“Chúng ta hãy để Kinh Thánh giải thích Kinh Thánh”
MỘT mục sư thấy trên sàn toa xe lửa đi Thành Phố New York có tờ giấy, trên đó ghi hàng chữ ‘linh hồn có thể chết’. Ông lấy làm lạ, nhặt nó lên và đọc. Ông ngạc nhiên vì trước nay ông luôn tin tưởng giáo lý linh hồn bất tử. Lúc đó, ông không biết ai đã viết tờ giấy này. Tuy nhiên, ông thấy lời lẽ trong đó có vẻ hợp lý, đồng thời dựa trên Kinh Thánh và tài liệu đáng cho ông nghiên cứu cẩn thận.
Vị mục sư này là George Storrs. Chuyện đó xảy ra vào năm 1837, là năm Charles Darwin lần đầu tiên ghi lại những ý tưởng mà sau này phát triển thành thuyết tiến hóa. Hầu hết mọi người lúc ấy đều sùng đạo và tin Chúa. Nhiều người đọc và xem trọng Kinh Thánh như một sách có thẩm quyền.
Ông Storrs về sau biết được người viết tờ giấy đó là Henry Grew ở Philadelphia, Pennsylvania. Ông Grew tôn trọng nguyên tắc: “Kinh Thánh... là sách tốt nhất để giải thích Kinh Thánh”. Ông và các cộng sự viên đã từng nghiên cứu Kinh Thánh với mục đích sống phù hợp với lời chỉ bảo của Kinh Thánh. Qua những cuộc nghiên cứu, họ phát hiện một số lẽ thật tuyệt vời trong Kinh Thánh.
Khi đọc những gì ông Grew viết, ông Storrs rất phấn khởi nên đã cẩn thận tra xét để xem Kinh Thánh nói gì về linh hồn và thảo luận một số đề tài với vài người bạn mục sư. Sau 5 năm nghiên cứu kỹ lưỡng, cuối cùng ông Storrs quyết định cho mọi người biết những lẽ thật quý báu mà ông mới tìm thấy trong Kinh Thánh. Thoạt đầu ông chuẩn bị bài thuyết giáo cho một ngày Chủ Nhật vào năm 1842. Tuy nhiên, ông cảm thấy cần giảng thêm vài bài nữa mới làm sáng tỏ vấn đề. Cuối cùng, ông thuyết giảng tổng cộng sáu bài về linh hồn không bất tử, và ông cho in những bài này trong sách Six Sermons (Sáu bài thuyết giáo). Ông Storrs đối chiếu các câu Kinh Thánh với nhau để tìm ra lẽ thật tuyệt vời, vốn bị chôn vùi trong những giáo lý làm ô danh Đức Chúa Trời của khối đạo xưng theo Đấng Christ.
Kinh Thánh dạy có linh hồn bất tử?
Kinh Thánh cho biết phần thưởng mà các môn đồ xức dầu của Chúa Giê-su nhận được là “sự không hay chết”, hoặc bất tử vì họ trung thành. (1 Cô-rinh-tô 15:50-56) Ông Storrs lý luận rằng nếu sự bất tử là phần thưởng cho những người trung thành, thì linh hồn của kẻ ác không thể bất tử được. Thay vì suy đoán, ông tra xét Kinh Thánh và xem câu Ma-thi-ơ 10:28. Câu này ghi: “Sợ Đấng làm cho mất được linh-hồn và thân-thể trong địa-ngục”. Như vậy, linh hồn có thể bị mất, hoặc bị hủy diệt. Ông cũng tham khảo Ê-xê-chi-ên 18:4. Câu này nói: “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết”. Khi xem xét cả cuốn Kinh Thánh, lẽ thật tuyệt vời được thấy rõ ràng. Ông Storrs viết: “Nếu quan điểm của tôi đúng, thì những phần Kinh Thánh mà thuyết linh hồn bất tử làm cho mập mờ, giờ đây trở nên rõ ràng, tuyệt vời, đầy ý nghĩa và có sức mạnh”.
