HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | HÊ-NÓC
‘Ông đã làm vui lòng Đức Chúa Trời’
Hê-nóc sống rất lâu. Có lẽ chúng ta khó hình dung được rằng ông đã sống khoảng 365 năm, lâu hơn gấp bốn lần so với tuổi thọ của người ta ngày nay! Nhưng thật ra vào thời đó, ông chưa phải là già. Thời ấy, tức hơn 50 thế kỷ trước, tuổi thọ của người ta cao hơn ngày nay rất nhiều. Người đầu tiên là A-đam đã hơn 600 tuổi khi Hê-nóc được sinh ra, và A-đam sống thêm 300 năm nữa! Một vài con cháu của A-đam còn sống lâu hơn thế. Do đó, ở tuổi 365, có lẽ trông Hê-nóc vẫn cường tráng giống như một người có rất nhiều năm tháng phía trước. Nhưng thực tế, ông không còn nhiều thời gian để sống.
Chắc hẳn Hê-nóc đang gặp mối nguy hiểm chết người. Hãy hình dung ông đang chạy trốn. Ông không thể ngưng nghĩ về phản ứng của những người mới được ông nói cho biết một thông điệp của Đức Chúa Trời. Khuôn mặt họ nhăn nhó vì giận dữ. Họ thù ghét ông. Họ khinh thường thông điệp của ông và căm ghét Đức Chúa Trời, là đấng đã phái ông đi. Họ không thể làm gì Đức Chúa Trời của Hê-nóc, là Đức Giê-hô-va, nhưng chắc chắn họ có thể làm hại người đàn ông này! Có lẽ Hê-nóc đã tự hỏi liệu ông sẽ gặp lại gia đình của mình không. Ông có nghĩ về vợ và các con gái, hoặc về con trai là Mê-tu-sê-la hay cháu trai là Lê-méc không? (Sáng-thế Ký 5:21-23, 25). Phải chăng đời ông đến đây là hết?
Hê-nóc là một nhân vật Kinh Thánh khá bí ẩn. Chỉ có ba đoạn ngắn trong Kinh Thánh nhắc đến ông (Sáng-thế Ký 5:21-24; Hê-bơ-rơ 11:5; Giu-đe 14, 15). Tuy nhiên, những câu này giống như vài nét chấm phá, đủ để phác họa nên bức tranh về một người đàn ông có đức tin mạnh mẽ. Bạn có phải là người chu cấp cho gia đình không? Bạn đã từng tranh đấu cho điều mình biết là đúng chưa? Nếu vậy, bạn có thể học được nhiều điều từ đức tin của Hê-nóc.
“HÊ-NÓC ĐỒNG ĐI CÙNG ĐỨC CHÚA TRỜI”
Khi Hê-nóc ra đời, nhân loại đang đi theo đường lối xấu. Họ là cháu bảy đời của A-đam. Con người thời đó rất gần với sự hoàn hảo về thể chất mà A-đam và Ê-va từng có rồi đánh mất. Đó là lý do người ta vẫn sống rất lâu. Dù vậy, họ ở trong tình trạng tồi tệ về đạo đức và thiêng liêng. Bạo lực diễn ra khắp nơi. Xu hướng này bắt đầu từ thế hệ thứ hai, khi Ca-in giết em trai là A-bên. Một trong những con cháu của Ca-in dường như rất tự hào vì mình còn hung bạo và hận thù hơn Ca-in! Trong thế hệ thứ ba, một điều xấu mới đã xuất hiện. Người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Giê-hô-va, nhưng đây không phải là một hành động thờ phượng sùng kính. Rõ ràng họ đã dùng danh thánh của Đức Chúa Trời theo cách bất kính và phạm thượng.—Sáng-thế Ký 4:8, 23-26.
