Lời nói ân hậu cải thiện mối quan hệ
“Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn”.—CÔ 4:6.
1, 2. Lời nói ân hậu của một anh mang lại kết quả nào?
Một anh kể lại: “Trong lúc rao giảng từng nhà, tôi gặp một người tỏ ra rất giận dữ, môi và toàn thân ông ấy run lên. Tôi cố gắng bình tĩnh dùng Kinh Thánh để lý luận, nhưng ông càng giận dữ hơn. Cả vợ và các con ông cũng mắng nhiếc tôi, và tôi biết đó là lúc nên rời khỏi đấy. Tôi nói với gia đình rằng tôi đến với tinh thần hòa bình và cũng muốn ra về với tinh thần ấy. Tôi cho họ xem Ga-la-ti 5:22, câu ấy nói đến tình yêu thương, tính mềm mại, tự chủ và sự bình an. Rồi tôi đi.
2 Sau đó, khi gõ cửa các nhà bên kia đường, tôi thấy cả gia đình ấy ngồi ở trước cửa. Họ gọi tôi sang. Tôi nghĩ: “Chuyện gì đây?”. Người đàn ông mời tôi một ly nước lạnh. Ông xin lỗi về thái độ khiếm nhã lúc nãy và khen tôi có đức tin mạnh mẽ. Chúng tôi đã chia tay cách vui vẻ”.
3. Tại sao không nên để người khác làm chúng ta nổi giận?
3 Ngày nay trong thế gian đầy dẫy áp lực, chúng ta không thể tránh gặp những người giận dữ, cả trong thánh chức. Trong trường hợp đó, chúng ta cần biểu lộ sự “hiền-hòa và kính-sợ” (1 Phi 3:15). Nếu anh được đề cập ở trên đã để sự giận dữ và thái độ không tốt của chủ nhà làm anh tức giận, thì rất có thể người đó không dịu đi như thế; thậm chí ông còn giận dữ hơn nữa. Nhờ anh biết tự chủ và nói năng cách ân hậu nên đã có kết quả tốt.
Điều gì giúp lời nói có ân hậu?
4. Tại sao lời nói ân hậu là quan trọng?
4 Dù giao tiếp với người ngoài hay người trong hội thánh, kể cả gia đình, chúng ta cần làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối” (Cô 4:6). Cách ăn nói dễ mến, phù hợp như thế là thiết yếu để có mối giao tiếp tốt và hòa thuận.
5. Giao tiếp tốt không có nghĩa là gì? Hãy minh họa.
5 Giao tiếp tốt không có nghĩa là bất cứ lúc nào cũng nói ra mọi cảm nghĩ của mình, nhất là khi bực tức. Kinh Thánh cho thấy không kiềm chế cơn giận là biểu hiện điểm yếu của một người, chứ không phải điểm mạnh. (Đọc Châm-ngôn 25:28; 29:11). Ông Môi-se, “người rất khiêm-hòa” hơn mọi người vào thời đó, có lần đã để sự phản nghịch của dân Y-sơ-ra-ên khiến ông nổi giận và không tôn vinh Đức Chúa Trời. Ông nói rõ cảm nghĩ của mình với họ, nhưng Đức Giê-hô-va không hài lòng về điều đó. Sau 40 năm lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, Môi-se không có đặc ân dẫn họ vào Đất Hứa.—Dân 12:3; 20:10, 12; Thi 106:32.
6. Khôn ngoan trong lời nói nghĩa là gì?
6 Kinh Thánh đề cao sự tự chủ và khôn ngoan hoặc sáng suốt trong việc nói năng: “Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu; nhưng ai cầm-giữ miệng mình là khôn-ngoan” (Châm 10:19; 17:27). Tuy nhiên, khôn ngoan trong lời nói không có nghĩa là không bao giờ bày tỏ cảm nghĩ, nhưng hàm ý nói năng “có ân-hậu”, dùng lưỡi để chữa lành thay vì gây tổn thương.—Đọc Châm-ngôn 12:18; 18:21.
