Quý trọng lòng trung tín và khoan dung của Đức Giê-hô-va
“Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha-thứ cho, ban sự nhân-từ dư-dật cho những người kêu-cầu cùng Chúa”.—THI 86:5.
1, 2. (a) Tại sao chúng ta quý trọng những người bạn trung thành và khoan dung? (b) Chúng ta sẽ giải đáp những câu hỏi nào?
Theo bạn, thế nào là người bạn chân chính? Một nữ tín đồ tên Ashley nói: “Với tôi, người bạn chân chính là người luôn có mặt khi mình cần và tha thứ khi mình mắc lỗi”. Tất cả chúng ta đều quý trọng những người bạn trung thành và khoan dung. Họ làm chúng ta cảm thấy yên tâm và được yêu thương.—Châm 17:17.
2 Đức Giê-hô-va là Bạn trung tín và khoan dung nhất của chúng ta. Đó chính là cảm nhận của người viết Thi-thiên. Ông nói: “Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha-thứ cho, ban sự nhân-từ [hay “yêu thương thành tín”, NW] dư-dật cho những người kêu-cầu cùng Chúa” (Thi 86:5). Trung tín và khoan dung là gì? Đức Giê-hô-va thể hiện hai đức tính tuyệt vời này ra sao? Làm thế nào chúng ta có thể noi gương ngài? Giải đáp những câu hỏi ấy sẽ giúp chúng ta gia tăng lòng yêu mến Bạn tốt nhất của chúng ta, Đức Giê-hô-va, đồng thời giúp chúng ta củng cố tình bạn với nhau.—1 Giăng 4:7, 8.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ĐẤNG TRUNG TÍN
3. Trung tín là gì?
3 Trung tín là đức tính đáng quý, bao hàm sự gắn bó và trung thành không lay chuyển. Người trung thành là người trước sau như một, luôn gắn bó với người mình yêu mến ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn. Đức Giê-hô-va là “Đấng trung tín” nhất.—Khải 16:5.
4, 5. (a) Đức Giê-hô-va thể hiện sự trung tín như thế nào? (b) Việc suy ngẫm về các hành động trung tín của Đức Giê-hô-va củng cố chúng ta ra sao?
4 Đức Giê-hô-va thể hiện lòng trung tín như thế nào? Ngài không bao giờ từ bỏ những tôi tớ trung tín. Một tôi tớ của ngài là vua Đa-vít đã cảm nghiệm điều đó. Ông viết: “Ngài tín trung với kẻ tín trung” (2 Sa 22:26, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Trong những lúc Đa-vít gặp thử thách, Đức Giê-hô-va luôn hướng dẫn, che chở và giải cứu ông (2 Sa 22:1). Trong cuộc đời của mình, Đa-vít thấy rõ ngài không chỉ biểu lộ sự trung tín qua lời nói, mà còn qua hành động. Tại sao ngài trung tín với Đa-vít? Vì ông là người trung tín. Đức Giê-hô-va rất quý lòng trung tín của tôi tớ ngài và đáp lại bằng cách biểu lộ sự trung tín với họ.—Châm 2:6-8.
5 Chúng ta được vững mạnh khi suy ngẫm về các hành động trung tín của Đức Giê-hô-va. Một anh trung thành tên Reed nói: “Đọc về cách Đức Giê-hô-va đối xử với Đa-vít khi ông gặp gian nan đã giúp tôi rất nhiều. Ngay cả khi Đa-vít chạy trốn, sống chui lủi trong những hang đá, Đức Giê-hô-va vẫn luôn gìn giữ ông. Điều đó khích lệ tôi rất nhiều! Kinh nghiệm của Đa-vít nhắc tôi nhớ rằng dù hoàn cảnh ra sao, tình thế có vẻ vô vọng thế nào, Đức Giê-hô-va sẽ ở cùng tôi miễn là tôi trung thành với ngài”. Hẳn bạn cũng cảm thấy như thế.—Rô 8:38, 39.
6. Đức Giê-hô-va thể hiện lòng trung tín qua những cách nào khác, và người thờ phượng ngài nhận được lợi ích ra sao?