Thứ tôn giáo bại hoại này rất có thể đã trở nên phổ biến trong thời Hê-nóc. Khi lớn lên, Hê-nóc phải đưa ra một sự lựa chọn: Ông sẽ hòa nhập với đám đông hay sẽ tìm kiếm Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va, đấng đã tạo nên trời và đất? Chắc hẳn ông rất cảm động khi biết về A-bên, người đã mất đi mạng sống vì thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách đẹp lòng ngài. Hê-nóc quyết định có lập trường tương tự. Sáng-thế Ký 5:22 cho biết: “Hê-nóc... đồng đi cùng Đức Chúa Trời”. Lời nhận xét đáng chú ý đó đã biệt riêng Hê-nóc như một người tin kính giữa thế gian không tin kính. Ông là người đầu tiên được Kinh Thánh miêu tả theo cách đó.
Câu Kinh Thánh ấy nói rằng sau khi sinh con trai là Mê-tu-sê-la, Hê-nóc tiếp tục đồng đi cùng Đức Giê-hô-va. Thế nên, chúng ta thấy khi Hê-nóc khoảng 65 tuổi, ông là một người của gia đình. Ông có vợ; bà không được nêu tên trong Kinh Thánh. Ông cũng có “con trai con gái”, dù Kinh Thánh không nói rõ ông có bao nhiêu người con. Nếu một người cha muốn đồng đi cùng Đức Chúa Trời trong khi nuôi dạy con cái và chu cấp cho gia đình, ông phải cố gắng chăm lo cho gia đình theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Hê-nóc hiểu rằng Đức Giê-hô-va đòi hỏi ông phải chung thủy với vợ (Sáng-thế Ký 2:24). Chắc chắn, ông cũng nỗ lực hết sức để dạy các con về Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Kết quả là gì?
Kinh Thánh không cho biết nhiều chi tiết về điều này. Kinh Thánh không nói gì về đức tin của con trai Hê-nóc là Mê-tu-sê-la, người sống lâu nhất theo lời tường thuật trong Kinh Thánh và chết trong năm mà trận Đại Hồng Thủy xảy ra. Tuy nhiên, Mê-tu-sê-la sinh một con trai tên là Lê-méc. Lê-méc sống cùng thời với ông nội mình là Hê-nóc trong hơn một thế kỷ. Khi lớn lên, Lê-méc cho thấy ông là người có đức tin. Đức Giê-hô-va soi dẫn ông nói tiên tri về con trai ông là Nô-ê, và lời tiên tri đó đã thành hiện thực sau trận Đại Hồng Thủy. Giống như ông cố là Hê-nóc, Nô-ê cũng được nói đến là đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Nô-ê chưa bao giờ gặp Hê-nóc, nhưng Hê-nóc đã để lại một di sản quý giá. Nô-ê có thể biết về di sản đó qua cha của ông là Lê-méc, hoặc qua ông nội là Mê-tu-sê-la, hay thậm chí qua cha của Hê-nóc là Giê-rệt, người đã qua đời khi Nô-ê được 366 tuổi.—Sáng-thế Ký 5:25-29; 6:9; 9:1.
Hãy nghĩ về sự tương phản giữa Hê-nóc và A-đam. Dù hoàn hảo nhưng A-đam đã phạm tội với Đức Giê-hô-va, đồng thời truyền lại cho con cháu sự phản nghịch và đau khổ. Hê-nóc là người bất toàn, nhưng ông đã đồng đi cùng Đức Chúa Trời và để lại cho con cháu một di sản về đức tin. A-đam chết khi Hê-nóc được 308 tuổi. Gia đình của A-đam có khóc thương cho tổ phụ vô cùng ích kỷ đó không? Chúng ta không biết. Dù sao đi nữa, Hê-nóc đã tiếp tục “đồng đi cùng Đức Chúa Trời”.—Sáng-thế Ký 5:24.
