Hãy đến gần Đức Chúa Trời
Bằng chứng cao cả về tình yêu thương của Đức Chúa Trời
Ông Áp-ra-ham là một tộc trưởng rất yêu mến Đức Chúa Trời. Ông cũng rất yêu thương con trai mình là Y-sác, được sinh ra trong lúc tuổi già. Nhưng khi Y-sác có lẽ khoảng 25 tuổi, Áp-ra-ham phải đối mặt với thử thách về tình phụ tử vì Đức Chúa Trời bảo ông hy sinh con trai mình. Tuy nhiên, Y-sác đã không chết. Ngay trước khi Áp-ra-ham hy sinh con mình, Đức Chúa Trời đã sai một thiên sứ cản ông lại. Lời tường thuật này được ghi lại nơi Sáng-thế Ký 22:1-18 và mang ý nghĩa tiên tri, giúp chúng ta cảm nhận phần nào tình yêu thương cao cả của Đức Chúa Trời.
Câu 1 của đoạn Kinh Thánh này cho biết: “Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham”. Áp-ra-ham là người có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời, nhưng giờ đây đức tin ấy đang bị thử thách hơn bao giờ hết. Đức Chúa Trời phán: “Hãy bắt đứa con một ngươi yêu-dấu, là Y-sác, và... dâng đứa con làm của-lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho” (câu 2). Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời không để tôi tớ Ngài bị thử thách quá sức chịu đựng. Vì vậy, thử thách này cho thấy Đức Chúa Trời tin tưởng Áp-ra-ham sẽ giữ được lòng trung thành.—1 Cô-rinh-tô 10:13.
Áp-ra-ham lập tức vâng lời Đức Chúa Trời. Kinh Thánh tường thuật: “Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem hai đầy-tớ và con mình, là Y-sác, cùng đi; người cũng chặt củi để dùng về của-lễ thiêu, rồi đi” (câu 3). Dường như ông không cho ai biết chi tiết về thử thách này.
Suốt chuyến đi dài ba ngày, hẳn Áp-ra-ham đã có thể lo lắng buồn rầu. Nhưng thực tế là lòng quyết tâm của ông không hề suy giảm. Những lời ông nói thể hiện đức tin của ông. Từ xa, nhìn thấy hòn núi mà Đức Chúa Trời chỉ định, ông nói với các đầy tớ của mình: “Hãy ở lại đây... ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ-phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi”. Khi Y-sác hỏi con chiên (cừu) để làm lễ vật ở đâu, Áp-ra-ham đáp: ‘Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm-sẵn chiên con’ (câu 5, 8). Như vậy, Áp-ra-ham tin rằng sẽ trở về cùng với con trai. Tại sao? Vì “người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết [Y-sác] sống lại”.—Hê-bơ-rơ 11:19.
Trên núi, khi Áp-ra-ham “cầm lấy dao đặng giết con mình”, một thiên sứ đã cản tay ông. Đức Chúa Trời đã làm một con chiên đực mắc trong bụi cây để ông có thể dâng nó làm lễ vật “thay cho con mình” (câu 10-13). Trước mắt Đức Chúa Trời, lễ vật đó như thể Áp-ra-ham đã dâng chính Y-sác (Hê-bơ-rơ 11:17). Một học giả giải thích: “Đối với Đức Chúa Trời, việc sẵn lòng dâng con có giá trị tương tự với hành động dâng con thật sự”.
Rõ ràng, Áp-ra-ham đã không phụ lòng tin của Đức Chúa Trời. Và lòng tin cậy của ông nơi Ngài đã được tưởng thưởng, vì sau đó, Đức Chúa Trời đã khẳng định lại và mở rộng phạm vi giao ước của Ngài với ông. Đó là giao ước mang lại ân phước cho tất cả các dân tộc.—Câu 15-18.
Đức Chúa Trời cuối cùng đã không để Áp-ra-ham dâng con, nhưng chính Ngài thì thật sự hy sinh con một của mình. Việc Áp-ra-ham sẵn lòng dâng Y-sác là hình bóng cho việc Đức Chúa Trời hy sinh con độc sanh yêu dấu của Ngài, Chúa Giê-su, vì tội lỗi chúng ta (Giăng 3:16). Điều này là bằng chứng cao cả về tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Vì Ngài đã hy sinh cho chúng ta như thế, nên chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi sẵn sàng hy sinh điều gì để làm vui lòng Đức Chúa Trời?”.