“Phúc âm Giu-đa” là gì?
Tháng tư năm 2006, báo chí toàn cầu đồng loạt tung ra bản tin gây sửng sốt. Một nhóm học giả giới thiệu nội dung của văn bản cổ vừa được khám phá có tên “Phúc âm Giu-đa”. Theo những bài báo này, các học giả cho rằng văn bản đó hoàn toàn thay đổi sự hiểu biết về nhân vật Giu-đa, môn đồ phản Chúa Giê-su. Theo lời họ, Giu-đa thật ra là một anh hùng, sứ đồ hiểu Chúa Giê-su nhất, đã giao nộp Chúa Giê-su cho người ta hành hình theo yêu cầu của ngài.
Văn bản này có xác thực không? Nếu có, nó có tiết lộ sự hiểu biết từng được giấu kín về các nhân vật lịch sử như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, Chúa Giê-su hoặc các tín đồ thời ban đầu? Liệu văn bản này có nên thay đổi quan điểm của chúng ta về Chúa Giê-su và những dạy dỗ của ngài không?
PHÁT HIỆN “PHÚC ÂM GIU-ĐA”
“Phúc âm Giu-đa” được phát hiện thế nào là điều chưa rõ. Thay vì được các nhà khảo cổ phát hiện và báo cáo, tài liệu này đột nhiên xuất hiện trên thị trường đồ cổ vào cuối thập niên 1970 hoặc đầu thập niên 1980. Rất có thể nó được tìm thấy ở Ai Cập vào năm 1978 trong ngôi mộ hoang, có lẽ trong một hang động. Văn bản này là một trong bốn văn bản nằm trong một sách cổ chép tay viết bằng tiếng Copt (ngôn ngữ bắt nguồn từ tiếng Ai Cập cổ).
Được bảo quản hàng thế kỷ trong khí hậu khô ở Ai Cập, nên giờ đây cuốn sách cổ bọc da này nhanh chóng bị hư hại. Vài học giả được xem qua sách này vào năm 1983, nhưng giá đưa ra thì cao ngất ngưởng nên không ai mua. Thêm nhiều năm bị lãng quên và không được lưu trữ đúng cách, sách này càng bị hư hại nhanh. Năm 2000, một phụ nữ Thụy Sĩ buôn đồ cổ đã mua rồi giao cho nhóm chuyên gia quốc tế hoạt động dưới sự tài trợ của một quỹ vì nghệ thuật cổ (Maecenas Foundation for Ancient Art) và Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ. Nhóm này có nhiệm vụ phức tạp là khôi phục và tái tạo cuốn sách cổ giờ đây đã rời thành nhiều mảnh. Nhóm cũng phải xác định niên đại, dịch và giải nghĩa nội dung của sách.
Phương pháp định tuổi bằng carbon-14 cho biết sách này dường như có từ thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư công nguyên (CN). Tuy nhiên, các học giả phỏng đoán văn bản tiếng Copt của “Phúc âm Giu-đa” được dịch từ nguyên ngữ tiếng Hy Lạp trước đó rất lâu. Vậy, ban đầu “Phúc âm Giu-đa” được viết ra vào thời gian và trong bối cảnh nào?
“PHÚC ÂM GIU-ĐA”—PHÚC ÂM CỦA NGƯỜI THEO THUYẾT NGỘ ĐẠO
Lần đầu tiên sự tồn tại của tác phẩm gọi là “Phúc âm Giu-đa” được nhắc đến là trong sách của ông Irenaeus, giám mục ở thành Lyons, sống vào cuối thế kỷ thứ hai CN. Irenaeus phản đối sự dạy dỗ của nhiều nhóm và trong tác phẩm Against Heresies, ông viết về một nhóm: “Họ cho rằng Giu-đa, kẻ phản bội..., chỉ mình hắn biết sự thật còn những người khác thì không biết như hắn nên hắn mới có thể thực hiện sự mầu nhiệm của việc phản bội. Vì Giu-đa mà mọi thứ, trên trời lẫn dưới đất, rơi vào tình trạng hoang mang. Họ bịa ra câu chuyện hoang đường như vậy rồi đặt tên là Phúc âm Giu-đa”.
“Sách không được viết vào thời của Giu-đa do ai đó biết rõ về ông”
Ông Irenaeus nhắm vào việc bác bỏ các dạy dỗ của những tín đồ theo thuyết ngộ đạo vốn cho rằng mình có sự hiểu biết đặc biệt. Thuyết ngộ đạo là thuật ngữ chung nói đến nhiều nhóm với cách hiểu và thông giải riêng về “sự thật” của Ki-tô giáo. Người theo thuyết này ủng hộ sự thông giải dựa trên các sách của đạo. Các sách ấy xuất hiện nhiều vào thế kỷ thứ hai CN.
Những “phúc âm” như thế của người theo thuyết ngộ đạo thường cho rằng những sứ đồ nổi bật của Chúa Giê-su hiểu nhầm thông điệp của ngài, và có một bí mật trong những điều ngài dạy mà chỉ vài người được chọn mới hiểua. Một số người theo thuyết này tin rằng thế giới vật chất là ngục tù. Thế nên, “đấng tạo hóa” trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ là vị thần có địa vị thấp hơn và chống lại các vị thần hoàn hảo. Người có “sự hiểu biết” thật thì mới hiểu được “bí mật” này và cố tìm sự giải thoát khỏi thể vật chất.
Niềm tin đó phản ánh trong “Phúc âm Giu-đa” với câu mở đầu: “Lời bí mật trong tuyên bố mà Chúa Giê-su nói với Giu-đa Ích-ca-ri-ốt trong tám ngày, kết thúc trước khi ngài cử hành Lễ Vượt Qua ba ngày”.