Nếu bạn là người chu cấp cho gia đình, hãy xem bạn có thể học được gì từ đức tin của Hê-nóc. Dù việc chu cấp cho gia đình về vật chất là điều thiết yếu, nhưng không có nhu cầu nào quan trọng hơn nhu cầu về thiêng liêng (1 Ti-mô-thê 5:8). Bạn đáp ứng nhu cầu đó không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động. Nếu chọn đồng đi với Đức Chúa Trời giống như Hê-nóc và để các tiêu chuẩn của ngài hướng dẫn đời sống, bạn cũng sẽ cho gia đình một di sản quý giá. Đó là một gương xuất sắc để gia đình noi theo.
HÊ-NÓC “TIÊN TRI VỀ HỌ”
Có thể Hê-nóc cảm thấy mình đơn độc khi là một người có đức tin trong một thế gian thiếu đức tin. Nhưng Đức Chúa Trời của ông, Đức Giê-hô-va, có để ý đến ông không? Có. Vào ngày nọ, Đức Giê-hô-va liên lạc với người tôi tớ trung thành này. Đức Chúa Trời ban cho Hê-nóc một thông điệp để rao truyền cho những người sống trong thời của ông. Do đó, Đức Chúa Trời khiến Hê-nóc trở thành một nhà tiên tri, và là nhà tiên tri đầu tiên mà thông điệp của ông được Kinh Thánh ghi lại. Chúng ta biết điều này vì nhiều thế kỷ sau, người em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su là Giu-đe đã được soi dẫn để viết ra lời tiên tri của Hê-nóc.a
Lời tiên tri của Hê-nóc là gì? Đó là: “Kìa! Đức Giê-hô-va đã đến với muôn vàn thiên sứ thánh của ngài để xét xử mọi người và kết án những kẻ khinh thường ngài vì mọi hành vi bất kính của họ, vì mọi lời độc địa mà những kẻ tội lỗi ấy đã nói phạm đến ngài” (Giu-đe 14, 15). Trước tiên, bạn có thể để ý rằng Hê-nóc nói theo thì quá khứ, như thể Đức Chúa Trời đã thực hiện lời tiên tri ấy. Nhiều lời tiên tri sau này được viết theo khuôn mẫu đó. Điều này có nghĩa gì? Nhà tiên tri đang nói về một điều mà chắc chắn sẽ xảy ra, chắc chắn đến mức được miêu tả như thể nó đã xảy ra rồi!—Ê-sai 46:10.
Hê-nóc cảm thấy thế nào khi truyền lời tuyên bố đó, có lẽ qua việc rao giảng cho mọi người xung quanh? Hãy để ý lời cảnh báo ấy mạnh mẽ như thế nào: Những từ như “khinh thường”, “bất kính”, “độc địa” được dùng để lên án người ta, lên án những hành vi của họ và cách họ thực hiện những hành vi ấy. Do đó, lời tiên tri cảnh báo cả nhân loại rằng thế gian mà họ xây dựng kể từ sự trục xuất khỏi vườn Ê-đen là hoàn toàn bại hoại. Thế gian ấy sẽ bị kết liễu khi Đức Giê-hô-va đến với “muôn vàn thiên sứ thánh của ngài”, tức những đạo binh gồm các thiên sứ mạnh mẽ, để hủy diệt thế gian. Hê-nóc đã dũng cảm rao ra lời cảnh báo ấy, và ông làm thế một mình! Có lẽ người trẻ Lê-méc đã quan sát và ngưỡng mộ lòng can đảm của ông nội. Nếu thế, chúng ta có thể dễ dàng hiểu lý do.
