Anh chị có theo đuổi “con đường tốt-lành hơn”?
“Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Qua những lời này, sứ đồ Giăng cho biết về đức tính nổi bật nhất của Đức Chúa Trời (1 Giăng 4:8). Nhờ tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, chúng ta có thể đến gần Ngài và có mối quan hệ cá nhân với Ngài. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời còn ảnh hưởng đến chúng ta qua cách nào khác? Có người nói rằng: “Những gì chúng ta yêu thích cho thấy chúng ta là ai”. Điều đó là sự thật. Tuy nhiên, điều sau đây cũng đúng: Chúng ta trở thành người thế nào tùy thuộc vào việc chúng ta yêu thương ai và được ai yêu. Vì được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời nên chúng ta có thể phản ánh tình yêu thương của Ngài (Sáng 1:27). Do vậy, sứ đồ Giăng viết rằng chúng ta yêu Đức Chúa Trời ‘vì Ngài đã yêu chúng ta trước’.—1 Giăng 4:19.
Bốn từ diễn tả tình yêu thương
Sứ đồ Phao-lô nói tình yêu thương là “con đường tốt-lành hơn” (1 Cô 12:31). Tại sao ông miêu tả như thế? Phao-lô nói đến loại tình yêu thương nào? Để tìm ra câu trả lời, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về từ “tình yêu thương”.
Người Hy Lạp thời xưa có bốn từ căn bản, dùng dưới nhiều hình thái, để diễn tả tình yêu thương: stor·geʹ, eʹros, phi·liʹa và a·gaʹpe. Trong bốn từ đó, từ a·gaʹpe dùng để miêu tả Đức Chúa Trời, Ngài “là sự yêu-thương”a. Giáo sư William Barclay nói về tình yêu thương này trong cuốn Các từ trong Tân ước (New Testament Words) như sau: “Agapē liên hệ tới trí tuệ: nó không đơn giản là một cảm xúc tự nhiên phát sinh trong lòng chúng ta, nhưng là một nguyên tắc mà chúng ta chọn sống theo. Agapē liên hệ vô cùng chặt chẽ với ý chí”. Trong văn mạch này, a·gaʹpe là tình yêu thương được chi phối hoặc hướng dẫn bởi nguyên tắc, nhưng cũng thường có cảm xúc mạnh mẽ. Vì có những nguyên tắc tốt và xấu, nên hiển nhiên tín đồ Đấng Christ phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc tốt mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đề ra trong Kinh Thánh. Khi so sánh lời miêu tả của Kinh Thánh về a·gaʹpe với những từ khác miêu tả tình yêu thương, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn mình nên biểu lộ tình yêu thương nào.
Tình yêu thương trong gia đình
Sống trong một gia đình ấm cúng, yêu thương và gắn bó quả là vui sướng! Stor·geʹ là từ Hy Lạp thường được dùng để nói đến tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Tín đồ Đấng Christ cố gắng bày tỏ tình yêu thương đối với các thành viên trong gia đình. Phao-lô tiên tri rằng trong thời kỳ cuối cùng, người ta nói chung sẽ “vô-tình”b.—2 Ti 3:1, 3.
Tình ruột thịt lẽ ra phải có giữa các thành viên trong gia đình hiện đang suy giảm một cách trầm trọng trong thế giới ngày nay. Tại sao có quá nhiều vụ phá thai? Tại sao có vô số gia đình không quan tâm đến cha mẹ lớn tuổi? Tại sao tỉ lệ ly dị tiếp tục tăng vọt? Đó là do người ta vô tình.
Hơn nữa, Kinh Thánh dạy rằng: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật” (Giê 17:9). Tình yêu thương trong gia đình liên hệ đến tấm lòng và cảm xúc. Tuy nhiên, điều thú vị là Phao-lô dùng từ a·gaʹpe để miêu tả tình yêu thương người chồng nên thể hiện với vợ. Phao-lô so sánh tình yêu thương ấy với tình yêu thương Chúa Giê-su biểu lộ với hội thánh (Ê-phê 5:28, 29). Tình yêu thương này dựa trên nguyên tắc của Đức Giê-hô-va, Đấng sáng lập gia đình.
Tình yêu thương chân thành đối với các thành viên trong gia đình thúc đẩy chúng ta tỏ lòng quan tâm đến cha mẹ lớn tuổi hoặc thúc đẩy chúng ta có trách nhiệm với con cái. Nó cũng thôi thúc cha mẹ sửa trị con cách yêu thương khi cần, giúp họ tránh hành động theo cảm xúc vì điều đó thường dẫn đến việc quá dễ dãi với con.—Ê-phê 6:1-4.
Tình yêu lãng mạn và nguyên tắc Kinh Thánh
Quan hệ vợ chồng thật sự là một món quà từ Đức Chúa Trời (Châm 5:15-17). Tuy nhiên, những người được soi dẫn để viết Kinh Thánh không sử dụng từ eʹros, từ diễn tả tình yêu lãng mạn. Tại sao thế? Nhiều năm trước, Tháp Canh (Anh ngữ) có lời bình luận như sau: “Ngày nay, cả thế giới dường như phạm cùng một lỗi lầm như người Hy Lạp thời xưa. Họ đã thờ thần Eros, quỳ lạy trước bàn thờ và dâng của lễ cho thần đó... Thế nhưng, lịch sử cho thấy sự thờ phượng tình dục ấy chỉ gây mất nhân phẩm, trụy lạc và buông thả. Có lẽ đó là lý do mà những người viết Kinh Thánh không dùng từ đó”. Để không bắt đầu mối quan hệ chỉ dựa trên sự hấp dẫn giới tính, cảm xúc lãng mạn phải được chế ngự hoặc kiểm soát bởi nguyên tắc Kinh Thánh. Vậy, hãy tự hỏi: “Cảm xúc lãng mạn của tôi có cân bằng với tình yêu thương chân thành dành cho người yêu và người hôn phối không?”.
