BÀI TRANG BÌA | LÀM SAO ĐỂ VUI THÍCH TRONG CÔNG VIỆC?
Làm sao để vui thích công việc khó nhọc?
“Ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Truyền-đạo 3:13). Nếu Đức Chúa Trời muốn chúng ta vui hưởng công việc, chẳng phải điều hợp lý là ngài cũng cho chúng ta biết cách để có được niềm vui ấy hay sao? (Ê-sai 48:17). Vui mừng thay, ngài cho chúng ta biết qua Lời ngài là Kinh Thánh. Hãy xem những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh để tìm được sự thỏa nguyện trong công việc.
VUN TRỒNG QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ CÔNG VIỆC
Dù bạn làm việc trí óc, tay chân hay cả hai thì hãy nhận ra là “các thứ công-việc đều có ích-lợi” (Châm-ngôn 14:23). Như thế nào? Một lợi ích là công việc khó nhọc giúp chúng ta chăm lo các nhu cầu vật chất. Đức Chúa Trời hứa sẽ cung cấp những thứ cần thiết cho những người thật lòng thờ phượng ngài (Ma-thi-ơ 6:31, 32). Tuy nhiên, ngài cũng muốn chúng ta làm phần của mình là cố gắng kiếm sống cách lương thiện và chăm chỉ.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10.
Do đó, chúng ta có thể xem công việc là cách để đạt được mục tiêu. Làm việc là một cách đáng quý để hoàn tất trách nhiệm của mình. Anh Joshua, 25 tuổi, nói: “Tự chu cấp cho bản thân là một thành quả. Nếu bạn có thể chi trả cho những thứ cần thiết, thì công việc bạn đang làm đã đạt được đúng mục đích của nó”.
Hơn nữa, làm việc khó nhọc giúp bạn có lòng tự trọng. Dù sao thì đó cũng là công việc khó nhọc. Khi rèn luyện bản thân tận tụy với công việc, dù có vẻ nhàm chán hoặc khó làm, chúng ta có thể thỏa nguyện khi biết rằng mình đã giữ được tiêu chuẩn cao. Chúng ta đã chiến thắng khuynh hướng né tránh việc nặng (Châm-ngôn 26:14). Theo nghĩa này, công việc mang lại cảm giác vô cùng thỏa nguyện. Anh Aaron được đề cập ở bài trước cho biết: “Tôi thích cảm giác sau một ngày dài làm việc. Dù mệt nhoài và có lẽ không ai để ý đến công việc của tôi, nhưng tôi biết mình đã đạt được điều gì đó”.
CHÚ TÂM VÀO CÔNG VIỆC
Kinh Thánh đề cao “người giỏi giang khéo léo” và người nữ “vui vẻ ra tay làm việc” (Châm-ngôn 22:29; 31:13, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Dĩ nhiên, không ai tự nhiên trở nên giỏi giang khéo léo. Ít người thích làm những việc mà mình không thành thạo. Có thể đó là lý do mà nhiều người không thích công việc của mình, chỉ đơn giản là họ không nỗ lực để trở nên thành thạo trong công việc.
Trên thực tế, chúng ta có thể học cách vui thích hầu như bất cứ loại công việc nào nếu có quan điểm đúng đắn, tức là tập trung học cách làm tốt công việc. Anh William, 24 tuổi, nói: “Khi hết mình làm việc và thấy được kết quả, bạn sẽ rất mãn nguyện. Bạn sẽ không bao giờ có được cảm giác ấy nếu chỉ làm qua loa hoặc làm cho có”.
TẬP TRUNG VÀO LỢI ÍCH MÀ CÔNG VIỆC CỦA BẠN MANG LẠI CHO NGƯỜI KHÁC
Đừng chỉ nghĩ đến việc kiếm được bao nhiêu tiền. Thay vì thế, hãy tự hỏi: “Tại sao công việc này là cần thiết? Điều gì sẽ xảy ra nếu công việc không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng cách? Công việc của mình mang lại lợi ích thế nào cho người khác?”.
Hãy đặc biệt lưu ý đến câu hỏi cuối, vì công việc thường thỏa nguyện nhiều nhất khi chúng ta thấy nó mang lại lợi ích cho người khác. Chính Chúa Giê-su nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công vụ 20:35). Ngoài những người trực tiếp hưởng lợi ích từ công việc khó nhọc của chúng ta, chẳng hạn như khách hàng và chủ, còn có những người khác cũng nhận được lợi ích. Trong đó có các thành viên gia đình và những người cần giúp đỡ.