“Có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra”
7. Chúng ta không nên nói những lời nào, và tại sao?
7 Chúng ta cần thể hiện sự tự chủ và ân hậu khi nói với đồng nghiệp hay với người lạ trong thánh chức. Chúng ta cũng cần làm thế trong hội thánh và trong gia đình. Nổi giận mà không nghĩ đến hậu quả có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho bản thân và người khác về mặt thiêng liêng, cảm xúc và thể chất (Châm 18:6, 7). Chúng ta phải kiềm chế những cảm xúc xấu, biểu hiện của bản chất bất toàn. Lời nói hành, chế giễu, nhiếc mắng và thạnh nộ vì thù ghét là sai trái (Cô 3:8; Gia 1:20). Những điều này có thể hủy hoại mối quan hệ quý báu với người khác và với Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su dạy: “Người nào giận anh em mình cũng phải bị xét xử; người nào nặng lời nhiếc mắng anh em cũng phải ra tòa; người nào nguyền rủa anh em sẽ bị lửa địa ngục [“Ghê-hen-na”, NW] hình phạt”.—Mat 5:22, Bản Diễn Ý.
8. Khi nào chúng ta phải bày tỏ cảm xúc, nhưng theo cách nào?
8 Tuy nhiên, có vài vấn đề chúng ta có thể thấy tốt nhất là nói ra. Nếu một anh chị đã nói hoặc làm điều gì khiến bạn buồn phiền đến độ không thể bỏ qua, đừng để cảm xúc thù ghét phát triển trong lòng (Châm 19:11). Nếu người nào làm bạn tức giận, hãy kiềm chế cảm xúc rồi thực hiện những bước cần thiết để giải quyết vấn đề. Phao-lô viết: “Chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn”. Vì bạn cứ phiền lòng về vấn đề ấy, hãy nói ra một cách tử tế vào lúc thích hợp. (Đọc Ê-phê-sô 4:26, 27, 31, 32). Hãy nói với anh chị đó một cách thẳng thắn nhưng có ân hậu, trong tinh thần giảng hòa.—Lê 19:17; Mat 18:15.
9. Tại sao chúng ta nên kiềm chế cảm xúc trước khi đến nói chuyện với người kia?
9 Dĩ nhiên, bạn nên cẩn thận chọn thời điểm thích hợp. Kinh Thánh nói: “Có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra” (Truyền 3:1, 7). Hơn nữa, “lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp” (Châm 15:28). Điều này có thể đòi hỏi bạn phải chờ đợi trước khi nói ra vấn đề. Nói ra khi còn tức giận có thể làm vấn đề tồi tệ hơn, nhưng để lâu cũng không khôn ngoan.
Hành động tử tế cải thiện mối quan hệ
10. Những hành động tử tế có thể cải thiện mối quan hệ như thế nào?
10 Lời nói ân hậu và giao tiếp tốt giúp bắt đầu và duy trì mối quan hệ hòa thuận. Trên thực tế, cố gắng hết sức để cải thiện mối quan hệ với người khác có thể giúp chúng ta dễ trò chuyện với họ hơn. Thành thật chủ động làm những điều tử tế cho người khác—tìm cơ hội để giúp đỡ, tặng quà, tỏ lòng hiếu khách—có thể tạo điều kiện để trò chuyện cởi mở. Làm thế có thể giúp chúng ta “lấy những than lửa đỏ” chất trên một người và khiến người đó thể hiện những tính tốt, nhờ vậy dễ nói ra để giải quyết vấn đề.—Rô 12:20, 21.
11. Gia-cốp chủ động làm hòa với Ê-sau như thế nào, và kết quả ra sao?
11 Tộc trưởng Gia-cốp hiểu điều này. Người anh song sinh là Ê-sau rất tức giận ông đến nỗi ông phải chạy trốn vì sợ Ê-sau sẽ giết mình. Sau nhiều năm, Gia-cốp trở về. Ê-sau cùng với 400 người đi gặp ông. Gia-cốp cầu xin Đức Giê-hô-va giúp. Rồi ông gửi tặng trước cho Ê-sau một bầy gia súc lớn. Món quà đã đạt được mục tiêu. Khi hai anh em gặp nhau, lòng của Ê-sau dịu lại, và ông chạy đến ôm Gia-cốp.—Sáng 27:41-44; 32:6, 11, 13-15; 33:4, 10.
Khuyến khích người khác bằng lời ân hậu
12. Tại sao chúng ta nên nói lời ân hậu với anh em?
12 Tín đồ Đấng Christ phụng sự Đức Chúa Trời, chứ không phải người ta. Nhưng chúng ta vẫn muốn được người khác yêu mến. Lời ân hậu của chúng ta có thể làm nhẹ bớt gánh nặng trong đời sống của anh em. Ngược lại, lời chỉ trích khắt khe có thể làm những gánh ấy nặng nề hơn, thậm chí khiến một số người hoang mang, không biết mình còn được Đức Giê-hô-va chấp nhận không. Vì vậy, chúng ta hãy chân thành nói những điều khích lệ với người khác, như Kinh Thánh khuyên: “Khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến”.—Ê-phê 4:29.