Nhưng còn những câu Kinh Thánh như Giu-đe 7 thì sao? Câu này đọc: “Lại như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cùng các thành lân-cận cũng buông theo sự dâm-dục và sắc lạ, thì đã chịu hình-phạt bằng lửa đời đời, làm gương để trước mặt chúng ta”. Khi đọc câu này, một số người có thể kết luận là linh hồn của những người bị hủy diệt trong thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hành hạ bằng lửa đời đời. Ông Storrs viết: “Chúng ta hãy để Kinh Thánh giải thích Kinh Thánh”. Rồi ông trích 2 Phi-e-rơ 2:5, 6. Câu này đọc: “Ngài chẳng tiếc thế-gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian-ác nầy, chỉ gìn-giữ Nô-ê... Ngài đã đoán-phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy-phá đi khiến hóa ra tro, để làm gương cho người gian-ác về sau”. Đúng vậy, Sô-đôm và Gô-mơ-rơ hóa ra tro bụi, bị hủy diệt đời đời cùng với những người sống trong đó.
Ông Storrs giải thích: “Sách Phi-e-rơ giúp chúng ta hiểu rõ sách Giu-đe hơn. Khi so sánh hai sách này, người ta thấy rất rõ những người phạm tội bị phán xét vì làm những điều phật lòng Đức Chúa Trời... Những sự phán xét giáng xuống thế gian xưa, Sô-đôm và Gô-mô-rơ, là một lời khiển trách, một sự cảnh cáo, hay một ‘gương’ còn mãi mãi, vô tận, hoặc ‘đời đời’ cho mọi người đến tận thế”. Vì thế, Giu-đe nói đến lửa hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ với ý nghĩa là đời đời. Điều này hoàn toàn không thể thay đổi được sự thật là mọi linh hồn đều chết.
Ông Storrs không chọn những câu Kinh Thánh ủng hộ quan điểm của ông mà bỏ qua những câu khác. Ông xem xét văn cảnh của mỗi câu cũng như ý chung của Kinh Thánh. Nếu một câu có vẻ mâu thuẫn với những câu khác, ông tra xem các phần khác của Kinh Thánh để tìm câu giải đáp hợp lý.
Bộ sách Khảo Cứu Kinh Thánh của anh Russell
Trong số những người cộng tác với ông George Storrs có một thanh niên lúc đó đang tổ chức một nhóm học Kinh Thánh tại Pittsburgh, Pennsylvania. Anh tên là Charles Taze Russell. Một trong những bài đầu tiên anh viết về đề tài Kinh Thánh được xuất bản năm 1876 trong tạp chí Bible Examiner do ông Storrs biên tập. Anh công nhận là những học viên Kinh Thánh thời đầu đã tác động đến anh. Sau này, với tư cách biên tập viên của tạp chí Zion’s Watch Tower (Tháp Canh), anh biết ơn ông Storrs về sự giúp đỡ qua lời nói cũng như thư từ.
Năm 18 tuổi, anh C. T. Russell tổ chức một lớp học Kinh Thánh và thiết lập một cách học Kinh Thánh. Anh A. H. Macmillan, một học viên Kinh Thánh cùng cộng tác với anh Russell, miêu tả cách này như sau: “Một người nêu câu hỏi còn những người khác thì thảo luận và tìm tất cả các câu Kinh Thánh liên quan đến câu hỏi đang thảo luận, rồi khi họ cảm thấy các câu Kinh Thánh này hòa hợp với nhau, họ đi đến kết luận và ghi lại kết luận đó”.
Anh Russell tin rằng khi xem xét trọn bộ, thì Kinh Thánh phải tiết lộ một thông điệp hoàn toàn thống nhất, hòa hợp với toàn phần trong Kinh Thánh và với đức tính của Đức Chúa Trời, tác giả Kinh Thánh. Nếu phần nào trong Kinh Thánh có vẻ khó hiểu, anh Russell nghĩ là phải để những câu khác trong Kinh Thánh giải thích và làm sáng tỏ vấn đề.
