Các anh chăn bầy, hãy noi gương hai đấng chăn chiên vĩ đại nhất
“Đấng Ki-tô đã chịu khổ vì anh em và để lại một gương mẫu, hầu anh em theo sát dấu chân ngài”.—1 PHI 2:21.
1, 2. (a) Khi chiên được chăm sóc tốt thì kết quả là gì? (b) Tại sao nhiều người vào thời Chúa Giê-su giống như chiên không có người chăn?
Cừu, hay chiên, sẽ khỏe mạnh khi được người chăn luôn quan tâm chăm sóc. Theo một cẩm nang hướng dẫn cách chăn nuôi cừu, nếu “một người chỉ đưa cừu tới đồng cỏ rồi bỏ mặc mà không ngó ngàng đến chúng, thì vài năm sau rất có thể người đó sẽ sở hữu những chú cừu bệnh hoạn và không sinh lợi”. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc tốt thì bầy cừu sẽ mạnh khỏe.
2 Tương tự, khi các trưởng lão quan tâm và chăm sóc chu đáo cho từng chiên thì cả hội thánh sẽ được lợi ích. Hãy nhớ lại việc Chúa Giê-su động lòng thương xót đám đông vì “họ bị hà hiếp và bỏ rơi như chiên không có người chăn” (Mat 9:36). Tại sao họ rơi vào tình trạng đáng thương đó? Vì những người có trách nhiệm dạy Luật pháp Đức Chúa Trời đã khắc nghiệt và đạo đức giả. Thay vì giúp đỡ và chăm sóc các thành viên trong bầy, giới lãnh đạo tôn giáo đã chất “gánh nặng” lên vai bầy chiên.—Mat 23:4.
3. Các trưởng lão cần nhớ điều gì khi thực thi vai trò người chăn?
3 Những người chăn trong đạo Đấng Ki-tô thời nay, tức các trưởng lão, có một trọng trách. Bầy chiên mà họ được giao chăm sóc thuộc về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, đấng gọi mình là “người chăn chiên tốt lành” (Giăng 10:11). Bầy chiên được “mua với giá cao” bằng “huyết báu” của Chúa Giê-su (1 Cô 6:20; 1 Phi 1:18, 19). Ngài yêu thương chiên nhiều đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên. Các trưởng lão cần luôn nhớ rằng họ là những người chăn phụ, dưới sự giám sát của Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su, “đấng chăn chiên vĩ đại”.—Hê 13:20.
4. Bài này sẽ xem xét điều gì?
4 Các anh chăn bầy nên đối xử với chiên như thế nào? Các thành viên trong hội thánh được khuyên là “vâng lời những người đang dẫn đầu” trong vòng họ. Còn các trưởng lão được khuyên là tránh “cai trị những người thuộc về sản nghiệp của Đức Chúa Trời” (Hê 13:17; đọc 1 Phi-e-rơ 5:2, 3). Vậy, làm thế nào các trưởng lão có thể dẫn đầu mà không cai trị bầy? Nói cách khác, làm thế nào các trưởng lão có thể chăm lo nhu cầu của chiên mà không vượt quyền Đức Chúa Trời giao?
‘NGÀI ẴM CHIÊN VÀO LÒNG’
5. Hình ảnh nơi Ê-sai 40:11 cho thấy gì về Đức Giê-hô-va?
5 Nhà tiên tri Ê-sai nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ-từ dắt các chiên cái đương cho bú” (Ê-sai 40:11). Hình ảnh này cho thấy Đức Giê-hô-va luôn chăm sóc nhu cầu của những chiên yếu đuối và cô thế. Như người chăn để ý đến nhu cầu cụ thể của mỗi chiên và sẵn sàng đáp ứng, Đức Giê-hô-va để ý đến nhu cầu của các tôi tớ trong hội thánh và vui lòng cung cấp những gì họ cần. Như người chăn ẵm chiên con vào lòng nếu cần, “Cha đầy lòng thương xót” cũng “bồng ẵm” chúng ta qua những chặng đường chông gai. Ngài an ủi khi chúng ta gặp thử thách cam go.—2 Cô 1:3, 4.
6. Trưởng lão có thể noi gương Đức Giê-hô-va như thế nào?
6 Quả là bài học tuyệt vời mà các anh chăn bầy có thể học được từ Cha trên trời! Như Đức Giê-hô-va, trưởng lão phải để ý đến nhu cầu của chiên. Chỉ khi biết chiên đang gặp thử thách nào và có nhu cầu gì thì anh mới có thể khích lệ và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết (Châm 27:23). Điều này có nghĩa là trưởng lão phải dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe anh em đồng đạo. Dù tôn trọng sự riêng tư của các anh chị trong hội thánh, nhưng trưởng lão quan sát và nghe ngóng để biết tình hình của họ và sẵn sàng “giúp đỡ những người yếu đuối”.—Công 20:35; 1 Tê 4:11.
7. (a) Chiên của Đức Chúa Trời bị đối xử thế nào vào thời Ê-xê-chi-ên và Giê-rê-mi? (b) Các trưởng lão có thể rút ra bài học nào từ lời lên án của Đức Giê-hô-va?
7 Hãy xem thái độ của những người chăn mà Đức Chúa Trời lên án. Vào thời Ê-xê-chi-ên và Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va lên án những người có trách nhiệm chăm sóc chiên nhưng lại bỏ bê nhiệm vụ. Không có ai canh chừng, bầy chiên bị hiếp đáp và tan lạc. Thay vì “chăn-nuôi chiên”, những người ấy bóc lột chiên và “chỉ nuôi mình” (Ê-xê 34:7-10; Giê 23:1). Ngày nay, giới lãnh đạo của khối Ki-tô giáo cũng đáng bị lên án vì những lý do tương tự. Các trưởng lão có thể rút ra bài học nào? Họ phải chăm sóc bầy của Đức Giê-hô-va một cách yêu thương và chu đáo.
“TÔI ĐÃ NÊU GƯƠNG CHO ANH EM”
8. Chúa Giê-su nêu gương nào trong việc sửa lại thái độ sai của người khác?
8 Vì bất toàn, một số chiên của Đức Chúa Trời có thể chậm hiểu những điều ngài đòi hỏi nơi họ. Có thể họ không làm theo lời khuyên của Kinh Thánh, hoặc hành động theo cách thiếu thành thục về thiêng liêng. Trưởng lão nên phản ứng thế nào? Họ nên noi gương kiên nhẫn của Chúa Giê-su. Dù các môn đồ nhiều lần cãi nhau xem ai lớn nhất trong Nước Trời, nhưng ngài không bao giờ giận dữ với họ. Ngài tiếp tục dạy dỗ và cho họ lời khuyên yêu thương về việc thể hiện tính khiêm nhường (Lu 9:46-48; 22:24-27). Qua việc rửa chân cho môn đồ, Chúa Giê-su cung cấp một bài học thực tế về sự khiêm nhường, một đức tính mà các giám thị đạo Đấng Ki-tô cần thể hiện.—Đọc Giăng 13:12-15; 1 Phi 2:21.
9. Chúa Giê-su khuyên các môn đồ tránh khuynh hướng nào?
9 Gia-cơ và Giăng từng thể hiện quan điểm không đúng về vai trò của người chăn. Hai sứ đồ này tìm kiếm vị trí cao trong Nước Trời. Chúa Giê-su đã sửa sai họ khi nói: “Như anh em biết, vua chúa trong các dân thống trị dân mình, còn những người quyền thế thì dùng quyền hành để cai quản dân. Nhưng anh em không nên như vậy; ai muốn làm lớn trong anh em thì phải là người phục vụ anh em” (Mat 20:25, 26). Các sứ đồ cần kháng cự khuynh hướng “thống trị” anh em, tức luôn sai bảo họ.