Thành viên gia đình. Khi làm việc cực nhọc để chu cấp cho cả nhà, người chủ gia đình mang lại ít nhất hai lợi ích. Thứ nhất, anh đảm bảo là gia đình nhận được những thứ cần thiết như thức ăn, quần áo và chỗ ở. Nhờ đó, anh hoàn thành vai trò Đức Chúa Trời giao là “chu cấp cho những người mình có trách nhiệm chăm sóc” (1 Ti-mô-thê 5:8). Thứ hai, người chủ gia đình siêng năng nêu gương về tầm quan trọng của việc lao động khó nhọc. Anh Shane được đề cập ở bài trước nói: “Cha tôi là gương mẫu xuất sắc về thái độ làm việc tốt. Cha là người lương thiện, làm việc cực nhọc cả đời. Nghề chính của ông là thợ mộc. Qua gương của cha, tôi học được giá trị của việc lao động bằng chính đôi tay mình, làm ra những thứ mang lại lợi ích thực tế cho người khác”.
Những người cần giúp đỡ. Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô “hãy chịu khó chịu nhọc... để có gì đó chia sẻ với người thiếu thốn” (Ê-phê-sô 4:28). Thật vậy, khi làm việc khó nhọc để chu cấp cho bản thân và gia đình, chúng ta cũng có thể giúp những người khó khăn hơn (Châm-ngôn 3:27). Quả thật, làm việc khó nhọc có thể giúp chúng ta trải nghiệm hạnh phúc lớn lao của việc ban cho.
LÀM NHIỀU HƠN MỨC ĐÒI HỎI
Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói: “Nếu người có quyền hành bắt anh em đi phục vụ họ một dặm, hãy đi với họ hai dặm” (Ma-thi-ơ 5:41). Bạn có thể áp dụng nguyên tắc này vào công việc của mình như thế nào? Thay vì chỉ làm cho có, hãy tìm cách để làm hơn mức đòi hỏi. Hãy đặt ra những mục tiêu riêng, tự thử thách bản thân bằng cách làm tốt hơn hoặc nhanh hơn mức mong đợi. Hãy tự hào ngay cả đối với những chi tiết nhỏ trong công việc.
Khi làm hơn mức đòi hỏi, rất có thể bạn sẽ vui thích công việc hơn. Tại sao? Vì chính bạn kiểm soát việc làm của mình. Bạn làm nhiều hơn vì bạn muốn, chứ không phải do bị ép buộc (Phi-lê-môn 14). Liên quan đến điều này, chúng ta hãy nhớ nguyên tắc nơi Châm-ngôn 12:24: “Tay người siêng-năng sẽ cai-trị; nhưng tay kẻ biếng-nhác phải phục-dịch”. Trên thực tế, ít ai trong chúng ta phải làm nô lệ hoặc phục dịch. Tuy nhiên, người nào chỉ làm cho có sẽ cảm thấy mình là nô lệ, luôn phải làm theo đòi hỏi của người khác. Nhưng ai làm hơn mức đòi hỏi vì muốn làm thế sẽ cảm thấy mình làm chủ cuộc đời. Người đó sẽ luôn kiểm soát được việc làm của mình.
ĐẶT CÔNG VIỆC Ở ĐÚNG CHỖ
Làm việc khó nhọc thật đáng công, nhưng hãy nhớ là cuộc sống không chỉ có công việc. Thật vậy, Kinh Thánh khuyến khích làm việc siêng năng (Châm-ngôn 13:4). Tuy nhiên, Kinh Thánh không khuyên chúng ta trở thành người nghiện công việc. Truyền-đạo 4:6 nói: “Thà đầy một lòng bàn tay mà bình-an, hơn là đầy cả hai mà bị lao-khổ, theo luồng gió thổi”. Ý câu này là gì? Một người tham công tiếc việc không bao giờ vui hưởng thành quả của công lao mình vì công việc chiếm hết thời gian và sức lực của họ. Rốt cuộc, công việc của người ấy trở nên vô nghĩa như “luồng gió thổi”.
Kinh Thánh có thể giúp chúng ta vun trồng quan điểm thăng bằng về công việc. Dù nói rằng chúng ta nên chú tâm vào công việc, nhưng Kinh Thánh cũng khuyên chúng ta “nhận biết những điều quan trọng hơn” (Phi-líp 1:10). Đó là gì? Những điều đó bao gồm thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Quan trọng hơn nữa là các hoạt động tâm linh, chẳng hạn như đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời.
Những ai giữ đời sống thăng bằng có thể vui hưởng công việc nhiều hơn. Anh William, được đề cập ở trên, cho biết: “Một người chủ trước đây của tôi nêu gương xuất sắc về thái độ thăng bằng trong công việc. Ông làm việc siêng năng, có mối quan hệ tốt với khách hàng nhờ làm việc hiệu quả. Nhưng đến cuối ngày, khi hoàn tất công việc, ông để công việc sang một bên và tập trung vào gia đình cũng như hoạt động tâm linh. Bạn biết không, ông ấy là một trong những người hạnh phúc nhất mà tôi biết!”.