Hãy đến gần Đức Chúa Trời
Đức Giê-hô-va đòi hỏi bạn điều gì?
Đức Giê-hô-va mong đợi điều gì nơi những người muốn thờ phượng theo ý ngài? Có phải ngài đòi hỏi sự hoàn hảo nơi con người chúng ta? Nếu vậy thì làm sao chúng ta có thể làm hài lòng ngài? Hoặc ngài chỉ mong đợi điều mà chúng ta có thể làm? Lời giải đáp cho những câu hỏi ấy là quan trọng để chúng ta tìm được niềm vui trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem những lời tóm tắt của nhà tiên tri Mi-chê về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời.—Đọc Mi-chê 6:8.
“Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện”. Chúng ta không cần phải đoán Đức Chúa Trời mong đợi điều gì nơi chúng ta. Đức Chúa Trời cho chúng ta biết những đòi hỏi của ngài một cách rõ ràng trong Kinh Thánh. Điều Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta “là thiện”. Không thể nào khác được vì “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” nên ngài chân thành muốn điều tốt nhất cho chúng ta (1 Giăng 4:8; 5:3). Khi làm theo các đòi hỏi của ngài, chúng ta không những làm hài lòng ngài mà còn nhận được lợi ích.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13.
“Điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi” là gì? Đức Chúa Trời có quyền đòi hỏi điều gì nơi chúng ta không? Dĩ nhiên là có! Là Nguồn và đấng duy trì sự sống, chúng ta nợ ngài sự vâng lời (Thi-thiên 36:9). Vậy, ngài đòi hỏi chúng ta điều gì? Mi-chê tóm tắt những đòi hỏi của Đức Chúa Trời bằng ba cụm từ. Hai cụm từ đầu tiên chủ yếu nói đến cách cư xử của chúng ta với người đồng loại, cụm từ thứ ba nói đến mối quan hệ giữa chúng ta và Đức Chúa Trời.
“Làm sự công-bình”. Tài liệu tham khảo cho biết, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “công-bình” cũng “bao hàm những mối quan hệ đúng đắn và công bằng trong cộng đồng”. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta đối xử với người khác một cách đúng đắn và công bằng theo tiêu chuẩn của ngài. Chúng ta làm thế qua việc không thiên vị, ngay thẳng và chân thật khi đối xử với người khác (Lê-vi Ký 19:15; Ê-sai 1:17; Hê-bơ-rơ 13:18). Nếu chúng ta đối xử công bằng với người khác, có thể họ được thôi thúc đáp lại giống như vậy.—Ma-thi-ơ 7:12.
“Ưa sự nhân từ”. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta không chỉ bày tỏ mà còn ưa sự nhân từ. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “nhân từ” (cheʹsedh) cũng có thể dịch là “yêu thương nhân từ” hoặc “yêu thương trung tín”. Một học giả Kinh Thánh cho biết: “Yêu thương, thương xót và nhân từ” không giải thích đủ nghĩa của từ [cheʹsedh]; từ này không ám chỉ một trong ba đức tính ấy mà bao gồm tất cả”. Nếu ưa sự nhân từ, chúng ta sẵn lòng thể hiện điều đó và cảm thấy vui khi hỗ trợ những người cần chúng ta giúp đỡ. Kết quả là chúng ta cảm nghiệm được niềm hạnh phúc qua việc ban cho.—Công vụ 20:35.
“Bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời”. Trong Kinh Thánh, cụm từ “bước đi” có nghĩa là “theo một đường lối nào đó”. Chúng ta bước đi cùng Đức Chúa Trời qua việc theo đuổi lối sống mà ngài đã nêu ra trong Kinh Thánh. Chúng ta cần “khiêm-nhường” để theo đuổi lối sống như thế. Tại sao? Khi khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta hiểu rõ vị thế của mình là gì so với ngài và nhận biết giới hạn của mình. Vì vậy, “bước đi cách khiêm-nhường” nghĩa là có quan điểm thực tế về điều gì ngài đòi hỏi, điều gì chúng ta có thể dâng cho ngài.
Biết ơn thay, Đức Giê-hô-va không bao giờ đòi hỏi nhiều hơn điều chúng ta có thể dâng cho ngài. Ngài vui lòng khi thấy chúng ta cố gắng hết mình để phụng sự ngài (Cô-lô-se 3:23). Ngài hiểu những giới hạn của chúng ta (Thi-thiên 103:14). Khi chấp nhận những giới hạn ấy một cách khiêm nhường, chúng ta sẽ tìm được niềm vui khi bước đi với ngài. Tại sao không tìm hiểu về cách bạn có thể bắt đầu bước đi với Đức Chúa Trời? Lối sống ấy mang lại ân phước dồi dào đến từ Đức Chúa Trời.—Châm-ngôn 10:22.
Phần đọc Kinh Thánh trong tháng mười một: