Bạn có biết?
“Quan coi đền thờ” là ai, và ông có trách nhiệm gì?
“Quan coi đền thờ” nằm trong số những nhà lãnh đạo Do Thái ra lệnh bắt sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng khi họ đang rao giảng (Công-vụ 4:1-3). Kinh Thánh không cho biết trách nhiệm của những người này, nhưng một số tài liệu lịch sử đã cung cấp thông tin đáng chú ý.
Dường như vào thời Chúa Giê-su, người giữ chức này là thầy tế lễ đứng hàng thứ hai sau thầy tế lễ thượng phẩm. Quan coi đền thờ có nhiệm vụ giữ gìn trật tự bên trong cũng như xung quanh đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ông giám sát việc thờ phượng và việc “bảo vệ an ninh” cho đền thờ. Các quan cấp dưới của ông thì quản lý nhóm canh gác phụ trách việc mở cửa đền vào buổi sáng và đóng cửa đền vào buổi tối. Họ bảo đảm rằng không có ai được vào khu vực cấm và bảo vệ kho báu của đền thờ.
Thầy tế lễ và người Lê-vi phụng sự tại đền thờ được tổ chức thành 24 nhóm, mỗi nhóm sẽ thay phiên nhau phụ trách một tuần (sáu tháng một lần). Dường như mỗi nhóm có một quan coi riêng.—1 Sử-ký 24:1-18.
Các quan coi đền thờ là những người có quyền lực. Họ cùng với các thầy tế lễ cả đã âm mưu giết Chúa Giê-su, cũng như ra lệnh cho người đến bắt ngài.—Lu-ca 22:4, 52.
Nơi Ma-thi-ơ 3:4 cho biết Giăng Báp-tít ăn “châu-chấu và mật ong rừng”. Vậy châu chấu có phải là món ăn phổ biến vào thời đó không?
Một số người không tin Giăng thật sự đã ăn côn trùng. Họ cho rằng ông Ma-thi-ơ ám chỉ Giăng đã ăn một loại hạt hoặc một loại trái cây rừng hay thậm chí một loài cá nào đó. Tuy nhiên, từ Hy Lạp mà ông Ma-thi-ơ dùng ở đây muốn nói đến họ cào cào ngày nay gọi là Acrididae. Một trong số đó là loài châu chấu sa mạc, phổ biến nhất ở Y-sơ-ra-ên thời ấy. Chúng thường di chuyển thành đàn và phá hoại mùa màng.—Giô-ên 1:4, 7; Na-hum 3:15.
Châu chấu được xem là món ăn cao lương mỹ vị của những dân tộc xưa như A-si-ri và Ê-thi-ô-bi. Ngày nay, dân du mục sống ở bán đảo Ả Rập cũng ăn món này. Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, châu chấu được xem là món ăn cho người nghèo. Người ta bỏ phần đầu, chân và bụng của châu chấu, rồi phần ức có thể ăn sống, nướng hoặc phơi nắng. Đôi khi châu chấu được ướp muối hoặc ngâm trong giấm hay mật ong. Sử gia Henri Daniel-Rops cho biết là chúng có vị giống tôm.
Vì ông Giăng đã rao giảng trong đồng vắng nên dường như có rất nhiều châu chấu ở đó (Mác 1:4). Khoảng 75% cơ thể chúng chứa chất đạm, vì thế món châu chấu với mật ong rừng có hàm lượng dinh dưỡng cao.
[Hình nơi trang 28]
Người hầu A-si-ri đang cầm châu chấu và trái lựu
[Nguồn tư liệu]
From the book Discoveries Among the Ruins of Nineveh and Babylon (1853)