10. Chúa Giê-su muốn các trưởng lão đối xử với bầy ra sao, và Phao-lô nêu gương nào về điều này?
10 Chúa Giê-su mong muốn các trưởng lão đối xử với bầy theo cách mà ngài đã làm. Họ phải sẵn sàng phục vụ anh em, chứ không phải mong đợi anh em phục vụ mình. Sứ đồ Phao-lô có thái độ khiêm nhường như thế, vì ông nói với các trưởng lão trong hội thánh ở Ê-phê-sô: “Anh em biết rõ từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến vùng A-si-a, tôi ăn ở như thế nào giữa anh em, ấy là hầu việc Chúa với tất cả lòng khiêm nhường”. Phao-lô muốn các trưởng lão giúp đỡ người khác một cách khiêm nhường và tận tình. Ông nói: “Trong mọi việc, tôi đã cho anh em thấy rằng anh em phải chịu khó như thế để giúp đỡ những người yếu đuối” (Công 20:18, 19, 35). Phao-lô nói với anh em ở Cô-rinh-tô rằng ông không cai trị đức tin của họ. Thay vì thế, ông là một cộng sự khiêm nhường, muốn mang lại niềm vui cho họ (2 Cô 1:24). Phao-lô nêu gương tốt cho các trưởng lão ngày nay về tính khiêm nhường và siêng năng.
“THEO SÁT LỜI ĐÁNG TIN CẬY CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”
11, 12. Làm thế nào các trưởng lão có thể giúp một anh em đưa ra quyết định?
11 Trưởng lão phải “theo sát lời đáng tin cậy của Đức Chúa Trời khi dùng nghệ thuật giảng dạy” (Tít 1:9). Nhưng anh làm vậy với “tinh thần mềm mại” (Ga 6:1). Thay vì cố ép anh em hành động theo cách nào đó, người chăn tốt sẽ tìm cách động đến lòng họ. Chẳng hạn, khi một anh xin lời khuyên để quyết định một vấn đề quan trọng, trưởng lão có thể đưa ra nguyên tắc Kinh Thánh mà anh ấy nên xem xét. Trưởng lão có thể cùng anh ấy ôn lại thông tin liên quan đến đề tài này trong ấn phẩm. Trưởng lão cũng có thể khuyến khích anh ấy xét xem mỗi lựa chọn sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Trưởng lão có thể nhấn mạnh với anh ấy về tầm quan trọng của việc cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn trước khi quyết định (Châm 3:5, 6). Sau khi thảo luận những điều đó, anh trưởng lão nên để cho anh ấy tự quyết định.—Rô 14:1-4.
12 Các trưởng lão chỉ có quyền khuyên bảo dựa trên Kinh Thánh. Vì thế, họ cần khéo dùng Kinh Thánh và theo sát những lời trong đó. Làm thế sẽ giúp trưởng lão tránh lạm quyền. Suy cho cùng, họ chỉ là người chăn phụ, và mỗi thành viên trong hội thánh sẽ khai trình với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về các quyết định của họ.—Ga 6:5, 7, 8.
“NÊU GƯƠNG CHO CẢ BẦY”
13, 14. Trưởng lão phải nêu gương cho bầy trong các lĩnh vực nào?
13 Sau khi khuyên trưởng lão không “cai trị” những người được giao cho họ, sứ đồ Phi-e-rơ khuyến giục họ “nêu gương cho cả bầy” (1 Phi 5:3). Bằng cách nào trưởng lão có thể nêu gương cho bầy? Hãy xem hai điều kiện mà một anh “đang vươn tới trách nhiệm giám thị” cần đạt đến. Thứ nhất, anh cần “biết suy xét”, tức hiểu rõ các nguyên tắc của Đức Chúa Trời và biết cách áp dụng vào đời sống cá nhân. Anh cần bình tĩnh khi đối mặt với các tình huống khó và cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Thứ hai, anh phải “khéo cai quản nhà mình”. Nếu đã có gia đình, trưởng lão phải cai quản tốt nhà mình, vì “nếu một người không biết cai quản nhà mình thì làm sao chăm lo hội thánh của Đức Chúa Trời?” (1 Ti 3:1, 2, 4, 5). Khi thể hiện các phẩm chất này, trưởng lão sẽ được các anh chị trong hội thánh tin cậy.
14 Dẫn đầu trong công việc rao giảng là khía cạnh khác mà các trưởng lão cần làm gương cho anh em đồng đạo. Về điều này, Chúa Giê-su nêu gương cho các trưởng lão. Rao giảng tin mừng về Nước Trời là một phần quan trọng trong các hoạt động trên đất của ngài. Ngài chỉ cho các môn đồ cách thực hiện công việc này (Mác 1:38; Lu 8:1). Ngày nay, thật khích lệ cho các anh chị khi được rao giảng cùng với trưởng lão, được thấy lòng sốt sắng của họ trong công việc cứu mạng này và học cách dạy dỗ của họ! Khi thấy trưởng lão thường dành thì giờ và năng lực cho công việc rao giảng dù có thời gian biểu bận rộn, cả hội thánh sẽ được thúc đẩy để noi theo. Các trưởng lão cũng có thể nêu gương tốt cho anh em bằng cách chuẩn bị và tham gia vào các buổi nhóm họp cũng như các hoạt động khác, như dọn dẹp và bảo trì Phòng Nước Trời.—Ê-phê 5:15, 16; đọc Hê-bơ-rơ 13:7.
“NÂNG ĐỠ NGƯỜI YẾU ĐUỐI”
15. Các trưởng lão thăm chiên vì một số lý do nào?
15 Người chăn tốt thì nhanh chóng hành động để giúp đỡ khi chiên bị thương hoặc bệnh. Tương tự, các trưởng lão cần hành động nhanh chóng để giúp đỡ những anh chị bị đau khổ hoặc cần sự khích lệ hay lời khuyên. Các anh chị lớn tuổi hoặc bị bệnh có lẽ cần được quan tâm về nhu cầu thể chất, nhưng đặc biệt họ cần được giúp đỡ và khích lệ về thiêng liêng (1 Tê 5:14). Những anh chị trẻ trong hội thánh có thể đang đương đầu với thử thách, như kháng cự “những đam mê của tuổi trẻ” (2 Ti 2:22). Vì thế, chăn bầy bao hàm việc thăm chiên để biết các thành viên trong hội thánh đang đương đầu với vấn đề nào, và khích lệ họ bằng những lời khuyên phù hợp dựa trên Kinh Thánh. Nếu xử lý kịp thời thì nhiều vấn đề sẽ được giải quyết trước khi trở nên trầm trọng.
16. Khi một thành viên trong hội thánh cần được giúp đỡ về thiêng liêng, các trưởng lão có thể làm gì?
16 Nói sao nếu vấn đề kéo dài đến mức đe dọa sức khỏe thiêng liêng của một thành viên trong hội thánh? Môn đồ Gia-cơ hỏi: “Có ai trong anh em đang đau bệnh không? Người ấy hãy mời các trưởng lão hội thánh đến, để họ cầu nguyện và nhân danh Đức Giê-hô-va mà xức dầu cho mình. Lời cầu nguyện với đức tin sẽ giúp người bệnh được lành, và Đức Giê-hô-va sẽ nâng người ấy dậy. Ngoài ra, nếu người ấy có phạm tội thì sẽ được tha” (Gia 5:14, 15). Ngay cả khi một anh chị bị bệnh về thiêng liêng không “mời các trưởng lão” đến, nhưng nếu biết được vấn đề, các trưởng lão sẽ lập tức đến giúp. Khi cầu nguyện cho anh em, cầu nguyện với anh em và hỗ trợ khi họ cần, trưởng lão chứng tỏ là nguồn khoan khoái và khích lệ về thiêng liêng cho chiên mà họ chăm sóc.—Đọc Ê-sai 32:1, 2.
17. Khi các trưởng lão noi gương “người chăn chiên vĩ đại” thì kết quả là gì?
17 Trong mọi việc, các anh chăn bầy cố gắng noi gương “người chăn chiên vĩ đại” là Chúa Giê-su Ki-tô. Nhờ sự trợ giúp về thiêng liêng đến từ các anh có trách nhiệm, bầy chiên được nhiều lợi ích và tiếp tục phát triển. Về tất cả những điều này, chúng ta biết ơn và được thúc đẩy để ngợi khen Đấng Chăn Chiên có một không hai, Đức Giê-hô-va.