Văn bản cổ này có phải là văn bản mà ông Irenaeus đã nói đến, vốn được cho rằng bị thất lạc trong nhiều thế kỷ? Ông Marvin Meyer, thành viên của nhóm đầu tiên phân tích và dịch văn bản cổ, nói rằng “lời miêu tả ngắn [của Irenaeus] khá phù hợp với văn bản hiện tại bằng tiếng Copt được gọi là Phúc âm Giu-đa”.
NHÂN VẬT GIU-ĐA TRONG PHÚC ÂM NÀY—CUỘC TRANH CÃI GIỮA CÁC HỌC GIẢ
Trong “Phúc âm Giu-đa”, Chúa Giê-su cười khinh miệt khi các môn đồ thiếu sự hiểu biết đúng đắn. Nhưng Giu-đa là người duy nhất trong 12 sứ đồ cho thấy ông hiểu bản tính thật của Chúa Giê-su. Thế nên, Chúa Giê-su nói riêng với ông về “những mầu nhiệm của nước trời”.
Khi lần đầu tái tạo văn bản cổ, nhóm học giả trên đã bị chi phối nhiều bởi lời miêu tả của ông Irenaeus về “phúc âm” này. Trong bản dịch ấy, Chúa Giê-su xem Giu-đa là môn đồ duy nhất sẽ hiểu những mầu nhiệm và “đạt đến nước trời”. Các sứ đồ lầm lạc đã tìm người thay Giu-đa, nhưng Giu-đa sẽ trở thành “thần linh thứ mười ba”, “có địa vị cao hơn tất cả [các môn đồ khác]” vì Chúa Giê-su nói Giu-đa sẽ giúp ngài thoát khỏi thân thể này.
Ông Bart Ehrman và bà Elaine Pagels là tác giả của các sách bán chạy nhất, cũng là học giả uy tín về đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu và thuyết ngộ đạo. Họ mau chóng phát hành sách phân tích và bình luận về “Phúc âm Giu-đa”. Sách này rất giống nội dung văn bản mà nhóm ban đầu tái tạo. Tuy nhiên, không lâu sau, các học giả khác, như bà April DeConick và ông Birger Pearson, bày tỏ nỗi lo ngại. Họ cho rằng vì muốn độc quyền, nên Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ vội vã công bố nội dung của văn bản cổ này. Ngoài ra, tiến trình phân tích kỹ lưỡng, đánh giá của các chuyên gia trong ngành trước lúc xuất bản đã bị bỏ qua, vì nhóm được yêu cầu ký thỏa thuận bảo mật thông tin.
Không ai trong số các học giả phân tích văn bản này cho rằng nó có thông tin lịch sử chính xác
Làm việc độc lập, nhưng DeConick và Pearson đều kết luận rằng một số phần then chốt trong những mảnh của văn bản cổ này đã bị các học giả trước dịch sai. Theo văn bản do DeConick tái tạo, Chúa Giê-su gọi Giu-đa là “Ác thần Thứ mười ba”, chứ không phải “thần linh thứ mười ba”b. Chúa Giê-su cũng tuyên bố Giu-đa chắc chắn sẽ không lên được “nước trời”. Thay vì có “địa vị cao hơn tất cả” các môn đồ khác, Chúa Giê-su nói với Giu-đa: “Anh sẽ làm tệ hơn tất cả các người kia”, rồi Chúa Giê-su tiên tri Giu-đa sẽ giết thân thể ngài. Theo DeConick, “Phúc âm Giu-đa” là tác phẩm cổ mà những người viết dùng để châm biếm tất cả các sứ đồ. DeConick và Pearson kết luận dứt khoát rằng trong “Phúc âm Giu-đa” này, Giu-đa không phải là anh hùng.
CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ “PHÚC ÂM GIU-ĐA”?
Bất kể họ xem Giu-đa trong phúc âm này là anh hùng hay ác thần, không ai trong số các học giả phân tích văn bản này cho rằng nó có thông tin lịch sử chính xác. Ông Bart Ehrman giải thích: “Người viết phúc âm này không phải là Giu-đa hoặc tự nhận là Giu-đa... Sách không được viết vào thời của Giu-đa do ai đó biết rõ về ông... Vì thế, nó không phải là sách giúp chúng ta có thêm thông tin về những gì thật sự xảy ra vào thời Chúa Giê-su”.
“Phúc âm Giu-đa” là sách của người theo thuyết ngộ đạo, ban đầu viết bằng tiếng Hy Lạp có lẽ vào thế kỷ thứ hai CN. Liệu “Phúc âm Giu-đa” mới được phát hiện này giống văn bản mà Irenaeus nhắc đến hay không vẫn đang được các học giả tranh cãi. Nhưng “Phúc âm Giu-đa” chứng tỏ một điều quan trọng, đó là có thời kỳ “đạo Đấng Ki-tô” đặt ra giáo lý riêng, dẫn đến việc chia rẽ thành nhiều giáo phái. Thay vì chứng tỏ Kinh Thánh sai, “Phúc âm Giu-đa” thật ra xác nhận lời cảnh báo của các sứ đồ, như lời Phao-lô nơi Công vụ 20:29, 30: “Tôi biết rằng sau khi tôi ra đi..., trong vòng anh em, sẽ có người giảng dạy những điều sai lệch để lôi kéo môn đồ theo họ”.
a Các sách “phúc âm” ấy thường mang tên người được cho là hiểu rõ hơn những điều Chúa Giê-su dạy, như trường hợp “Phúc âm Thô-ma” và “Phúc âm Ma-ri Ma-đơ-len”. Tổng cộng có khoảng 30 văn bản cổ như thế.