí nào mang lại niềm vui cho các gia đình tín đồ Đấng Christ?
• Khi chọn hoạt động giải trí lành mạnh, chúng ta cần lưu ý và thận trọng về những điều gì?
[Hình nơi trang 18]
Hãy chọn hình thức giải trí mang lại lợi ích
[Các hình nơi trang 19]
Tín đồ Đấng Christ tránh những hình thức giải trí nào?