Tận thế—Một số người nói gì?
“[Chúa Giê-su] đương ngồi trên núi Ô-li-ve, môn-đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”.—MA-THI-Ơ 24:3, Bản Truyền thống.
Bạn nghĩ đến điều gì khi nghe từ “tận thế”? Có lẽ bạn nghĩ đến một đại họa. Ngày nay, từ này thường được phương tiện truyền thông và các nhà lãnh đạo tôn giáo nói đến.
Quan điểm phổ biến về ngày tận thế có phù hợp với những gì Kinh Thánh dạy không? Việc tìm ra câu trả lời rất đáng công. Tại sao thế? Vì biết được sự thật về ngày tận thế sẽ giải thoát bạn khỏi nỗi sợ hãi không cần thiết, giúp bạn có cái nhìn tươi sáng về tương lai và tác động đến cách bạn suy nghĩ về Thượng Đế.
Hãy xem ba câu hỏi sau và so sánh các ý niệm phổ biến về tận thế với những gì Kinh Thánh thật sự dạy.
1. TẬN THẾ CÓ PHẢI LÀ THẢM HỌA DO CON NGƯỜI GÂY RA?
Các nhà báo và nhà nghiên cứu thường dùng từ “tận thế” để nói đến đại họa do con người gây ra. Chẳng hạn, họ dùng từ tận thế khi nói đến Thế chiến I và II. Sau các cuộc chiến này, nhân loại lo ngại Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết sẽ dùng vũ khí nguyên tử để đánh nhau. Các phương tiện truyền thông gọi cuộc xung đột có nguy cơ xảy ra này là “tận thế nguyên tử”. Ngày nay, các nhà nghiên cứu lo sợ nạn ô nhiễm sẽ khiến khí hậu trái đất thay đổi rất lớn. Họ cảnh báo về nguy cơ xảy ra “tận thế do biến đổi khí hậu”.
Quan điểm của họ ám chỉ gì? Con người có toàn quyền kiểm soát tương lai của trái đất và mọi sinh vật. Nếu các chính phủ không hành động khôn ngoan, trái đất sẽ bị thiệt hại vĩnh viễn.
Kinh Thánh dạy gì? Thượng Đế hay Đức Chúa Trời sẽ không để cho nhân loại hủy hoại trái đất. Kinh Thánh đảm bảo rằng Đức Giê-hô-vaa tạo ra trái đất “chẳng phải... là trống-không”, nhưng ngài dựng nên “để dân ở” (Ê-sai 45:18). Thay vì để con người tàn phá toàn thể hành tinh này, Đức Chúa Trời sẽ “hủy diệt những kẻ hủy hoại trái đất”.—Khải huyền 11:18.
2. TẬN THẾ CÓ PHẢI LÀ THẢM HỌA THIÊN NHIÊN?
Đôi khi các nhà báo gán từ “tận thế” cho thảm họa khốc liệt của thiên nhiên. Thí dụ, trong năm 2010, có một bài nói về “‘Tận thế’ ở Haiti”. Đó là trận động đất lớn tàn phá đất nước này, bài miêu tả nỗi đau khổ, sự thiệt hại và tổn thất nhân mạng tại đấy. Các nhà báo và nhà làm phim không chỉ dùng từ đó cho những biến cố đã xảy ra mà còn cho những biến cố họ lo sợ sẽ xảy đến. Chẳng hạn, họ dùng từ “tận thế” để miêu tả những hậu quả giả định nếu một thiên thạch đâm vào trái đất.
Quan điểm của họ ám chỉ gì? Tận thế là một biến cố ngẫu nhiên làm thiệt mạng nhiều người vô tội. Bạn không thể làm gì để bảo vệ mình.
Kinh Thánh dạy gì? Tận thế không phải là một sự hủy diệt vô tội vạ. Thật ra, chỉ người ác mới bị tiêu diệt mà thôi. Kinh Thánh hứa chẳng bao lâu nữa “kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem-xét chỗ hắn, thật không còn nữa”.—Thi-thiên 37:10.
3. TẬN THẾ CÓ PHẢI LÀ NGÀY THƯỢNG ĐẾ HỦY DIỆT TRÁI ĐẤT?
Nhiều người có đạo tin rằng sẽ có một cuộc chiến cuối cùng giữa bên thiện và bên ác, kết quả là hành tinh của chúng ta sẽ bị hủy diệt. Theo một cuộc thăm dò tại Hoa Kỳ do Viện nghiên cứu Princeton (Princeton Survey Research Associates) tiến hành, có 40% người được khảo sát tin rằng thế giới sẽ bị tận diệt khi “tận thế”.
Quan điểm của họ ám chỉ gì? Con người hiện hữu không phải để sống vĩnh cửu trên đất, trái đất không được tạo ra để tồn tại mãi mãi. Thượng Đế tạo ra loài người với ý định là họ sẽ chết.
Kinh Thánh dạy gì? Kinh Thánh nói rõ là Đức Chúa Trời, tức Thượng Đế “sáng-lập đất trên các nền nó; đất sẽ không bị rúng-động đến đời đời” (Thi-thiên 104:5). Về dân cư trên đất, Kinh Thánh nói: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi-thiên 37:29.
Rõ ràng, quan điểm của Kinh Thánh khác với ý niệm của nhiều người về tận thế. Vậy, đâu là sự thật?
[Chú thích]
a Trong Kinh Thánh, Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời.