BÀI TRANG BÌA: BẠN CÓ NÊN SỢ TẬN THẾ?
Tận thế—Sợ hãi, thích thú, thất vọng
Bạn cảm thấy thế nào về ngày 21 tháng 12 năm 2012, ngày theo lịch Maya, nhiều người nói toàn thế giới sẽ thay đổi? Dựa theo điều bạn mong, có lẽ bạn cảm thấy nhẹ nhõm, thất vọng hoặc dửng dưng. Một lần nữa, đây có phải là sự phỏng đoán sai về “tận thế”?
“Tận thế” hay thời điểm kết thúc được miêu tả trong Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, thì sao? (Ma-thi-ơ 24:3, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Một số người sợ rằng trái đất sẽ bị đốt cháy. Số khác thì thích thú không biết điều gì sẽ xảy ra vào lúc đó. Nhiều người mệt mỏi vì cứ nghe nói tận thế sắp đến. Nhưng phản ứng như thế có hợp lý không?
Có lẽ bạn ngạc nhiên khi biết Kinh Thánh thật sự nói gì về “tận thế”. Kinh Thánh không những đưa ra các lý do để mong đợi điều này mà còn nói về sự mệt mỏi của một số người khi thấy thời điểm này lâu đến. Chúng tôi mời bạn xem xét lời giải đáp của Kinh Thánh cho một số câu hỏi thông thường liên quan đến đề tài này.
Trái đất sẽ bị đốt cháy không?
KINH THÁNH GIẢI ĐÁP: “[Đức Chúa Trời] sáng-lập đất trên các nền nó; đất sẽ không bị rúng-động đến đời đời”.—THI-THIÊN 104:5.
Trái đất sẽ không bị tiêu hủy bằng lửa hoặc bằng bất cứ cách nào khác. Thay vì thế, Kinh Thánh cho biết hành tinh này là ngôi nhà vĩnh cửu của nhân loại. Câu Thi-thiên 37:29 nói: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi-thiên 115:16; Ê-sai 45:18.
Sau khi tạo ra trái đất, Đức Chúa Trời phán rằng trái đất “rất tốt-lành”, và ngài vẫn cảm thấy như thế (Sáng-thế Ký 1:31). Thay vì có ý định tiêu hủy trái đất, ngài hứa sẽ “hủy diệt những kẻ hủy hoại trái đất và sẽ bảo vệ nó khỏi sự tổn hại vĩnh viễn.—Khải huyền 11:18.
Tuy nhiên, bạn có thể thắc mắc về câu 2 Phi-e-rơ 3:7. Câu này nói: “Trời đất hiện nay để dành lại cho lửa”. Điều này chẳng phải cho thấy trái đất sẽ bị đốt cháy sao? Thật ra, đôi khi Kinh Thánh dùng các cụm từ “trời”, “trái đất” và “lửa” theo nghĩa tượng trưng. Chẳng hạn, Thi-thiên 66:4 nói: “Cả trái đất sẽ thờ lạy Chúa”. Từ “trái đất” ở đây nói đến xã hội loài người.
Bối cảnh của câu 2 Phi-e-rơ 3:7 cho thấy cụm từ trời, đất và lửa được đề cập ở đây cũng mang nghĩa tượng trưng. Câu 5 và 6 có sự tương đồng với trận Nước Lụt thời Nô-ê. Lúc bấy giờ, thế gian thời xưa bị hủy diệt, nhưng hành tinh của chúng ta không biến mất. Thay vì thế, trận Nước Lụt tẩy sạch xã hội hay “đất” hung bạo. Trận Nước Lụt ấy cũng hủy diệt “trời”, tức những người cai trị xã hội ấy (Sáng-thế Ký 6:11). Tương tự thế, 2 Phi-e-rơ 3:7 báo trước sự hủy diệt vĩnh viễn như thể bằng lửa đối với xã hội hung ác này cùng chính phủ bại hoại của nó.
Điều gì xảy ra lúc tận thế?
KINH THÁNH GIẢI ĐÁP: “Thế gian cùng những ham muốn của nó đang qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—1 GIĂNG 2:17.
“Thế gian” sẽ qua đi, không phải trái đất, nhưng là thế gian loài người không sống phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. Giống như một bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính để cứu bệnh nhân, Đức Chúa Trời sẽ “diệt” người ác để người tốt có thể thật sự hưởng đời sống trên đất (Thi-thiên 37:9). Theo nghĩa này, “tận thế” là điều lạc quan.
Quan điểm tích cực như vậy về “tận thế” hàm ý trong các bản dịch Kinh Thánh khi cụm từ này được dịch là “kỳ cuối cùng của thời đại này” hoặc “sự kết thúc thời đại này” (Ma-thi-ơ 24:3; Douay). Vì nhân loại và trái đất tồn tại qua thời điểm này, không hợp lý sao khi cho rằng thời đại mới sẽ nối tiếp? Kinh Thánh trả lời là có, vì Kinh Thánh nói về “thế giới mới sẽ đến”.—Lu-ca 18:30.
Chúa Giê-su gọi thời kỳ tương lai đó là “thời kỳ đổi mới muôn vật”. Lúc ấy, Chúa Giê-su sẽ khôi phục tình trạng ban đầu mà Đức Chúa Trời đã định cho loài người (Ma-thi-ơ 19:28). Bấy giờ chúng ta sẽ vui hưởng
Địa đàng mang đến sự an toàn và thịnh vượng cho mọi người.—Ê-sai 35:1; Mi-chê 4:4.