Đức tin của Hê-nóc có thể thôi thúc chúng ta tự hỏi liệu mình có xem thế gian này theo quan điểm của Đức Chúa Trời không. Sự phán xét mà Hê-nóc can đảm tuyên bố vẫn còn giá trị; sự phán xét ấy đã áp dụng cho thế gian vào thời Hê-nóc và cũng áp dụng cho thế gian ngày nay. Đúng như lời cảnh báo của Hê-nóc, Đức Giê-hô-va đã giáng trận Đại Hồng Thủy xuống thế gian không tin kính đó trong thời Nô-ê. Nhưng sự hủy diệt ấy là khuôn mẫu cho một sự hủy diệt lớn hơn sắp tới (Ma-thi-ơ 24:38, 39; 2 Phi-e-rơ 2:4-6). Ngày nay, cũng như vào thời xưa, Đức Chúa Trời cùng với muôn vàn thiên sứ thánh của ngài đang sẵn sàng thi hành sự phán xét công chính đối với một thế gian không tin kính. Mỗi chúng ta cần ghi nhớ lời cảnh báo của Hê-nóc và chia sẻ với người khác. Gia đình và bạn bè có thể lánh xa chúng ta. Đôi lúc chúng ta có thể thấy đơn độc. Nhưng Đức Giê-hô-va đã không bao giờ bỏ rơi Hê-nóc, và ngài cũng sẽ không bao giờ bỏ rơi các tôi tớ trung thành ngày nay!
“ĐƯỢC ĐƯA ĐI ĐỂ KHÔNG PHẢI TRẢI QUA CÁI CHẾT THÔNG THƯỜNG”
Cuộc đời của Hê-nóc kết thúc như thế nào? Theo nghĩa nào đó, cái chết của ông thậm chí còn bí ẩn và gây tò mò hơn cuộc sống của ông. Sách Sáng-thế Ký chỉ nói: “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi” (Sáng-thế Ký 5:24). Đức Chúa Trời tiếp Hê-nóc đi theo cách nào? Sau này, sứ đồ Phao-lô giải thích: “Bởi đức tin, Hê-nóc được đưa đi để không phải trải qua cái chết thông thường, không ai tìm thấy ông nữa vì Đức Chúa Trời đã đưa ông đi; nhưng trước khi được đưa đi, ông được chứng nhận là đã làm vui lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 11:5). Phao-lô có ý gì khi dùng cụm từ “được đưa đi để không phải trải qua cái chết thông thường”? Một số bản dịch Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời đưa Hê-nóc lên trời. Nhưng điều đó không hợp lý. Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su Ki-tô là người đầu tiên được sống lại để lên trời.—Giăng 3:13.
Vậy theo nghĩa nào Hê-nóc “được đưa đi” để không phải “trải qua cái chết thông thường”? Rất có thể Đức Giê-hô-va đã nhẹ nhàng đưa Hê-nóc vào sự chết, nhờ thế ông không phải chịu một cái chết đau đớn. Nhưng trước tiên, Hê-nóc “được chứng nhận là đã làm vui lòng Đức Chúa Trời”. Như thế nào? Ngay trước khi chết, có thể Hê-nóc đã nhận được một khải tượng từ Đức Chúa Trời. Có lẽ khải tượng này cho ông thấy trái đất trở thành địa đàng. Đó là bằng chứng rõ ràng về việc Đức Giê-hô-va hài lòng với Hê-nóc, và sau khi thấy bằng chứng ấy, Hê-nóc qua đời. Sứ đồ Phao-lô viết về Hê-nóc cũng như những người nam và nữ trung thành khác: “Những người ấy gìn giữ đức tin cho đến chết” (Hê-bơ-rơ 11:13). Sau khi Hê-nóc chết, có thể những kẻ thù đã tìm kiếm thi thể của ông. Nhưng “không ai tìm thấy ông nữa”, có lẽ vì Đức Giê-hô-va đã làm tiêu mất thi thể của Hê-nóc hầu không cho họ hủy hoại hoặc dùng thi thể ấy để cổ vũ tôn giáo sai lầm.b
Với lập luận dựa trên Kinh Thánh ấy, hãy hình dung đời sống của Hê-nóc có lẽ đã kết thúc như thế nào. Hãy mường tượng cảnh sau và nhớ rằng đó chỉ là một trong những tình huống có thể xảy ra. Hê-nóc đang chạy trốn và gần như kiệt sức. Những kẻ bắt bớ đuổi theo ông. Họ vô cùng tức giận trước thông điệp phán xét mà ông rao báo. Hê-nóc tìm được một chỗ để ẩn náu và nghỉ ngơi một chút, nhưng ông biết rằng mình không thể trốn được lâu. Một cái chết đau đớn đã đến rất gần. Trong khi nghỉ ngơi, ông cầu nguyện với Đức Chúa Trời của mình. Rồi ông cảm nhận được sự bình an sâu sắc. Một khải tượng sống động, như thể là Hê-nóc đang ở đó, đã đưa ông đi xa khỏi thực tại.
Hãy hình dung cảnh tượng mở ra trước mắt ông, cho ông thấy một thế giới khác biệt hoàn toàn với thế gian hiện tại. Ông thấy thế giới đó xinh đẹp như vườn Ê-đen, nhưng không có các chê-ru-bim canh gác để con người không vào được. Có vô số người nam và nữ, tất cả đều khỏe mạnh và tràn đầy sức trẻ. Họ sống hòa thuận với nhau. Không có dấu vết nào của sự hận thù và bắt bớ về tôn giáo mà chính Hê-nóc đã trải qua. Về phần mình, Hê-nóc cảm nhận được tình yêu thương, sự trấn an và hài lòng của Đức Giê-hô-va. Ông biết chắc mình thuộc về nơi này. Đó sẽ là ngôi nhà của chính ông. Khi sự bình an mỗi lúc một tràn đầy trong ông, Hê-nóc nhắm mắt lại và chìm vào một giấc ngủ sâu, không mộng mị.
Ông vẫn ngủ trong sự chết cho đến ngày nay, và được cẩn thận lưu giữ trong trí nhớ vô hạn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời! Như lời hứa sau này của Chúa Giê-su, sẽ đến ngày mọi người ở trong trí nhớ của Đức Chúa Trời nghe tiếng Đấng Ki-tô và ra khỏi mồ mả. Khi mở mắt ra, họ sẽ thấy một thế giới mới xinh đẹp và thanh bình.—Giăng 5:28, 29.
Bạn có muốn ở trong thế giới đó không? Hãy hình dung niềm vui của chúng ta khi gặp Hê-nóc. Hãy nghĩ về những điều thú vị chúng ta có thể học từ ông! Hê-nóc có thể cho biết cảnh tượng chúng ta hình dung về những giây phút cuối cùng của ông có đúng với sự thật không. Nhưng có một điều mà chúng ta cần khẩn trương học từ ông ngay bây giờ. Sau khi nhận xét về Hê-nóc, Phao-lô viết: “Không có đức tin thì chẳng thể nào làm vui lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 11:6). Đó quả là lý do xác đáng để mỗi chúng ta noi theo đức tin và lòng can đảm của Hê-nóc!
a Một số học giả Kinh Thánh khẳng định rằng Giu-đe đã trích từ một ngụy thư tên là Sách của Hê-nóc. Nhưng đó là một sách có nội dung hoang đường, không rõ nguồn gốc và được gán cho Hê-nóc một cách sai lầm. Sách này có đề cập chính xác đến lời tiên tri của Hê-nóc, nhưng có thể thông tin này được lấy từ một nguồn tài liệu cổ xưa mà nay đã thất truyền. Đó có thể là một văn bản hoặc một lời truyền khẩu. Có thể Giu-đe đã dùng tài liệu cổ xưa ấy hoặc biết về Hê-nóc qua Chúa Giê-su, người đã chứng kiến cuộc đời của Hê-nóc từ trời.
b Tương tự, rất có thể Đức Chúa Trời đã lo liệu để thi thể của Môi-se và Chúa Giê-su không bị người ta lạm dụng theo cách đó.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:5, 6; Lu-ca 24:3-6; Giu-đe 9.