“Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần”
“Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp”.—SÔ-PHÔ-NI 1:14.
1, 2. (a) Tín đồ Đấng Christ đang trông đợi ngày đặc biệt nào? (b) Chúng ta cần xem xét những câu hỏi nào, và tại sao?
MỘT cô gái trẻ náo nức trông đợi đến ngày được lên xe hoa. Một phụ nữ sắp làm mẹ vui sướng mong đợi đến ngày đứa con bé bỏng chào đời. Một công nhân mệt mỏi trông mong đến ngày được nghỉ phép. Những người đó giống nhau ở điểm nào? Tất cả họ đều đang trông đợi một ngày đặc biệt—một ngày quan trọng đối với họ. Nỗi niềm của mỗi người có thể khác nhau nhưng tất cả đều dạt dào cảm xúc. Ngày mà họ trông đợi cuối cùng sẽ đến và họ hy vọng lúc đó, họ đã sẵn sàng.
2 Ngày nay, các tín đồ Đấng Christ chân chính cũng đang háo hức trông đợi một ngày đặc biệt—‘ngày của Đức Giê-hô-va’. (Ê-sai 13:9; Giô-ên 2:1; 2 Phi-e-rơ 3:12) ‘Ngày của Đức Giê-hô-va’ là gì, và ngày ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến nhân loại? Hơn nữa, làm sao để biết chắc rằng chúng ta đã sẵn sàng cho ngày ấy? Tìm ngay lời giải đáp cho những câu hỏi trên là điều vô cùng quan trọng, vì bằng chứng cho thấy câu Kinh Thánh sau đang ứng nghiệm: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp”.—Sô-phô-ni 1:14.
“Ngày lớn của Đức Giê-hô-va”
3. “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va” là gì?
3 “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va” là gì? Trong suốt Kinh Thánh, cụm từ ‘ngày của Đức Giê-hô-va’ được dùng để chỉ những thời điểm đặc biệt, khi Đức Giê-hô-va thực thi sự đoán xét trên kẻ thù và làm vinh hiển danh thánh Ngài. Dân bất trung ở Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, cũng như những kẻ áp bức ở Ba-by-lôn và Ê-díp-tô, tất cả đều đã phải đối diện với ‘ngày của Đức Giê-hô-va’, khi Ngài thi hành sự đoán xét trên họ. (Ê-sai 2:1, 10-12; 13:1-6; Giê-rê-mi 46:7-10) Tuy nhiên cho đến nay, ngày lớn nhất của Đức Giê-hô-va chưa đến. Đó là “ngày” Đức Giê-hô-va sẽ đoán xét những kẻ sỉ nhục danh Ngài. Ngày ấy sẽ bắt đầu với sự tiêu diệt “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới, và cao điểm của nó là sự hủy diệt toàn bộ hệ thống ác còn lại tại cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn.—Khải-huyền 16:14, 16; 17:5, 15-17; 19:11-21.
4. Tại sao phần đông nhân loại nên sợ ngày của Đức Giê-hô-va, một ngày đang đến nhanh?
4 Dù có ý thức hay không về điều này, nhưng phần đông nhân loại nên sợ ngày của Đức Giê-hô-va—một ngày đang đến rất nhanh. Tại sao? Vì qua nhà tiên tri Sô-phô-ni, Đức Giê-hô-va phán: “Ngày ấy là ngày thạnh-nộ, ngày hoạn-nạn và buồn-rầu, ngày hủy-phá và hoang-vu, ngày tối-tăm và mờ-mịt, ngày mây và sương-mù”. Thật đáng sợ! Hơn nữa, nhà tiên tri ghi tiếp: “Ta sẽ đem sự hoạn-nạn trên loài người... vì đã phạm tội nghịch cùng Đức Giê-hô-va”.—Sô-phô-ni 1:15, 17.
5. Hàng triệu người có quan điểm lạc quan nào về ngày của Đức Giê-hô-va, tại sao?
5 Trong khi đó, hàng triệu người khác đang háo hức trông đợi ngày của Đức Giê-hô-va đến. Tại sao? Vì họ hiểu rằng đó là ngày cứu rỗi và giải thoát cho người công bình, ngày Đức Giê-hô-va được tôn vinh và danh cao cả của Ngài được hiển thánh. (Giô-ên 3:16, 17; Sô-phô-ni 3:12-17) Đó là ngày đáng sợ hay đáng trông đợi tùy thuộc phần lớn vào lối sống hiện tại của mỗi người. Đối với bạn, ngày ấy thế nào? Bạn đã sẵn sàng cho ngày đó chưa? Sự gần kề của ngày ấy có ảnh hưởng tới cách sống hiện tại của bạn không?
“Sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt”
6. Đa số người ta có thái độ nào đối với ‘ngày của Đức Giê-hô-va’, và tại sao điều đó không làm các tín đồ chân chính ngạc nhiên?
6 Bất kể tình hình khẩn cấp, đa số người dân trên đất vẫn thờ ơ với ‘ngày của Đức Giê-hô-va’. Họ gièm pha, chế giễu những ai cảnh báo về ngày sắp đến ấy. Tín đồ Đấng Christ chân chính không ngạc nhiên về điều đó. Họ nhớ đến lời tiên báo của sứ đồ Phi-e-rơ: “Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt, ở theo tình-dục [“đam mê”, Tòa Tổng Giám Mục] riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ-phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế”.—2 Phi-e-rơ 3:3, 4.
7. Điều gì sẽ giúp chúng ta giữ tinh thần khẩn trương?
7 Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh bị nhiễm thái độ hoài nghi đó và giữ tinh thần khẩn trương? Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên: “Tôi tìm cách làm cho nhớ lại để giục lòng lành trong anh em [“gợi lên nơi anh em sự hiểu biết chân thành”, T TGM], hầu cho ghi lấy lời nói trước của các thánh tiên-tri, cùng mạng-lịnh của Chúa và Cứu-Chúa chúng ta, đã cậy các sứ-đồ của anh em mà truyền lại”. (2 Phi-e-rơ 3:1, 2) Chú ý đến lời cảnh báo của các đấng tiên tri sẽ ‘gợi lên sự hiểu biết’, giúp chúng ta suy nghĩ sáng suốt. Có lẽ chúng ta đã nghe lời nhắc nhở này nhiều lần, nhưng hơn bao giờ hết, chúng ta cần tiếp tục chú ý đến các lời cảnh báo ấy.—Ê-sai 34:1-4; Lu-ca 21:34-36.
8. Tại sao nhiều người không chú ý đến lời nhắc nhở của Kinh Thánh?
8 Vì sao một số người không chú ý đến những lời nhắc nhở này? Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích: “Chúng nó có ý quên lửng đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, thế-gian bấy giờ cũng bị hủy-phá như vậy, là bị chìm-đắm bởi nước lụt”. (2 Phi-e-rơ 3:5, 6) Vâng, có những người không mong ngày Đức Giê-hô-va đến. Họ không muốn thay đổi đời sống hay phải chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời về lối sống ích kỷ của mình! Như Phi-e-rơ nói, họ chỉ sống theo “đam mê” riêng.
9. Những người sống vào thời Nô-ê và Lót bày tỏ thái độ nào?
9 Những kẻ hay chế giễu này “có ý”, hay cố tình, làm ngơ việc Đức Giê-hô-va đã từng can thiệp vào công việc của loài người. Cả Chúa Giê-su và sứ đồ Phi-e-rơ đều nhắc đến sự kiện đã xảy ra trong “đời Nô-ê” và “đời Lót”. (Lu-ca 17:26-30; 2 Phi-e-rơ 2:5-9) Trước trận Nước Lụt, người ta không hề chú ý đến lời cảnh báo của Nô-ê. Cũng thế, trước khi thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hủy diệt, các con rể của Lót đã nghĩ ông “nói chơi”.—Sáng-thế Ký 19:14.
10. Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao với những người làm ngơ lời cảnh báo của Ngài?
10 Thái độ của người ta thời nay cũng vậy. Tuy nhiên, hãy lưu ý phản ứng của Đức Giê-hô-va đối với những người làm ngơ lời cảnh báo của Ngài: “[Ta] sẽ phạt những kẻ đọng trong cặn rượu và tự nói trong lòng mình rằng: Đức Giê-hô-va sẽ chẳng xuống phước cũng chẳng xuống họa. Của-cải chúng nó sẽ bị cướp, nhà-cửa chúng nó sẽ hoang-vu; chúng nó sẽ xây nhà mà không được ở, trồng nho mà không được uống rượu”. (Sô-phô-ni 1:12, 13) Người ta cứ việc lo những công việc “thường lệ” của họ, nhưng những nhọc nhằn đó sẽ không mang lại lợi ích lâu dài. Tại sao? Vì ngày Đức Giê-hô-va sẽ đến thình lình và khi đó, mọi tài sản họ đã tích lũy sẽ không cứu được họ.—Sô-phô-ni 1:18.