13. Các trưởng lão phải ghi nhớ điều gì (a) khi cho lời khuyên? (b) khi viết thư?
13 Đặc biệt các trưởng lão nên “nhu-mì” và đối xử yêu thương với bầy (1 Tê 2:7, 8). Khi cần cho lời khuyên, các trưởng lão cố gắng nói “cách mềm-mại”, ngay cả với những người “chống-trả” (2 Ti 2:24, 25). Các trưởng lão cũng nên dùng lời ân hậu khi viết thư cho hội đồng trưởng lão khác hoặc cho chi nhánh. Họ nên khéo léo và tử tế, phù hợp với lời được ghi nơi Ma-thi-ơ 7:12.
Nói năng cách ân hậu trong gia đình
14. Phao-lô đã cho người làm chồng lời khuyên nào, và tại sao?
14 Chúng ta thường không để ý đến tác động của lời nói, nét mặt và điệu bộ của mình đối với người khác. Chẳng hạn, một số người nam có thể không ý thức lời nói của họ tác động sâu sắc thế nào đến người nữ. Một chị cho biết: “Tôi rất sợ khi chồng tôi giận dữ cao giọng với tôi”. Lời nói nặng có thể tác động mạnh trên người nữ hơn là người nam, và người nữ có thể nhớ mãi lời ấy (Lu 2:19). Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp những lời ấy được thốt ra từ người mà người nữ yêu thương và muốn kính trọng. Phao-lô khuyên các người chồng: “Hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay-nghiệt với người”.—Cô 3:19.
15. Hãy minh họa cho thấy lý do người chồng nên đối xử dịu dàng với vợ.
15 Về phương diện này, một anh lập gia đình lâu năm đã nêu lên minh họa cho thấy lý do người chồng nên đối xử dịu dàng với vợ, như “giống yếu-đuối hơn”. Anh nói: “Đối với một cái bình quý và mong manh, bạn không được cầm chặt quá, nếu không nó có thể bị rạn nứt. Dù đã sửa lại, bạn vẫn thấy vết ấy. Nếu người chồng dùng lời quá nặng với vợ, anh có thể làm chị tổn thương, khiến cho tình cảm vợ chồng bị rạn nứt lâu dài”.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:7.
16. Người vợ có thể xây dựng gia đình như thế nào?
16 Người nam cũng có thể được khích lệ hoặc bị nản lòng vì lời nói của người khác, kể cả vợ mình. “Người vợ khôn-ngoan”—người mà chồng có thể thật sự “tin-cậy” —nghĩ đến cảm xúc của chồng, là điều chị muốn anh làm cho chị (Châm 19:14; 31:11). Thật thế, người vợ có thể ảnh hưởng nhiều trong gia đình, tốt hay xấu. Kinh Thánh nói: “Người nữ khôn-ngoan xây-cất nhà mình; song kẻ ngu-dại lấy tay mình mà phá-hủy nó đi”.—Châm 14:1.
17. (a) Người trẻ nên nói năng thế nào với cha mẹ? (b) Người lớn nên nói năng thế nào với người trẻ, và tại sao?
17 Tương tự, cha mẹ và con cái nên nói lời ân hậu với nhau (Mat 15:4). Khi nói với người trẻ, lòng quan tâm sẽ giúp chúng ta tránh ‘chọc cho chúng giận-dữ’ (Cô 3:21; Ê-phê 6:4). Ngay cả khi phải sửa phạt trẻ em, cha mẹ và các trưởng lão nên nói với các em cách tôn trọng. Như thế, người lớn giúp người trẻ dễ thay đổi đường lối và duy trì mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Cách đó thật tốt hơn biết bao, thay vì làm các em có cảm tưởng chúng ta xem chúng là quá tệ, khiến chúng bị mặc cảm. Người trẻ có thể không nhớ hết mọi lời khuyên, nhưng sẽ nhớ cách người khác nói với mình.
Thật lòng nói lời lành
18. Làm thế nào chúng ta có thể loại bỏ những suy nghĩ và cảm xúc có hại?
18 Kiềm chế cơn giận không đơn giản là ra vẻ bình tĩnh. Mục tiêu của chúng ta không chỉ là nén lại cảm xúc mạnh. Cố giữ vẻ bình tĩnh bên ngoài nhưng trong lòng sôi sục cơn giận sẽ khiến chúng ta rất căng thẳng. Điều đó cũng giống như cùng một lúc vừa rồ ga vừa đạp thắng. Xe chúng ta sẽ chịu sức ép mạnh và có thể hỏng. Vì thế, đừng nén sự giận trong lòng và sau đó để nó bùng nổ. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn loại bỏ những cảm xúc có hại. Hãy để thánh linh Đức Chúa Trời biến đổi lòng và trí của bạn theo ý Ngài.—Đọc Rô-ma 12:2; Ê-phê-sô 4:23, 24.
