Giữ “sợi dây bện ba” trong hôn nhân
“Một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt”.—TRUYỀN 4:12.
1. Ai đã kết hợp cặp nam nữ đầu tiên thành vợ chồng?
Sau khi tạo ra cây cối và thú vật, Giê-hô-va Đức Chúa Trời dựng nên người đàn ông đầu tiên là A-đam. Sau đó, Ngài khiến A-đam ngủ say và dùng một xương sườn của ông để tạo một người giúp đỡ hoàn hảo cho ông. Vừa nhìn thấy nàng, A-đam nói: “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra” (Sáng 1:27; 2:18, 21-23). Hài lòng về việc tạo ra người nữ này, Đức Giê-hô-va kết hợp cặp nam nữ đầu tiên thành vợ chồng và ban phước cho họ.—Sáng 1:28; 2:24.
2. Sa-tan đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa A-đam và Ê-va như thế nào?
2 Đáng buồn thay, không lâu sau, sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về hôn nhân đã bị tấn công. Tại sao lại như thế? Một tạo vật thần linh gian ác, sau này được gọi là Sa-tan, đã cám dỗ Ê-va ăn trái của cây duy nhất mà vợ chồng họ bị cấm. Sau đó A-đam cũng làm theo vợ. Khi làm thế, coi như họ đã chống lại quyền cai trị chính đáng và sự hướng dẫn hữu ích của Đức Chúa Trời (Sáng 3:1-7). Khi Đức Giê-hô-va hỏi cặp vợ chồng này đã làm gì, thì rõ ràng lúc ấy mối quan hệ giữa họ đã bị căng thẳng. Đổ lỗi cho vợ, A-đam nói: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi”.—Sáng 3:11-13.
3. Một số người Do Thái đã đưa ra quan điểm sai lầm nào?
3 Hàng thế kỷ sau đó, Sa-tan dùng nhiều cách quỉ quyệt để gây bất hòa trong hôn nhân. Chẳng hạn, đôi khi hắn đã dùng các nhà lãnh đạo tôn giáo để cổ vũ quan điểm trái với Kinh Thánh về hôn nhân. Một số nhà lãnh đạo Do Thái đã hạ thấp tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, cho phép chồng ly dị vợ vì những vấn đề nhỏ nhặt như nấu ăn quá mặn. Nhưng Chúa Giê-su cho thấy rõ: “Nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại-tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà-dâm”.—Mat 19:9.
4. Ngày nay, sự sắp đặt về hôn nhân bị tấn công thế nào?
4 Sa-tan vẫn đang cố phá hủy mối quan hệ hôn nhân. Hôn nhân đồng tính, sống chung mà không có hôn thú và dễ dàng ly dị là những điều cho thấy hắn rất thành công về phương diện này. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:4). Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thể làm gì để tránh bị ảnh hưởng bởi quan điểm phổ biến và lệch lạc về hôn nhân? Chúng ta hãy xem vài đặc điểm của hôn nhân hạnh phúc và thành công.
Luôn xem trọng vai trò của Đức Giê-hô-va trong hôn nhân
5. Khi áp dụng cho hôn nhân, cụm từ “sợi dây bện ba” có nghĩa gì?
5 Muốn cho hôn nhân thành công, Đức Giê-hô-va phải có một vai trò nhất định trong đời sống vợ chồng. Lời Ngài nói: “Một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt” (Truyền 4:12). “Sợi dây bện ba” là một cụm từ mang nghĩa bóng. Khi áp dụng cụm từ này cho hôn nhân, thì người chồng và người vợ là hai tao đầu tiên được bện chặt vào tao chính, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Việc gắn bó với Đức Chúa Trời giúp cặp vợ chồng được vững mạnh về thiêng liêng để đối phó với vấn đề, và đó cũng là bí quyết để hôn nhân đạt được nhiều hạnh phúc nhất.
6, 7. (a) Tín đồ Đấng Christ có thể làm gì để bảo đảm Đức Chúa Trời là tao thứ ba trong hôn nhân? (b) Một chị quý trọng những điểm nào nơi người chồng?
6 Thế nhưng một cặp vợ chồng có thể làm gì để bảo đảm hôn nhân của họ giống sợi dây bện ba? Người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi 40:8). Tương tự thế, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta hết lòng phụng sự Ngài. Vì vậy, cả hai vợ chồng nên vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và vui mừng làm theo ý muốn Ngài. Mỗi người cũng nên giúp người hôn phối củng cố tình yêu thương với Đức Chúa Trời.—Châm 27:17.
7 Nếu luật pháp Đức Chúa Trời thật sự ở trong lòng thì chúng ta sẽ thể hiện những đặc tính như đức tin, sự trông cậy và yêu thương, là những điều giúp làm vững mạnh mối quan hệ hôn nhân (1 Cô 13:13). Một nữ tín đồ tên Sandra đã kết hôn 50 năm nói: “Những điều tôi quý nhất nơi chồng là sự hướng dẫn và lời khuyên của anh dựa trên Kinh Thánh, cũng như tình yêu thương mà anh dành cho Đức Giê-hô-va. Tình yêu ấy còn mãnh liệt hơn tình yêu anh dành cho tôi”. Hỡi những người chồng, vợ các anh có thể nói những lời như thế về các anh không?
8. Vợ chồng cần phải làm gì để được “lợi”?
8 Vợ chồng bạn có đặt các vấn đề thiêng liêng và quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống không? Ngoài ra, bạn có thật sự xem người hôn phối là bạn cùng phụng sự Đức Giê-hô-va không? (Sáng 2:24). Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn viết: “Hai người hơn một, vì làm việc chung có lợi cho cả hai” (Truyền 4:9, Bản Dịch Mới). Thật vậy, cả hai vợ chồng phải nỗ lực nếu muốn được “lợi” là có mối quan hệ hôn nhân đầy yêu thương, lâu bền và được Đức Chúa Trời ban phước.
9. (a) Người chồng có những trách nhiệm nào? (b) Theo Cô-lô-se 3:19, người chồng phải đối xử với vợ như thế nào?
9 Khi vợ chồng cố gắng sống hòa hợp với các đòi hỏi của Đức Chúa Trời, điều này cho thấy họ xem trọng vai trò của Ngài trong hôn nhân. Trách nhiệm chính của người chồng là cung cấp nhu cầu vật chất và thiêng liêng cho gia đình (1 Ti 5:8). Anh cũng nên quan tâm đến nhu cầu tình cảm của vợ. Nơi Cô-lô-se 3:19 cho biết: “Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay-nghiệt với người”. Một học giả Kinh Thánh giải thích từ “cay-nghiệt” bao hàm “việc nói những lời gay gắt hoặc quát tháo, không yêu mến, chăm sóc, cung cấp, bảo vệ và giúp đỡ vợ”. Rõ ràng cách cư xử như thế không thích hợp với một gia đình tín đồ Đấng Christ. Khi người chồng thực thi quyền làm đầu một cách yêu thương, người vợ sẽ sẵn lòng vâng phục.
10. Người vợ đạo Đấng Christ phải thể hiện thái độ nào?
10 Nếu xem trọng vai trò của Đức Giê-hô-va trong hôn nhân, người vợ đạo Đấng Christ cũng phải sống phù hợp với các đòi hỏi của Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình như vâng-phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội-thánh” (Ê-phê 5: 22, 23). Sa-tan đã lừa gạt Ê-va, nói dối rằng sống độc lập với Đức Chúa Trời sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài. Rõ ràng, tinh thần độc lập này hiện hữu trong nhiều cuộc hôn nhân ngày nay. Tuy nhiên, đối với những người nữ tin kính, vâng phục người làm đầu yêu thương không phải là điều khó chịu. Họ nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã chỉ định Ê-va là người “giúp-đỡ” cho chồng bà, và rõ ràng Ngài xem đây là vai trò đáng trọng (Sáng 2:18). Khi sẵn lòng ủng hộ sự sắp đặt này, người vợ đạo Đấng Christ thật sự là “mão triều-thiên” cho chồng.—Châm 12:4.
11. Một anh cho biết điều gì đã giúp ích cho hôn nhân của anh?
11 Một điều khác giúp vợ chồng luôn xem trọng vai trò của Đức Chúa Trời trong hôn nhân là cùng nhau học Lời Ngài. Anh Gerald, có 55 năm hạnh phúc trong hôn nhân, cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất giúp hôn nhân thành công là vợ chồng cùng đọc và học Kinh Thánh với nhau”. Anh nói thêm: “Sinh hoạt chung, nhất là về phương diện thiêng liêng, sẽ giúp hai vợ chồng gần gũi nhau hơn và đến gần Đức Giê-hô-va”. Cùng nhau học Kinh Thánh giúp gia đình ghi nhớ tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, củng cố mối quan hệ với Ngài và tiếp tục tiến bộ.
12, 13. (a) Tại sao vợ chồng cầu nguyện với nhau là rất quan trọng? (b) Những hoạt động thiêng liêng nào khác giúp củng cố hôn nhân?
12 Một cặp vợ chồng hạnh phúc cũng cầu nguyện chung. Khi người chồng “dốc đổ sự lòng mình” cầu xin những điều cụ thể liên quan đến hoàn cảnh của hai vợ chồng, chắc chắn hôn nhân của họ sẽ được củng cố (Thi 62:8). Chẳng hạn, sau khi cùng nhau cầu xin sự hướng dẫn của Đấng Toàn Năng, việc giải quyết mối bất đồng sẽ dễ dàng hơn biết bao! (Mat 6:14, 15). Phù hợp với lời cầu nguyện, mỗi người nên quyết tâm giúp đỡ người hôn phối, đồng thời sẵn sàng “nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau” (Cô 3:13). Hãy nhớ rằng việc cầu nguyện chứng tỏ sự trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Vua Đa-vít nói: “Con mắt muôn vật đều ngửa-trông Chúa” (Thi 145:15). Khi trông cậy Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, chúng ta sẽ ít lo lắng hơn vì biết rằng ‘Ngài hay săn-sóc chúng ta’.—1 Phi 5:7.
13 Bí quyết khác để cặp vợ chồng cho thấy họ xem trọng vai trò của Đức Giê-hô-va trong hôn nhân là tham dự các buổi nhóm họp và cùng nhau thi hành thánh chức. Tại các buổi họp, vợ chồng học được cách chống lại những “mưu-kế” mà Sa-tan dùng để chia rẽ gia đình (Ê-phê 6:11). Khi đều đặn tham gia thánh chức với nhau, vợ chồng sẽ được ‘vững-vàng, không rúng-động’.—1 Cô 15:58.
Khi có khó khăn
14. Những yếu tố nào có thể góp phần gây căng thẳng trong hôn nhân?
14 Những đề nghị trên có thể không có gì mới lạ, nhưng sao bạn không cởi mở thảo luận với người hôn phối? Hãy xem có khía cạnh nào trong hôn nhân của bạn cần được chú ý thêm không. Tuy nhiên, Kinh Thánh công nhận là ngay cả những cặp vợ chồng luôn xem trọng vai trò của Đức Giê-hô-va cũng “sẽ có sự khó-khăn về xác-thịt” (1 Cô 7:28). Vì sự bất toàn, ảnh hưởng xấu của thế gian phóng túng và những cạm bẫy của Ma-quỉ, ngay cả hôn nhân của những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời vẫn có thể gặp nhiều căng thẳng (2 Cô 2:11). Song Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta đương đầu với sự căng thẳng đó. Thật vậy, chúng ta có thể thành công. Người trung thành Gióp đã mất gia súc, tôi tớ và con cái. Nhưng, Kinh Thánh nói: “Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm-thượng cùng Đức Chúa Trời”.—Gióp 1:13-22.
15. Căng thẳng có thể khiến người ta hành động như thế nào, và trong tình huống ấy vợ hoặc chồng phản ứng thế nào là tốt nhất?
15 Trái lại, vợ Gióp nói rằng: “Ông hãy còn bền-đỗ trong sự hoàn-toàn mình sao?. . . Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” (Gióp 2:9). Thật vậy, khi gặp tai họa hoặc hoàn cảnh khó khăn khác, một người có thể bị xáo động tinh thần và hành động thiếu suy nghĩ. Một người khôn ngoan nhận xét: “Khi bị ức hiếp, người khôn có thể hóa dại” (Truyền 7:7, BDM). Khi cảm thấy khổ sở hoặc “bị ức hiếp”, người hôn phối có thể giận dữ thốt ra những lời gây tổn thương. Nếu thế, hãy cố giữ bình tĩnh. Đáp trả bằng những lời tương tự có thể khiến người kia hoặc cả hai nói ra những điều làm tình hình tồi tệ hơn. (Đọc Thi-thiên 37:8). Vậy hãy bỏ qua những lời nói thiếu suy xét do bực bội hoặc chán nản.—Gióp 6:3.
16. (a) Lời của Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 7:1-5 áp dụng thế nào trong hôn nhân? (b) Tại sao tính thăng bằng rất quan trọng trong hôn nhân?
16 Vợ chồng phải có những mong đợi thực tế. Một người có thể để ý đến vài tính nết của người hôn phối và nghĩ: “Tôi có thể thay đổi anh ấy (hoặc cô ấy)”. Nhờ tình yêu và sự kiên nhẫn, bạn có thể giúp người hôn phối cải thiện dần dần. Tuy nhiên, đừng quên rằng Chúa Giê-su ví một người hay cằn nhằn về những khuyết điểm nhỏ của người khác như người thấy “cái rác” trong mắt anh em nhưng không nhận ra “cây đà” trong mắt mình. Chúa Giê-su khuyên chúng ta: “Các ngươi đừng đoán-xét ai, để mình khỏi bị đoán-xét”. (Đọc Ma-thi-ơ 7:1-5). Điều này không có nghĩa là phải bỏ qua những sai lầm nghiêm trọng. Anh Robert đã kết hôn gần 40 năm, nói: “Khi nói chuyện cởi mở, thẳng thắn với nhau và sẵn sàng chấp nhận những lời nhận xét đúng đắn, vợ chồng có thể thấy cần phải có những thay đổi trong đời sống”. Vậy, hãy thăng bằng. Thay vì bực bội vì người hôn phối không có những đức tính như mình mong muốn, hãy tập quý trọng và yêu thích những tính tốt mà người ấy hiện có.—Truyền 9:9.
17, 18. Khi khó khăn chồng chất, chúng ta có thể tìm sự hỗ trợ ở đâu?
17 Hoàn cảnh thay đổi có thể tạo ra thử thách. Vợ chồng có thể gặp khó khăn khi có con. Người hôn phối hay con có thể bị bệnh nặng. Cha mẹ lớn tuổi cần được chăm sóc đặc biệt. Con cái lớn lên và dọn đi xa. Đặc ân và trách nhiệm trong hội thánh có thể dẫn đến những thay đổi khác. Tất cả những điều này có thể gây căng thẳng và lo lắng trong mối quan hệ vợ chồng.
18 Nếu sự căng thẳng trong hôn nhân khiến bạn cảm thấy mình không đủ sức chịu đựng, bạn có thể làm gì? (Châm 24:10). Đừng bỏ cuộc! Sa-tan chẳng muốn gì hơn là một tôi tớ của Đức Chúa Trời lìa bỏ sự thờ phượng thánh sạch. Nếu một cặp vợ chồng làm điều đó thì hắn càng sung sướng hơn. Vì vậy, hãy cố hết sức để bảo đảm rằng hôn nhân của bạn vẫn là sợi dây bện ba. Kinh Thánh có nhiều lời tường thuật về những người giữ lòng trung thành dù gặp thử thách gay go. Chẳng hạn, một lần nọ, Đa-vít đã thổ lộ nỗi lòng với Đức Giê-hô-va: “Đức Chúa Trời ôi! xin thương-xót tôi; vì người ta. . . hà-hiếp tôi” (Thi 56:1). Có bao giờ bạn cảm thấy bị ‘người ta hà-hiếp’ chưa? Dù sự căng thẳng bạn đang chịu đến từ người ngoài hay người thân, hãy nhớ rằng Đa-vít đã có được sức mạnh để chịu đựng, và bạn cũng vậy. Đa-vít nói: “Tôi đã tìm-cầu Đức Giê-hô-va, Ngài đáp lại tôi, giải-cứu tôi khỏi các điều sợ-hãi”.—Thi 34:4.
Thêm nhiều ân phước
19. Bằng cách nào chúng ta có thể đứng vững trước sự tấn công của Sa-tan?
19 Trong thời kỳ cuối cùng này, vợ chồng cần “khuyên-bảo nhau, gây dựng cho nhau” (1 Tê 5:11). Chớ quên là Sa-tan cho rằng chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va vì tư lợi. Hắn sẽ dùng bất cứ cách nào, kể cả việc phá vỡ hôn nhân, nhằm hủy hoại lòng trung kiên của chúng ta với Đức Chúa Trời. Để đứng vững trước sự tấn công của Sa-tan, chúng ta cần tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va (Châm 3:5, 6). Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi 4:13.
20. Khi xem trọng vai trò của Đức Chúa Trời trong hôn nhân, vợ chồng sẽ nhận được ân phước nào?
20 Khi xem trọng vai trò của Đức Chúa Trời trong hôn nhân, vợ chồng sẽ nhận được nhiều ân phước. Anh Joel và vợ đã cảm nhận được điều này sau 51 năm chung sống. Anh nói: “Tôi luôn cảm tạ Đức Giê-hô-va vì Ngài đã ban cho tôi một người vợ tuyệt vời và cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vợ tôi là bạn đồng hành lý tưởng”. Bí quyết của họ là gì? Anh cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng tỏ lòng tử tế, kiên nhẫn và yêu thương nhau”. Không ai trong chúng ta thể hiện trọn vẹn những đức tính ấy trong thế gian này. Tuy nhiên, chúng ta hãy cố gắng áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh và xem trọng vai trò của Đức Giê-hô-va trong hôn nhân. Nếu làm thế, hôn nhân của chúng ta sẽ giống như “một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt”.—Truyền 4:12.
Bạn có nhớ không?
• Luôn xem trọng vai trò của Đức Giê-hô-va trong hôn nhân có nghĩa gì?
• Vợ chồng nên làm gì khi gặp khó khăn?
• Làm sao chúng ta biết mình có xem trọng vai trò của Đức Giê-hô-va trong hôn nhân hay không?
[Các hình nơi trang 18]
Cầu nguyện chung với nhau giúp vợ chồng đương đầu với tình huống khó khăn