Noi theo tính can đảm và sự thông sáng của Chúa Giê-su
“Tuy chưa bao giờ thấy ngài nhưng anh em vẫn yêu thương ngài. Dù hiện nay không thấy ngài nhưng anh em vẫn thể hiện đức tin nơi ngài”.—1 PHI 1:8.
1, 2. (a) Để có triển vọng được cứu rỗi, chúng ta phải làm gì? (b) Điều gì giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình dẫn đến sự cứu rỗi?
Khi trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô, chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình. Cuộc hành trình ấy có thể dẫn chúng ta đến sự sống, dù ở trên trời hay trên đất. Chúa Giê-su nói: “Ai bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng [đến cuối cuộc đời mình hoặc đến cuối thế gian gian ác này] thì sẽ được cứu” (Mat 24:13). Đúng thế, nếu kiên định với lối sống trung thành, chúng ta có triển vọng được giải cứu. Tuy nhiên trên đường đi, chúng ta phải cẩn thận để tránh bị phân tâm hay lạc lối (1 Giăng 2:15-17). Vậy làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình?
2 Dẫn đầu cuộc hành trình ấy là Chúa Giê-su, Đấng Gương Mẫu của chúng ta. Qua việc học hỏi những gì Kinh Thánh ghi lại về cuộc hành trình của Chúa Giê-su, chúng ta có thể biết ngài là đấng như thế nào. Nhờ thế, chúng ta có thể yêu mến và thể hiện đức tin nơi ngài. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:8, 9). Hãy nhớ sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng Chúa Giê-su đã để lại gương mẫu hầu chúng ta theo sát dấu chân ngài (1 Phi 2:21). Nếu cẩn thận bước theo dấu chân Chúa Giê-su, chúng ta sẽ đạt được “mục tiêu” của đức tin, tức sự cứu rỗia. Trong bài trước, chúng ta đã bàn về cách noi gương Chúa Giê-su trong việc thể hiện tính khiêm nhường và dịu dàng. Giờ đây, chúng ta xem xét làm thế nào có thể noi gương ngài qua việc thể hiện tính can đảm và sự thông sáng.
CHÚA GIÊ-SU—MỘT NGƯỜI CAN ĐẢM
3. Can đảm là gì, và làm sao chúng ta có được lòng can đảm?
3 Sự can đảm là một hình thức của sự tự tin giúp chúng ta vững mạnh và bền bỉ. Sự can đảm được miêu tả là “bền chí đương đầu với nghịch cảnh”, “bênh vực điều đúng” và “đối mặt sự đau khổ với lòng tự trọng hoặc đức tin”. Đức tính này đi đôi với sự kính sợ, hy vọng và tình yêu thương. Tại sao vậy? Sự kính sợ Đức Chúa Trời cho chúng ta lòng can đảm để vượt qua nỗi sợ loài người (1 Sa 11:7; Châm 29:25). Hy vọng thật giúp chúng ta có cái nhìn xa hơn những thử thách hiện tại và hướng đến tương lai với lòng tin chắc (Thi 27:14). Tình yêu thương bất vị kỷ thôi thúc chúng ta thể hiện lòng can đảm, ngay cả khi nguy hại đến bản thân (Giăng 15:13). Chúng ta có can đảm nhờ tin cậy Đức Chúa Trời và bước theo dấu chân của Con ngài.—Thi 28:7.
4. Chúa Giê-su thể hiện lòng can đảm như thế nào khi ở “giữa các thầy dạy đạo” trong đền thờ? (Xem hình nơi đầu bài).
4 Ngay khi còn là cậu bé 12 tuổi, Chúa Giê-su đã can đảm bênh vực điều đúng. Hãy lưu ý sự việc xảy ra khi cậu bé Giê-su ở “trong đền thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy đạo”. (Đọc Lu-ca 2:41-47). Những thầy dạy đạo này không những thông thạo Luật pháp Môi-se mà còn thuộc những truyền thống đến từ con người làm suy yếu Luật pháp ấy. Nhưng Chúa Giê-su đã không để sự e ngại khiến ngài im lặng; ngài “đặt câu hỏi” cho họ. Chắc chắn ngài không đặt câu hỏi như một cậu bé tò mò. Thay vì thế, Chúa Giê-su đặt những câu hỏi gợi suy nghĩ, khiến các thầy dạy đạo rất chú ý. Nếu những thầy dạy đạo ấy cố đặt các câu hỏi gây tranh luận để làm Chúa Giê-su lúng túng thì họ đã thất bại. Mọi người lắng nghe, kể cả các thầy dạy đạo, đều “kinh ngạc trước sự hiểu biết và lời đối đáp của ngài”. Rõ ràng, những lời đối đáp của Chúa Giê-su ủng hộ sự thật trong Lời Đức Chúa Trời!
5. Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su đã cho thấy sự can đảm qua những cách nào?
5 Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su thể hiện sự can đảm qua nhiều cách khác nhau. Ngài can đảm vạch trần giới lãnh đạo tôn giáo vì đã dạy những điều sai lệch khiến người ta lầm đường lạc lối (Mat 23:13-36). Ngài kiên quyết chống lại ảnh hưởng đồi bại của thế gian (Giăng 16:33). Ngài tiếp tục rao giảng bất chấp áp lực của những kẻ chống đối (Giăng 5:15-18; 7:14). Chúa Giê-su đã hai lần can đảm dọn sạch đền thờ bằng cách đuổi những kẻ làm ô uế sự thờ phượng ở đấy.—Mat 21:12, 13; Giăng 2:14-17.
6. Chúa Giê-su đã thể hiện tính can đảm như thế nào vào ngày cuối cùng ở trên đất?
6 Đức tin của chúng ta được vững mạnh khi xem xét tính can đảm mà Chúa Giê-su thể hiện khi đối mặt với sự đau khổ. Hãy xem ngài đã thể hiện sự can đảm thế nào vào ngày cuối cùng ở trên đất. Chúa Giê-su biết những gì sẽ xảy ra sau khi bị Giu-đa phản bội. Nhưng tại Lễ Vượt Qua, ngài đã nói với hắn: “Anh đang làm gì thì hãy làm nhanh đi” (Giăng 13:21-27). Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-su can đảm cho quân lính đến bắt ngài biết mình là ai. Dù tính mạng bị lâm nguy, ngài lên tiếng để bảo vệ các môn đồ (Giăng 18:1-8). Khi bị thẩm vấn trước Tòa Tối Cao, Chúa Giê-su can đảm xác nhận mình là Đấng Ki-tô và là Con Đức Chúa Trời, dù biết thầy tế lễ thượng phẩm đang chờ cơ hội để khép ngài vào tội chết (Mác 14:60-65). Chúa Giê-su kiên quyết giữ lòng trung thành cho đến khi chết trên cây khổ hình. Lúc sắp trút hơi thở cuối cùng trong sự đau đớn tột độ, ngài đã thốt lên lời chiến thắng: “Mọi việc đã hoàn tất”!—Giăng 19:28-30.
NOI GƯƠNG CAN ĐẢM CỦA CHÚA GIÊ-SU
7. Hỡi các bạn trẻ, bạn cảm thấy thế nào về việc mang danh Đức Giê-hô-va, và làm sao bạn cho thấy mình can đảm?
7 Làm thế nào chúng ta có thể noi gương can đảm của Chúa Giê-su? Tại trường học. Hỡi các bạn trẻ, các bạn đã chứng tỏ lòng can đảm khi sẵn sàng nhận mình là Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va, dù bị bạn học hoặc người khác chọc ghẹo. Qua cách đó, bạn cho thấy mình hãnh diện mang danh Đức Giê-hô-va. (Đọc Thi-thiên 86:12). Có thể bạn phải đương đầu với áp lực chấp nhận thuyết tiến hóa. Nhưng bạn có lý do chính đáng để tin chắc niềm tin dựa trên Kinh Thánh về sự sáng tạo. Bạn có thể dùng sách mỏng Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng để đưa ra lời giải đáp thuyết phục cho những ai muốn biết về ‘niềm hy vọng của bạn’ (1 Phi 3:15). Rồi bạn sẽ cảm thấy thỏa nguyện khi biết mình đã ủng hộ sự thật của Lời Đức Chúa Trời.
8. Chúng ta có những lý do nào để rao giảng với lòng dạn dĩ?
8 Trong thánh chức. Là tín đồ chân chính của Đấng Ki-tô, chúng ta cần tiếp tục “dạn dĩ giảng dạy nhờ quyền mà Đức Giê-hô-va ban” (Công 14:3). Chúng ta có những lý do nào để rao giảng với lòng dạn dĩ hay can đảm? Chúng ta biết thông điệp mình rao truyền là sự thật vì điều đó dựa trên Kinh Thánh (Giăng 17:17). Chúng ta nhận biết mình “là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” và có sự hỗ trợ của thần khí (1 Cô 3:9; Công 4:31). Chúng ta biết rằng qua việc sốt sắng làm chứng, chúng ta thể hiện lòng sùng kính với Đức Giê-hô-va và tình yêu thương người đồng loại (Mat 22:37-39). Vì có lòng can đảm nên chúng ta không thể im lặng. Ngược lại, chúng ta quyết tâm vạch trần những dạy dỗ sai lầm của các tôn giáo làm mù tâm trí người ta và khiến họ không nhận ra sự thật (2 Cô 4:4). Chúng ta sẽ bền chí rao truyền tin mừng, bất chấp sự thờ ơ, chế giễu hoặc chống đối.—1 Tê 2:1, 2.
9. Chúng ta có thể biểu lộ lòng can đảm như thế nào khi đối mặt với đau khổ?
9 Khi đối mặt với đau khổ. Tin cậy nơi Đức Chúa Trời cho chúng ta đức tin và lòng can đảm để đương đầu với nghịch cảnh. Khi người thân yêu qua đời, chúng ta đau buồn nhưng không mất hy vọng. Chúng ta hướng đến “Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi” với lòng tin chắc rằng ngài sẽ ban sức cho chúng ta (2 Cô 1:3, 4; 1 Tê 4:13). Nếu mắc một căn bệnh nghiêm trọng hoặc bị thương nặng, có thể chúng ta phải chịu đau đớn nhưng quyết không thỏa hiệp. Chúng ta từ chối bất cứ phương pháp trị liệu nào trái ngược với các nguyên tắc Kinh Thánh (Công 15:28, 29). Nếu chúng ta ngã lòng thì ‘lòng mình có thể lên án mình’. Dù thế, chúng ta không bỏ cuộc vì tin chắc Đức Chúa Trời “ở gần những người có lòng đau-thương”.b—1 Giăng 3:19, 20; Thi 34:18.
CHÚA GIÊ-SU—MỘT NGƯỜI THÔNG SÁNG
10. Thông sáng là gì, và một người thờ phượng Đức Chúa Trời thể hiện sự thông sáng qua việc nói năng và hành động như thế nào?
10 Thông sáng là khả năng phân biệt điều đúng và sai, rồi chọn lựa điều khôn ngoan (Hê 5:14). Đó là “khả năng phán đoán đúng trong các vấn đề thiêng liêng”. Một người thờ phượng Đức Chúa Trời thể hiện sự thông sáng qua việc nói năng và hành động theo cách làm đẹp lòng ngài. Người ấy chọn những lời để trợ giúp người khác thay vì làm tổn thương họ (Châm 11:12, 13). Người ấy “chậm nóng-giận” (Châm 14:29). Người ấy “cứ thẳng đường mà tiến”, gắn bó với con đường đúng trong suốt cuộc đời mình (Châm 15:21, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Làm sao để có được sự thông sáng? Chúng ta phải học hỏi Lời Đức Chúa Trời và áp dụng những điều mình học (Châm 2:1-5, 10, 11). Việc xem xét gương của người thông sáng nhất từng sống là Chúa Giê-su sẽ đặc biệt hữu ích.
11. Chúa Giê-su đã biểu lộ sự thông sáng như thế nào qua lời nói?
11 Chúa Giê-su biểu lộ sự thông sáng qua lời nói và hành động. Qua lời nói. Ngài dùng khả năng phán đoán khi rao giảng tin mừng và chọn “những lời tử tế” khiến người nghe kinh ngạc (Lu 4:22; Mat 7:28). Ngài thường dùng Lời Đức Chúa Trời nói thay cho mình bằng cách đọc, trích dẫn hoặc đề cập những câu Kinh Thánh thích hợp để làm sáng tỏ điểm mà ngài đã nêu (Mat 4:4, 7, 10; 12:1-5; Lu 4:16-21). Chúa Giê-su cũng giải nghĩa các câu Kinh Thánh theo những cách động đến lòng người nghe. Sau khi được sống lại, ngài nói chuyện với hai môn đồ trên đường họ đến làng Em-ma-út, ngài “cắt nghĩa cho họ những điều có liên quan đến ngài trong cả Kinh Thánh”. Sau đó, hai môn đồ ấy nói: “Chẳng phải lòng chúng ta đã rạo rực khi nghe ngài nói chuyện và giải thích Kinh Thánh sao?”.—Lu 24:27, 32.
12, 13. Những trường hợp nào cho thấy Chúa Giê-su chậm nóng giận và phải lẽ?
12 Qua cảm xúc và thái độ. Sự thông sáng đã giúp Chúa Giê-su kiềm chế cảm xúc và “chậm nóng-giận” (Châm 16:32). Ngài có tính “ôn hòa” (Mat 11:29). Ngài luôn kiên nhẫn dù các môn đồ có những khuyết điểm (Mác 14:34-38; Lu 22:24-27). Ngài vẫn giữ sự điềm tĩnh ngay cả khi bị đối xử bất công.—1 Phi 2:23.
13 Sự thông sáng cũng giúp Chúa Giê-su phải lẽ. Chúa Giê-su không chỉ hiểu rõ Luật pháp Môi-se mà còn nhận ra tinh thần nằm sau Luật pháp ấy và hành động phù hợp. Chẳng hạn, hãy xem lời tường thuật nơi Mác 5:25-34. (Đọc). Một phụ nữ bị bệnh rong huyết chen vào giữa đám đông, sờ áo của Chúa Giê-su và được lành bệnh. Theo Luật pháp, phụ nữ ấy bị ô uế, vì vậy bà không nên chạm vào bất cứ người nào (Lê 15:25-27). Nhưng Chúa Giê-su không quở trách việc bà đã làm thế vì ngài nhận biết “những điều quan trọng hơn trong Luật pháp” gồm “lòng thương xót và sự trung thành” (Mat 23:23). Ngài nhân từ nói: “Con gái ơi, đức tin của con đã chữa lành con. Hãy ra về bình an và khỏe mạnh, không phải khổ sở vì căn bệnh này nữa”. Thật xúc động biết bao khi thấy sự thông sáng thôi thúc Chúa Giê-su biểu lộ sự nhân từ như thế!
14. Chúa Giê-su đã chọn làm điều gì, và ngài tiếp tục theo đuổi lối sống ấy bằng cách nào?
14 Qua lối sống. Chúa Giê-su biểu lộ sự thông sáng qua việc chọn lối sống đúng và gắn bó với lối sống ấy. Ngài dành trọn cuộc đời cho việc rao truyền tin mừng và xem đó là sự nghiệp (Lu 4:43). Chúa Giê-su tiếp tục theo đuổi lối sống ấy. Ngài đưa ra những quyết định giúp ngài tập trung và hoàn tất công việc cách thành công. Ngài khôn ngoan chọn lối sống đơn giản để có thể cống hiến thời gian và năng lực cho thánh chức (Lu 9:58). Ngài nhận thấy tầm quan trọng của việc huấn luyện người khác làm công việc này sau khi ngài qua đời (Lu 10:1-12; Giăng 14:12). Chúa Giê-su hứa với các môn đồ rằng ngài vẫn hỗ trợ công việc rao giảng “cho đến khi thời đại này kết thúc”.—Mat 28:19, 20.
NOI THEO SỰ THÔNG SÁNG CỦA CHÚA GIÊ-SU
15. Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ sự thông sáng qua lời nói?
15 Hãy xem một cách khác mà chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su. Qua lời nói. Khi nói chuyện với anh em đồng đạo, chúng ta dùng những lời làm vững mạnh thay vì phá đổ (Ê-phê 4:29). Khi chia sẻ với người khác về Nước Đức Chúa Trời, lời nói của chúng ta nên “nêm thêm muối” (Cô 4:6). Chúng ta cố gắng dùng sự thông sáng để nhận ra nhu cầu và mối quan tâm của chủ nhà, rồi chọn những lời thích hợp. Hãy nhớ rằng lời nói tử tế có thể khiến chủ nhà mở cửa đón tiếp chúng ta và mở lòng lắng nghe tin mừng. Ngoài ra, khi giải thích niềm tin, chúng ta cố gắng để Kinh Thánh nói thay mình. Chúng ta dùng Kinh Thánh làm thẩm quyền và đọc từ sách ấy khi có thể. Chúng ta ý thức thông điệp của Kinh Thánh có quyền lực vượt trội hơn bất cứ điều gì chúng ta nói.—Hê 4:12.
16, 17. (a) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình chậm nóng giận và phải lẽ? (b) Chúng ta có thể tiếp tục tập trung vào thánh chức bằng cách nào?
16 Qua cảm xúc và thái độ. Sự thông sáng giúp chúng ta kiềm chế cảm xúc, làm chúng ta “chậm nóng giận” (Gia 1:19). Khi bị người khác xúc phạm, chúng ta cố gắng dùng sự thông sáng để nhận ra lý do nằm sau lời nói hoặc hành động của người ấy. Sự thông sáng như thế có thể giúp chúng ta nguôi cơn giận và “bỏ qua tội phạm” (Châm 19:11). Đức tính này cũng giúp chúng ta phải lẽ. Do đó, chúng ta cố gắng thực tế trong những điều mà mình mong đợi nơi anh em đồng đạo. Hãy nhớ rằng có lẽ họ đang đương đầu với những thử thách mà mình không hiểu rõ. Chúng ta sẵn sàng lắng nghe quan điểm của họ và chiều theo quan điểm đó khi thích hợp.—Phi-líp 4:5.
17 Qua lối sống. Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta nhận biết không có đặc ân nào cao quý hơn việc tham gia rao truyền tin mừng. Chúng ta tiếp tục theo đuổi lối sống đã chọn bằng cách đưa ra những quyết định giúp chúng ta tập trung vào thánh chức. Chúng ta chọn đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu và giữ đời sống đơn giản để có thể cống hiến hết mình cho công việc quan trọng nhất, đó là rao giảng tin mừng trước khi đến thời điểm kết thúc.—Mat 6:33; 24:14.
18. Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục bước đi trên hành trình dẫn đến sự cứu rỗi, và bạn quyết tâm làm gì?
18 Hẳn chúng ta rất vui mừng khi suy ngẫm về một số đức tính thu hút của Chúa Giê-su. Thật đáng công nếu tìm hiểu thêm về các đức tính khác của ngài và học cách có thể bắt chước ngài nhiều hơn. Vậy hãy quyết tâm theo sát dấu chân của Chúa Giê-su. Khi làm thế, chúng ta sẽ tiếp tục bước đi trên hành trình dẫn đến sự cứu rỗi và đến gần hơn với Đức Giê-hô-va, đấng mà Chúa Giê-su noi gương cách hoàn hảo.
a Câu 1 Phi-e-rơ 1:8, 9 được viết cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô có hy vọng sống trên trời. Tuy nhiên về nguyên tắc, lời này cũng áp dụng cho những người có hy vọng sống trên đất.
b Để biết thêm những gương đã can đảm đương đầu với đau khổ, xin xem Tháp Canh ngày 1-12-2000 trang 24-28; ngày 1-10-2008 trang 28-31; Tỉnh Thức! ngày 22-4-2003 trang 18-21 (Anh ngữ); ngày 22-1-1995 trang 11-15 (Anh ngữ).