19. Các bước nào có thể giúp chúng ta tránh xung đột gay gắt?
19 Hãy làm những bước thiết thực. Nếu thấy mình ở trong tình huống căng thẳng và cơn giận đang dâng lên, có lẽ bạn nên rời khỏi nơi đó để cảm xúc có thời gian lắng dịu (Châm 17:14, Các Giờ Kinh Phụng Vụa). Nếu người kia bắt đầu nổi giận, hãy cố gắng nhiều hơn để nói lời ân hậu. Hãy nhớ rằng: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận; còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm” (Châm 15:1). Lời cay độc hoặc khiêu khích sẽ đổ thêm dầu vào lửa, cho dù nói với giọng nhẹ nhàng (Châm 26:21). Vậy, khi gặp tình huống thử thách tính tự chủ, bạn hãy “mau nghe mà chậm nói, chậm giận”. Hãy cầu xin thánh linh Đức Giê-hô-va giúp bạn nói điều lành, thay vì điều dữ.—Gia 1:19.
Thật lòng tha thứ
20, 21. Điều gì có thể giúp chúng ta tha thứ cho người khác, và tại sao chúng ta phải làm thế?
20 Đáng buồn là không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát lưỡi của mình (Gia 3:2). Dù cố gắng hết sức, ngay cả người trong gia đình hoặc anh em đồng đức tin thân yêu đôi khi cũng thốt ra những lời làm tổn thương chúng ta. Đừng vội giận, hãy kiên nhẫn phân tích xem vì sao họ nói như thế. (Đọc Truyền-đạo 7:8, 9). Phải chăng họ đang bị áp lực, lo sợ, không khỏe hoặc đang phấn đấu để vượt qua một vấn đề nào đó hoặc một vấn đề thuộc nội tâm không?
21 Những yếu tố đó không bào chữa cho việc nổi giận. Nhưng khi nhận ra những yếu tố ấy, chúng ta có thể hiểu tại sao đôi khi người ta nói hoặc làm điều không nên, và nhờ thế chúng ta dễ tha thứ. Tất cả chúng ta đều đã có những lời nói và hành động làm người khác đau lòng, và mong được họ rộng lòng tha thứ (Truyền 7:21, 22). Chúa Giê-su nói rằng để được Đức Chúa Trời tha thứ, chúng ta phải tha thứ người khác (Mat 6:14, 15; 18:21, 22, 35). Vì vậy, chúng ta nên nhanh chóng xin lỗi và sẵn sàng tha thứ, như thế duy trì được tình yêu thương—“dây liên-lạc của sự trọn-lành”—trong gia đình và trong hội thánh.—Cô 3:14.
22. Tại sao nỗ lực dùng lời ân hậu là đáng công?
22 Khi thế gian giận dữ hiện nay tiến gần đến sự kết liễu, việc duy trì niềm vui và sự hợp nhất có thể sẽ khó hơn. Áp dụng các nguyên tắc thực tiễn trong Lời Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta nói lời lành thay vì lời dữ. Chúng ta sẽ có những mối quan hệ hòa thuận hơn trong hội thánh và trong gia đình, và gương của chúng ta sẽ làm chứng tốt cho người khác về Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời hạnh-phước”.—1 Ti 1:11.
[Chú thích]
a Câu này nói: “Bắt đầu cãi cọ là như để cho nước vỡ bờ, hãy tránh xa trước khi cuộc tranh cãi bùng nổ”.
Bạn giải thích thế nào?
• Tại sao cần phải chọn thời điểm thích hợp để nói về vấn đề?
• Tại sao các thành viên trong gia đình nên luôn nói với nhau bằng lời “có ân-hậu”?
• Làm thế nào chúng ta có thể tránh nói điều gây tổn thương?
• Điều gì có thể giúp chúng ta tha thứ người khác?
[Các hình nơi trang 21]
Hãy để cảm xúc của bạn lắng dịu, rồi tìm dịp thích hợp để nói chuyện
[Hình nơi trang 23]
Người chồng nên luôn nói với vợ cách dịu dàng