6 Đức Giê-hô-va còn thể hiện lòng trung tín qua những cách nào khác? Ngài luôn giữ đúng theo tiêu chuẩn của ngài. Ngài trấn an chúng ta: “Cho đến khi các ngươi già nua cao tuổi, Ta vẫn là Đấng ấy” (Ê-sai 46:4, Đặng Ngọc Báu). Mọi quyết định của Đức Giê-hô-va đều dựa trên những tiêu chuẩn không thay đổi của ngài về điều đúng và điều sai (Mal 3:6). Ngài cũng thể hiện sự trung tín bằng cách luôn giữ lời hứa (Ê-sai 55:11). Vì thế, sự trung tín của Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích cho tất cả những người trung thành thờ phượng ngài. Như thế nào? Khi cố gắng theo sát tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin chắc rằng ngài sẽ thực hiện lời hứa là ban phước cho chúng ta.—Ê-sai 48:17, 18.
NOI GƯƠNG TRUNG TÍN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
7. Một cách chúng ta có thể noi gương trung tín của Đức Giê-hô-va là gì?
7 Chúng ta có thể noi gương trung tín của Đức Giê-hô-va như thế nào? Một cách là giúp đỡ những người gặp khó khăn (Châm 3:27). Chẳng hạn, bạn có biết một anh chị bị nản lòng, có lẽ do vấn đề sức khỏe, sự chống đối từ gia đình hoặc nhược điểm cá nhân? Hãy chủ động giúp anh chị đó bằng “những lời lành, những lời yên-ủi”a (Xa 1:13). Khi làm thế, bạn chứng tỏ là người bạn trung thành và chân chính, người “tríu-mến hơn anh em ruột”.—Châm 18:24.
8. Làm thế nào chúng ta có thể noi gương trung tín của Đức Giê-hô-va, chẳng hạn như trong hôn nhân?
8 Chúng ta cũng có thể noi gương trung tín của Đức Giê-hô-va bằng cách sống một lòng với những người mình yêu thương. Chẳng hạn, nếu đã kết hôn, chúng ta biết mình phải chung thủy với bạn đời (Châm 5:15-18). Vì thế, chúng ta cần tránh bất cứ điều gì có thể khiến mình phạm tội ngoại tình (Mat 5:28). Ngoài ra, chúng ta cũng trung thành với anh em đồng đạo bằng cách tránh thày lay hoặc vu khống, không lan truyền hoặc nghe những chuyện tiêu cực.—Châm 12:18.
9, 10. (a) Trên hết, chúng ta muốn trung thành với ai? (b) Tại sao vâng theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va không luôn dễ?
9 Trên hết, chúng ta muốn trung thành với Đức Giê-hô-va. Chúng ta làm thế bằng cách nào? Bằng cách có cùng quan điểm với ngài, tức yêu những gì ngài yêu và ghét những gì ngài ghét, cũng như sống phù hợp với quan điểm đó. (Đọc Thi-thiên 97:10). Càng uốn nắn tư tưởng và cảm xúc của mình sao cho phù hợp với tư tưởng và cảm xúc của Đức Giê-hô-va, chúng ta càng muốn vâng theo mệnh lệnh của ngài.—Thi 119:104.
10 Dĩ nhiên, vâng theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va không luôn dễ. Có thể chúng ta phải tranh đấu để giữ lòng trung thành. Chẳng hạn, một số tín đồ độc thân có thể muốn kết hôn nhưng chưa tìm được người bạn đời phù hợp trong vòng dân Đức Giê-hô-va (1 Cô 7:39). Có thể một chị độc thân luôn được bạn đồng nghiệp không tin đạo cố gắng làm mai. Có lẽ chị phải tranh đấu với cảm giác cô đơn, nhưng chị vẫn quyết tâm giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va. Chẳng phải chúng ta rất quý những gương trung thành như thế sao? Chắc chắn, Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho tất cả những ai trung thành với ngài dù gặp khó khăn.—Hê 11:6.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ĐẤNG KHOAN DUNG
11. Khoan dung là gì?
11 Khoan dung là một trong những đức tính thu hút nhất của Đức Giê-hô-va. Khoan dung là gì? Về cơ bản, khoan dung là không cưu mang hờn giận người phạm lỗi với mình. Khoan dung không có nghĩa là dung túng hay phủ nhận lỗi lầm. Thay vì thế, người khoan dung quyết định bỏ đi sự oán giận. Kinh Thánh dạy rằng Đức Giê-hô-va “sẵn tha-thứ cho” những người thật lòng ăn năn.—Thi 86:5.