“ Ngươi hãy đợi”
11. Chúng ta nên ghi nhớ lời khuyên nào?
11 Khác với thế gian ác xung quanh, chúng ta phải ghi nhớ lời khuyên được ban qua nhà tiên tri Ha-ba-cúc: “Sự hiện-thấy còn phải ứng-nghiệm trong kỳ nhứt-định, sau-cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh-dối đâu; nếu nó chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ”. (Ha-ba-cúc 2:3) Cho dù với cái nhìn hạn hẹp của mình, chúng ta có thể cảm thấy ngày ấy lâu đến, nhưng chúng ta cần nhớ rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ chậm trễ. Ngày của Ngài sẽ đến đúng kỳ định, vào giờ mà người ta không ngờ.—Mác 13:33; 2 Phi-e-rơ 3:9, 10.
12. Chúa Giê-su cảnh báo điều gì, và điều đó tương phản thế nào với tinh thần của các môn đồ trung thành?
12 Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục trông đợi ngày của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su cảnh báo rằng ngay cả một số môn đồ ngài cũng sẽ để mất tinh thần khẩn trương. Ngài nói: “Nếu, trái lại, là một đầy-tớ xấu, nó nghĩ thầm rằng: Chủ ta đến chậm, bèn đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu, thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ và giờ nó không biết. Chủ sẽ đánh xé xương”. (Ma-thi-ơ 24:48-51) Khác với đầy tớ xấu, lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan đã trung thành giữ tinh thần khẩn trương. Họ luôn thức canh và ở trong tư thế sẵn sàng. Vì thế, Chúa Giê-su đã bổ nhiệm họ “coi-sóc cả gia-tài” trên đất của ngài.—Ma-thi-ơ 24:42-47.
Tầm quan trọng của tinh thần khẩn trương
13. Chúa Giê-su đã nhấn mạnh thế nào tầm quan trọng của tinh thần khẩn trương?
13 Giữ tinh thần khẩn trương là điều vô cùng quan trọng đối với các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Họ phải lập tức rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem khi thấy “quân-lính vây thành”. (Lu-ca 21:20, 21) Điều này đã xảy ra vào năm 66 CN. Hãy lưu ý Chúa Giê-su nhấn mạnh thế nào việc họ phải khẩn trương: “Ai ở trên mái nhà, đừng xuống chuyên của-cải trong nhà; và ai ở ngoài ruộng, đừng trở về lấy áo mình”. (Ma-thi-ơ 24:17, 18) Tuy nhiên, lịch sử cho thấy bốn năm sau đó, thành Giê-ru-sa-lem mới bị hủy phá. Vậy, tại sao tín đồ Đấng Christ phải khẩn cấp làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su vào năm 66 CN?
14, 15. Tại sao tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất phải lập tức hành động khi thấy quân lính vây thành Giê-ru-sa-lem?
14 Đúng là đến năm 70 CN, quân đội La Mã mới hủy phá thành Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, những năm trước đó không phải là thời kỳ bình yên. Thực tế hoàn toàn ngược lại! Đó là những năm đầy bạo động và đổ máu. Một sử gia cho biết trong thời gian đó, thành Giê-ru-sa-lem chìm vào “một cuộc nội chiến đẫm máu, với những cảnh giết chóc vô cùng man rợ”. Thanh niên bị bắt đi xây công sự, cầm vũ khí và nhập ngũ. Họ phải tập quân sự mỗi ngày. Những người không ủng hộ các biện pháp cực đoan bị xem là kẻ phản bội. Nếu tín đồ Đấng Christ còn chần chừ ở lại trong thành, họ sẽ ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm.—Ma-thi-ơ 26:52; Mác 12:17.
15 Điều đáng lưu ý là Chúa Giê-su không những nói ai ở trong thành Giê-ru-sa-lem, mà cả “ở trong xứ Giu-đê”, hãy trốn đi. Chi tiết này rất quan trọng vì chỉ vài tháng sau khi rút quân khỏi thành Giê-ru-sa-lem, quân đội La Mã lại tiến hành một cuộc tấn công khác. Trước hết, họ chinh phục vùng Ga-li-lê vào năm 67 CN, rồi đến vùng Giu-đê vào năm sau đó. Điều này khiến khắp miền thôn quê vô cùng khốn khổ. Tình hình ngày càng khó khăn cho bất kỳ người Do Thái nào muốn thoát khỏi thành Giê-ru-sa-lem vì tất cả các cổng thành đều được canh gác cẩn mật. Những ai tìm cách trốn ra đều bị xem là bỏ trốn sang phía La Mã.
16. Để sống sót qua thời kỳ hoạn nạn, tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất cần có thái độ nào?
16 Các chi tiết trên giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giê-su nhấn mạnh tính khẩn cấp của tình thế lúc đó. Tín đồ thời ấy phải sẵn sàng hy sinh, không để của cải, tài sản níu kéo họ. Họ phải sẵn lòng “bỏ mọi sự mình có” để vâng theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su. (Lu-ca 14:33) Những ai lập tức làm theo và trốn sang bên kia sông Giô-đanh thì được thoát nạn.