Công việc đầy ý nghĩa và thỏa nguyện.—Ê-sai 65:21-23.
Mọi bệnh tật sẽ được chữa lành.—Ê-sai 33:24.
Người già được trẻ lại.—Gióp 33:25.
Người chết được sống lại.—Giăng 5:28, 29.
Nếu chúng ta làm theo “ý muốn Đức Chúa Trời”, tức điều ngài đòi hỏi, chúng ta không cần phải sợ tận thế. Thay vì vậy, chúng ta có thể mong chờ thời điểm ấy.
“Tận thế” thật sự sắp đến không?
KINH THÁNH GIẢI ĐÁP: “Khi anh em thấy những điều ấy xảy ra, hãy biết rằng Nước Đức Chúa Trời đã đến gần”.—LU-CA 21:31.
Trong sách nói về những ngày cuối cùng cứ tái diễn (The Last Days Are Here Again), giáo sư Richard Kyle viết rằng “sự thay đổi bất thình lình và xã hội hỗn loạn khiến người ta phỏng đoán về tận thế”. Đặc biệt điều này xảy ra khi có sự thay đổi và hỗn loạn dường như khó giải thích.
Tuy nhiên, các nhà tiên tri nói về thời điểm kết thúc đã không cố giải thích những biến cố khó hiểu trong thời của họ. Thay vì thế, họ được Đức Chúa Trời hướng dẫn để miêu tả tình trạng của thời điểm kết thúc sắp đến. Hãy xem xét một số lời tiên tri này và chính bạn thấy chúng có ứng nghiệm trong thời chúng ta không.
Chiến tranh, đói kém, động đất và dịch bệnh chết người.—Ma-thi-ơ 24:7; Lu-ca 21:11.
Tội ác gia tăng đáng kể.—Ma-thi-ơ 24:12.
Con người hủy hoại trái đất.—Khải huyền 11:18.
Người ta yêu bản thân, ham tiền, ham mê lạc thú nhưng không yêu mến Đức Chúa Trời.—2 Ti-mô-thê 3:2, 4.
Gia đình tan vỡ.—2 Ti-mô-thê 3:2, 3.
Thờ ơ trước những bằng chứng về thời điểm kết thúc sắp đến.—Ma-thi-ơ 24:37-39.
Tin mừng về Nước Đức Chúa Trời được rao truyền khắp đất.—Ma-thi-ơ 24:14.
Như Chúa Giê-su nói, khi “thấy mọi điều ấy”, chúng ta biết thế gian này sắp kết thúc (Ma-thi-ơ 24:33). Nhân Chứng Giê-hô-va thấy những bằng chứng ấy có sức thuyết phục, và họ chia sẻ niềm tin của mình với người khác qua việc rao giảng trong 236 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việc phỏng đoán sai về tận thế có nghĩa là nó sẽ không bao giờ đến?
KINH THÁNH GIẢI ĐÁP: “Khi nào người ta nói ‘Hòa bình và an ninh!’ thì lúc ấy sự hủy diệt sẽ thình lình ập đến trên họ, như cơn đau chuyển dạ đến với người nữ mang thai; họ sẽ không thể nào tránh khỏi”.—1 TÊ-SA-LÔ-NI-CA 5:3.
Kinh Thánh ví sự hủy diệt thế gian này với cơn đau chuyển dạ của người mẹ. Bà không thể tránh được cơn đau và nó sẽ đến bất thình lình. Thời gian dẫn đến thời điểm kết thúc cũng giống như tình trạng của thai phụ vì người mẹ nhận ra dấu hiệu sinh càng lúc càng nhiều. Bác sĩ có thể đoán được ngày sinh, nhưng nếu ngày đó chậm trễ thì người mẹ vẫn biết chắc con mình sắp chào đời. Tương tự thế, dù tận thế chưa đến như người ta mong đợi, nhưng điều này không thay đổi sự thật là chúng ta đang sống trong “ngày sau cùng”.—2 Ti-mô-thê 3:1.
Có lẽ bạn thắc mắc: “Nếu dấu hiệu của thời điểm kết thúc quá rõ ràng, thì tại sao nhiều người không nhận ra?”. Kinh Thánh cho thấy khi thời điểm này đến gần, nhiều người sẽ xem nhẹ những chứng cớ. Thay vì nhận ra các thay đổi chính yếu trong những ngày sau cùng, họ sẽ chế giễu: “Từ ngày tổ phụ chúng ta an giấc, mọi thứ vẫn còn nguyên như từ lúc tạo ra thế gian” (2 Phi-e-rơ 3:3, 4). Nói cách khác, dấu hiệu về ngày sau cùng là quá rõ ràng nhưng nhiều người sẽ lờ đi.—Ma-thi-ơ 24:38, 39.
Bài này xem xét chỉ vài bằng chứng trong Kinh Thánh cho thấy thời điểm kết thúc đang đến gầna. Bạn có muốn biết thêm không? Nếu có, sao không liên hệ với Nhân Chứng Giê-hô-va để tìm hiểu Kinh Thánh miễn phí? Việc này có thể thực hiện tại nhà bạn, tại nơi thuận tiện khác, hoặc ngay cả qua điện thoại. Phí tổn duy nhất mà bạn phải trả là thời gian, và bạn có thể nhận được biết bao lợi ích vô giá.
a Để biết thêm thông tin, xin xem chương 9, “Phải chăng chúng ta đang sống trong những ‘ngày sau-rốt’?” trong sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.