12. (a) Đức Giê-hô-va thể hiện lòng khoan dung như thế nào? (b) Tội lỗi của một người được “xóa sạch” có nghĩa gì?
12 Đức Giê-hô-va thể hiện lòng khoan dung như thế nào? Ngài “tha-thứ dồi-dào”, tha thứ hoàn toàn và vĩnh viễn (Ê-sai 55:7). Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va tha thứ hoàn toàn? Hãy xem lời đảm bảo nơi Công vụ 3:19. (Đọc). Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến giục người nghe “ăn năn và quay trở lại”. Người thật lòng ăn năn thì hối hận về hành vi sai trái của mình và quyết tâm không tái phạm (2 Cô 7:10, 11). Hơn nữa, lòng ăn năn thúc đẩy người ấy “quay trở lại”, tức từ bỏ đường lối sai trái và theo đuổi đường lối đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nếu những người nghe Phi-e-rơ thật sự ăn năn, họ sẽ nhận được lợi ích nào? Phi-e-rơ nói rằng tội lỗi của họ sẽ được “xóa sạch”. Thật vậy, khi Đức Giê-hô-va tha thứ, ngài xóa hết dấu vết của tội lỗi. Ngài tha thứ hoàn toàn.—Hê 10:22; 1 Giăng 1:7.
13. Những lời ‘Ta sẽ chẳng nhớ tội chúng nó nữa’ đảm bảo với chúng ta điều gì?
13 Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va tha thứ vĩnh viễn? Hãy xem lời tiên tri của Giê-rê-mi liên quan đến giao ước mới, được lập với những tín đồ được xức dầu. Nhờ giao ước này, những người thể hiện đức tin nơi giá chuộc có thể được thật sự tha tội. (Đọc Giê-rê-mi 31:34). Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ tha sự gian-ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa”. Như vậy, ngài đảm bảo với chúng ta rằng một khi tha thứ, ngài sẽ không bao giờ kết án chúng ta về tội ấy nữa. Ngài không nhắc lại tội của chúng ta để tiếp tục trừng phạt. Thay vì thế, ngài vĩnh viễn quên đi tội lỗi ấy.—Rô 4:7, 8.
14. Chúng ta được an ủi thế nào khi suy ngẫm về lòng khoan dung của Đức Giê-hô-va? Hãy cho ví dụ.
14 Chúng ta được an ủi khi suy ngẫm về lòng khoan dung của Đức Giê-hô-va. Hãy xem kinh nghiệm của một chị, tạm gọi là Elaine. Nhiều năm trước chị bị khai trừ, nhưng sau vài năm chị được nhận lại. Chị Elaine thừa nhận: “Dù tôi nói với bản thân và người khác rằng tôi tin mình đã được Đức Giê-hô-va tha thứ, nhưng tôi luôn cảm thấy ngài có phần cách xa tôi, hoặc thấy người khác gần gũi với ngài hơn và ngài có thật với họ hơn”. Tuy nhiên, chị Elaine được an ủi khi suy ngẫm một số hình ảnh mà Kinh Thánh dùng để miêu tả lòng khoan dung của Đức Giê-hô-va. Chị nói: “Tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va đối xử yêu thương và dịu dàng với tôi theo cách mà trước đó tôi chưa từng cảm nhận”. Chị đặc biệt cảm động với ý tưởng: “Khi Đức Giê-hô-va tha thứ, chúng ta không nên cảm thấy mình phải mang vết nhơ tội lỗi ấy suốt đời”b. Chị Elaine cho biết: “Tôi nhận ra là mình đã không tin Đức Giê-hô-va có thể hoàn toàn tha thứ cho mình và tưởng rằng mình sẽ mãi mãi mang gánh nặng ấy. Tôi biết là cần có thời gian, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy mình có thể đến gần Đức Giê-hô-va hơn và thấy nhẹ nhõm hơn”. Đức Chúa Trời là đấng yêu thương và khoan dung biết bao!—Thi 103:9.