Truyền thống dựa theo Kinh Thánh
Tuy nhiên, không phải Russell, hoặc Storrs, hay Grew là người đầu tiên đã dùng các câu Kinh Thánh để giải thích Kinh Thánh. Truyền thống này bắt nguồn từ thời Chúa Giê-su, Đấng thiết lập đạo Đấng Christ. Ngài dùng một số câu Kinh Thánh để làm rõ ý nghĩa thật sự của một câu nào đó. Thí dụ, khi mấy người Pha-ri-si chỉ trích các môn đồ ngài đã bứt bông lúa vào ngày Sa-bát, Chúa Giê-su mượn lời tường thuật nơi 1 Sa-mu-ên 21:6 để cho thấy luật Sa-bát nên được áp dụng như thế nào. Các nhà lãnh đạo tôn giáo quen thuộc với lời tường thuật này, trong đó ghi lại sự kiện Đa-vít và đoàn tùy tùng ăn bánh trần thiết. Rồi Chúa Giê-su nhắc đến phần của Luật Pháp nói rằng chỉ có những thầy tế lễ thuộc dòng dõi A-rôn mới được ăn bánh trần thiết mà thôi. (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:32, 33; Lê-vi Ký 24:9) Dù thế, Đa-vít được bảo cứ ăn bánh đó đi. Chúa Giê-su kết thúc lý lẽ có sức thuyết phục của ngài bằng cách trích sách Ô-sê: “Phải chi các ngươi hiểu nghĩa câu nầy: Ta muốn lòng nhân-từ, không muốn của tế-lễ, thì các ngươi không trách những người vô-tội”. (Ma-thi-ơ 12:1-8) Thật là một gương tốt về cách so sánh một câu Kinh Thánh với những câu khác để có sự hiểu biết chính xác!
Các môn đồ của Chúa Giê-su noi theo gương ngài trong việc dùng các câu Kinh Thánh khác để làm sáng tỏ một câu Kinh Thánh nào đó. Khi sứ đồ Phao-lô dạy những người ở Tê-sa-lô-ni-ca, ông “biện-luận với họ, lấy Kinh-thánh cắt nghĩa và giải tỏ tường về Đấng Christ phải chịu thương-khó, rồi từ kẻ chết sống lại”. (Công-vụ 17:2, 3) Cả trong những lá thư ông viết dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, Phao-lô đã để Kinh Thánh giải thích Kinh Thánh. Thí dụ, khi viết thư cho người Hê-bơ-rơ, ông trích nhiều câu Kinh Thánh để chứng minh Luật Pháp là hình bóng của những sự tốt lành về sau.—Hê-bơ-rơ 10:1-18.
Thật thế, những học viên Kinh Thánh có lòng thành thuộc thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 chỉ lập lại kiểu mẫu của tín đồ Đấng Christ. Tạp chí Tháp Canh tiếp tục truyền thống đối chiếu những câu Kinh Thánh này với những câu khác. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:15) Nhân Chứng Giê-hô-va dùng nguyên tắc này khi họ phân tích Kinh Thánh.
Để văn cảnh trả lời
Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể noi theo gương tốt của Chúa Giê-su và các môn đồ trung thành của ngài như thế nào? Trước hết, chúng ta có thể xem xét văn cảnh của câu chúng ta đang tìm hiểu. Văn cảnh có thể giúp chúng ta như thế nào hầu có thể hiểu ý nghĩa của câu đó? Để ví dụ, chúng ta hãy xem xét lời của Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 16:28: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con người ngự đến trong nước Ngài”. Một vài người cảm thấy những lời này không được ứng nghiệm, vì tất cả các môn đồ có mặt khi Chúa Giê-su nói những lời đó đều đã qua đời trước khi Nước Trời thiết lập ở trên trời. Ngay cả sách dẫn giải Kinh Thánh The Interpreter’s Bible nói về câu này như sau: “Lời tiên tri này đã không ứng nghiệm, và sau này tín đồ Đấng Christ thấy cần phải giải thích câu đó theo nghĩa ẩn dụ”.
Tuy nhiên, văn cảnh của câu này cũng như những lời Mác và Lu-ca tường thuật về cùng một sự việc giúp chúng ta hiểu ý nghĩa thật sự của câu Kinh Thánh đó. Ngay sau khi nói những lời trên, Ma-thi-ơ kể lại chuyện gì? Ông viết: “Khỏi sáu ngày, Đức Chúa Jêsus đem Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em Gia-cơ, cùng Ngài đi tẽ lên núi cao. Ngài biến-hóa trước mặt các người ấy”. (Ma-thi-ơ 17:1, 2) Cả Mác lẫn Lu-ca cũng liên kết lời của Chúa Giê-su về Nước Trời với lời tường thuật về sự biến hóa. (Mác 9:1-8; Lu-ca 9:27-36) Chúa Giê-su đến trong vương quyền Nước Trời được thể hiện qua sự hóa hình. Ngài hiện ra trong vẻ rực rỡ trước mặt ba sứ đồ. Phi-e-rơ xác nhận sự hiểu biết này khi ông nói đến “quyền-phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta” liên quan đến việc ông chứng kiến Chúa Giê-su biến hóa.—2 Phi-e-rơ 1:16-18.