Trong độ “tuổi bồng bột” ham muốn tình dục thường rất mãnh liệt, nhưng những người trẻ nào theo sát nguyên tắc Kinh Thánh sẽ giữ được sự trong sạch về đạo đức (1 Cô 7:36, Nguyễn Thế Thuấn; Cô 3:5). Chúng ta xem hôn nhân là món quà thánh khiết đến từ Đức Giê-hô-va. Liên quan đến những người đã kết hôn, Chúa Giê-su phán: “Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp” (Mat 19:6). Chúng ta xem hôn nhân là sự cam kết quan trọng thay vì chỉ sống với nhau do sự hấp dẫn giới tính. Khi hôn nhân nảy sinh vấn đề, chúng ta không tìm lối thoát dễ dàng, nhưng cố gắng hết sức để biểu lộ những đức tính tin kính hầu giúp đời sống gia đình được hạnh phúc. Những nỗ lực như thế sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài.—Ê-phê 5:33; Hê 13:4.
Tình yêu thương bạn bè
Cuộc sống sẽ buồn chán biết bao nếu không có bạn bè! Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Có một bạn tríu-mến hơn anh em ruột” (Châm 18:24). Đức Giê-hô-va muốn chúng ta có những người bạn chân thật. Tình bạn thắm thiết giữa Đa-vít và Giô-na-than được nhiều người biết đến (1 Sa 18:1). Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-su yêu mến sứ đồ Giăng (Giăng 20:2). Từ Hy Lạp dùng cho tình yêu thương giữa bạn bè là phi·liʹa. Có bạn thân trong hội thánh không có gì sai. Tuy nhiên, nơi 2 Phi-e-rơ 1:7, chúng ta được khuyến khích bổ túc “lòng yêu-mến” (a·gaʹpe) cho “tình yêu-thương anh em” (phi·la·del·phiʹa, một từ ghép giữa phiʹlos, từ Hy Lạp có nghĩa “bạn bè” và a·del·phosʹ, từ Hy Lạp có nghĩa là “anh em”). Để có được tình bạn lâu bền, chúng ta cần áp dụng lời khuyên này. Chúng ta nên tự hỏi: “Tình bạn của tôi có cân bằng với các nguyên tắc Kinh Thánh không?”.
Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta tránh thiên vị khi cư xử với bạn bè. Chúng ta không áp dụng hai tiêu chuẩn: một tiêu chuẩn là khá dễ dãi với bạn bè và tiêu chuẩn khác là khắt khe với những người không phải là bạn của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta không kết bạn bằng cách nịnh bợ. Quan trọng hơn hết, việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh giúp chúng ta có sự sáng suốt cần thiết để khéo chọn bạn và tránh “bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”.—1 Cô 15:33.
Tình yêu thương độc nhất vô nhị!
Tình yêu thương giúp các tín đồ Đấng Christ hợp nhất là độc nhất vô nhị! Sứ đồ Phao-lô viết: “Lòng yêu-thương phải cho thành-thật... Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em” (Rô 12:9, 10). Thật vậy, tín đồ Đấng Christ có ‘lòng yêu-thương (a·gaʹpe) thành-thật’. Tình yêu thương này không chỉ là một cảm xúc tự nhiên phát sinh trong lòng. Thay vì thế, nó hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong câu này Phao-lô cũng nói đến việc “yêu nhau như anh em” (phi·la·del·phiʹa) và “yêu-thương mềm-mại” (phi·loʹstor·gos, một từ ghép giữa phiʹlos và stor·geʹ). Theo một học giả, “yêu nhau như anh em” là “tình yêu được biểu lộ qua sự nhân từ, cảm thông, sẵn sàng giúp đỡ”. Khi kết hợp với tình yêu thương a·gaʹpe, nó phát huy mối quan hệ mật thiết giữa những người thờ phượng Đức Giê-hô-va (1 Tê 4:9, 10). Cụm từ được dịch là “yêu-thương mềm-mại” chỉ xuất hiện một lần trong Kinh Thánh và ám chỉ mối quan hệ mật thiết nồng ấm, như trong một gia đình.
Tình yêu thương giúp tín đồ Đấng Christ chân chính hợp nhất là sự kết hợp giữa tình yêu thương trong gia đình và bạn bè. Tất cả mối quan hệ này được chi phối bởi tình yêu thương dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. Hội thánh đạo Đấng Christ không phải là một câu lạc bộ hoặc một tổ chức thế tục, nhưng là một gia đình gắn bó, hợp nhất trong sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng ta gọi những người cùng đức tin là anh chị và xem họ như người nhà. Họ thuộc gia đình thiêng liêng của chúng ta, chúng ta yêu mến họ như bạn bè, và luôn cư xử với họ theo nguyên tắc Kinh Thánh. Mong sao tất cả chúng ta tiếp tục góp phần vào tình yêu thương độc nhất vô nhị giúp hợp nhất và nhận ra hội thánh tín đồ Đấng Christ chân chính.—Giăng 13:35.
[Chú thích]
a A·gaʹpe cũng được dùng trong văn mạch mang tính tiêu cực.—1 Giăng 2:15-17.
b Từ được dịch “vô-tình” (aʹstor·goi) là một dạng của từ stor·geʹ với tiền tố mang nghĩa tiêu cực là “a”, có nghĩa “không có”.—Cũng xem Rô-ma 1:31.
[Câu nổi bật nơi trang 12]
Anh chị góp phần vào tình yêu thương giúp chúng ta hợp nhất như thế nào?