BẮT CHƯỚC LÒNG KHOAN DUNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
15. Làm thế nào chúng ta bắt chước lòng khoan dung của Đức Giê-hô-va?
15 Chúng ta có thể bắt chước lòng khoan dung của Đức Giê-hô-va bằng cách sẵn sàng tha thứ cho người khác. (Đọc Lu-ca 17:3, 4). Hãy nhớ rằng khi tha thứ, Đức Giê-hô-va quên tội của chúng ta theo nghĩa là không bao giờ nhắc lại để kết án chúng ta nữa. Khi tha thứ cho người khác, chúng ta quên đi lỗi của họ, không nhắc lại nữa.
16. (a) Có phải khoan dung nghĩa là dung túng hoặc để người khác lợi dụng mình? Hãy giải thích. (b) Để được Đức Giê-hô-va tha thứ, chúng ta phải làm gì?
16 Khoan dung không có nghĩa là dung túng tội lỗi hoặc để người khác lợi dụng mình. Về cơ bản nó có nghĩa là bỏ đi sự oán giận. Hãy lưu ý là để được Đức Chúa Trời tha thứ, chúng ta phải bắt chước lòng khoan dung của ngài trong cách đối xử với người khác (Mat 6:14, 15). Đức Giê-hô-va nhớ rằng chúng ta là người bất toàn, được nắn “bằng bụi-đất” (Thi 103:14). Vì thế, khi người khác phạm lỗi với mình, chẳng phải chúng ta nên nhớ rằng họ cũng là người bất toàn sao? Điều này sẽ giúp chúng ta sẵn lòng tha thứ cho họ.—Ê-phê 4:32; Cô 3:13.
17. Nếu bị một anh chị làm tổn thương, điều gì có thể giúp chúng ta tha thứ cho họ?
17 Dĩ nhiên, tha thứ là điều không luôn dễ. Ngay cả một số tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất cũng thấy khó giải quyết các mối bất đồng (Phi-líp 4:2). Nếu bị một anh chị làm tổn thương, điều gì có thể giúp chúng ta tha thứ cho họ? Hãy xem trường hợp của Gióp. Những người “bạn” của ông là Ê-li-pha, Binh-đát và Sô-pha đến chỉ trích và buộc tội ông một cách vô cớ, điều này khiến ông bị tổn thương nặng nề (Gióp 10:1; 19:2). Cuối cùng, Đức Giê-hô-va khiển trách họ. Ngài chỉ thị cho họ đến gặp Gióp và dâng lễ vật chuộc tội (Gióp 42:7-9). Nhưng ngài cũng yêu cầu Gióp làm một điều, đó là cầu nguyện cho họ. Gióp đã làm thế, và Đức Giê-hô-va ban phước cho ông vì đã thể hiện lòng khoan dung. (Đọc Gióp 42:10, 12, 16, 17). Bài học cho chúng ta là gì? Cầu nguyện chân thành cho người phạm lỗi với mình có thể giúp chúng ta bỏ đi sự oán giận.
TIẾP TỤC TÌM HIỂU VÀ BẮT CHƯỚC CÁC ĐỨC TÍNH CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
18, 19. Chúng ta quyết tâm làm gì?
18 Chắc chắn, chúng ta được khích lệ sau khi xem xét các đức tính tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va. Chúng ta đã thấy ngài là đấng dễ gần, không thiên vị, rộng rãi, phải lẽ, trung tín và khoan dung. Dĩ nhiên, đó chỉ là sự hiểu biết rất ít về ngài. Chúng ta sẽ vui thích tìm hiểu thêm về Đức Giê-hô-va từ nay cho đến đời đời (Truyền 3:11). Hẳn chúng ta đồng ý với những lời của sứ đồ Phao-lô: “Sâu thẳm thay là sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời!”. Đó là chưa kể đến tình yêu thương và sáu đức tính mà chúng ta đã xem xét.—Rô 11:33.
19 Mong sao chúng ta tiếp tục tìm hiểu, suy ngẫm và bắt chước các đức tính tuyệt vời của Đức Giê-hô-va (Ê-phê 5:1). Khi làm thế, chúng ta sẽ càng yêu thương ngài và đến gần ngài hơn. Chúng ta sẽ có cùng tâm tình với người viết Thi-thiên: “Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời”.—Thi 73:28.
a Một số gợi ý về điều này được đăng trong bài “Gần đây, bạn có khích lệ ai không?” trong Tháp Canh ngày 15-1-1995 và bài “Làm sao khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành?” trong Tháp Canh ngày 1-4-1995.
b Xin xem sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, chương 26, đoạn 10.