Giữ tinh thần khẩn trương
17. Tại sao chúng ta nên giữ tinh thần khẩn trương cao độ?
17 Các lời tiên tri trong Kinh Thánh rõ ràng cho thấy chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của kỳ sau rốt. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần giữ tinh thần khẩn trương cao độ. Trong thời bình, người lính thường không cảm thấy căng thẳng, nguy hiểm như thời chiến. Tuy nhiên, nếu vì thế mà họ thiếu cảnh giác, thì khi bất ngờ được lệnh ra trận, họ có thể không sẵn sàng và phải trả giá đắt bằng mạng sống. Về phương diện thiêng liêng cũng vậy. Nếu để mất tinh thần khẩn trương, chúng ta có thể không sẵn sàng để tự vệ khi bị tấn công, đồng thời, bị bất ngờ khi ngày Đức Giê-hô-va đến. (Lu-ca 21:36; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:4) Với những ai đã “xây-bỏ không theo Đức Giê-hô-va” nữa, đây là lúc họ nên trở lại tìm kiếm Ngài.—Sô-phô-ni 1:3-6; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:8, 9.
18, 19. Điều gì sẽ giúp chúng ta luôn “trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”?
18 Không lạ gì khi sứ đồ Phi-e-rơ khuyên phải luôn “trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”! Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào? Một cách là “nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình”. (2 Phi-e-rơ 3:11, 12) Bận rộn với các hoạt động tin kính sẽ giúp chúng ta háo hức trông đợi “ngày Đức Chúa Trời”. Từ Hy Lạp được dịch là ‘trông mong cho mau đến’ có nghĩa đen là “đẩy nhanh”. Dĩ nhiên, chúng ta không thể đẩy nhanh thời gian để ngày Đức Giê-hô-va đến mau hơn. Nhưng nếu chúng ta bận rộn với công việc phụng sự Đức Chúa Trời trong khi chờ đợi ngày của Ngài, thì thời gian sẽ có vẻ trôi qua nhanh hơn.—1 Cô-rinh-tô 15:58.
19 Suy ngẫm về Lời Đức Chúa Trời và những lời nhắc nhở trong đó cũng sẽ giúp chúng ta “trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”. (2 Phi-e-rơ 3:12) Những lời nhắc nhở ấy bao gồm nhiều lời tiên tri không chỉ báo trước về ngày của Đức Giê-hô-va, mà cả vô số ân phước mà những người tiếp tục ‘đợi Đức Giê-hô-va’ sẽ được hưởng.—Sô-phô-ni 3:8.
20. Chúng ta nên ghi khắc lời khuyến giục nào?
20 Quả thật, bây giờ là lúc tất cả chúng ta phải ghi khắc lời khuyến giục được ban qua nhà tiên tri Sô-phô-ni: “Trước khi sự nóng-giận của Đức Giê-hô-va chưa đến trên các ngươi, trước khi ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va chưa đến trên các ngươi. Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu-mì của đất, làm theo mạng-lịnh của Chúa, hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì, hoặc-giả các ngươi sẽ được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”.—Sô-phô-ni 2:2, 3.
21. Dân Đức Chúa Trời quyết tâm làm gì trong suốt năm 2007?
21 Thật thích hợp khi câu Kinh Thánh được chọn cho năm 2007 là: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần”. Dân Đức Chúa Trời tin chắc ‘nó đã gần rồi và đến rất kíp’. (Sô-phô-ni 1:14) Ngày ấy sẽ “không chậm-trễ”. (Ha-ba-cúc 2:3) Do đó, trong khi chờ đợi ngày ấy, mong sao chúng ta luôn nhớ mình đang sống trong thời kỳ nào, và ý thức rằng sự ứng nghiệm cuối cùng của các lời tiên tri này đã gần kề!
Bạn trả lời thế nào?
• “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va” là gì?
• Tại sao nhiều người làm ngơ trước tình hình khẩn cấp thời nay?
• Tại sao các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất phải hành động khẩn trương?
• Làm thế nào chúng ta giữ tinh thần khẩn trương cao độ?
[Câu nổi bật nơi trang 19]
Câu Kinh Thánh cho năm 2007 sẽ là: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần”.—Sô-phô-ni 1:14.
[Các hình nơi trang 16, 17]
Giống như trong thời Nô-ê, những kẻ gièm chê sẽ bị bất ngờ khi Đức Giê-hô-va ra tay hành động
[Hình nơi trang 18]
Tín đồ Đấng Christ phải lập tức hành động khi thấy “quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem”