Chúng ta có thể làm Đức Chúa Trời vui lòng không?
Bạn có bao giờ thán phục khi đọc về những nhân vật trong Kinh Thánh rồi tự nhủ: “Mình không thể giống như họ!”. Có lẽ bạn lý luận: “Mình không trọn vẹn hay công chính, và dĩ nhiên không phải lúc nào mình cũng làm điều đúng”.
Tộc trưởng Gióp được miêu tả là người “trọn-vẹn và ngay-thẳng” (Gióp 1:1). Lót được gọi là “người công chính” (2 Phi-e-rơ 2:8). Đa-vít còn được xem là người “làm điều thiện” trước mặt Đức Chúa Trời (1 Các Vua 14:8). Tuy nhiên, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về đời sống của những nhân vật ấy trong Kinh Thánh. Chúng ta sẽ thấy (1) họ phạm sai lầm, (2) chúng ta có thể học được nhiều điều qua gương của họ và (3) con người không hoàn hảo vẫn có thể thật sự làm vui lòng Đức Chúa Trời.
HỌ PHẠM SAI LẦM
Gióp trải qua biết bao đau khổ và có vẻ bị đối xử bất công. Ông có quan điểm sai lầm khi kết luận rằng Đức Chúa Trời không quan tâm dù ông có đức tin nơi ngài hay không (Gióp 9:20-22). Gióp tự thấy mình công bình đến nỗi người khác nghĩ rằng ông xem mình công bình hơn Đức Chúa Trời.—Gióp 32:1, 2; 35:1, 2.
Lót đã chần chừ trước quyết định đơn giản và rõ ràng. Ông vô cùng sầu não khi thấy sự vô luân quá độ trong thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, thậm chí “người công chính ấy bị đau đớn” bởi những hành vi gian ác (2 Phi-e-rơ 2:8). Đức Chúa Trời tuyên bố ngài sẽ hủy diệt những thành gian ác và cho Lót cùng gia đình cơ hội được giải cứu. Có lẽ bạn hình dung Lót sẽ là người đầu tiên rời khỏi nơi ấy. Nhưng trong thời khắc nguy cấp đó, ông vẫn lưỡng lự. Thiên sứ được phái xuống để giải cứu ông cùng gia đình buộc phải nắm lấy tay họ và kéo ra khỏi thành một cách an toàn.—Sáng-thế Ký 19:15, 16.
Đa-vít có lần không tự chủ và phạm tội ngoại tình với người đã có chồng. Thật bàng hoàng, Đa-vít đã giết chồng của bà để bịt đầu mối (2 Sa-mu-ên, chương 11). Kinh Thánh nói điều Đa-vít làm “không đẹp lòng Đức Giê-hô-va”.—2 Sa-mu-ên 11:27.
Gióp, Lót và Đa-vít đều phạm lỗi, một số lỗi lầm của họ rất nghiêm trọng. Nhưng như chúng ta sẽ thấy, họ chân thành mong ước được phụng sự Đức Chúa Trời với thái độ vâng lời. Họ cho thấy mình hối tiếc và sẵn lòng thay đổi đường lối khi cần. Vì thế, Đức Chúa Trời hài lòng về họ và nói chung Kinh Thánh gọi họ là những người trung thành.
CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC ĐIỀU GÌ?
Là người không hoàn hảo, chúng ta không thể tránh phạm sai lầm (Rô-ma 3:23). Nhưng khi phạm lỗi, chúng ta cần cho thấy mình hối tiếc và rồi cố gắng điều chỉnh vấn đề.
Làm sao Gióp, Lót và Đa-vít cố gắng sửa chữa lỗi lầm? Thật sự Gióp là người trung thành. Sau khi Đức Chúa Trời lý luận với Gióp, ông điều chỉnh lối suy nghĩ và hối tiếc về những điều ông nói (Gióp 42:6). Quan điểm của Lót về hạnh kiểm của những người ở thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ hoàn toàn hòa hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Vấn đề ở đây là ông nhất thời mất sự khẩn cấp. Cuối cùng ông trốn khỏi những thành bị kết án này và thoát được sự phán xét của Đức Chúa Trời. Vì vâng lời, ông thậm chí không quay lại nhìn những gì phía sau. Dù Đa-vít phạm lỗi nặng khi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, ông bộc lộ điều thật sự trong lòng bằng cách chân thành ăn năn và nài xin Đức Chúa Trời thương xót.—Thi-thiên 51.
Đức Chúa Trời có quan điểm phải lẽ đối với những người không hoàn hảo. Đức Chúa Trời “biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất” (Thi-thiên 103:14). Do đó, nếu Đức Chúa Trời biết chúng ta không thể tránh việc phạm lỗi, thì ngài kỳ vọng điều gì nơi chúng ta?
Đức Chúa Trời “biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”.—Thi-thiên 103:14
LÀM THẾ NÀO NGƯỜI KHÔNG HOÀN HẢO CÓ THỂ LÀM VUI LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI?
Lời khuyên của Đa-vít dành cho con trai Sa-lô-môn giúp chúng ta biết cách làm vui lòng Đức Chúa Trời. Đa-vít nói: “Sa-lô-môn, con trai ta, hãy nhận-biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục-sự Ngài” (1 Sử-ký 28:9). Hết lòng là gì? Đó là trọn lòng yêu thương Đức Chúa Trời, luôn nhạy bén trước ý muốn và những đòi hỏi của ngài. Đây không phải là tấm lòng hoàn hảo, nhưng là lòng khao khát phụng sự Đức Chúa Trời cách vâng phục và sẵn sàng nhận lời khuyên. Việc yêu thương Đức Chúa Trời và mong muốn vâng lời ngài cho thấy Gióp là người “trọn-vẹn”, Lót là người “công chính” và Đa-vít “chỉ làm điều thiện” trước mặt Đức Chúa Trời. Dù phạm lỗi nhưng họ có thể làm vui lòng ngài.
Nếu trọn lòng yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta luôn nhạy bén trước ý muốn của ngài và khao khát phụng sự ngài cách vâng phục
Vậy, nếu chúng ta có ý nghĩ sai trái nào len lỏi vào trí, nói điều gì đó khiến mình hổ thẹn hoặc làm điều gì mà sau này mình nhận ra là sai, chúng ta được an ủi qua ba trường hợp đã đề cập ở trên. Đức Chúa Trời biết hiện nay sự hoàn hảo nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Tuy nhiên, ngài muốn chúng ta yêu thương và cố gắng vâng lời ngài. Nếu trọn lòng yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta tin chắc mình cũng có thể làm vui lòng ngài.