Bạn có để Kinh Thánh giải thích Kinh Thánh không?
Nếu bạn không thể hiểu một câu Kinh Thánh nào đó, ngay cả khi đã xem xét văn cảnh của câu đó thì sao? Nếu so sánh câu đó với những câu khác và nghĩ đến nội dung chính của Kinh Thánh, bạn sẽ nhận được lợi ích. Một công cụ có thể giúp bạn là bản New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới), hiện có trọn bộ hoặc một phần trong 57 ngôn ngữ. Bản này có danh sách tham khảo. Bạn có thể thấy hơn 125.000 câu tham khảo trong bản New World Translation of the Holy Scriptures—With References (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới có phần tham khảo). Lời giới thiệu của bản Kinh Thánh đó giải thích: “Việc cẩn thận so sánh phần tham khảo và xem xét những lời cước chú ở cuối trang sẽ cho thấy sự hòa hợp chặt chẽ giữa 66 sách Kinh Thánh. Điều này chứng tỏ rằng tất cả các sách đó hợp thành một sách được Đức Chúa Trời soi dẫn”.
Hãy xem cách dùng phần tham khảo giúp chúng ta như thế nào để hiểu một câu Kinh Thánh. Hãy lấy một thí dụ về lịch sử cuộc đời của Áp-ram, hay Áp-ra-ham. Hãy suy nghĩ câu hỏi này: Ai đã dẫn đầu khi Áp-ram và gia đình rời U-rơ? Sáng-thế Ký 11:31 ghi: “Tha-rê dẫn Áp-ram, con trai mình, [và] Lót,... và Sa-rai,... tức dâu mình, đồng ra khỏi U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, đặng qua xứ Ca-na-an. Khi đến Cha-ran thì lập gia-cư tại đó”. Chỉ đọc qua đoạn này, người ta có thể kết luận rằng cha của Áp-ram là Tha-rê dẫn đầu. Tuy nhiên, trong bản dịch New World Translation, chúng ta thấy có 11 câu tham khảo để đối chiếu với câu Kinh Thánh này. Câu cuối cùng là Công-vụ 7:2, nơi đây Ê-tiên khuyên người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất: “Đức Chúa Trời vinh-hiển đã hiện ra cùng tổ chúng ta là Áp-ra-ham, khi người còn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, chưa đến ở tại Cha-ran, mà phán rằng: Hãy ra khỏi quê-hương và bà-con ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho”. (Công-vụ 7:2, 3) Phải chăng Ê-tiên nhầm lẫn việc này với việc Áp-ram rời Cha-ran? Hiển nhiên là không, vì đây là một phần của Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn.—Sáng-thế Ký 12:1-3.
Vậy, tại sao Sáng-thế Ký 11:31 nói rằng “Tha-rê dẫn Áp-ram, con trai mình” và những người khác trong gia đình mình ra khỏi U-rơ? Tha-rê vẫn còn là tộc trưởng. Ông đồng ý đi với Áp-ram, vì thế được cho là đem gia đình đi đến Cha-ran. Bằng cách so sánh và liên kết ý tưởng của hai câu Kinh Thánh này, chúng ta có thể hình dung chính xác những gì đã xảy ra. Áp-ram lễ phép thuyết phục cha mình đi ra khỏi U-rơ theo như lời Đức Chúa Trời phán.
Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta nên suy xét đến văn cảnh và ý chung của Kinh Thánh. Tín đồ Đấng Christ được khuyên: “Chúng ta chẳng nhận lấy thần thế-gian, nhưng đã nhận lấy Thánh-Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu-biết những ơn mà chúng ta nhận-lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn-ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn-ngoan mà Đức Thánh-Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng-liêng để giãi-bày sự thiêng-liêng”. (1 Cô-rinh-tô 2:11-13) Đúng vậy, chúng ta phải cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để hiểu Lời Ngài, cố gắng “dùng tiếng thiêng-liêng để giãi-bày sự thiêng-liêng” bằng cách xem xét văn cảnh của câu Kinh Thánh mình đang tìm hiểu, và bằng cách tìm kiếm những câu có liên quan đến câu đó. Mong sao chúng ta tiếp tục tìm được những lẽ thật quý báu qua việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời.