Niềm vui trong việc đào tạo môn đồ
“Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn-đồ”.—MAT 28:19, Ghi-đê-ôn.
1-3. (a) Nhiều người cảm thấy thế nào về việc điều khiển học hỏi Kinh Thánh? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
M ột chị đang phụng sự trong nhóm nói tiếng Hindi ở Hoa Kỳ viết: “Tôi học với một gia đình đến từ Pakistan 11 tuần qua. Chúng tôi đã trở thành bạn của nhau. Tôi rưng rưng nước mắt khi nghĩ đến việc gia đình này sắp trở về Pakistan. Tôi xúc động không chỉ vì nỗi buồn phải xa họ, mà còn vì niềm vui khi được dạy họ về Đức Giê-hô-va”.
2 Bạn có bao giờ cảm nghiệm được niềm vui như chị Nhân Chứng này khi giúp một người học Kinh Thánh chưa? Vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su và môn đồ đã có niềm vui lớn trong việc đào tạo môn đồ. Khi 70 môn đồ mà Chúa Giê-su đã huấn luyện trở về với một báo cáo đầy phấn khởi, chính ngài cũng ‘nức lòng bởi Thánh-Linh’ (Lu 10:17-21). Tương tự, nhiều người ngày nay cũng tìm thấy niềm vui lớn trong công việc này. Thật vậy, trong năm 2007, những người công bố vui vẻ, siêng năng đã điều khiển trung bình sáu triệu rưỡi cuộc học hỏi Kinh Thánh mỗi tháng!
3 Tuy nhiên, một số người công bố chưa có cơ hội điều khiển học hỏi Kinh Thánh. Những người khác có thể không có học hỏi nào trong những năm gần đây. Chúng ta có thể gặp thách thức nào khi nỗ lực hướng dẫn một cuộc học hỏi Kinh Thánh? Làm thế nào để vượt qua những thách thức ấy? Và chúng ta nhận được phần thưởng nào khi cố gắng vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn-đồ”?—Mat 28:19, Ghi.
Những thách thức có thể làm mất niềm vui
4, 5. (a) Tại một số nơi, nhiều người phản ứng thế nào? (b) Tại những nơi khác, người công bố gặp phải thách thức nào?
4 Tại một số nơi trên thế giới, người ta rất thích nhận ấn phẩm và học Kinh Thánh với chúng ta. Một cặp vợ chồng người Úc đã phụng sự một thời gian ở Zambia viết: “Những lời đồn là có thật. Zambia là một nơi lý tưởng để rao giảng. Làm chứng ở đường phố thật là tuyệt! Người ta đến nói chuyện với chúng tôi, thậm chí một số người còn hỏi xin những số tạp chí cụ thể”. Trong năm gần đây, các anh chị ở Zambia điều khiển hơn 200.000 học hỏi Kinh Thánh—tính trung bình một người công bố có hơn một học hỏi.
5 Tuy nhiên, tại những nơi khác, người công bố có lẽ thấy khó phân phát tạp chí và đều đặn điều khiển học hỏi Kinh Thánh. Tại sao thế? Người ta thường không có ở nhà khi người công bố đến rao giảng, còn một số người có ở nhà thì lại thờ ơ với tôn giáo. Có thể họ lớn lên trong một gia đình không theo đạo hoặc họ không ưa sự đạo đức giả trong tôn giáo sai lầm. Nhiều người từng bị những người chăn chiên giả hiệu làm cho “cùng-khốn, và tan-lạc” (Mat 9:36). Điều dễ hiểu là những người như thế tỏ ra thận trọng về việc thảo luận Kinh Thánh.
6. Một số người có thể phải đấu tranh với những giới hạn nào?
6 Một số người công bố trung thành gặp phải một thách thức khác có thể làm họ mất đi niềm vui. Dù từng tích cực trong việc đào tạo môn đồ, nhưng giờ đây sức khỏe yếu kém hoặc giới hạn của tuổi già gây trở ngại cho họ. Cũng hãy xem xét một số hạn chế mà chúng ta tự áp đặt lên mình. Chẳng hạn, bạn có nghĩ mình không đủ khả năng điều khiển học hỏi Kinh Thánh không? Có lẽ bạn có cùng cảm nghĩ như Môi-se khi Đức Giê-hô-va sai ông đến nói chuyện với Pha-ra-ôn. Môi-se nói: “Ôi! lạy Chúa, từ hôm qua, hôm kia, hay là từ lúc Chúa phán dạy kẻ tôi-tớ Chúa, tôi vẫn chẳng phải một tay nói giỏi” (Xuất 4:10). Liên quan chặt chẽ với cảm giác thiếu khả năng là nỗi sợ thất bại. Chúng ta có thể lo ngại người khác sẽ không trở thành môn đồ vì mình không phải là một người dạy giỏi. Vì lý do đó, chúng ta có thể bỏ đi cơ hội điều khiển học hỏi Kinh Thánh. Làm thế nào để vượt qua những thách thức vừa đề cập?
Chuẩn bị lòng
7. Động lực nào thúc đẩy Chúa Giê-su trong thánh chức?
7 Bước đầu tiên là chuẩn bị lòng mình. Chúa Giê-su nói: “Do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng nói ra” (Lu 6:45). Động lực thúc đẩy Chúa Giê-su trong thánh chức là lòng quan tâm chân thành đến người khác. Chẳng hạn, khi nhìn thấy tình trạng nghèo khổ về thiêng liêng của người Do Thái, ngài “động lòng thương-xót”. Chúa Giê-su phán với các môn đồ: “Mùa gặt thì thật trúng... Hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình”.—Mat 9:36-38.
8. (a) Chúng ta nên suy nghĩ về điều gì? (b) Chúng ta học được gì qua lời của một học viên Kinh Thánh?
8 Khi tham gia công việc đào tạo môn đồ, chúng ta nên suy nghĩ sâu xa về vô vàn lợi ích mình đã nhận được vì có người dành thời gian học Kinh Thánh với mình. Cũng hãy nghĩ về những người chúng ta sẽ gặp trong thánh chức, họ được lợi ích như thế nào nhờ nghe thông điệp chúng ta rao báo. Một phụ nữ viết cho văn phòng chi nhánh ở nước bà sống: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với các Nhân Chứng đã đến nhà dạy tôi. Tôi nghĩ đôi khi họ bực mình vì tôi nêu ra quá nhiều câu hỏi và luôn giữ họ ở lại quá lâu. Nhưng họ rất kiên nhẫn với tôi và nhiệt tình chia sẻ những gì họ đã học. Tôi tạ ơn Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su vì đã được gặp những người này”.
9. Chúa Giê-su tập trung vào điều gì, và chúng ta có thể noi gương ngài thế nào?
9 Dĩ nhiên, không phải ai cũng hưởng ứng nỗ lực của Chúa Giê-su (Mat 23:37). Một số người theo ngài trong một thời gian, nhưng sau đó đã bác bỏ lời ngài dạy và “không đi với Ngài nữa” (Giăng 6:66). Tuy nhiên, Chúa Giê-su không để phản ứng tiêu cực của một số người khiến ngài nghĩ rằng thông điệp của ngài là vô giá trị. Dù nhiều hạt giống ngài gieo không sinh trái, Chúa Giê-su vẫn tập trung vào điều tốt lành ngài đang làm. Ngài nhìn thấy đồng ruộng đã vàng sẵn cho mùa gặt và rất vui mừng khi được góp phần trong mùa gặt đó. (Đọc Giăng 4:35, 36). Cũng vậy, thay vì chỉ thấy những khoảng đất trống giữa các cây lúa, chúng ta có thể tập trung vào khả năng gặt hái trong khu vực của mình không? Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể duy trì thái độ tích cực như thế.
Gieo với mục tiêu là gặt
10, 11. Bạn có thể làm gì để duy trì niềm vui?
10 Người nông dân gieo giống với mục tiêu là gặt hái. Tương tự thế, chúng ta cần rao giảng với mục tiêu bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Nhưng nói sao nếu bạn thường xuyên đi rao giảng mà ít gặp người ta tại nhà hoặc dường như không tìm thấy họ khi trở lại viếng thăm? Điều này có thể làm nản lòng. Bạn có nên ngưng đi rao giảng từng nhà không? Chắc chắn là không! Nhiều người vẫn được tiếp xúc với Nhân Chứng lần đầu qua cách rao giảng này, một phương pháp đã được thời gian chứng minh là hữu hiệu.
11 Tuy nhiên, để duy trì niềm vui, bạn có thể sử dụng thêm các phương pháp rao giảng cũng như những cách khác để tiếp cận người ta không? Chẳng hạn, bạn có thử làm chứng trên đường phố hoặc tại nơi họ làm việc chưa? Bạn có thể gọi điện thoại cho người ta hoặc lưu lại số điện thoại của những người mình đã chia sẻ thông điệp Nước Trời để tiếp tục liên lạc với họ không? Nhờ kiên trì và linh động trong thánh chức, bạn sẽ cảm nghiệm được niềm vui khi tìm thấy những người hưởng ứng thông điệp Nước Trời.
Đối phó với sự thờ ơ
12. Chúng ta có thể làm gì nếu nhiều người trong khu vực tỏ ra thờ ơ?
12 Nếu nhiều người trong khu vực của bạn thờ ơ với tôn giáo thì sao? Bạn có thể điều chỉnh cách trình bày để thu hút sự chú ý của họ không? Sứ đồ Phao-lô viết cho anh em đồng đạo ở Cô-rinh-tô: “Với người Giu-đa, tôi ở như một người Giu-đa... với những người không luật-pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật-pháp...), song tôi cũng ở như người không luật-pháp”. Động cơ của Phao-lô là gì? Ông cho biết: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu-chuộc được một vài người” (1 Cô 9:20-22). Tương tự thế, chúng ta có thể tìm ra điểm chung với những người trong khu vực không? Nhiều người không theo tôn giáo nào nhưng muốn cải thiện mối quan hệ trong gia đình. Có thể họ cũng đang đi tìm mục đích đời sống. Chúng ta có thể trình bày thông điệp Nước Trời sao cho thu hút những người đó không?
13, 14. Làm thế nào chúng ta có thể gia tăng niềm vui trong việc đào tạo môn đồ?
13 Ngày càng có nhiều người công bố cảm nhận thêm niềm vui trong việc đào tạo môn đồ, ngay cả tại những khu vực mà phần đông người ta có vẻ thờ ơ. Bằng cách nào? Bằng cách học ngoại ngữ. Một cặp vợ chồng đã ngoài 60 nhận thấy có hàng ngàn sinh viên Trung Quốc và gia đình họ đang sống trong khu vực của hội thánh. Người chồng nói: “Vì lý do đó, chúng tôi được khuyến khích học tiếng Trung Quốc”. Anh kể tiếp: “Tuy phải dành thời gian mỗi ngày để học ngôn ngữ, nhưng nhờ đó chúng tôi có được nhiều học hỏi Kinh Thánh với người Trung Quốc trong khu vực của chúng tôi”.
14 Ngay dù không thể học ngoại ngữ, bạn có thể sử dụng hữu hiệu sách nhỏ Tin mừng cho mọi dân (Good News for People of All Nations) khi gặp người nói thứ tiếng khác. Thông thường, bạn cũng có thể đặt những ấn phẩm trong ngôn ngữ của những người mình gặp. Đành rằng phải dành thêm thời gian và nỗ lực để giao tiếp với người có ngôn ngữ và văn hóa khác, nhưng đừng quên nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời: “Ai gieo nhiều thì gặt nhiều”.—2 Cô 9:6.
Vai trò của hội thánh
15, 16. (a) Tại sao việc đào tạo môn đồ là nỗ lực của cả hội thánh? (b) Những anh chị cao niên có vai trò nào?
15 Thật ra, công việc đào tạo môn đồ không tùy thuộc vào nỗ lực của chỉ một người. Đúng hơn, đó là nỗ lực của cả hội thánh. Tại sao? Chúa Giê-su phán: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Thật thế, khi học viên Kinh Thánh tham dự các buổi họp, bầu không khí yêu thương tại đó thường để lại ấn tượng sâu sắc cho họ. Một học viên đã viết: “Tôi rất thích tham dự nhóm họp. Mọi người ở đó thật nồng nhiệt!”. Chúa Giê-su nói những người trở thành môn đồ ngài có thể bị gia đình chống đối. (Đọc Ma-thi-ơ 10:35-37). Tuy nhiên, ngài hứa rằng trong hội thánh, họ sẽ có được rất nhiều “anh em, chị em, mẹ con”.—Mác 10:30.
16 Những anh chị cao niên đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc giúp học viên Kinh Thánh tiến bộ. Bằng cách nào? Dù một số anh chị cao niên không thể tự điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh, nhưng những lời bình luận đầy xây dựng của họ trong các buổi nhóm giúp củng cố đức tin mọi người. Quá trình bước đi “trong đường công-bình” của họ làm tăng thêm sự tôn quý cho hội thánh và thu hút người có lòng thành thật đến với tổ chức của Đức Chúa Trời.—Châm 16:31.
Khắc phục nỗi lo sợ
17. Chúng ta có thể làm gì để khắc phục cảm giác thiếu khả năng?
17 Nói sao nếu bạn phải đấu tranh với cảm giác thiếu khả năng? Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã giúp Môi-se bằng cách ban cho ông thánh linh và một người cộng sự là A-rôn, anh trai ông (Xuất 4:10-17). Chúa Giê-su hứa thánh linh Đức Chúa Trời sẽ hỗ trợ cho công việc làm chứng của chúng ta (Công 1:8). Hơn nữa, Chúa Giê-su sai các môn đồ đi rao giảng theo từng đôi (Lu 10:1). Vì thế, nếu thấy khó điều khiển một học hỏi Kinh Thánh, hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh để có sự khôn ngoan và rồi đi rao giảng chung với một anh hay chị có những kinh nghiệm giúp ích cho bạn và có thể giúp bạn tự tin. Đức tin bạn sẽ mạnh mẽ hơn khi nhớ rằng Đức Giê-hô-va chọn những người bình thường—“sự yếu ở thế-gian”—để thực hiện công việc phi thường này.—1 Cô 1:26-29.
18. Làm thế nào chúng ta có thể khắc phục nỗi sợ thất bại?
18 Làm thế nào chúng ta có thể khắc phục nỗi sợ thất bại? Chúng ta nên nhớ rằng công việc đào tạo môn đồ không giống như việc nấu một bữa ăn, sự thành bại chủ yếu tùy thuộc vào một người—người nấu. Đúng hơn, việc đào tạo môn đồ gồm ít nhất ba yếu tố. Đức Giê-hô-va làm phần quan trọng nhất, đó là kéo người ta đến với Ngài (Giăng 6:44). Chúng ta cùng các anh chị trong hội thánh cố gắng dạy học viên để giúp họ tiến bộ. (Đọc 2 Ti-mô-thê 2:15). Và học viên cần phải hành động dựa trên những gì học được (Mat 7:24-27). Nếu một người ngưng học hỏi Kinh Thánh, chúng ta có thể thất vọng. Chúng ta mong học viên Kinh Thánh có lựa chọn đúng, nhưng mỗi người phải “khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”.—Rô 14:12.
Phần thưởng là gì?
19-21. (a) Chúng ta nhận được lợi ích nào từ việc điều khiển học hỏi Kinh Thánh? (b) Đức Giê-hô-va nghĩ gì về tất cả những người tham gia công việc rao giảng?
19 Điều khiển học hỏi Kinh Thánh giúp chúng ta tập trung vào việc tìm kiếm Nước Trời trước hết. Việc này cũng khắc sâu lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời vào tâm trí chúng ta. Tại sao? Một anh tiên phong tên là Barak giải thích: “Điều khiển học hỏi Kinh Thánh buộc tôi phải nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời kỹ hơn. Tôi nhận thấy tôi phải củng cố niềm tin của mình trước khi có thể dạy người khác”.
20 Nếu hiện tại bạn không có một học hỏi Kinh Thánh, phải chăng thánh chức của bạn không có giá trị với Đức Chúa Trời? Dĩ nhiên là không phải vậy! Đức Giê-hô-va rất quý nỗ lực của chúng ta để ngợi khen Ngài. Tất cả những ai tham gia công việc rao giảng đều là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, việc điều khiển học hỏi Kinh Thánh cho chúng ta thêm niềm vui khi nhìn thấy cách Ngài làm cho hạt giống mà chúng ta gieo lớn lên (1 Cô 3:6, 9). Chị tiên phong tên là Amy nói: “Khi thấy học viên Kinh Thánh tiến bộ, bạn cảm thấy vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va vì Ngài đã dùng bạn để đem đến cho người đó một món quà tuyệt vời—cơ hội biết về Đức Giê-hô-va và nhận được sự sống vĩnh cửu”.
21 Cố gắng bắt đầu và điều khiển học hỏi Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta tiếp tục tập trung vào việc phụng sự Đức Chúa Trời và củng cố hy vọng được sống sót để vào thế giới mới. Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể giúp cứu mạng những người lắng nghe chúng ta. (Đọc 1 Ti-mô-thê 4:16). Điều này mang lại niềm vui lớn biết bao!
Bạn có nhớ không?
• Những thách thức nào có thể cản trở một số người điều khiển học hỏi Kinh Thánh?
• Chúng ta có thể làm gì nếu nhiều người trong khu vực tỏ ra thờ ơ?
• Chúng ta nhận được phần thưởng nào từ việc điều khiển học hỏi Kinh Thánh?
[Các hình nơi trang 9]
Bạn có sử dụng thêm các phương pháp rao giảng khác để tìm được những người có lòng thành thật không?