Có thể tin vào những phép lạ ghi trong Kinh Thánh?
Nếu bạn nghe một câu chuyện đáng kinh ngạc, uy tín của người kể hẳn ảnh hưởng đến việc bạn có tin câu chuyện đó hay không. Sự tín nhiệm như vậy không chỉ liên quan đến cách người đó kể mà còn liên quan đến sự thành thật bấy lâu nay của người đó. Nói chung, nếu qua nhiều năm mà người đó luôn nói thật và chưa hề nói dối bạn, hẳn bạn có lý do chính đáng để tin lời người ấy.
Đối với những phép lạ trong Kinh Thánh cũng vậy. Không ai trong chúng ta sống vào lúc những biến cố đó xảy ra. Nhưng chúng ta có thể xác định những câu chuyện trong Kinh Thánh có đáng tin và chính xác hay không. Bằng cách nào? Sau đây là một số điểm cho thấy những lời tường thuật về phép lạ trong Kinh Thánh đáng tin cậy:
Nhiều phép lạ xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật. Có những lúc chúng được hàng ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu người chứng kiến (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:21-31; 19:16-19). Chúng không được thực hiện ở nơi bí mật, khuất xa tầm mắt của mọi người.
Những phép lạ rất đơn giản. Chẳng có đạo cụ đặc biệt hay màn trình diễn hào nhoáng, cũng chẳng có thủ thuật ánh sáng nào. Trong Kinh Thánh, phần lớn các phép lạ xảy ra khi có cuộc gặp gỡ tình cờ hoặc có người thỉnh cầu (Mác 5:25-29; Lu-ca 7:11-16). Trong những trường hợp đó, người làm phép lạ không thể dàn xếp sự việc.
Động cơ của những người làm phép lạ không phải là vinh hoa và danh lợi. Thay vì thế họ quy sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời (Giăng 11:1-4, 15, 40). Những ai tìm cách kiếm chác từ quyền năng kỳ diệu đều bị lên án.—2 Các Vua 5:15, 16, 20, 25-27; Công vụ 8:18-23.
Sự đa dạng của các phép lạ trong Kinh Thánh cho thấy chúng không đơn thuần là do con người. Ví dụ, biển yên và gió lặng, nước hóa thành rượu, khô hạn và mưa, người bệnh được khỏi và người mù được phục hồi thị lực. Những phép lạ đó và nhiều phép lạ khác cho thấy là phải có một quyền năng phi thường, có thể kiểm soát các hình thái tự nhiên, đứng đằng sau phép lạ.—1 Các Vua 17:1-7; 18:41-45; Ma-thi-ơ 8:24-27; Lu-ca 17:11-19; Giăng 2:1-11; 9:1-7.
Những kẻ chống đối đã chứng kiến phép lạ và không nghi ngờ điều đó. Khi Chúa Giê-su làm bạn mình là La-xa-rơ sống lại, kẻ thù của ngài không thắc mắc La-xa-rơ đã chết hay chưa. Sao lại thế? Vì La-xa-rơ đã được chôn bốn ngày rồi (Giăng 11:45-48; 12:9-11). Thậm chí hàng thế kỷ sau cái chết của Chúa Giê-su, những người viết kinh Talmud vẫn công nhận là ngài có quyền năng kỳ diệu. Họ chỉ thắc mắc về nguồn của những quyền năng đó. Cũng vậy, khi các sứ đồ của Chúa Giê-su bị giải đến trước tòa án Do Thái, người ta không hỏi rằng: “Các ngươi có làm phép lạ không?”, mà họ lại hỏi: “Các ngươi lấy quyền nào hay nhân danh ai mà làm điều đó?”.—Công vụ 4:1-13.
Vậy bạn có thể tin những gì Kinh Thánh nói về phép lạ không? Từ những điều vừa xem xét, rõ ràng là những lời Kinh Thánh tường thuật về phép lạ đều đáng tin cậy. Có một số lý do khác để tin những lời tường thuật này. Ví dụ, khi nhắc đến một biến cố thì Kinh Thánh thường cung cấp thời gian, nơi chốn và tên của những người liên quan. Ngay cả những nhà bình luận Kinh Thánh cũng ngạc nhiên trước tính chính xác của các chi tiết lịch sử trong sách. Hàng trăm lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm, đến cả chi tiết nhỏ nhất. Ngoài ra, Kinh Thánh chứa nhiều lời khuyên giúp con người có những mối quan hệ tốt đẹp—những lời khuyên có ích cho người ở mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Đối với mối quan hệ giữa người với người thì không gì sánh bằng việc áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh.
Nếu chưa thể hoàn toàn tin cậy Kinh Thánh, bạn có thể dành thời gian để xem xét sách này kỹ hơn không? Càng biết rõ, bạn sẽ càng tin cậy Kinh Thánh hơn (Giăng 17:17). Bạn sẽ thấy rằng mình có thể tin lời Kinh Thánh nói về các phép lạ đã xảy ra. Một khi đã tin những lời tường thuật đó, bạn sẽ có cơ sở để tin cậy những gì Kinh Thánh báo trước là sắp xảy ra trong tương lai.
[Hình nơi trang 7]
Những kẻ chống đối Chúa Giê-su không thắc mắc La-xa-rơ đã chết hay chưa